Sunday, October 25, 2009

TRANH LUẬN NÓNG BỎNG về CHÍNH SÁCH TỊ NẠN tại ÚC ĐẠI LỢI


Tranh luận nóng bỏng về chính sách di trú tại Úc
Linda Mottram
23/10/2009 - 14:51
http://www.bayvut.com.au/n%C6%B0%E1%BB%9Bc-%C3%BAc/tranh-lu%E1%BA%ADn-n%C3%B3ng-b%E1%BB%8Fng-v%E1%BB%81-ch%C3%ADnh-s%C3%A1ch-di-tr%C3%BA-t%E1%BA%A1i-%C3%BAc

Nguồn Australia's immigration debate

Những con thuyền chở người lánh nạn liên tục cập cảng nước Úc đã gây ra một cuộc tranh luận chính trị nóng bỏng về các chính sách nhập cư. Phe Đối lập Tự do cho rằng chính phủ của đảng Lao động không áp dụng đủ các biện pháp cần thiết để ngăn chặn dòng người tị nạn này.


Các chính trị gia đang thúc ép chính phủ Úc phải thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn những thuyền buôn lậu người chở người tìm kiếm nơi lánh nạn đến nước Úc.
Ít nhất có thêm sáu thuyền chở người bị hải quân Úc theo dõi đang di chuyển về hướng nước Úc trong tuần này.
Từ đầu năm 2009 đến nay, khoảng 1.700 người đã đến Úc bằng đường biển.
Số liệu mới nhất hồi tháng Bảy vừa qua của Bộ Di trú Úc cho thấy hơn 48.500 người đang sinh sống bất hợp pháp tại Úc. Hầu hết những người này đã ở quá hạn visa nhưng họ không mấy thu hút sự quan tâm của giới chính trị gia.
Trái lại, hình ảnh những con tàu ọp ẹp chở những người lánh nạn đã đẩy vấn đề người tị nạn nhập cư bất hợp pháp lên đầu chương trình nghị sự chính trị tại Úc.

Sự bất đồng chính trị

Trong khi phe Tự do Đối lập chỉ trích các chính sách của chính phủ đảng Lao động. Thủ tướng Kevin Rudd cho rằng chính phủ Úc đang duy trì chính sách cân bằng đúng đắn.
Tuy nhiên, ông Malcolm Turnbull, lãnh đạo đảng Đối lập, cho rằng Thủ tướng Rudd đã xóa bỏ “một hệ thống chính sách liên minh được xây dựng kỹ càng từng giúp nước Úc bảo vệ đường biên giới và ngăn cản các vụ nhập cư bất hợp pháp”.
Thủ tướng Rudd cho biết chính phủ Úc đang có những biện pháp xử lý cứng rắn với những kẻ buôn lậu người và đang thực hiện những nỗ lực lớn nhất chưa từng có trong thời bình. Chính phủ Úc cho rằng số lượng người tị nạn gia tăng là do những xung đột xảy ra gần đây tại Afghanistan và Sri Lanka.
Ông Turnbull đã phản ứng cho rằng chính phủ Rudd đã sai khi viện lẽ sự gia tăng những đoàn người lánh nạn là do các vụ xung đột quốc tế. “Đó là một lời nói dối, Thủ tướng Rudd đã trải thảm và mở rộng cửa chào đón những người tị nạn.”

Sự phối hợp trong khu vực
Phát biểu với Đài Úc, ông Brendan O'Connor, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Úc, cho biết ông đã tổ chức một số cuộc thảo luận với các đối tác và cảnh sát trưởng trong khu vực về vấn đề buôn lậu người. Cuộc thảo luận đã diễn ra bên lề Hội nghị Interpol được tổ chức tại Singapore vào tuần qua.
Ông O’Connor cho rằng cần thiết phải có sự phối hợp trong khu vực để ngăn chặn những kẻ buôn người và các tổ chức công đoàn cũng đang can thiệp vào vấn đề này.

Dự án của phe đối lập

Đảng Tự do Đối lập của Úc vẫn tiếp tục gây áp lực đòi hỏi chính phủ áp dụng những biện pháp cứng rắn hơn.
Ông Kevin Andrews, Đảng viên Đảng Tự do, cựu Bộ trưởng Bộ Di trú dưới thời Thủ tướng John Howard, đang chỉ đạo xem xét lại vấn đề chính sách di trú.
Theo ông Kevin Andrews, một trong những lựa chọn là quay trở lại áp dụng chính sách vốn gây nhiều tranh cãi dưới thời chính quyền Howard. Chính sách đó yêu cầu bắt giữ tất cả những thuyền cập bờ biển Úc bất hợp pháp trên đảo Nauru thuộc Thái Bình Dương, mặc dù cần có thỏa thuận với một nước thứ hai.
Ông Andrew cũng đề xuất cấp một loại visa mới cho những người nhập cư bất hợp pháp. Theo chính sách cấp visa này, người được cấp loại visa nhập cư bất hợp pháp sẽ được bảo vệ tạm thời tại Úc nhưng sẽ bị buộc quay trở lại đất nước họ trước khi có thể đệ đơn xin cấp visa tị nạn chính thức theo lộ trình thông thường.
Phát biểu với ABC, ông Andrew khuyến nghị: “Nếu ở nước khác đang xảy ra xung đột, chính quyền cần phải xem xét bản chất tạm thời của cuộc xung đột đó chứ không nên thực hiện những chính sách như chính phủ đương nhiệm đang áp dụng. Về cơ bản, Úc vẫn cấp giấy phép cho người tìm kiếm lánh nạn tại nước này.”
Những quyết định về vấn đề chinh sách của đảng đối lập sẽ không ảnh hưởng đến quyết định của chính phủ. Tuy nhiên, cuộc thảo luận này đang tiếp tục gia tăng áp lực đối với chính phủ.
Ông Philip Ruddock, một cựu bộ trưởng Bộ Di trú khác dưới thời John Howard, cũng đã châm ngòi thêm trong cuộc tranh luận.
Ông Philip tuyên bố rằng chính quyền Rudd đã mất khả năng kiểm soát đường biên giới và đoàn người tị nạn khoảng 10.000 người đang chờ đợi di cư sang Úc bởi chính sách di trú của chính quyền Rudd được cho là khá mềm dẻo.

Thuyền tị nạn Tamil thu hút sự chú ý

Đầu tháng 10, Thủ tướng Rudd đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono. Trên danh nghĩa cá nhân, ông yêu cầu phía Indonesia ngăn chặn một thuyền chở gần 260 người Tamil Sri Lanka đang tiến về nước Úc.
Thủ tướng Rudd không công bố chi tiết cuộc điện đàm với Tổng thống Indonesia nhưng ông cho biết cuộc điện đàm đó là cần thiết. “Tôi không đưa ra những lời xin lỗi về việc đã liên lạc với những người bạn và đối tác Indonesia khi cần thiết để có được kết quả tích cực về vấn đề nhập cư trái phép”, Thủ tướng Rudd phát biểu.
Indonesia đã buộc chiếc thuyền quay trở lại và hiện đang neo đậu tại cảng Merak của Insdonesia. Những người tị nạn trên thuyền ở đủ mọi lứa tuổi. Mặc dù những người này cho biết họ được chính phủ Indonesia đối xử tốt, nhưng ngày 14/10 vừa qua họ đã từ chối rời khỏi thuyền đến trung tâm dành cho người tị nạn của Indonesia.
Ban đầu, những người Tamil đe dọa sẽ phá nát con tàu nếu không được phép vượt qua hải phận. Tuy nhiên gần đây, họ đã thay đổi chiến thuật. Trả lời phỏng vấn của ABC, họ nói rằng nếu không được nhập cảnh vào Úc thì họ sẽ định cư ở một nước thứ ba.
“Chúng tôi là những người không có quê hương để sinh sống. Tôi không rõ bao nhiêu người phải sống cuộc sống như chúng tôi nhưng tôi chắc chắn rằng các hãng truyền thông đã đến mọi miền trên thế giới và chứng kiến những nơi như đất nước chúng tôi. Tôi có thể nói rằng tình trạng hiện nay là những người Tamil không có cơ hội tồn tại ở Sri Lanka”, Alex - một người Tamil nói.
Những người tị nạn Tamil cho biết thuyền của họ rời khỏi Sri Lanka cuối tháng Bảy. Họ đã ẩn náu trong những khu rừng Malaysia khoảng một tháng, sau đó lại lênh đênh trên biển và bị chặn lại trước khi tới Úc.

Khu trại giam giữ người tị nạn trên đảo Christmas với sức chứa 1.400 người sắp bị quá tải. (www.safecom.org.au)
http://www.bayvut.com.au/sites/default/files/imagecache/story_460/story-images/immigration-231009.jpg


Trại tị nạn quá tải

Chính quyền Rudd đang phải đối mặt với một áp lực ngày càng lớn khác là khu trại giam giữ người tị nạn trên đảo Christmas nằm ngoài khơi vùng biển phía tây bắc với sức chứa 1.400 người sắp bị quá tải.
Canberra đang vận chuyển 81 ngôi nhà di động đến đảo Christmas để nâng sức chứa của khu trại tị nạn. Những ngôi nhà này dự kiến sẽ tới đảo Christmas vào giữa tháng Mười.
Đảng đối lập cho rằng với nhiều thuyền tị nạn khác đang hướng đến nước Úc, chính phủ sẽ buộc phải xem xét những lựa chọn khác.
Đảo Christmas là lãnh địa hợp pháp của nước Úc. Tuy nhiên, vì mục đích của những người tị nạn đến Úc bằng đường biển nên đây vẫn là khu vực tách biệt với nước Úc. Nếu ở đảo Christmas, những người tị nạn sẽ mất đi một số quyền lợi pháp lý họ có thể được hưởng nếu nhập cảnh vào Úc.

Phản ứng dữ dội
Người tị nạn vẫn đang là vấn đề cực kỳ nhạy cảm đối với cả hai phe chính trị Úc.
Các biện pháp cứng rắn của chính phủ tiền nhiệm Howard được nhiều người ủng hộ và đã đem lại chiến thắng cho cựu Thủ tướng Howard trong cuộc bầu cử năm 2001.
Tuy nhiên, cuối cùng phương pháp tiếp cận này đã mang đến những hậu quả tiêu cực.
Trong một sự kiện năm 2001, chính quyền đương thời đã sai lầm khi tuyên bố rằng một số người tìm kiếm nơi lánh nạn đã cố ý ném con cái xuống biển để gia tăng cơ hội được đưa đến vùng bờ biển Úc.
Việc chính quyền Howard sử dụng đảo Nauru làm nơi giam giữ những người tị nạn cũng vẫn gây nhiều tranh cãi.

Sự quan ngại của những người ủng hộ
Những nhà hành pháp ủng hộ người tị nạn cũng có những quan điểm trái ngược về vấn đề này.
David Mann, cố vấn pháp luật của Trung tâm Di trú và Tị nạn tại Melbourne, cho rằng những cuộc tranh luận chính trị gây tâm lý hoang mang lo sợ trái ngược với tỉ lệ gia tăng khá nhỏ những thuyền chở người tị nạn tới Úc gần đây.
David Mann cho rằng chính phủ cần tập trung vào việc đảm bảo thực hiện đúng trách nhiệm bảo vệ những người tị nạn vì Úc đã ký kết hiệp ước về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc.
David Mann cho rằng việc trả dân tị nạn về Indonesia không phải thuộc trách nhiệm quy định trong hiệp ước. Indonesia không tham gia ký kết hiệp ước và đã từng bị chỉ trích về cách đối xử với dân tị nạn.
Marion Le, một người ủng hộ chính sách tiếp nhận dân tị nạn, phát biểu với Đài Úc rằng cách tốt nhất để đảm bảo các tàu chở dân tị nạn không tiếp tục cập cảng Úc là chi thêm ngân sách để thúc đẩy nhanh quy trình xét duyệt những người xin tị nạn trên khắp thế giới.
Nhiều người đã buộc phải ở nhiều năm trong trại tị nạn chờ xét duyệt hồ sơ và sau đó tiếp tục chờ được cấp phép tái định cư khi được xác định là dân tị nạn.
Chính phủ Úc cho biết họ đang thực hiện chính sách nhân đạo với việc tiếp nhận hàng ngàn người tị nạn mỗi năm. Trong năm 2009-2010, Úc sẽ tiếp nhận 13.750 người tị nạn trong chương trình tị nạn nhân đạo đặc biêt.



No comments: