Wednesday, October 28, 2009

NẾU MỌI NGƯỜI CÙNG ĐÓNG GÓP . . . (về Quyết Định 97)


TS Nguyễn Quang A:
Nếu mọi người cùng đóng góp, những thay đổi sẽ không đến nỗi quá chậm
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2009-10-27
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnam-to-take-a-century-to-get-back-some-lost-progress-NNguyen-10272009112915.html
Quyết định 97 của Thủ Tướng Việt Nam có hiệu lực từ ngày 15/9/2009 có nội dung cấm các tổ chức khoa học kỹ thuật công khai công bố các ý kiến phản biện.

Tổ chức Nghiên cứu Phát triển Độc lập, IDS . photo from vnids.com
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Reaction-from-overseas-intellectuals-about-vietnam-decree-97-09162009151337.html/ids-305.jpg

Việc này dẫn tới sự kiện, Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS một tổ chức tư nhân tự ý giải thể sau 2 năm họat động.
Các nhà trí thức đã đưa ra nhiều ý kiến cho rằng, quyết định của chính phủ vi phạm pháp luật và hiến pháp, cũng như không phù hợp với một số cam kết khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO.
Ngày 21/10 Bộ Trưởng Tư Pháp Hà Hùng Cường gởi văn thơ cho TS Nguyễn Quang A, để một lần nữa bảo vệ quan điểm của chính phủ. Nam Nguyên phỏng vấn TS Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng IDS tổ chức đã tự giải thể, về một vài sự kiện liên quan:

Khiếu nại lên Quốc hội

Nam Nguyên: Thưa TS Nguyễn Quang A. Sau tất cả những diễn biến, từ ý kiến chỉ đạo của Thủ Tứơng cho tới sau cùng là văn thư ngày 21/10 của Bộ trưởng Tư Pháp. Các bước tiếp theo của TS và các đồng nghiệp đối với quyết định 97 sẽ tiếp tục như thế nào?
TS Nguyễn Quang A: Tiếp theo thì thực sự là việc tôi đã làm từ ngày 16/10, tôi đã gởi đơn cho ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, yêu cầu ủy ban xem xét ra quyết định đình chỉ việc thi hành quyết định 97 và trình lên Quốc Hội hủy bỏ quyết định này. Đấy là thẩm quyền Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội có thể làm theo những qui định của luật khiếu nại và tố cáo.
Nam Nguyên: Ngoài việc đưa ra UBTVQH như TS vừa đề cập, ở Việt Nam có hay không một cơ chế, để công dân có thể xin hủy bỏ 1 quyết định mà họ cho là vi phạm pháp luật, đi ngược lại hiến pháp?
TS Nguyễn Quang A: Theo luật lệ hiện hành, công dân chỉ có quyền khiếu nại tố cáo và cao nhất là lên đến Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội mà thôi. Rất đáng tiếc là Việt Nam không có tòa án hiến pháp, nếu mà có tòa án hiến pháp thì đây mới là nơi lý giải và phán quyết về những tranh chấp như vậy. Theo luật lệ hiện hành thì UBTVQH là cơ quan lý giải pháp lý và có một số quyền quyết định như trong đơn của tôi gởi ngày 16/10 vừa rồi.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS ở Hà Nội. RFA file photo
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/interview-with-DrNguyenQuangA-of-IDS-about-the-warning-of-economy-recession-NNguyen-07242008143923.html/NguyenQuangA-200.jpg

Nam Nguyên:
Thưa TS, Quốc Hội gồm đại đa số là đảng viên, họ có thể có quan điểm chung với chính phủ. Khi ông làm việc này, ông có tin tưởng là UBTVQH sẽ có tiếng nói độc lập hay không?
TS Nguyễn Quang A: Tôi chưa đặt vấn đề kết quả ra sao, nhưng chỉ mong muốn những người ban hành ra văn bản qui phạm pháp luật như thế, thì hãy thực hiện nghiêm túc chính những văn bản do họ đưa ra. Còn kết quả ra sao thì chưa thể thấy được.

Kiện ra WTO?
Nam Nguyên:
Thưa TS, ông nhận định là quyết định 97 có thể bị kiện ra WTO, vậy thì khả năng của việc này là như thế nào. Bản thân ông sẽ tiến hành việc này hay là ai khác sẽ làm?
TS Nguyễn Quang A: Tôi chỉ nêu ra một khả năng như vậy, bởi vì việc làm này đã vi phạm những cam kết của chính phủ Việt Nam khi gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Còn có ai kiện hay nêu vấn đề khiếu nại với WTO, thì tôi chưa thể biết được những người khác sẽ làm điều gì.
Nam Nguyên: Khi Việt Nam không còn hiện diện những tổ chức nghiên cứu độc lập, nhất là nghiên cứu chính sách như IDS, thì sẽ ảnh hưởng gì tới xã hội. Phải chăng ở đây có nhằm giải quyết một sự dàn xếp mang tính chính trị?
TS Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ rằng nó vô cùng có hại cho sự phát triển của đất nước việt Nam. Đây không phải là vấn đề chỉ riêng với chúng tôi mà là vấn đề với toàn bộ giới trí thức ở Việt Nam và với sự phát triển chung của đất nước này. Đây không phải là vấn đề cá nhân hay của một nhóm mà là vấn đề lớn hơn nhiều.
Nam Nguyên: Thưa, quan điểm của chính phủ đã rõ khi ban hành quyết định 97. Phải chăng Việt Nam sẽ phải trở lại rất nhiều thời gian cho những tiến bộ đã mất?
TS Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ sẽ tùy thuộc vào rất nhiều nhân tố, tùy thuộc vào tiếng nói của bản thân giới trí thức và nhận thức của các tầng lớp quan chức và nhận thức chung của mọi tầng lớp nhân dân.
Nếu mà tất cả mọi người coi chuyện đó là thường, không đáng kể và cam chịu… để yên, thì tôi nghĩ rằng có thể sẽ mất hàng thế kỷ nữa không chừng. Còn nếu mọi người thấy là mình nên đóng góp ý kiến, bằng tất cả những cách có thể trên bình diện xây dựng đất nước, thì tôi nghĩ cũng có thể những thay đổi sẽ không đến nỗi là quá chậm.
Riêng đối với bản thân, tôi khá lạc quan bất luận kết qủa của chuyện tranh cãi này đi đến thế nào.
Nam Nguyên: Cảm ơn TS Nguyễn Quang A về thời gian ông dành cho đài RFA.

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.


No comments: