Wednesday, October 14, 2009

DÂN CHỦ HOÁ Ở CÁC NƯỚC DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO (1)


Dân chủ hóa ở các nước diễn ra như thế nào [1]
Samuel P. Huntington
Dịch giả: Vương Thiện
Đăng ngày 30.09.09
http://danchimviet.com/articles/1527/1/Dan-ch-hoa--cac-nc-din-ra-nh-th-nao-1/Page1.html
Giữa những năm 1974 và 1990 hơn 30 nước Nam Âu, châu Mỹ latinh, Đông Á, và Đông Âu chuyển đổi từ chế độ độc tài sang hệ thống chính thể dân chủ. Cuộc “cách mạng dân chủ toàn cầu” này có lẽ là trào lưu chính trị quan trọng nhất cuối thế kỷ 20. Đây là làn sóng dân chủ hóa lần thứ ba trong kỷ nguyên hiện đại. Làn sóng dân chủ hóa này bao gồm một nhóm các nước chuyển đổi từ chế độ phi dân chủ sang chế độ dân chủ trong một khoảng thời gian nhất định, và số lượng các nước như vậy nhiều hơn nhiều các quá trình chuyển đổi đối nghịch trong cùng khoảng thời gian. Làn sóng thứ nhất diễn ra tại châu Mỹ vào đầu thế kỷ mười chín và lên đến đỉnh điểm vào giai đoạn cuối chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, với khoảng 30 nước đạt được chế độ dân chủ. Cuộc đổ bộ của Mussolini vào thành Rome năm 1922 bắt đầu một làn sóng đối nghịch, và vào năm 1942 chỉ còn lại 12 nền dân chủ trên thế giới. Với chiến thắng của quân đội Đồng minh ở chiến tranh Thế giới lần thứ hai và ảnh hưởng từ phong trào phi thực dân hóa, phong trào hướng tới dân chủ lần thứ hai đã được khởi xướng, mặc dù phong trào lần này yếu dần và thoái trào vào đầu thập niên 60, với khoảng 36 nước hưởng các chế độ dân chủ. Tiếp ngay sau đó là phong trào đối nghịch lần thứ hai hướng về chủ nghĩa độc tài, đánh dấu đột ngột nhất là bằng các cuộc tiếp quản quân sự tại châu Mỹ latinh và cướp chính quyền của những kẻ độc tài như Ferdinand Marcos.
Nguyên nhân khởi nguồn của làn sóng thứ ba, cũng như của các làn sóng trước đó, rất phức tạp và mang tính đặc thù riêng. Tuy nhiên, bài viết này không lưu tâm tới việc tại sao có làn sóng thứ ba này, mà hơn hết lưu tâm với câu hỏi là các tiến trình dân chủ hóa của làn sóng này đã diễn ra như thế nào: các cách thức trong đó lãnh đạo chính trị và quần chúng trong thập niên 1970 và 1980 kết thúc các hệ thống độc tài và tạo ra các chế độ dân chủ. Con đường đi đến sự thay đổi rất đa dạng, cũng như thế về những nhân vật chủ chốt đưa đến sự thay đổi. Hơn hết, điểm bắt đầu và kết thúc của các quá trình này không đối xứng. Có những sự khác biệt rõ rệt tồn tại giữa các chế độ dân chủ: một vài dưới hình thức dân chủ tổng thống, số khác theo hình thức nghị viện, số khác nữa theo trường phái của Charles De Gaulle là sự tổng hòa của cả hai hình thức trên; do đó, một số là hai đảng, số khác đa đảng, và những sự khác biệt lớn tồn tại ở bản chất và sức mạnh của các đảng này. Những sự khác biệt này có tầm quan trọng đáng kể đối với tính ổn định của các hệ thống dân chủ đã hình thành, nhưng không quan trọng lắm trong các quá trình dẫn đến việc ra đời những nền dân chủ này[1]. Sự khác biệt quan trọng hơn cả là trong tất cả các nền dân chủ, viên chức chính của chính phủ được lựa chọn thông qua các cuộc bầu cử mang tính cạnh tranh mà trong đó toàn thể dân chúng đều có thể tham gia. Do đó, các hệ thống dân chủ có một điểm hạt nhân chung về thể chế và đây chính là cái tạo nên đặc tính của các hệ thống này. Các hệ thống độc tài – như từ này được dùng trong nghiên cứu này – được xác định đơn giản là tính vắng mặt của hạt nhân thể chế đó. Ngoài việc không phải là các thể chế dân chủ, các thể chế này có thể không có gì nhiều chung. Do đó, sẽ là cần thiết bắt đầu cuộc thảo luận về sự thay đổi trong các chế độ độc tài bằng việc xác định những sự khác biệt giữa các chế độ này và điểm quan trọng trong những điểm khác biệt đó đối với các tiến trình dân chủ hóa.

CÁC CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI
Trong lịch sử, các chế độ phi dân chủ tồn tại dưới rất nhiều hình thức khác nhau. Các chế độ tiến hành dân chủ hóa trong làn sóng lần thứ nhất nói chung là các chế độ quân chủ chuyên chế, chế độ quý tộc phong kiến còn rơi rớt lại, và các quốc gia kế thừa các đế chế lục địa. Các chế độ dân chủ hóa trong làn sóng lần thứ hai trước đó là các quốc gia phát xít, thuộc địa, và độc tài chính trị cá nhân hóa và trước đó thường đã có kinh nghiệm về dân chủ. Các chế độ chuyển động và hướng tới dân chủ trong làn sóng lần thứ ba rơi vào 3 nhóm: chế độ một đảng, chế độ quân sự, và chế độ độc tài mang tính cá nhân.
Hệ thống một đảng hình thành từ cuộc cách mạng hoặc do sự áp đặt của Xô-viết và bao gồm các nước cộng sản cộng thêm Đài Loan và Mê-hi-cô (Thổ Nhĩ Kỳ cũng phù hợp với mô hình này trước khi nước này thực hiện dân chủ hóa trong làn sóng lần thứ hai vào những năm 1940). Trong các hệ thống này, đảng cầm quyền giữ độc quyền về quyền lực, tiếp cận quyền lực thông qua tổ chức đảng, và đảng cầm quyền hợp pháp hóa sự thống trị của mình thông qua ý thức hệ/hệ tư tưởng. Các hệ thống này thường đạt được mức độ thể chế hóa chính trị tương đối cao. Các chế độ quân sự được tạo ra sau các cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân chủ hoặc dân sự. Trong các hệ thống này, quân đội thực thi quyền lực trên cơ sở thể chế, với một đặc tính tiêu biểu là giới lãnh đạo quân đội thường quản lý nhà nước như những kẻ độc tài quân sự hoặc phân phối các vị trí hàng đầu trong chính phủ cho các vị tướng lĩnh đứng đầu quân đội. Các chế độ quân sự tồn tại trong rất nhiều nước ở châu Mỹ latinh (nơi một số người coi gần giống như mô hình quan liêu – độc tài) và ở cả Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Nigeria và Hàn Quốc.
Chế độ độc tài mang tính cá nhân là nhóm thứ ba, đa dạng hơn trong hệ thống các nền phi dân chủ. Đặc điểm phân biệt một chế độ độc tài mang tính cá nhân là ở chỗ vị lãnh đạo đó là nguồn của quyền hành và ở chỗ quyền lực phụ thuộc vào việc tiếp cận tới vị lãnh đạo này, sự gần gũi với vị này, sự phụ thuộc vào vị này, và sự ủng hộ của vị lãnh đạo này. Nằm trong phân loại này gồm có Bồ Đào Nha dưới thời António Salazar và Marcello Caetano, Tây Ban Nha dưới thời Francisco Franco, Philipin dưới thời Ferdinand Marcos, Ấn Độ dưới thời Indira Ghandi, và Rô-ma-ni-a dưới thời Nicolae Ceausescu. Độc tài mang tính cá nhân có rất nhiều nguồn gốc khởi nguyên. Những vị độc tài ở Philipin và Ấn Độ là kết quả của đảo chính ở cấp độ hành pháp. Độc tài ở Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha bắt đầu bằng các cuộc đảo chính quân sự (trong đó, ở trường hợp của Tây Ban Nha, sau đó dẫn đến chiến tranh dân sự) với những kẻ độc tài lần lượt thiết lập cơ sở quyền lực độc lập với quân đội. Tại Rô-ma-ni-a, độc tài mang tính cá nhân sinh ra từ chế độ một đảng. Chi-lê dưới thời Augusto Pinochet khởi đầu là một chế độ quân sự nhưng trong thực tế dần trở thành độc tài mang tính cá nhân do sự nắm quyền kéo dài của ông này và những bất đồng cũng như vị thế thống trị của ông với các lãnh đạo của giới quân sự. Một vài độc tài mang tính cá nhân như Marcos và Ceausescu, như Anastasio Somoza, François Duvalier, Sese Seko Mobutu, và vua Iran, là những ví dụ điển hình cho mô hình của Weber về các chế độ sultanic đặc trưng bởi quyền bổ nhiệm, ưu đãi, quan hệ và tham nhũng.
Chế độ một đảng, chế độ quân sự, và độc tài mang tính cá nhân đè nén cả tính cạnh tranh và sự tham gia. Hệ thống của Nam Phi khác những chế độ này ở chỗ hệ thống này về cơ bản là chính thể đầu sỏ theo chủng tộc với hơn 70 phần trăm dân số bị loại khỏi chính trị nhưng với tính cạnh tranh chính trị tương đối căng thẳng xuất hiện trong cộng đồng các quan chức chính phủ người da trắng. Kinh nghiệm từ lịch sử cho thấy dân chủ hóa diễn ra dễ dàng hơn nếu cạnh tranh mở rộng trước khi có sự tham gia.[2] Nếu đây là trường hợp đó, triển vọng cho một kết cục dân chủ hóa thành công ở Nam Phi là cao hơn so với các nước có các dạng thức khác của hệ thống độc tài. Quá trình diễn ra ở Nam Phi, ở một mức độ nào đó, giống với các quá trình dân chủ hóa ở thế kỷ 19 tại châu Âu trong đó đặc điểm trung tâm là sự mở rộng quyền đi bỏ phiếu bầu cử và sự thiết lập một chính thể chính trị mang tính đại diện rộng hơn. Trong những trường hợp này, sự loại trừ dựa trên các cơ sở kinh tế, chứ không phải trên cơ sở chủng tộc. Tuy nhiên, trong lịch sử, các hệ thống công xã theo thứ bậc thường có tính kháng cự rất cao trước thay đổi mang tính hòa bình.[3] Cạnh tranh trong hệ thống chính thể đầu sỏ do đó thuận lợi hơn cho quá trình dân chủ hóa thành công của Nam Phi; khái niệm chủng tộc của chính thể đầu sỏ này đã tạo ra vấn đề cho quá trình dân chủ hóa.
Các chế độ cụ thể không phải luôn luôn hợp sít sao vào một trong những phân loại cụ thể kể trên. Ví dụ vào đầu thập niên 1980, Ba Lan là tổng hợp của các yếu tố của một chế độ một đảng đang bị mọt ruỗng và của một chế độ dựa trên quân đội trong tình trạng thiết quân luật đứng đầu là một sĩ quan quân đội và người này cũng đồng thời là tổng bí thư Đảng Cộng sản. Chế độ cộng sản của Rô-ma-ni-a (cũng giống như ở Hàn Quốc) khởi đầu là chế độ một đảng nhưng đến những năm 1980 đã tiến sang hình thức độc tài mang tính cá nhân sultanic.


BẢNG 1
Chế độ Độc tài và Quá trình Tự do hóa/Dân chủ hóa, 1974–90
http://danchimviet.com/articles/1527/1/Dan-ch-hoa--cac-nc-din-ra-nh-th-nao-1/Page1.html

Chế độ tại Chi- lê giữa những năm 1973 và 1989 một phần là chế độ quân sự nhưng trái ngược với các chế độ quân sự khác ở Nam Mỹ, trong suốt thời kỳ tồn tại của nó, cũng chỉ có một lãnh đạo, người đã phát triển các nguồn lực chính trị khác. Do vậy, chế độ này mang khá nhiều các đặc điểm của một chế độ độc tài mang tính cá nhân.
Chế độ độc tài Noriega của Panama, một mặt, cá nhân hóa rất cao nhưng cũng phụ thuộc gần như hoàn toàn vào quyền lực quân sự. Các phân loại trong Bảng 1 do đó phải được xem như những xấp xỉ phác thảo. Khi một chế độ có các yếu tố của cả hai dạng thức, chế độ đó sẽ được phân loại dựa trên những yếu tố nổi trội khi quá trình chuyển đổi đang bắt đầu.
Trong làn sóng lần thứ hai, dân chủ hóa diễn ra phần lớn thông qua sự áp đặt ngoài nước và phi thực dân hóa. Trong làn sóng thứ ba này, như chúng ta đã thấy, hai quá trình này ít đặc biệt hơn, giới hạn trước năm 1990 ở Grenada, Panama, và một vài nước nhỏ là thuộc địa cũ của Anh mà phần lớn nằm trong khu vực Ca-ri-bê. Trong khi các ảnh hưởng từ bên ngoài thường là những nguyên nhân quan trọng của làn sóng dân chủ hóa lần thứ ba, tự bản thân các quá trình này lại mang tính nội tại một cách áp đảo. Các quá trình này có thể được định vị là nằm trên một trục liên tục về tầm quan trọng tương đối của việc điều hành nhà nước và các nhóm đối lập thì được xem như nguồn của dân chủ hóa. Cho các mục tiêu phân tích, sẽ giúp ích nếu nhóm các trường hợp này lại thành 3 loại quá trình chính. Biến đổi (hoặc như cụm từ của Juan J. Linz, sửa đổi) xuất hiện khi các tầng lớp chóp bu cầm quyền chủ động tiến hành thực cải tổ tạo ra dân chủ. Thay thế (hay tuyệt giao, từ của Linz) xuất hiện khi các nhóm đối lập nắm vị trí đầu trong quá trình đem lại dân chủ, và chế độ độc tài sụp đổ hoặc bị lật đổ. Cái được gọi là sự tách thoát hay “biến đổi và thay thế” xuất hiện khi dân chủ hóa đạt được chủ yếu từ hành động chung giữa chính phủ và các nhóm đối lập. Hầu như trong tất cả các trường hợp, các nhóm cả đang nắm giữ quyền lực và bị tước quyền lực đều đóng vai trò nào đó, và các phân loại này chỉ đơn giản để phân biệt vai trò quan trọng tương đối của chính phủ và bên đối lập.
Như với các loại chế độ, các trường hợp về thay đổi chế độ trong lịch sử không nhất thiết phải hợp khít vào các phân loại mang tính lý thuyết ở đây. Hầu như tất cả các chuyển đổi, không chỉ các quá trình tách thoát, đều có ít nhiều thương lượng – rõ ràng hoặc ẩn, công khai hay vụng trộm – giữa chính phủ và các nhóm đối lập. Thỉnh thoảng chuyển đổi bắt đầu như một dạng thức nhưng sau đó dần trở thành một dạng thức khác. Ví dụ, đầu những năm 1980, P. W. Botha có vẻ như bắt đầu khởi xướng quá trình biến đổi trong hệ thống chính trị Nam Phi, nhưng ông ta đã dừng lại kiểu như không dân chủ hóa hệ thống này. Đối diện với một môi trường chính trị khác biệt, người kế nhiệm của ông này, F.W. de Klerk, chuyển sang quá trình tách thoát trong đó có thương lượng với nhóm đối lập chính. Tương tự, các học giả đồng ý với nhau là chính phủ Bra-zil đã khởi xướng và kiểm soát quá trình chuyển đổi cho rất nhiều năm. Một số lại cho rằng chính phủ này đã để mất quyền kiểm soát của mình trong quá trình đó và đấy là kết quả của các cuộc huy động dân chúng và biểu tình trong những năm 1979–1980; tuy nhiên, những người khác lại chỉ ra rằng thành công của chính phủ trong việc kháng cự lại những yêu cầu mạnh mẽ của phe đối lập về bầu cử trực tiếp tổng thống giữa thập niên 1980s. Mỗi trường hợp trong lịch sử đều bao gồm cả các yếu tố của hai hoặc nhiều hơn thế các quá trình chuyển đổi. Mặc dù vậy, gần như mỗi trường hợp trong lịch sử đều rơi vào một loại quá trình rõ hơn vào các quá trình khác.
Bản chất của chế độ độc tài có liên lạc như thế nào với bản chất của quá trình chuyển đổi? Như Bảng 1 cho thấy, không có mối quan hệ một – một. Mặc dù vậy, bản chất của chế độ độc tài có ảnh hưởng lên bản chất của quá trình chuyển đổi. Ngoài 3 ngoại lệ, tất cả các chuyển đổi từ chế độ quân sự đều kéo theo biến đổi hoặc tách thoát.
Trong 3 ngoại lệ - Ác-hen-ti-na, Hy Lạp và Panama – các chế độ quân sự chịu thất bại quân sự và sụp đổ như một hệ quả. Ở đâu đó, những kẻ thống trị trong quân đội cầm đầu, thỉnh thoảng để đáp trả lại áp lực từ phía đối lập và từ phía dân chúng, trong việc đem lại sự thay đổi trong chế độ. Những kẻ thống trị trong quân đội ở vị trí tốt hơn để chấm dứt chế độ của họ so với những kẻ thống trị của các chế độ khác. Hầu như những kẻ thống trị quân sự này không bao giờ xác định họ là những người thống trị vĩnh viễn đất nước của họ. Họ duy trì hy vọng là một khi họ xóa bỏ được các tội ác mà từ đó đã dẫn họ đến quyền lực, họ sẽ từ bỏ quyền lực và trở về các chức năng quân sự bình thường của mình. Quân đội có một vai trò thể chế vĩnh viễn khác với chính trị và quản trị nhà nước. Tại một điểm nào đó, các lãnh đạo quân đội (không phải ở Ác-hen-ti-na, Hy Lạp và Panama), quyết định rằng thời điểm đã đến để khởi xướng việc trao trả lại quyền lực cho trật tự dân chủ dân sự hoặc để thương lượng sự thoái lui của họ về quyền lực với các nhóm đối lập. Hầu như luôn luôn việc này diễn ra sau khi đã có ít nhất một sự thay đổi trong hàng ngũ giới lãnh đạo cấp cao của chế độ quân sự.
Lãnh đạo quân đội hầu như lúc nào cũng vậy đặt ra hai điều kiện hay “đảm bảo cho sự ra đi” cho sự thoái lui khỏi quyền lực của họ. Thứ nhất, sẽ không có truy tố, trừng phạt, hay sự trả đũa khác chống lại các sỹ quan quân đội đối với bất kỳ hành động nào họ đã phạm phải khi họ đang nắm quyền lực. Thứ hai, các vai trò thể chế và quyền tự quản của tổ chức quân đội sẽ được tôn trọng, bao gồm cả trách nhiệm toàn bộ của quân đội đối với an ninh quốc gia, vai trò lãnh đạo của quân đội đối với các bộ của chính phủ khi liên quan đến vấn đề an ninh, và thường bao gồm cả quyền kiểm soát của quân đội đối với các ngành công nghiệp vũ khí và các xí nghiệp kinh tế khác mà theo truyền thống nằm dưới sự bảo hộ của quân đội. Khả năng của giới quân sự đang thoái lui đối với việc đảm bảo thỏa thuận với các lãnh đạo chính trị dân sự cho các điều kiện này phụ thuộc vào quyền lực tương đối của họ. Tại Brazil, Peru, và các ví dụ khác về biến đổi, giới lãnh đạo quân sự của những nước này thống trị quá trình và các lãnh đạo chính trị dân sự có rất ít lựa chọn ngoài việc phải chấp thuận các yêu cầu của quân đội. Khi nào quyền lực tương đối giữa hai bên cân bằng hơn, như ở Uruguay, các cuộc thương lượng dẫn đến một vài sửa đổi trong các yêu cầu của giới quân sự. Lãnh đạo quân sự của Hy Lạp và Ác-hen-ti-na đòi hỏi các đảm bảo tương tự như các lãnh đạo ở nơi khác đã đưa rra. Nhưng các đòi hỏi của họ bị giới lãnh đạo dân sự từ chối thẳng thừng, và họ phải đồng ý đầu hàng quyền lực gần như vô điều kiện.
Do đó, đối với giới lãnh đạo quân đội, khá dễ cho họ thoái lui khỏi quyền lực và quay trở về với vai trò quân sự chuyên nghiệp của mình. Tuy nhiên, mặt sau của đồng xu là ở chỗ cũng tương tự như vậy khá dễ dàng cho họ quay trở về nắm quyền khi có tình trạng khẩn cấp và khi quyền lợi của họ bị đe dọa. Giới lãnh đạo chính trị và quân sự không thể đợi đến cơ hội lần thứ hai mới tổ chức một hành động quân sự thành công. Các nền dân chủ trong làn sóng lần thứ ba tiếp quản từ chế độ quân sự bắt đầu hành trình của mình dưới cái bóng này.
Quá trình chuyển đổi và chuyển dịch cũng tiêu biểu cho sự chuyển tiếp từ hệ thống một đảng sang dân chủ trong suốt năm 1989, trừ ở Đông Âu và Grenada. Chế độ một đảng có khung thể chế và tính hợp pháp về ý thức hệ khác với cả chế độ dân chủ và quân sự. Các chế độ một đảng này cũng có một mặc định về tính vĩnh cửu khiến chúng được phân biệt với các chế độ quân sự. Đặc điểm đặc trưng của hệ thống một đảng là sự đan xen chặt chẽ giữa đảng và nhà nước. Điều này tạo ra hai nhóm vấn đề, về thể chế tổ chức và về ý thức hệ, khi chuyển tiếp sang dân chủ.
Các vấn đề thuộc về thể chế là nghiêm trọng nhất trong kiểu nhà nước theo đảng Lê-nin-nít. Ở Đài Loan cũng như các nước cộng sản khác, sự “tách biệt đảng ra khỏi nhà nước” là “thách thức lớn nhất của một đảng Lênin-nít” trong quá trình dân chủ hóa. Ở Hungary, Séc và Slôvakia, Ba Lan, và Đông Âu, các điều khoản trong Hiến pháp quy định về “vai trò lãnh đạo” của đảng cộng sản đã phải bị bãi bỏ. Tại Đài Loan, những “điều khoản tạm thời” tương tự như vậy được thêm vào Hiến pháp năm 1950 cũng bị thách thức như thế. Trong tất cả các hệ thống đảng Lênin-nít, vấn đề chính nổi cộm là những vấn đề liên quan đến quyền sở hữu tài sản và tài chính – chúng thuộc đảng hay thuộc nhà nước? Việc xử lý một cách đúng đắn các tài sản này cũng là một câu hỏi – nên do đảng giữ lại, hay để cho nhà nước quốc hữu hóa, hay cho đảng bán cho người trả thầu cao nhất, hay nên được phân phối một cách công bằng giữa các nhóm xã hội và chính trị? Ví dụ như tại Nicaragua, sau khi thất cử hồi tháng hai năm 1990, chính phủ của Sandinista rõ ràng đã hành động nhanh chóng “chuyển giao khối lượng lớn tài sản của chính phủ sang tay của Sandinista.” “Họ bán nhà lẫn cho nhau, bán xe cho nhau,” một doanh nhân chống Sandinista đã cáo buộc như vậy. Những cáo buộc tương tự về việc xử lý tài sản của chính phủ cũng được đưa ra cho đảng cộng sản khi Đảng Thống nhất chuẩn bị nắm chính phủ ở Ba Lan. (Trong một động thái tương tự ở Chi-lê, khi chuẩn bị mất quyền, chính phủ Pinochet chuyển giao sang tài sản căn cứ quân sự và hồ sơ thuộc các cơ quan khác của chính phủ.) Ở một số nước, lực lượng dân quân của đảng đã phải bị giải tán hoặc đặt dưới sự kiểm soát của chính phủ, và trong hầu hết các nhà nước một đảng, lực lượng vũ trang đã phải được phi chính trị hóa. Như tại Ba Lan, cũng như ở hầu hết các nước cộng sản khác, tất cả các sỹ quan quân đội phải là thành viên của đảng cộng sản; tuy nhiên, năm 1989, các sỹ quan quân đội Ba Lan đã vận động quốc hội cấm sỹ quan quân đội là thành viên của bất cứ đảng chính trị nào. Ở Nicaragua, Quân đội nhân dân của chính phủ Sandinista đã từng là quân đội của phong trào, cũng đã trở thành quân đội của nhà nước, và sau đó phải bị chuyển trở lại chỉ thành quân đội của nhà nước mà thôi. Câu hỏi liệu các chi bộ của đảng trong các tổ chức kinh tế có nên tiếp tục tồn tại hay không cũng là một vấn đề rất tranh cãi. Cuối cùng, ở đâu mà chỉ có một đảng duy nhất nắm quyền, ở đó sẽ vẫn có câu hỏi về mối quan hệ của giới lãnh đạo của đảng này trong chính phủ và những cơ quan hàng đầu của đảng như bộ chính trị và ủy ban trung ương. Trong nhà nước Lênin-nít những cơ quan của đảng đưa ra mệnh lệnh về chính sách cho lãnh đạo chính phủ. Tuy thế, mối quan hệ này cũng không thể so sánh được với quyền uy tối cao của các cơ quan được bầu ra của quốc hội và những văn phòng nội các có trách nhiệm trong một nhà nước dân chủ.
Nhóm vấn đề tiêu biểu thứ hai thuộc về ý thức hệ. Trong các hệ thống một đảng, ý thức hệ của đảng tạo ra bản tính của nhà nước. Do đó, chống đối lại đảng nâng lên tương đương với phản bội nhà nước. Để hợp pháp hóa tính đối lập với đảng, cần thiết phải xây dựng được bản tính nào đó khác cho nhà nước. Vấn đề này được thể hiện trong 3 bối cảnh sau. Đầu tiên, tại Ba Lan, Hungary, Séc và Slôvakia, Romania và Bulgaria, ý thức hệ và quyền lực cộng sản là do Liên bang Sô Viết áp đặt. Ý thức hệ này không phải là thiết yếu để xác định bản tính của đất nước. Trên thực tế, trong ít nhất 3 trong số những nước này, chủ nghĩa dân tộc đã phản đối chủ nghĩa cộng sản. Khi đảng cộng sản của những nước này từ bỏ tuyên bố của họ về quyền lực không thể tranh giành dựa trên ý thức hệ đó, các nước này đã tái xác định lại họ từ “cộng hòa nhân dân” thành “cộng hòa” và tái thiết lập lại chủ nghĩa dân tộc chứ không phải là hệ tư tưởng làm cơ sở cho nhà nước. Những thay đổi này do đó diễn ra tương đối dễ dàng.
Thứ hai, một vài hệ thống một đảng mà dân chủ hóa trở thành một vấn đề đã được thiết lập từ các cuộc cách mạng dân tộc. Trong các trường hợp này – Trung Quốc, Mê-hi-cô, Nicaragua, và Thổ Nhĩ Kỳ - bản chất và mục đích của nhà nước được xác định bằng ý thức hệ của đảng. Ở Trung Quốc, chế độ này đã trung thành tuyệt đối ý thức hệ của nó và coi sự chống đối mang tính dân chủ đối lập với đảng cộng sản là phản bội đất nước. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ nước này thực hiện một chính sách không dứt khoát và nước đôi đối với các nhóm Hồi giáo thách thức cơ sở thế tục của nhà nước của Kema này. Ở Mê-hi-cô, sự lãnh đạo của Đảng Cách mạng Nhà nước (PRI) cũng có quan điểm tương tự trước thách thức về tự do của đảng đối lập Đảng Hành động Quốc gia (PAN) với đặc tính cách mạng, xã hội và theo chủ nghĩa nghiệp đoàn của nhà nước của Đảng PRI. Ở Nicaragua, ý thức hệ của chính phủ Sandinista là cơ sở của không chỉ chương trình của một đảng mà còn của tính hợp pháp của nhà nước được tạo ra từ cuộc cách mạng Nicaragua.
Thứ ba, trong một vài ví dụ, ý thức hệ của một đảng duy nhất xác định bản chất của nhà nước và phạm vi địa lý của nhà nước đó. Tại Nam Tư và Liên bang Sôviết, ý thức hệ cộng sản đã đưa lại tính hợp pháp về tư tưởng cho nhà nước đa dân tộc. Nếu như ý thức hệ này bị bác bỏ, cơ sở cho nhà nước kiểu đó sẽ biến mất và mỗi dân tộc sẽ có thể tuyên bố nhà nước riêng của mình một cách hợp pháp. Ở Đông Đức, chủ nghĩa cộng sản đưa ra cơ sở ý thức hệ cho một nhà nước riêng rẽ; khi ý thức hệ này bị từ bỏ, cơ sở hợp lý cho một nhà nước Đông Đức biến mất. Hệ tư tưởng của Trung Hoa Quốc dân Đảng (KMT) xác định nhà nước ở Đài Loan là chính phủ của Trung Quốc, và chế độ này đã thấy những nhân tố đối lập ủng hộ một Đài Loan độc lập như những nhân tố có tính chất lật đổ. Vấn đề ở đây ít nghiêm trọng hơn so với 3 trường hợp khác vì hệ tư tưởng được hợp pháp hóa như một khát vọng hơn là một thực tế. Chính phủ của Quốc dân đảng hoạt động trên thực tế như một chính phủ cực kỳ thành công của Đài Loan ngay cả khi trong chính mắt nó tính hợp pháp của nhà nước này phụ thuộc vào chuyện tưởng tượng rằng chính phủ này là chính phủ đúng đắn của toàn nước Trung Hoa.
Khi quân đội từ bỏ kiểm soát chính phủ, họ cũng không từ bỏ kiểm soát các công cụ bạo lực mà với những công cụ này họ có thể phải lấy lại quyền kiểm soát chính phủ.
Dân chủ hóa hệ thống một đảng, tuy nhiên, có nghĩa là đảng chính trị duy nhất tự đặt nó trong nguy cơ kiểm soát của chính phủ và trở thành một đảng thứ hai cạnh tranh trong một hệ thống đa đảng. Trong ý này, sự phân quyền ít hoàn thiện hơn so với cho quân đội khi họ thoái lui. Đảng vẫn ở lại duy trì như một diễn viên chính trị. Bị thua trong bầu cử năm 1990, Chính phủ của Sandinista có thể hy vọng “chiến đấu một ngày nào đó” và giành lại quyền lực thông qua các phương tiện bầu cử. Tại Bulgaria và Romania, các đảng cộng sản cũ giành chiến thắng trong bầu cử; ở những nước Đông Âu khác, đảng cộng sản có hy vọng ít lạc quan hơn tham gia trong một chính phủ liên minh một lúc nào đó trong tương lai.
Sau khi thực hiện dân chủ hóa, đảng độc tôn trước đó ở một vị trí không thể tốt hơn so với nhóm chính trị khác tái thiết lập nên một hệ thống độc tài. Đảng từ bỏ độc quyền của nó nhưng không từ bỏ cơ hội cạnh tranh cho quyền lực thông qua các phương pháp dân chủ. Khi trở lại doanh trại, quân đội từ bỏ cả hai, nhưng họ cũng vẫn giữ lại khả năng tái chiếm lại quyền lực bằng các phương pháp phi dân chủ. Chuyển tiếp từ một chế độ một đảng sang dân chủ do đó có vẻ như khó khăn hơn chuyển tiếp từ một chế độ quân sự sang dân chủ, nhưng cũng có vẻ như sẽ lâu dài hơn. Những khó khăn của chuyển hình từ hệ thống một đảng có lẽ được phản ánh ở sự thật là vào năm 1990 lãnh đạo của các chế độ như ở Đài Loan, Mê-hi-cô và Liên bang Sô Viết đã khởi xướng phong trào tự do giải phóng chế độ của họ nhưng cũng chỉ dịch chuyển chậm chạp đến một nền dân chủ đầy đủ.
Lãnh đạo của các chế độ độc tài mang tính cá nhân có vẻ ít giống như lãnh đạo của giới quân đội và của chế độ một đảng trong việc từ bỏ quyền lực của họ một cách tự nguyện. Những kẻ độc tài của những đất nước chuyển sang hoặc không chuyển sang dân chủ thường cố giữ cái ghế của mình càng lâu càng tốt khi họ còn có thể. Điều này thường gây ra căng thẳng giữa một hệ thống chính trị có cơ sở hẹp và một nền kinh tế và xã hội ngày càng phức tạp và hiện đại. Nó cũng dẫn đến cơ hội mà kẻ độc tài bị lật đổ bằng bạo lực, như đã diễn ra ở Cuba, Nicaragua, Haiti, và Iran, và người thay thế kẻ độc tài này lại là một chế độ độc tài khác. Trong làn sóng dân chủ hóa lần thứ ba, các cuộc nổi dậy tương tự đã lật đổ các kẻ độc tài ở Bồ Đào Nha, Phi-lip-pin và Romania. Ở Tây Ban Nha, kẻ độc tài chết và những người kế nhiệm ông ta thực hiện một trường hợp cổ điển chuyển hình dân chủ từ trên xuống. Ở Ấn Độ và Chilê, lãnh đạo nắm quyền ứng cử trong các cuộc bầu cử với một niềm tin rõ ràng nhưng nhầm lẫn là cử tri sẽ xác nhận quyền lực của họ. Khi điều này không xảy ra, họ, không giống như Marcos và Manuel Noriega, chấp nhận kết quả bầu cử.
Trong trường hợp của các chế độ sultanic, chuyển đổi sang dân chủ trở nên phức tạp do tình trạng yếu kém của các đảng phái chính trị và của các tổ chức khác. Chuyển đổi sang dân chủ từ chế độ độc tài do đó diễn ra khi kẻ độc tài qua đời và những người kế nhiệm quyết định thực hiện dân chủ hóa, khi kẻ độc tài bị lật đổ, và khi ông ta hoặc bà ta tính toán sai sự ủng hộ có thể khiến họ giành được chiến thắng trong bầu cử.


(Còn tiếp)

* SAMUEL P. HUNTINGTON là giáo sư Albert J. Weatherhead III của trường Đại học Harvard. Ông qua đời tháng 12/2008. Ông là một nhà khoa học chính trị xuất sắc trong các môn như quan hệ dân sự -quân sự, phát triển chính trị, nhà nước so sánh và đụng độ toàn cầu giữa các nền văn hóa. Giáo sư Huntington còn là một người bạn tốt của tạp chí quý Khoa học Chính trị và Biên tập viên của tạp chí này. Chúng tôi thương tiếc ông một cách sâu sắc. Bài báo này vốn đã được xuất bản trong số mùa Đông năm 1991 của Tạp chí và đã là một trong những bài viết được đọc nhiều nhất trên JSTOR và cả trên trang web của chúng tôi.


Ghi chú:
Nguyên tắc cơ bản của dân chủ hóa là việc lựa chọn chính phủ thông qua bầu cử cởi mở, cạnh tranh, mang tính tham gia đầy đủ, và được điều hành nhẹ.

aDấu ngoặc đơn chỉ một đất nước có giải phóng nhưng không dân chủ cho tới năm 1990.*Chỉ một nước đảo ngược lại trở thành độc tài.

[1]Xem G. Bingham Powell, Jr., Các nền dân chủ đương đại: Tham gia, Ổn định, và Bạo lực (Cambridge, MA: Nhà xuất bản trường Đại học Havard, 1982), chương 5–9; Juan J. Linz, “Hiểm họa của hình thức tổng thống”, Tập san Dân chủ 1 (mùa Đông 1990): 51–69.
[2]Robert A. Dahl, Đa nguyên trị (Polyarchy): Tham gia và Chống đối (New Haven: Nhà xuất bản trường Đại học Yale, 1971), 33–40.
[3]Xem Donald L. Horowitz, “Ba Chiều của Chính trị Dân tộc”, Chính trị Thế giới 23 (tháng Giêng 1971):232–36; Samuel P. Huntington và Jorge I. Domínguez, “Phát triển Chính trị” trong Fred I. Greensteinvà Nelson W. Polsby biên tập, Sổ tay Khoa học Chính trị, quyển 3 (Sách đọc, MA: Addison-Wesley,1975), 74–75.




No comments: