Monday, October 26, 2009

TRUNG - ẤN : KHI RỒNG PHUN LỬA VÀO VOI


Khi rồng nhả lửa vào voi
Nguồn tin: Asia Time online
Ngày đăng: 24/10/2009 07:04 GMT+7
http://tuanvietnam.net/2009-10-24-khi-rong-nha-lua-vao-voi
Ấn Độ có thể không biến mình thành một điểm nóng bằng việc chọn cách thỏa thuận với Bắc Kinh vào đúng lúc mà chương trình nghị sự toàn cầu và an ninh khu vực đang gặp rất nhiều vấn đề.

LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết của M.K. Bhadrakuma trên Asia Time Online về mối quan hệ Trung - Ấn. Bhadrakuma là một nhà ngoại giao kỳ cựu tại Cơ quan Đối ngoại Ấn Độ hơn 30 năm qua. Ông từng làm đại sứ của Ấn Độ tại Liên Xô, Hàn Quốc, Sri Lanka, Đức, Afghanistan, Pakistan, Uzbekistan, Kuwait và Thổ Nhĩ Kỳ.

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi New Delhi cho rằng sớm hay muộn gì Bắc Kinh cũng sẽ tấn công họ. Các phát ngôn cứng rắn từ phía Ấn Độ đã bắt đầu xuất hiện gần như hàng ngày và khiến Bắc Kinh khó chịu. Trong những tháng qua, các nhân vật có ảnh hưởng của Ấn Độ, hay các phương tiện truyền thông bằng tiếng Anh, gắn với chính quyền Ấn Độ thông qua giới chủ tài phiệt, đã chỉ trích các chính sách của Trung Quốc và cách cư xử với Ấn Độ.
Nhưng đến ngày 14/10, phản ứng tích tụ của Trung Quốc đã đến mức cao nhất. Bắc Kinh chọn một ngày cực kỳ đặc biệt trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước để ghi điểm. Các thủ tướng Nga và Pakistan cùng với Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Kurt Campbell đến thăm chính thức Bắc Kinh. Ông Campbell đến để thực hiện một nghĩa vụ quan trọng là chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Barack Obama tháng tới.
Bắc Kinh đã ghi một điểm lớn khi nói rằng cuộc tranh cãi hiện nay với New Delhi không chỉ là vấn đề song phương mà mang tính địa chính trị. Tờ Nhân dân Nhật Báo trong loạt bài bình luận về Ấn Độ cũng đã viện đến một cuộc hội thảo chưa từng được nói tới trong cuộc đối thoại xuyên Himalaya nhiều năm qua. Trước đó một ngày, trong hai thông cáo của mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã khơi mào cho loạt bài bình luận trên tờ báo này.
Thông cáo đầu tiên tập trung sự chú ý vào chiến dịch truyền thông chống Trung Quốc gần đây của Ấn Độ và đề nghị New Delhi "tỏ ra xây dựng hơn trong việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau", hơn là đưa ra những báo cáo sai về những căng thẳng biên giới.
Thông cáo thứ hai, quan trọng hơn, cho biết Bắc Kinh "rất không hài lòng" về chuyến thăm cách đây 10 ngày của Thủ tướng Ấn Độ đến bang Arunachal Pradesh (mà Trung Quốc đòi chủ quyền). Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: "Trung Quốc và Ấn Độ chưa đạt được bất kỳ thỏa thuận chính thức nào về vấn đề biên giới. Chúng tôi đề nghị phía Ấn Độ chú ý tới mức độ nghiêm trọng của sự việc này cũng như mối quan tâm của phía Trung Quốc và không gây ra các sự cố tại khu vực đang tranh chấp, nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển lành mạnh của quan hệ Trung - Ấn".
Phản ứng của Ấn Độ được đưa ra vài giờ sau đó và cũng ở mức cao nhất trong Bộ Ngoại giao. Bộ trưởng S M Krishna đã bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc, khẳng định "quan điểm của Chính phủ Ấn Độ là Arunachal Pradesh là một phần không thể tách rời của Ấn Độ". Ông cũng cho biết thêm rằng New Delhi "không hài lòng và lo ngại" về sự phản đối của Trung Quốc.
Quan hệ ngoại giao tất nhiên đã bị ảnh hưởng khi Nhân dân Nhật báo vào cuộc, tấn công thẳng vào chính sách của Ấn Độ. Chưa tính đến những chi tiết cụ thể, bài báo phát triển điều mà Bắc Kinh cho là đã trở thành vấn đề lớn - đó là "sự khinh suất và ngạo mạn" của Ấn Độ đối với các nước láng giềng. Bài báo nêu rõ: "Giấc mơ siêu cường, cộng với suy nghĩ về sự đồng nhất hóa, đã đặt gã khổng lồ Nam Á vào một tình huống khó xử và dẫn tới những sai lầm liên tiếp".
Điều nổi bật trong bài bình luận của Trung Quốc đã tìm cách xây dựng một sự tương đồng trong quan ngại giữa Trung Quốc và các nước láng giềng của Ấn Độ về phong trào ngày càng tăng của chủ nghĩa dân tộc Ấn trong thập kỷ vừa qua, hoặc về sự không hài lòng của họ trong quan hệ hợp tác khu vực. Bài báo bình luận: "Trước sự bất bình của mọi người, Ấn Độ theo đuổi một chính sách đối ngoại "mua bạn bè xa, đánh láng giềng"... Ấn Độ, nước đã thề sẽ trở thành một siêu cường, cần phải quan tâm tới các quan hệ với láng giềng và từ bỏ thái độ khinh suất và ngạo mạn trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những thay đổi lớn toàn cầu".
Bắc Kinh cho rằng hầu hết các nước láng giềng Ấn Độ cũng bày tỏ lo ngại tương tự và hiện đang tìm cách làm thân và thắt chặt quan hệ với Trung Quốc để đối trọng với thái độ hống hách của Ấn Độ với họ. Trên thực tế, bài bình luận của Trung Quốc ám chỉ sự cô lập gần như hoàn toàn mà Ấn Độ đang gặp phải hiện nay trong khu vực Nam Á.
Chưa hết, Nhân dân Nhật báo tiếp tục đăng một bài vào ngày 15/10, lần này thẳng thừng nói với Ấn Độ một số điều. Thứ nhất, bài báo nhấn mạnh, New Delhi đã nhầm nghiêm trọng khi cho rằng Trung Quốc có thể buộc phải giải quyết vấn đề biên giới với Ấn Độ thông qua các chiến thuật gây sức ép. Tác giả bài báo khẳng định dứt khoát rằng tranh chấp biên giới chỉ có thể được giải quyết và đạt được một giải pháp cuối cùng "khi cả hai bên (Trung Quốc và Ấn Độ) sẵn sàng gạt đi những hiểu nhầm ngấm ngầm từ trước tới nay". Thứ hai, bài báo cáo buộc New Delhi "đang lạc hướng trong quá trình đưa ra quyết định" vì họ nuôi dưỡng suy nghĩ rằng Mỹ đang coi Ấn Độ như một đối trọng với Trung Quốc. New Delhi cũng bắt đầu nhạy cảm quá với âm mưu của Mỹ nhằm "ve vãn Ấn Độ khỏi Nga và Trung Quốc, và nuôi dưỡng tham vọng của Ấn Độ đuổi kịp Trung Quốc bằng cách bán vũ khí cho Ấn Độ".
Quan trọng nhất, bài báo trên kết luận rằng dù Trung Quốc và Ấn Độ "sẽ không bao giờ coi nhau là thù địch", nhưng nếu chính quyền Ấn Độ và một số "các cơ quan truyền thông thiếu trách nhiệm" không tự kiềm chế, "một sơ xuất tại biên giới đều có thể dẫn tới chiến tranh" - điều mà cả hai bên đều không muốn. Rõ ràng là Bắc Kinh thấy bàn tay của chính quyền Ấn Độ đằng sau chiến dịch truyền thông chống lại Trung Quốc trong những tháng qua.

Hậu quả khôn lường
Căng thẳng này dẫn đến kết quả gì lại là một vấn đề khác. Trước tiên, một điểm nóng xuất hiện khi Chính phủ Ấn Độ chấp nhận cho lãnh tụ tinh thần lưu vong của người Tây Tạng, Đạt lai Lạt ma, đến thăm Arunachal Pradesh vào tháng 11 tới. Không còn nghi ngờ gì nữa, nếu chuyến thăm này diễn ra, quan hệ Trung - Ấn sẽ rơi vào một thời kỳ băng giá dài.
Đáng tò mò là điều này lại diễn ra đúng lúc các quan hệ địa chính trị trong khu vực và diễn biến trên toàn thế giới bước vào một thời kỳ biến đổi lớn. Trong khi sức mạnh toàn cầu của Trung Quốc là một thực tế đã được thiết lập, Ấn Độ có thể không biến mình thành một điểm nóng bằng việc chọn cách thỏa thuận với Bắc Kinh vào đúng lúc mà chương trình nghị sự toàn cầu và an ninh khu vực đang gặp rất nhiều vấn đề.
Ngược lại, nếu New Delhi gây sự chú ý của Trung Quốc, vốn rất nhạy cảm với các chuyến đi của Đạt lai Lạt ma vào tháng 11, họ sẽ bị chính phe dân tộc trong nước lên án là chịu lép vế trước sức ép của Trung Quốc. Đáng tiếc, đây là một yếu tố hậu trường đang xen vào quan hệ Trung - Ấn, phá hoại các thành quả của mối quan hệ vừa bước sang giai đoạn phát triển tốt đẹp trong thập kỷ qua.
Tương tự, vấn đề này cũng phủ bóng lên quan hệ của chủ nhà Ấn Độ đối với các bộ trưởng ngoại giao Nga và Trung Quốc dự kiến đến nước này những tuần tới trong khuôn khổ hợp tác ba bên. Có thể chắc chắn rằng, sự cân bằng của tam giác chiến lược này đã bị xáo trộn. Nga và Trung Quốc đang phát triển một quan hệ đối tác chiến lược tăng cường, trong khi quan hệ truyền thống của Ấn Độ với Nga đang giảm đi trông thấy vì giới lãnh đạo thân Mỹ ở New Delhi, và giờ đây tiến trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc lại phải trải qua một cơn sóng dữ.
Trong khi đó, Nga đã bắt đầu mục tiêu tìm một hướng đi tích cực cho quan hệ đã bị suy yếu với Pakistan. Tất nhiên, Trung Quốc lúc nào cũng hoan nghênh quan hệ với Pakistan.

Cá đã cắn câu?
Các chính sách của Ấn Độ giả định rằng xung đột lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc là không tránh khỏi trong khi việc Trung Quốc nổi lên là một sức mạnh thế giới trở nên không thể ngăn cản, vì vậy Washington sẽ phải dùng New Delhi như một đối trọng với Bắc Kinh sớm hơn mọi người nghĩ.
Ấn Độ chắc chắn cũng đang lo lắng về các chính sách khu vực của chính quyền mới ở Mỹ, được cho là sẽ không bao giờ tán thành cho Ấn Độ quy chế một siêu cường, và ưu tiên quan hệ đồng minh của Mỹ với đối thủ của Ấn Độ là Pakistan. Nhưng New Delhi hy vọng rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama rút cuộc sẽ buộc phải chú ý tới các lợi ích của doanh nghiệp Mỹ, và vì vậy Ấn Độ đang nắm một quân át chủ bài trong thị trường mới nổi. Nói một cách đơn giản, Ấn Độ đã tính toán là sẽ trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thê giới với một thị trường ước tính trị giá tới 100 tỷ USD đang chờ các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ khai thác.
Một điều rất rõ ràng. Các nhà vận động hành lang quyền lực ở Ấn Độ đã có việc để làm khi kích động chiến tranh và bài Trung Quốc. Báo Washington Post mới đây trích đăng một báo cáo, được giới thiệu là của New Delhi, về sự lừa dối của giới tài phiệt Ấn Độ, chủ yếu gồm các quan chức quốc phòng và quan chức chính phủ đã về hưu, làm môi giới cho các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ.
Trước đây, các quan chức quân sự Ấn Độ nghỉ hưu thường chuyển về ở ẩn trên các quả đồi mát mẻ, chơi bài, ngắm hoàng hôn, hoặc đi dạo... Ngày nay, một số tướng lĩnh và quan chức chính phủ cấp cao về hưu lại sống ở những vùng ngoại ô New Delhi, và ban đêm trở thành "các nhà tư tưởng chiến lược", liên hệ với một số nhóm chuyên gia cố vấn của Mỹ hoặc nước khác nhằm tìm kiếm một hợp đồng mới với vai trò là người môi giới cho các nhà sản xuất vũ khí. Chắc chắn các nhà vận động hậu trường này đang chờ vận may đến khi xảy ra căng thẳng trong quan hệ Trung - Ấn.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã "dành" cho Ấn Độ danh hiệu là nước tham nhũng nhất thế giới, và có một bí mật mà ai cũng biết đó là chương trình mua vũ khí của Ấn Độ mở ra một con đường thênh thang để thu hút tài sản quốc gia.
Nếu thị trường trang thiết bị quân sự Ấn Độ trị giá 100 tỷ USD, thật dễ hiểu khi đây sẽ là một món lời lớn cho giới ưu tú Ấn Độ. Bài bình luận trên Nhân dân Nhật báo có thể bất ngờ đẩy đoàn tàu trệch bánh, và đó chính là điều mà giới chức Ấn Độ và giới tài phiệt mong muốn.
Hiện giờ, mọi con mắt sẽ đổ về chuyến thăm Washington của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh vào tháng 11. Tổng thống Obama đã cho biết ông Singh có thể là chức sắc đầu tiên của Ấn Độ được mời chiêu đãi tại phủ tổng thống.
Người Mỹ có rất nhiều kinh nghiệm với cái tôi của Ấn Độ, và đến nay họ biết quá rõ khi nào và phải làm thế nào để thỏa mãn lòng tự phụ của Ấn Độ. Việc họ tạo đà cho giấc mở Ấn như thế nào và gặt hái thành quả như thế nào sẽ được theo dõi sát sao, không chỉ ở trong nước Ấn Độ, mà còn ở Pakistan, Trung Quốc và Nga.
Quốc Thái



No comments: