Sunday, October 25, 2009

LÝ QUANG DIỆU và SINGAPORE 50 NĂM TỚI


Lý Quang Diệu và Singapore 50 năm tới
Đinh Từ Thức
25/10/2009 7:29 sáng
http://www.talawas.org/?p=12087
Trước khi lên đường đi Washington DC nhận giải thưởng về sự nghiệp cả đời cống hiến cho Singapore và Đông Nam Á, từ Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Asean (US-Asean Business Council) vào ngày 27 tháng 10, Sư trưởng (Minister Mentor) Lý Quang Diệu của Singapore đã nói chuyện trước 1.200 sinh viên Đại học Quốc gia Singapore (NUS – National University of Singapore) vào tối 19 tháng 10.

Đây là buổi hội luận hàng năm, mang danh “Kent Ridge Ministerial Forum” (Hội luận Kent Ridge cấp Tổng trưởng), do Hội Sinh viên Chính trị của NUS tổ chức cho các sinh viên và nhân viên giảng huấn có dịp trao đổi ý kiến với các chính khách thành đạt. Ví dụ, trong cuộc Hội luận năm 2007, diễn giả chính là Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, với đề tài “Quốc tế và những quan tâm vùng” (International and Regional concerns); Đề tài của Hội luận năm 2008 là “Toàn cầu hóa: Đe dọa hay cơ hội cho thường dân Singapore” (Globalization: Threat or Opportunity for the Ordinary Singaporian?), diễn giả là Tiến sĩ Balakrishnan, Tổng trưởng Bộ Phát triển Cộng đồng, Thanh niên và Thể thao. Đề tài năm nay là “Những gì sẽ chờ đợi Singapore trong 50 năm tới?” (What will the next 50 years have in store for Singapore?), diễn giả chính là Sư trưởng Lý Quang Diệu, người trong nửa thế kỷ qua đã biến Singapore từ một hải cảng thô sơ thành một thị quốc tầm cỡ quốc tế.

Hội luận này không phải là cuộc đối thoại trực tiếp. Đối với bên ngoài, ông Lý Quang Diệu luôn đề cao vai trò của sự tranh cãi giữa các ý kiến đối nghịch để thúc đẩy tiến bộ, nhưng trong phạm vi Singapore, người có ý kiến chống đối rất dễ bị ra tòa, bị phạt những khoản tiền khổng lồ tới mức phá sản, không phải bị coi là chống lại nhà nước như kiểu Việt Nam, mà là xúc phạm danh dự người bị chỉ trích. Lần thứ ba xuất hiện trong chương trình hội thoại của Charlie Rose trên truyền hình Mỹ vào ngày 22 tháng 10 nhân chuyến đi lãnh thưởng, ông Lý đã ca tụng Tổng thống Obama là người hùng biện, và điều gây ấn tượng nhất đối với ông, là ông Obama đã bổ nhiệm những người đối lập với mình vào những chức vụ then chốt. Nhưng điều này không xẩy ra tại Singapore, ít nhất khi ông Lý còn tại thế.

Khoảng 500 câu hỏi do sinh viên gửi tới trước bằng email. Sau khi sàng lọc, 9 câu được chọn để ông Lý trả lời. Blog TOC còn mỉa mai, chẳng những sàng lọc, có khi 9 câu hỏi này còn được khử trùng trước khi đến tay ông Lý. Tại một nơi vẫn còn cấm nhai kẹo cao su nơi công cộng, và có xe đi hốt rác ngày hai lần, lời mỉa mai này có thể rất gần sự thực. Có câu hỏi chỉ liên hệ tới Singapore, như chuyện recycle rác, nên bài này chỉ đề cập tới quan điểm của ông Lý Quang Diệu trong khoảng nửa số câu hỏi. Người viết có mặt tại Singapore, nhưng không trực tiếp theo dõi hội luận, mà thuật lại theo báo chí (The Straits Times), blogs (TOC – The Online Citizen, The Temasek Review…), và truyền hình (Chanel NewsAsia) địa phương.

Tầu đang lên, nhưng Mỹ chưa hết thời
Trả lời câu hỏi của Enock Seet, sinh viên năm thứ nhì ngành nghệ thuật, khoa học xã hội và kinh doanh của trường Đại học Quản trị Singapore rằng “Liệu sự suy thoái kinh tế Hoa Kỳ có liên hệ tới sự tăng trưởng của Ấn Độ, Trung Quốc, và Nga không?” Ông Lý nói:
Đừng nghĩ rằng Hoa Kỳ đã hết thời. Nền kinh tế của họ vẫn còn năng động. Hãy nhìn vào thành tích quá khứ của họ – họ là người uyển chuyển nhất, có đầu óc kinh doanh nhất, và sẵn sàng tái xuất dưới hình thức mới. Trung Quốc rất khó qua mặt Hoa Kỳ trong việc thu hút các tài năng nước ngoài.
Theo ông Lý Quang Diệu, ngay cả không có khủng hoảng kinh tế, trật tự thế giới cũng sẽ thay đổi trong vòng từ 10 đến 30 năm tới, do sự tăng trưởng mau lẹ của cái gọi là kinh tế BRIC (là bốn chữ đầu tên của các nước Anh, Nga, Ấn và Tầu).
Ông Lý đã ghi nhận tính “hòa đồng” của nền văn hóa Mỹ khi nói về khả năng thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới: “Anh có thể tới như một di dân, nói không đúng nhấn giọng, nhưng chừng nào chúng tôi vẫn có thể hiểu được anh, chúng tôi chấp nhận anh như một người Mỹ”. Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc tạo ra một môi sinh như thế, vì văn hóa và ngôn ngữ kém thân hữu đối với người ngoài. Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhì của thế giới, và lợi điểm này còn tồn tại với nước Mỹ.
Theo ông Lý, Ấn Độ sẽ phát triển vào khoảng 60% so với Trung Quốc. Họ có một lớp thượng tầng rất tài năng, nhưng đã mất tới 2 triệu người cho Hoa Kỳ. Điều này khiến phát triển của Ấn Độ bị chậm từ 30 đến 40%.
Xuất hiện trên truyền hình Mỹ vào 22 tháng 10, ông Lý nói thêm về tương quan giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong thế kỷ này. Theo ông, sau thế kỷ 20 là thế kỷ Hoa Kỳ, nửa đầu thế kỷ 21 phần lớn vẫn còn là Hoa Kỳ, nhưng sang phần nhì của thế kỷ này, thì Hoa Kỳ phải chia sẻ địa vị với Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như phải làm hòa với họ. Riêng về Trung Quốc, ông nói họ không muốn là thành viên danh dự của Tây phương. Không giống Nga, họ thỏa mãn được làm người Trung Quốc, và tồn tại như thế. Cho nên, “khi các anh nói với họ làm cái này cái kia, họ nói vâng, cảm ơn. Nhưng trong đầu, họ tự hỏi ‘chúng tôi đã tồn tại năm ngàn năm, còn các anh?’”

Pháp trị và Singapore
Theo ông Lý Quang Diệu, khả năng lớn mạnh của kinh tế Trung Quốc là một đe dọa cho Singapore, nhưng tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và pháp trị sẽ giúp Singapore cạnh tranh chống lại.
Trả lời câu hỏi của Cheryl Sim, sinh viên năm thứ nhất Đại học Quốc gia Singapore về lãnh vực chính nào Singapore có thể cạnh tranh trong thập niên tới, ông Lý nói:
“Rất khó có thể tìm ra chỗ thuận lợi của mình. Vì bất cứ mình làm cái gì bây giờ, ít lâu sau, Trung Quốc sẽ làm cái đó – và họ làm tốt hơn, bởi họ có tài.” Ông đã kể ra trường hợp một nhà kinh doanh Thái Lan. Ông này mua lại một xưởng chế tạo xe gắn máy của quân đội tại Trung Quốc, áp dụng kỹ thuật của Nhật Bản, và kiếm được nhiều tiền. Chỉ ba năm sau, nhân viên của ông lập một xí nghiệp riêng của họ, và thành công hơn. Ông Lý nói lợi thế của Singapore là sự hiếu khách và môi trường thuận tiện cho kinh doanh quốc tế.
Theo ông Lý, rất khó kiếm lời tại Trung Quốc vì nạn ăn cắp bản quyền tràn ngập. Ví dụ, các hãng chế tạo dược phẩm đa quốc rất khó bỏ Singapore để dọn sang Trung Quốc, vì mọi đầu tư vào việc nghiên cứu và cơ sở thực hiện rất khó đem lại lợi nhuận. “Chỉ nửa năm sau khi sản phẩm mới của mình ra lò, đã có sản phẩm tương tự trên thị trường”. “Nhưng còn lâu Trung Quốc mới có thể thay đổi từ quan trị tới pháp trị”. Và ngay cả khi chế độ pháp trị được thiết lập, thì vẫn còn bị trở ngại bởi chế độ chính trị. Theo ông Lý, Trung Quốc là “một xã hội với hai thứ pháp trị: một cho 76 triệu đảng viên, và một cho tất cả những người còn lại”.

Cạnh tranh toàn cầu và cách biệt giầu nghèo
Elvin Ong, sinh viên năm thứ tư ngành khoa học xã hội và kinh doanh thuộc Đại học Quản trị Singapore hỏi về việc Singapore có thể làm gì để giảm bớt cách biệt giầu nghèo, và giúp 20% dân chúng dưới cuối bảng sắp hạng. Ông Lý không nghĩ rằng quy định mức lương tối thiểu là giải pháp tốt. Theo ông, bất cứ nước nào định mức lương tối thiểu cũng đưa tới kết quả là công việc bị cắt giảm, vì chủ nhân bắt buộc phải trả lương cao hơn, thì sẽ giảm bớt việc mướn người. Singapore chủ trương tạo càng nhiều công việc càng tốt, và để cho thị trường quyết định mức lương thích hợp. Theo ông, có bất cứ công việc nào cũng hơn là thất nghiệp.
Theo ông Lý, khoảng cách giầu nghèo gia tăng không phải là vấn đề riêng của Singapore, mà hầu hết mọi nước đều phải đối phó. Ông cho rằng đó là vấn đề không thể tránh được trong tình trạng toàn cầu hóa. Cạnh tranh toàn cầu khiến người nghèo bị thiệt, và người giầu hưởng lợi. Lương bổng của thợ không chuyên môn bị giữ ở mức thấp vì bị cạnh tranh từ những nơi nhân công rẻ hơn như Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi đó, các nhân viên cấp cao gửi ra nước ngoài đương nhiên được trả lương cao hơn, và hưởng phụ cấp biệt phái. Ông đan cử thí dụ là Hoa Kỳ, nơi nhiều công việc thấp đã được mang ra nước ngoài có nhân công rẻ hơn. Và mặc dầu trong cuộc tranh cử Tổng thống năm ngoái đã có tranh luận về việc làm luật cấm mang công việc ra nước ngoài, nhưng nếu làm như vậy, sẽ gây thiệt hại cho giới kinh doanh.
Trả lời một câu hỏi khác rằng liệu ông có lo ngại tình trạng cách biệt lợi tức đưa đến phân biệt giai cấp tại Singapore không, ông Lý cho rằng đó là chuyện không thể tránh được trong một xã hội trưởng thành. Ông đã giải thích bằng thí dụ tại Trung Quốc:
“Cộng sản đã bắt đầu bằng một xã hội vô giai cấp. Các điền chủ tư bản đã bị chặt – đúng ra là đầu họ bị chặt. Nhưng Trung Quốc ngày nay, họ có các nhà lãnh đạo và có các hoàng tử… Được đào tạo tốt, và quen thuộc nhiều”. Ông Lý kể ra trường hợp gia đình Cựu Thủ tướng Lý Bằng (Li Peng), đang kiểm soát lãnh vực năng lượng của cả nước. Con gái là Li Xiaolin, Chủ tịch công ty điện lực độc quyền China Power International Development; con trai là Li Xiaopeng vốn đứng đầu công ty nặng ký khác là Huaneng Power. (Ông Lý kể chuyện bên Tầu, nhưng dân Singapore chẳng cần tìm đâu xa, vì gia đình ông cũng đã và đang kiểm soát Singapore, cả về chính trị lẫn kinh tế.) Theo ông Lý, họ có thể xứng đáng với công việc, nhưng nếu không có quen thuộc và liên hệ, chẳng ai biết đến họ. Trung Quốc là một nước lớn, anh phải được biết đến, nếu không, sẽ chỉ là một trong số 1 tỷ 300 triệu người.

Tuổi trẻ và giá trị truyền thống

Cô Jang Jia Hui, sinh viên khoa học năm thứ tư muốn ông Lý cho biết cái gì là giá trị và thái độ quan trọng nhất đối với tuổi trẻ Singapore để tiếp tục phát triển và thịnh vượng. Ông Lý trả lời là các bạn “nên có cùng giá trị và thái độ như cha ông các bạn đã có”.
Khi Jang cho biết cha cô sinh ra tại Singapore, nhưng ông cô đến từ nơi khác. ông Lý nói: “Ông cô có thể đã làm việc vất vả hơn cha cô, vì ông đã tới đây như một di dân, và như cô thấy, những di dân mới của chúng ta đã cố gắng rất nhiều để thành công tại nước ngoài. Và chính tinh thần đó đã đưa chúng ta tới đây. Nếu chúng ta không có những người với tinh thần ‘thành công hay là chết’, chúng ta đã không có Singapore như ngày nay”. Khi bạn ngừng cố gắng, bạn ngừng để được như thế này.
Ông Lý đã kể chuyện gia đình mình để làm thí dụ trong việc giáo dục giới trẻ. Nửa thế kỷ trước, ông nhận chức Thủ tướng Singapore, được quyền cư ngụ tại Dinh Thủ tướng, tọa lạc tại một khu đất cao. Dẫn vợ con tới thăm nhà mới, thấy các con chơi banh, mỗi khi banh tuột dốc, lại có bồi chạy đi nhặt mang lại. Ông bà Lý nhìn nhau lắc đầu: Nếu ở Dinh Thủ tướng 5 năm, các con sẽ lớn lên, nghĩ rằng đời là thế; luôn có người nhặt banh đem lại. Ông bà quyết định vẫn ở tại nhà riêng của mình, để con cái lớn lên trong niềm tự tin.
Nhưng thế hệ các cháu ông đã lớn lên trong cuộc sống nhiều tiện nghi hơn. Ông nói: “Đó là vấn đề chúng ta phải đối phó ngày nay”. Nhiều cha mẹ hiểu thế nào là nghèo khó, nhưng con cái thì không.

Tương lai thẩm định quá khứ
Daniel Lim, sinh viên năm thứ tư khoa truyền thông và thông tin thuộc Đại học Công nghệ Nanyang hỏi ông Lý Quang Diệu muốn được hậu thế nhớ về mình như thế nào, ông trả lời:
“Thành thật mà nói, tôi không bao giờ nghĩ tới điều đó. Công việc của tôi là làm tốt những gì đang làm. Châm ngôn trong đời tôi là nếu đã quyết định làm điều gì, thì hãy làm cho tốt, hay là đừng làm. Cho nên, bất cứ làm điều gì, tôi cố làm xong, và làm xong ở độ cao”.
Về uy tín của mình, ông Lý nói rằng: “Thành tích của một người cuối cùng sẽ được định vào 20, 30, 40 năm sau khi qua đời, khi các sử gia và sinh viên nghiên cứu về cuộc đời, về công việc, về tài liệu, về những việc đã quyết định, rồi thẩm định xem người đó giá trị như thế nào”.
Ông Lý nêu ra hai nhân vật Trung Quốc để làm thí dụ, là Mao Trạch Đông, và Đặng Tiểu Bình. Theo ông, Mao là một đại nhân đã giải phóng Trung Quốc, nhưng suýt nữa đã làm tiêu tùng nước này qua Cách mạng Văn hóa. Mặt khác, Đặng đã mở cửa đất nước ra thế giới vào tháng 12 năm 1978, một tháng sau chuyến viếng thăm Singapore, Kuala Lumpur và Bangkok.
Ông kể rằng ba ngày viếng Singapore là khúc quanh quan trọng đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc, người trước đó vẫn cho rằng Singapore là tay sai của Mỹ, nhưng thay vào đó đã thấy một thị quốc giầu có, xanh tươi sạch sẽ, và mỗi người làm chủ một căn hộ. Bởi đó, khi Đặng đối diện với chống đối cải cách kinh tế của ông vào năm 1992, ông đã thúc đẩy các tỉnh Trung Quốc – trong một chuyến du hành miền Nam – hãy “học từ Singapore vì họ biết quản trị tốt và có kỷ luật”. Điều này đưa tới việc thiết lập khu công nghiệp Trung Quốc – Singapore tại Suzhu 15 năm trước. Đặng đã xây dựng Trung Quốc. Nếu ông ta không đảo ngược hướng đi, Trung Quốc chắc đã nổ tung như Liên Xô.

Hồn nước và GDP
Có thể nói Singapore là tác phẩm của Lý Quang Diệu. Sự thành công của Singapore khiến thế giới thán phục, nhưng theo lời ông Lý Quang Diệu phát biểu vào một dịp khác, tỷ lệ bất mãn của dân Singapore cũng cao vào hàng đầu thế giới. Ngoài truyền thông “lề phải” như tờ báo lớn The Straits Times mỗi ngày trung bình có tới 1 triệu 400 ngàn độc giả, và kênh truyền hình NewsAsia, Singapore cũng có những Blogs thẳng thừng chỉ trích ông Lý Quang Diệu, đáng kể trong số này là Blog TOC “The Online Citizen”.
Bài “Kent Ridge Ministerial Forum: The Lion, the Young and the Orchestra” của Blog này vào ngày 20 tháng 10 đã nhại lời trong Thánh Kinh để nói về Lý Quang Diệu “Lý tạo ra giang sơn trong hình ảnh của ông, trong hình ảnh của Lý ông tạo ra giới trẻ; ông tạo ra chúng không hồn và vô chính trị.” Bài này còn mượn lời của giáo sư kinh tế Linda Lim của Đại học Michigan để nói rằng “Singapore chỉ là một nơi chốn, không phải một quốc gia” (Singapore is only a place, not a nation). Bài này viết thêm “một quốc gia không lớn lên với GDP, một quốc gia không sống trong những nhà chọc trời: một quốc gia chỉ ra đời khi có một linh hồn”.
Trong hai ngày, bài này đã có hơn một trăm phản hồi, hầu hết đều chỉ trích ông Lý Quang Diệu. Tiêu biểu hơn cả là phản hồi thứ 29, của một ngừơi ký tắt là JW, post vào ngày 20 tháng 10, tạm dịch như sau:
LQD đã thuộc về quá khứ.
Không phải là bắt đầu như thế nào, nhưng kết thúc như thế nào mới đáng kể. LQD đang kết thúc rất tồi và sẽ kết thúc rất sớm.
LQD KHÔNG phải là cha già của dân tộc Singapore. Ông ấy mãi mãi là một kẻ cơ hội và một người hèn nhát về chuyện đó. Sự việc này đã được chứng tỏ nhờ những gì Said Zahari nói trong cuộc phỏng vấn này
http://www.youtube.com/watch?v=aaLaeDN4t2U, các tài liệu giải mật tại Luân Đôn đã làm chứng rằng LQD là một kẻ hèn nhát.
Ông đã cộng tác với Nhật rồi với Anh chống lại nhân dân Singapore.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi cuộc phỏng vấn này vẫn còn bị cấm bởi các nhà kiểm duyệt phim Singapore.
Sau 50 năm và LQD chấp nhận rằng Singapore vẫn không phải là một quốc gia.
Tốt nhất là LQD và Đảng PAP (People Action Party – Đảng Nhân dân Hành động) biến đi, càng sớm càng tốt.
Cũng cần ghi nhận rằng người viết đã có thể mở computer tại Singapore, đọc những lời chỉ trích trên đây theo link
http://sgblogs.com/entry/kent-ridge-ministerial-forum-lion-young-orchestra/365197
và xem được cả http://www.youtube.com/watch?v=aaLaeDN4t2U, mà không hề bị khó khăn bởi tường lửa.

*

Sau khi ông Lý quy tiên, không hiểu Đảng PAP có ướp xác ông để làm bùa hộ mệnh như các đảng cộng sản Liên Xô, Việt Nam và Trung Quốc đã làm với lãnh tụ của họ. Điều đáng chú ý là tại Singapore, người ta không bán hay trưng bầy ảnh tượng của Lý Quang Diệu. Quốc kỳ chỉ được treo tại công sở và mấy ngày lễ chính. Ngoài ra, người dân muốn treo cờ phải xin phép.

© 2009 Đinh Từ Thức
© 2009 talawas blog



No comments: