Tuesday, October 27, 2009

BỂ TRÍ TUỆ CHỨ KHÔNG PHẢI BỒN TRÍ TUỆ


Bể (biển, đại dương) trí tuệ chứ không phải “bồn trí tuệ” !
Tiêu Dao Bảo Cự
Đăng ngày 26-10-2009
http://danchimviet.com/articles/1613/1/B-bin-i-dng-tri-tu-ch-khong-phi-bn-tri-tu-/Page1.html
Thời gian gần đây, sự việc Viện Nghiên Cứu Phát Triển (IDS) tuyên bố tự giải thể sau Quyết định 97 của chính phủ làm dấy lên nhiều ý kiến, tranh luận, đặc biệt chung quanh bài viết của Trần Kiêm Đoàn (Trí thức Việt Nam quanh bồn trí tuệ - talawas) về hình thức tổ chức được gọi là “think tank”.
Dù đứng trên quan điểm nào, phần lớn mọi người đều đồng ý về sự cần thiết và vai trò quan trọng của các nhóm trí thức tập hợp trong các think tank mà các nước Âu Mỹ đã thực hiện để làm vai trò tư vấn, phản biện cho nhà nước hay các công ty khi đề ra đường lối, chính sách, chiến lược phát triển.

Tuy nhiên hình thái tổ chức think tank này thực tế chỉ thích hợp với các nước phát triển và có tự do dân chủ. Còn đối với Việt Nam hay các quốc gia có chế độ độc tài, đặc biệt khi nghiên cứu những vấn đề chính trị xã hội, hình thái tổ chức này xem ra không phù hợp. Các “bồn trí tuệ”, “kho tư duy” hay “cỗ xe tăng tư tưởng” gì đó, các nhà nước có thể không thèm dùng tới, hạn chế hay đập bỏ bất cứ lúc nào theo kiểu nhà nước Việt Nam đối với IDS.

Chung quanh vấn đề này, người ta cũng bàn nhiều đến vai trò của trí thức. Từ lâu, nhiều người đã cho rằng trong quá khứ Việt Nam không có một tầng lớp trí thức đúng nghĩa. Tầng lớp đó không có những phẩm chất đích thực của trí thức là độc lập, sáng tạo, đầu tàu cho phát triển mà chỉ là những kẻ học vẹt, nhai văn nhá chữ, chuyên phò chính thống. Nói như thế có lẽ không xa sự thực mấy khi nhìn lại lịch sử. Tuy nhiên cá nhân một số những trí thức ưu việt cũng đã là niềm kiêu hãnh của một thời kỳ lịch sử nào đó và là dấu chỉ của lương tâm dân tộc dù số phận của họ bi đát hay không được trọng dụng. Chu Văn An làm “Thất trảm sớ” khi về quy ẩn và không được nghe theo. Nguyễn Trãi là quân sư cho cuộc kháng chiến chống quân Minh với sách lược “tâm công”, “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo”, tác giả bản thiên cổ hùng văn “Bình ngô đại cáo” cuối cùng cũng bị tru di tam tộc. Nguyễn Bỉnh Khiêm gợi ý cho các chúa Nguyễn về “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân”. La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp chỉ được Quang Trung hỏi ý kiến trong một vài việc. Nguyễn Du- thiên tài thơ nôm trác tuyệt cũng chỉ là phận “hàng thần lơ láo”, khi chết không buồn trăn trối…

Nhưng kẻ sĩ Việt Nam không phải chỉ chừng đó. Nguyễn Công Trứ tuy lên voi xuống chó, bị triều đình nhà Nguyễn đố kỵ nhưng ai có công “vì nhân dân” hơn ông trong việc lập dinh điền, khai hoang tìm đất sống cho nông dân vùng Kim Sơn, Tiền Hải. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, ông cũng giữ phương châm sống “cầm chính đạo để tịch tà cự bí, hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên” và “phù thế giáo một vài câu thanh nghị”, chống lại cái xấu, cái ác, khen chê rạch ròi. Cao Bá Quát dám “nghiêng cánh nhạn tếch mái rừng Nhan Khổng, cựa đuôi kình toan vượt bể Trình Chu”, khẳng định “Bình Dương Bồ Bản vô Nghiêu Thuấn, Mục Dã Minh Điền hữu Võ Thang”, đứng về phía “phản loạn”, dù có bị rơi đầu trên pháp trường. Còn phải kể đến Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông, những danh y đã đặt nền móng cho y học dân tộc và cứu giúp được bao người qua nhiều thế kỷ. Rồi đến những danh nhân văn hóa, văn học, nếu không có họ, làm sao khẳng định được diện mạo của dân tộc. Họ là những trí thức-kẻ sĩ Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng cho dân tộc dù bị hạn chế bởi hệ tư tưởng Hán Nho và triều đại phong kiến.

Thời cận đại, trước sự xâm lược và nền văn minh của Tây phương, ai nếu không phải là trí thức đã lao tâm khổ tứ tìm ra con đường cứu nước cho dù họ đã thất bại. Nếu không có những Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, … lịch sử của Việt Nam 100 năm thời Pháp thuộc đơn thuần chỉ là 100 năm nô lệ. Từ khi đất nước bị chia đôi lần cuối, trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm và nội chiến nồi da xáo thịt, dưới hai chế độ ở hai miền Nam-Bắc, nếu không có những trí thức phản kháng, làm sao có thể nhận ra lương tâm dân tộc dưới chế độ hà khắc độc đoán, trong tiếng bom đạn và gào thét hận thù.

Trí thức ngày nay có những điều kiện thuận lợi hơn hẳn trí thức ngày trước nhưng họ đã làm được gì hơn người xưa? Một IDS chưa làm được gì bao nhiêu đã phải tuyên bố tự giải thể dù họ là những trí thức hàng đầu được tin cậy của chế độ. Vậy thì chuyện “phò chính thống” hay “thân phận tôi đòi” không phải chỉ là vấn đề của kẻ sĩ thời phong kiến. Có người nói việc tuyên bố tự giải thể mới chính là việc làm có giá trị nhất của IDS chứ không phải là những gì họ đã nghiên cứu. Mấy chục năm qua, có bao nhiêu trí thức đã cảm thấy nhục nhã khi phải ngồi nghe các vị “lãnh đạo tòan diện và tuyệt đối” lên lớp, huấn thị về những vấn đề chuyên môn như giáo dục, y tế, văn học nghệ thuật, công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng… khi trí tuệ và sự hiểu biết của các vị lãnh đạo đó không bằng học trò của mình?

Trong một chế độ không chấp nhận think tank thì trí thức có thể làm gì?

Một nhóm trí thức tập hợp trong một nhóm để cùng nhau đi sâu nghiên cứu một số đề tài có thể làm được những công trình hữu ích. Tuy nhiên, một trang web, một tờ báo cũng có thể làm được điều đó trong một phạm vi rộng hơn, huy động được nhiều người tham gia hơn, mang tính xã hội cao hơn. Có phải trong những vấn đề chính trị xã hội, các trang web như talawas, thông luận, danchimviet,…và mới đây là bauxite Vietnam hay các trang web chuyên đề về Hoàng Sa-Trường Sa và biển, đảo, đã có những nghiên cứu, tranh luận, phản biện có giá trị hơn bất cứ nhóm trí thức nào được nhà nước thành lập và chỉ nghiên cứu theo đường hướng đã được chỉ đạo.

Dĩ nhiên trong nghiên cứu, cần thiết phải có những công cụ khoa học, tham khảo tài liệu, điều tra xã hội học… mà nếu không được nhà nước cho phép sẽ khó tiến hành. Tuy nhiên những điều này không phải là trở ngại lớn khi nghiên cứu những vấn đề lý luận hay tham khảo tư liệu của các nước tiên tiến. Hơn nữa, ngày nay, trí thức không phải chỉ là những người có bằng cấp. Ngay nông dân Việt Nam, những “hai lúa” cũng đã có người vào Internet, chế tạo được nông cụ, lai tạo được giống cây trồng. Một “dân oan” cũng hiểu được thế nào là dân chủ…Không ai có thể hiểu rõ đời sống và tâm tình của họ bằng chính họ. Những hiểu biết này cũng góp phần vào việc nghiên cứu để tránh tình trạng lý luận suông, xa rời thực tiễn.

Thực ra lâu nay một số trang web đứng đắn đã phần nào làm được điều này. Để có hiệu quả hơn, vấn đề là phải tổ chức và điều hợp thế nào để các vấn đề cần nghiên cứu được đào sâu và huy động được trí tuệ của người Việt khắp nơi trong và ngoài nước. Dĩ nhiên việc nghiên cứu ở đây phải có tính cách khách quan, vì lợi ích lâu dài của dân tộc chứ không mang những mục tiêu chính trị ngắn hạn hay vì lợi ích của phe nhóm. Những người tham gia phải là những người ngoài trí tuệ cần có sự trung thực và lương tâm trong sáng. Trí tuệ nhưng hèn nhát chỉ để trang trí hay ngụy biện. Trí tuệ nhưng không có lương tâm đôi khi lại là tội ác.

Cũng có thông tin cho rằng IDS được thành lập là do nhóm trí thức khao khát tự do đã tìm cách “lách luật” để ra đời nhưng chế độ độc tài không muốn cho tồn tại vì nó có thể trở thành tiền đề cho việc tự do lập hội, sau đó là tự do báo chí và xuất bản, điều được coi là nguy hiểm cho sự tồn vong của chế độ. Khi nhà nước không chấp nhận những “bồn trí tuệ” đòi có tự do nghiên cứu, tại sao trí thức không bỏ bồn mà bơi ra bể? Nền văn minh tin học và thế giới phẳng ngày nay có thể giúp trí thức làm được điều đó. Bể trí tuệ Việt Nam mênh mông không vì lợi ích của một nhà nước, chế độ, đảng phái nào mà vì tương lai của đất nước.

Bài do tác giả gởi Đàn Chim Việt Online


No comments: