Wednesday, October 28, 2009

KINH NGHIỆM "CHƠI VỚI MỸ" TỪ ĐÔNG ÂU


Kinh nghiệm 'chơi với Mỹ' từ Đông Âu
Nguyễn Giang
BBCVietnamese.com
Cập nhật: 15:57 GMT - thứ hai, 26 tháng 10, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/10/091026_poland_visit.shtml
Chuyến thăm của Phó Tổng thống Joe Biden đến Ba Lan và Czech tuần qua gợi ra nhiều ý kiến tích cực, sáng suốt từ báo chí Đông Âu, đánh giá đúng quan hệ với Hoa Kỳ, và nêu ra bài học 'chơi với Mỹ' sao cho đúng, điều Việt Nam cũng cần tìm hiểu.
Nói ngắn gọn thì sau giai đoạn 'bắn pháo bông', nhấn mạnh mối quan hệ 'đặc biệt' với Hoa Kỳ, Ba Lan không nên thất vọng vì không có được giàn lá chắn hỏa tiễn.
Nhà bình luận Roman Kuzniar trên tờ Gazeta Wyborcza viết rằng chính giới Ba Lan nên bỏ cách nghĩ cảm tính, quá mức 'nồng nàn' mỗi khi nghĩ về Mỹ.
Theo ông, thời gian qua Warsaw đã tỏ qua quá sẵn sàng lấy lòng người Mỹ, như cùng gửi quân đến Iraq, như nhận dự án giàn lá chắn tên lửa thời Bush dù đó đều là những chuyện không phải là tối quan trọng cho an ninh của Ba Lan.
Nay thì họ thất vọng vì chính quyền Obama đổi hướng sau khi cho rằng vùng Đông Âu đã an toàn nên cần tập trung vào các điểm nóng thực sự khác.
Nhà báo Kuzniar nói Ba Lan cần thừa nhận Hoa Kỳ có nhiều điều quan trọng hơn trên thế giới và dù có muốn giúp, cũng chỉ có thể giúp Ba Lan gián tiếp qua các cơ chế EU và Nato.
Ông kêu gọi hãy để quan hệ với Hoa Kỳ được bình thường, điều mà Phó Tổng thống Biden đã thảo luận nhiều giờ với chính khách Ba Lan.
Ông cũng nói một quan hệ bình thường không nên thiên quá về quân sự, an ninh mà phải được xây đắp lâu dài qua kinh tế và các lĩnh vực khác.

Kỳ cục
Đọc bài viết đó, tôi thấy có một bài học quan trọng cần rút ra cho Việt Nam.
Nếu như Ba Lan cố 'lấy lòng' Hoa Kỳ bằng các quyết định đoản thời, cảm tính thì Việt Nam ngược lại, như đang cố tỏ ra rằng mình không phải đang theo Mỹ.
Lấy ví dụ các vụ bắt và xử vội vã những người mới chỉ gợi ý về một hệ thống chính trị dân chủ kiểu Phương Tây, và có ít nhiều liên hệ với giới Việt Kiều Mỹ.
Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng giao thương Mỹ- Việt đã và đang tiếp diễn mạnh mẽ, cho dù có hay không những nhân vật bất đồng chính kiến vừa qua và hiện nay.
Hàng trăm nghìn Việt Kiều vẫn từ Hoa Kỳ về thăm quê, gửi tiền đều đặn.
Hoa Kỳ vẫn cử quan chức cao cấp sang thăm, vẫn viện trợ, đầu tư vào Việt Nam.
Việc bắt hay không bắt các nhà đấu tranh dân chủ không ảnh hưởng bao nhiêu đến quan hệ hai bên.
Các vụ bắt tuy thế có vẻ như là cách để chính quyền Việt Nam tự trấn an mình rằng tuy liên kết kinh tế, thậm chí hợp tác an ninh, quân sự với Hoa Kỳ, họ vẫn không chạy theo các giá trị Hoa Kỳ cổ vũ như nhân quyền và dân chủ.
Hoặc họ cũng muốn chứng tỏ cho Trung Quốc, Miến Điện, Cuba, Venezuela, Nga thấy là Việt Nam không hề theo Mỹ đâu nhé.
Đây là một sự hiểu lầm rất kỳ cục, hơi giống cách 'làm thân' quá mức của Ba Lan với Mỹ, chỉ có điều là theo chiều ngược lại.
Hoa Kỳ thực ra cũng chẳng cần Việt Nam tỏ thái độ 'theo hay không theo'.
Nước Mỹ đã làm bạn, thậm chí đồng minh quan trọng với nhiều chế độ khác nhau, từ Hồi giáo cực quyền như Saudi Arabia cho đến nhóm nước 'stan' gốc Liên Xô ở Trung Á.
Họ đến Việt Nam vì vị trí địa chính trị quan trọng trong tương quan khu vực thì chừng nào nước Việt Nam
còn nằm ở đó, Hoa Kỳ sẽ vẫn đến, dù cho người cầm quyền là ai.

'Lên gân'

Trở lại phần thứ nhì của bài học Ba Lan mà nhà báo Roman Kuzniar viết ra.
Đó là quan hệ với Mỹ không chỉ nên tập trung vào an ninh và quân sự.
Điều đấy cũng đang diễn ra ở Việt Nam, nơi cuộc đối thoại với Mỹ có nguy cơ chuyển từ di sản chiến tranh sang cuộc đấu khẩu về các vụ án chính trị mà rất có thể do giới an ninh chỉ đạo.
Đã cương quyết hơn với Trung Quốc trong vụ ngư dân rồi, Việt Nam cũng không cần phải tỏ ra 'dị ứng' với Mỹ về nhân quyền.
Hoa Kỳ đã và sẽ còn nêu đề tài đó, không chỉ với Việt Nam.
Đồng ý là quan hệ cần toàn diện nhưng như người viết đã một lần nêu ra, công an và toà án không nên làm công tác đối ngoại.
Với sự tham gia thụ động kỳ quái của một số cơ quan truyền thông, những vụ án bất đồng chính kiến 'được' và 'bị' trình bày ra bên ngoài một cách hết sức bất lợi cho Việt Nam.
Nếu như Ba Lan cần tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ theo các kênh đúng đắn là EU và Nato thì Việt Nam cũng cần bồi đắp mối giao hảo với Mỹ qua Liên Hiệp Quốc và Asean.
Việc chơi lẻ, dù cố làm thân hay cố tỏ ra 'không sợ' đều rất buồn cười và không bình thường.
Sắp tới, Việt Nam không chỉ tiếp tục vai trò quan trọng ở Hội đồng Bảo an LHQ và giữ cương vị Chủ tịch Asean, mà còn cần rất rõ ràng, cương quyết và nghiêm túc trong quan hệ với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc giữa những chuyển biến chiến lược của châu Á.
Đây là những diễn đàn Việt Nam cần thể hiện thái độ tự chủ, thực thụ, căn cứ trên quyền lợi riêng và chung của các đối tác, cùng luật chơi quốc tế, chứ không phải qua phản ứng nhân quyền.
Trong bối cảnh có một không hai đó, cần để ngành ngoại giao Việt Nam có vị thế xứng đáng, mạnh mẽ, tránh bị phủ bóng bởi các vụ án 'lên gân', làm mất lòng dư luận.





No comments: