Monday, October 26, 2009
HÀN - VIỆT HỢP TÁC NGƯỢC CHIỀU
Hàn-Việt Hợp Tác Ngược Chiều
Đại Dương
Oct 24th, 2009
http://nguoivietboston.com/?p=17236
Nhân chuyến công du Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 3 ngày kể từ 20/10/09. Tổng thống Lee Myung-bak đã cùng tương nhiệm Nguyễn Minh Triết thỏa thuận nâng cao mối quan hệ “đối tác toàn diện trong thế kỷ 21”, áp dụng từ năm 2001, lên thành “đối tác hợp tác chiến lược”.
Hà Nội cần vốn và chuyển giao kỹ thuật, Hán Thành cần thị trường tiêu thụ hàng hóa và cầu nối với Đông Nam Á trong bối cảnh Việt Nam sẽ giữ vai trò Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á, ASEAN, vào năm tới cùng lúc Nam Hàn làm Chủ tịch khối G-20.
Quan hệ song phương mới sẽ chú trọng vào 6 lĩnh vực chính trị – an ninh, kinh tế, phát triển và khoa học kỹ thuật, tư pháp – lãnh sự, văn hoá – xã hội, hợp tác ngoại giao.
Từ khi thiết lập bang giao năm 1992, Hán Thành và Hà Nội chỉ chú trọng đến quan hệ kinh tế. Mậu dịch song phương đến nay được 10 tỉ mỹ kim, tăng 20 lần so với 1992. Lee Myung-bak và Nguyễn Minh Triết thỏa thuận nâng kim ngạch mậu dịch lên 20 tỉ USD vào năm 2015.
Hiện đang có 1,600 công ty, chiếm 21% số doanh nghiệp ngoại quốc, và khoảng 80,000 người Nam Hàn làm việc tại Việt Nam so với 94,000 người Việt ở Xứ Củ Sâm, kể cả 40,000 cô dâu.
Việt Nam chiếm vị trí đầu trong chương trình Viện trợ Phát triển Chính thức, ODA, của Nam Hàn. Từ lúc bang giao đến năm 2008, Hán Thành đã cung cấp 90 triệu mỹ kim cho Hà Nội và cho vay ưu đãi 1 tỉ mỹ kim trong giai đoạn 2008-2011.
Tổng thống Lee đề nghị cho phép doanh giới Nam Hàn tham gia vào các lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, ngân hàng và xây dựng cơ sở hạ tầng nhất là dự án xây dựng đường sắt đoạn TP.HCM-Nha Trang, đường sắt cao tốc TP.HCM-Cần Thơ và đường sắt “Nam Hồ Tây-Ngọc Khánh-Láng-Hoà Lạc”, dự án lập quy hoạch phát triển lưu vực Hồng Hà.
Đòn bẫy kinh tế giúp cho Hán Thành tách Hà Nội ra khỏi mối quan hệ tình nghĩa quốc tế vô sản với Bắc Hàn. Năm 2004, Việt Nam cho phép 468 người tị nạn Bắc Hàn đang ẩn trú trong các Tòa đại sứ ngoại quốc được hãng Hàng không Nam Hàn bốc đi Hán Thành khiến cho Bình Nhưỡng giận dữ. Trước khi Tổng thống Lee đến Hà Nội, Nhà nước cộng sản Việt Nam cũng đã để cho 9 người tị nạn Bắc Hàn đang tạm trú trong sứ quán Đan Mạch từ 24 tháng 9 được đi Hán Thành.
Hà Nội bực bội vì trong Dự luật của Bộ Cựu chiến Binh Nam Hàn viết về nguyên nhân tham chiến tại Việt Nam Cộng Hòa “đã đóng góp cho việc gìn giữ hòa bình thế giới”.
Đại sứ Việt Nam tại Hán Thành, Phạm Tiến Vân nói với báo chí sở tại “Chúng tôi biết Nam Hàn tham chiến và gây khổ đau cho dân Việt Nam. Hy vọng khi đến Hà Nội, Tổng thống Lee sẽ đủ can đảm nhìn thẳng vào hậu quả chiến tranh”.
Nhưng, Tuyên bố chung không đề cập đến vụ tham chiến mà chỉ ủng hộ mô hình đàm phán 6 bên, thực hiện phi-hạt-nhân trên bán đảo Triều Tiên, thi hành nghiêm chỉnh Nghị quyết trừng phạt Bắc Hàn của Liên Hiệp Quốc (phù hợp với quan điểm của Hán Thành).
Việt Nam cần tiền, kỹ thuật của Nam Hàn, nhưng, không muốn áp dụng những kinh nghiệm từng đưa một quốc gia nghèo đói nhất thế giới, ít tài nguyên thiên nhiên trở thành giàu có và phát triển vào hàng tiên tiến trên thế giới.
Lợi tức bình quân của dân Nam Hàn chỉ có 100 USD vào năm 1963 đã lên 10,000 vào 1995, gia nhập Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD) năm 1996 mà lợi tức đã lên 19,000.
Trong bối cảnh hòa bình suốt 32 năm, lợi tức bình quân của dân Việt Nam chỉ được 800 USD vào năm 2007 so với tình trạng Nam Hàn bị đe dọa chiến tranh từ Bắc Hàn và sự đồn trú thường trực của 40,000 binh sĩ Mỹ.
Phía Việt Nam mong muốn Nam Hàn chia sẻ kinh nghiệm phát triển, xây dựng chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu, thiết kế, đào tạo nhân lực trong ngành công nghiệp dệt may, da giày.
Nền kinh tế Nam Hàn phát triển nhanh chóng, bền vững không chỉ nhờ cải tổ duy nhất trong lĩnh vực kinh tế. Các cải cách chính trị triệt để từ chế độ độc tài quân phiệt của các thập niên 1960 và 1970 sang thể chế dân chủ đã trở thành động lực thúc đẩy việc cải thiện trong các lĩnh vực khác tại Nam Hàn.
Thể chế dân chủ đã đưa Nam Hàn hội nhập toàn diện vào thế giới văn minh của nhân loại làm cho xã hội phát triển hài hòa. Nền chính trị phi-ý-thức-hệ tôn trọng và cổ vũ cho quyền tự do tư tưởng đã giải phóng năng lực vô tận của mỗi con người để giúp họ sáng tạo ra mọi hình thức phục vụ cho xã hội và nhân quần.
Nhân lực trở thành nguồn nguyên liệu vô tận trong việc cung cấp sinh lực cho guồng máy quốc gia, xã hội.
Nhiều chuyên gia quốc tế đã khuyến cáo Việt Nam nên học kinh nghiệm phát triển của Nam Hàn. Nhưng, Nhà nước cộng sản lại áp dụng mô hình Trung Quốc “cởi mở kinh tế, siết chặt chính trị”.
Thất bại của mô hình tập đoàn kinh tế độc quyền chaebol của Nam Hàn đã được giới chuyên gia quốc tế nghiên cứu tường tận, nhưng, Việt Nam nhất quyết biến những Đại công ty quốc doanh thành các Tập đoàn Kinh tế. Khu vực quốc doanh chiếm lĩnh hầu hết phương tiện kinh doanh tốt nhất trong xã hội mà cứ nợ như Chúa Chổm. Ngân khố quốc gia dư được đồng nào lại đổ vào những chiếc “hố đen” bằng tiền tiết kiệm của đại đa số dân chúng.
Thiếu lực lượng đối lập chính trị để hạn chế lạm quyền, cạnh tranh về đường lối, chính sách nên thể chế độc tài đảng trị lại biến thành công an trị.
Chẳng có hoặc hạn chế tối đa tự do tư tưởng làm cho Việt Nam mất đi một tiềm lực vô tận của dân tộc.
Tại Diễn đàn Phát triển kinh tế Việt-Hàn hôm 21/10/09, Tổng thống Lee nói “Nam Hàn chân thành muốn đồng hành phát triển với Việt Nam, sự phát triển của quý quốc cũng là sự phồn thịnh của đất nước tôi”.
Đồng hành “chủ tớ” hoặc “bằng hữu” tùy thuộc vào sự thẩm thấu và cách ứng dụng kinh nghiệm của đối tác chiến lược.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment