Tuesday, September 1, 2009

THỊNH SUY của QUỐC GIA và TAI NẠN của LÃNH ĐẠO


Những bàn tay vô hình: Thịnh suy của quốc gia và tai nạn của lãnh đạo
Nguyễn Xuân Nghĩa

Monday, August 31, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=100567&z=97
Trước hết, hãy nói chuyện đạo và thuật....
Ngày 10 Tháng Mười Hai, năm 1987, cuối chuyến thăm Hoa Kỳ lần đầu, Chủ Tịch Mikhail Gorbachev rời Tòa Bạch Cung sau khi cáo từ Tổng Thống Ronald Reagan. Trên xe limo, ông được Phó Tổng Thống Mỹ George H.W. Bush tiễn ra phi trường.
Ông Bush chọn buổi tiễn đưa để thì thầm đôi ba chuyện. Xin khách đừng tiết lộ ra ngoài.
Bị mang tiếng là quá ôn hòa, Phó Tổng Thống Bush chuẩn bị ra tranh cử tổng thống vào năm sau và đang bị Nghị Sĩ Bob Dole dẫn trước trong đảng Cộng Hòa. Nếu thắng cử, ông sẽ cải thiện quan hệ với Liên Bang Xô Viết và giúp Gorbachev tiến hành cải cách. Nhưng muốn thắng cử, ông phải trước tiên vượt qua hàng rào bảo thủ và “đám trí thức du đãng” đang vây quanh Reagan - chữ của ông Bush (cha), một người có vẻ nhã nhặn hiền lành hơn ông con! Nghĩa là ông sẽ gay gắt tấn công Liên Xô, cho nên yêu cầu Gorbachev thông cảm cho nhu cầu chính trị ấy mà vững tin vào lời cam kết riêng này.
Suốt bốn năm sau, Gorbachev phải trấn an thuộc hạ về thái độ chống Liên Xô của Tổng Thống Bush. “Tôi biết dụng dạ ông ta!” Và Chiến Tranh Lạnh kết thúc, Liên Xô tan rã mà Hoa Kỳ dường như không tốn một viên đạn. Ai dụng mưu trong chuyện này? Mưu ấy nhắm vào việc gì?

Về chuyện thuật, ngày 14 Tháng Năm, năm 1983, trùm mật vụ KGB trình một báo cáo lên ông trùm Yuri Andropov của Liên Xô. Ðề mục: Nghị Sĩ Edward Kennedy.
Nội dung báo cáo là vào hai ngày 9 và 10 tháng đó, bạn thâm giao của Kennedy và cựu nghị sĩ tiểu bang California là John Tunney đã có mặt ở Moscow, với một thông điệp kín của Kennedy: Nghị Sĩ Kennedy sẽ giúp Andropov xử trí với Reagan, ngược lại, lãnh tụ Liên Xô sẽ giúp đảng Dân Chủ thắng cử năm 1984.
Việc Reagan tái tranh cử có thể gặp vấn đề, nếu là chuyện hòa hay chiến giữa Hoa Kỳ và Liên Xô.
Kennedy còn cụ thể gợi ý một số biện pháp truyền thông giúp Andropov tác động vào dư luận Mỹ, và có thể đích thân qua Moscow cho Andropov biết là nên trình bày lập trường về kế hoạch tài giảm binh bị như thế nào với Hoa Kỳ. Theo báo cáo của KGB, Tunner cũng cho biết Kennedy có ý định ra tranh cử năm 1984 hoặc 1988.

Giai thoại về Bush được sử gia Michael Beschloss và nhà ngoại giao Strobe Talbot - bạn học và đại sứ của Tổng Thống Clinton tại Moscow - kể lại khi mở đầu cuốn “At the Highest Levels” về sự kết thúc của Chiến Tranh Lạnh, xuất bản năm 1993. Giai thoại về Kennedy không được truyền thông Mỹ nhắc tới.

Sau khi văn khố Liên Xô được Boris Yeltsin cho giải mật, ký giả Tim Sebastian của tờ Times tại London đọc được và moi ra báo cáo của KGB cho Andropov về đề nghị đổi chác của Kennedy. Tất nhiên, bài báo của Tim Sebastian không được báo chí Mỹ nhắc tới vì quá nhục cho đảng Dân Chủ! Năm 2006, cuốn “The Crusader: Ronald Reagan and the Fall of Communism” của sử gia Paul Kengor đã trình bày lại nguyên vẹn bản báo cáo trên. Trong dịp Edward Kennedy tạ thế, tờ Forbes đã duy nhất nhắc tới vụ này vào ngày 28 vừa qua! Tìm hiểu thêm thì ta biết là doanh gia John Tunney và công ty Agritech của ông đã kiếm lời rất bộn trên thị trường Xô viết!

Hãy tưởng tượng giả thuyết là Ted Kennedy mà lên làm tổng thống Mỹ đầu năm 1985 hay 1989 - chuyện không thể có vì vụ Chappaquiddick năm 1969 (ông uống rượu say, cho xe lao xuống nước và để nàng Marie Jo Kopechne chết đuối trong xe mà về nhà ngủ chứ không thông báo cho cảnh sát kịp biết) - thì liệu tình hình Liên Xô có thay đổi không?
Tất nhiên là không.

Xứ này bị khủng hoảng vì những nguyên do nội tại của nước Nga và của ý thức hệ Cộng Sản rồi mới bị Ronald Reagan kéo vào cuộc thi đua đầy tốn kém sau khi đã xuất huyết tại Afghanistan cho nên tự sụp đổ trên chính sự bất toàn của nó. Lãnh đạo Hoa Kỳ có thể tự cho là đã đánh gục đế quốc Xô Viết như Reagan, hay giúp Gorbachev chuyển bại thành liệt như Bush, hoặc cố kéo dài sự thoi thóp của Liên Xô để hy vọng đắc cử tổng thống như Kennedy...
Nhưng họ không cản được... những bàn tay vô hình.

Liên Xô ngày xưa hay Liên bang Nga ngày nay bị chi phối bởi những động lực riêng của địa dư hình thể, mà tính chất toàn trị của chủ nghĩa cộng sản hay chuyên chế của Vladimir Putin cũng không cứu vãn được.
Hoa Kỳ cũng thế, những bàn tay vô hình có thể đưa quốc gia này lên vị trí hãn hữu của một siêu cường toàn cầu, và còn ở trên đỉnh cao ấy khá lâu sau này, dù có gặp lãnh đạo bất xứng hay những tai họa chính trị bất ngờ...

Nói về “bàn tay vô hình” ai cũng nghĩ tới triết gia kiêm kinh tế gia Adam Smith khi ông kết tập một số lập luận kinh tế của người trước để nói tới động lực tư lợi của mọi người khiến sinh hoạt kinh tế tự nhiên dẫn tới hiện tượng phân công lao động và sản xuất hay giao dịch có lợi ích tối hảo cho mọi người. Lý luận đó được coi là nền tảng của kinh tế tự do, nơi mà thị trường quyết định về sung dụng tài nguyên một cách có lợi nhất. Hoa Kỳ có trở thành trù phú là cũng nhờ việc giải phóng bàn tay vô hình đó... Chuyện ấy, có lẽ ai ai cũng biết...

Nhưng trước Adam Smith của xứ Tô Cách Lan - người ở cùng thời đại của Nguyễn Huệ - có Niccolo Machiavelli - người ở cùng thời đại Mạc Ðăng Dung - của nước Ý cũng gián tiếp nói đến một bàn tay vô hình khác. Bậc quân vương phải noi theo cái định mệnh hên xui may rủi của xứ sở - mà ông gọi là “fortuna” - để cai trị sao cho vững bền nhất. Muốn đạt được kết quả đó, đấng quân vương phải có đạo thuật - virtu - là nghệ thuật chính trị được nâng lên hàng đạo đức.

Người ta có thể hiểu sai kinh tế gia Adam Smith khi chỉ nói tới động lực tư lợi mà quên mất lý luận vị tha của triết gia Adam Smith. Người ta cũng có thể hiểu sai Machiavelli khi chỉ nhìn thấy thuật chính trị mà ông đưa lên lãnh đạo trong cuốn “The Prince”, bậc quân vương. Rồi coi ông là nhà tư tưởng của thuật gian hùng chính trị. Thật ra, ông là người lạnh lùng nhìn ra bàn tay vô hình “fortuna” có thể thu hẹp khả năng xoay trở của lãnh đạo.

Trước Adam Smith và Niccolo Machiavelli khá lâu, Hàn Phi đời Chiến Quốc bên Trung Hoa cũng gián tiếp nói đến một bàn tay vô hình khác.
Chế độ luật pháp trong một quốc gia bị chi phối bởi nhiều yếu tố khách quan như đất đai hay dân số. Ông đề nghị bậc quân vương vận dụng hình pháp vào điều kiện khách quan ấy để bảo vệ quyền bính khiến nhà nhà đều yên vui. Sau này, người ta cũng hiểu sai nhà tư tưởng xuất chúng của phái Pháp gia và coi ông là tác giả đã giúp Tần Thủy Hoàng đế gồm thâu thiên hạ bằng thủ đoạn.
Thật ra, Hàn Phi nói đến cái “thế”, rồi “thuật” rồi mới đến “pháp” và tư tưởng của ông xuất phát từ Ðạo gia và ông luận giải rất nhiều về Ðạo Ðức Kinh (hai chương 20 và 21 trong bộ Hàn Phi Tử của ông). Nhìn lại cho đúng thì căn cứ trên cái “thế” - hoàn cảnh khách quan của từng nước - bậc quân vương sẽ áp dụng cái “thuật” để lập ra một chế độ pháp quyền áp dụng chung cho mọi người. Nếu ai ai cũng tôn trọng hệ thống pháp trị ấy như nhau thì bậc quân vương có thể khoanh tay theo kiểu “vô vi” mà nước nhà vẫn trị! Thế mới là đạo trị nước...
Nhìn lại thì... hơi hơi giống kiểu Mỹ!
Xứ này có tự do tuyệt đối, dưới một lưới trời lồng lộng mà chẳng ai thoát. Ngoài bàn tay của thị trường, dân chúng có bị một bàn tay vô hình khác sai khiến: đó là tinh thần thượng tôn luật pháp!
Nhưng, các bậc quân vương ở trên thì sao?
Họ có quyền nói phét.

Thời “hiện đại” của thế giới khởi sự năm 1492, khi Columbus tìm ra Tân Thế Giới trong một địa cầu được xác nhận là hình tròn. Từ đó trung tâm của thế giới chuyển về phía Bắc của Ðại Tây Dương với các đế quốc Âu Châu theo nhau tung hoành khắp nơi để đặt ra luật chơi cho toàn cầu - trong suốt 500 năm. Thời đại ấy coi như chấm dứt năm 1983 khi mà lần đầu tiên trong lịch sử loài người luồng trao đổi kinh tế băng ngang Thái Bình Dương - giữa Ðông Á và Bắc Mỹ - đã vượt qua lượng hàng buôn bán qua Bắc Ðại Tây Dương. Ðịa cầu chuyển trục và Âu Châu bị tụt hậu sau khi tự gây họa trong ba cuộc chiến... với nhau (1870, 1914 và 1939).

Quốc gia duy nhất rửa chân bên cả hai đại dương bát ngát đó trên cái thế mạnh chưa từng thấy chính là Hoa Kỳ - không phải Canada hay Mexico.
Bên trong, Hoa Kỳ lại có địa dư hình thể thuận tiện cho việc phát triển hơn tất cả các quốc gia rộng lớn khác của địa cầu, như Liên Bang Nga, Gia Nã Ðại, Trung Quốc, hay Brazil, Úc, Ấn Ðộ... Trên cái thế mạnh của bàn tay vô hình theo kiểu “fortuna” của Machiavelli, Hoa Kỳ nương theo bàn tay vô hình của Adam Smith để giải quyết việc sung dụng tài nguyên. Trên cùng, hệ thống pháp trị kiểu Hàn Phi là một bàn tay vô hình khác khiến cho tuyệt đại đa số dân chúng cùng hành xử như nhau: tôn trọng luật lệ từ trong cõi vô thức. Nhà nước không cần nhất nhất kiểm soát từng hộ, từng nhà, như tại các quốc gia độc tài. Ngược lại, người dân mới canh chừng để quan chức nhà nước cũng không thể phạm luật.

Nhờ địa dư hình thể ấy, Hoa Kỳ không thể bị tấn công trên đất liền (Canada, Mexico hay Nga chưa có khả năng đó) hoặc từ ngoài biển như các xứ khác đã từng bị. Nhờ kinh tế tự do, Hoa Kỳ có lực sản xuất tính rẻ thì bằng một phần tư của cả thế giới dù chỉ có dân số bằng một phần 20 và là quốc gia duy nhất có khả năng hiện diện và can thiệp toàn cầu. Nhờ tinh thần thượng tôn luật pháp xứ này có chế độ tự do mà thoát khỏi nạn cường hào ác bá ở dưới hay chuyên chính ở trên.
Nhưng, Hoa Kỳ còn một bàn tay vô hình khác mà bất cứ ai lên cầm quyền đều sẽ hiểu ra.
Ðó là khả năng can thiệp vào thiên hạ sự để không xứ nào - trên đại lục địa Âu-Á, tại Trung-Cận Ðông hay ở Nam Mỹ - có thể trở thành đối thủ và đe dọa ưu thế sẵn có của Hoa Kỳ.

Trong lịch sử, đã nhiều lần nước Mỹ can thiệp như vậy để thiên hạ kềm hãm lẫn nhau. Khi thì chia đôi nước Ðức hoặc giải giới nước Nhật, mà lại biến hai đối thủ cũ thành đồng minh mới để canh chừng Liên Xô và Trung Quốc. Khi thì kéo Trung Quốc ra thế giới văn minh để cô lập Liên Xô - và sẵn sàng trả giá cho miền Nam Việt Nam rơi vào quỹ đạo Cộng sản, như Henry Kissinger xác nhận như vậy từ năm 1972. Bây giờ đến chuyện giúp cho hai phe Sunni và Shia kiềm chế lẫn nhau trong thế giới Hồi Giáo...
Ðối thủ hiện nay của Hoa Kỳ là Liên Bang Nga thì chỉ là “xác chết chưa chôn”, nói theo kiểu lạnh lùng của Hàn Phi. Ðối thủ tiềm thế - sau này - là Trung Quốc, mới đáng chú ý. Hoặc làm ra bộ đáng chú ý.
Trung Quốc bị bàn tay vô hình của địa dư hình thể phân lãnh thổ thành ba khu vực với tốc độ tăng trưởng càng thấp khi càng ngả về hướng Tây. Xứ này có mầm loạn ngay trong lá tử vi và quân số kỷ lục của họ chưa chắc đã dẹp được nội loạn, nói gì đến việc đe dọa nước Mỹ? Hải Quân Trung Quốc là loại hàng mã có thể dọa được Hà Nội chứ chưa thể cân xứng với Hải Quân Nhật, một xứ đã được Mỹ “tự giải giới” với điều 9 của Hiến Pháp mà hiện đang trở lại vị trí cường quốc quân sự - cũng với sự hợp tác của Hoa Kỳ. Còn chuyện Trung Quốc đọ sức với hạm đội Hoa Kỳ thì có lẽ phải đợi... thế kỷ sau: nếu nước Mỹ giậm chân tại chỗ trong những thập niên tới thì Trung Quốc phải gia tăng sản lượng kinh tế gấp ba, may ra nói chuyện ngang ngửa!
Vậy mà người ta vẫn thấy Hoa Kỳ tri hô về hiểm họa Trung Quốc!

Rồi nhân danh nhu cầu an ninh với Trung Quốc mà bỏ qua chuyện nhân quyền hay dân chủ để phát triển quan hệ kinh tế rồi an ninh với các quốc gia hải đảo hay bán đảo ở chung quanh Hoa lục. Kết quả trước tiên - y như thuật “vận dụng” Andropov của Nghị Sĩ Kennedy và doanh gia Tunney - là các chính khách hay công ty tư vấn của họ kiếm ra vài hợp đồng béo bở hoặc một vài thành quả chính trị cho cuộc bầu cử tới. Sau đó, khi cần buông thì Mỹ vẫn cứ buông!
Nói như vậy, người Việt ta ai chẳng giật mình! Hoặc hoài nghi, phản đối.

Bàn tay vô hình tại Việt Nam mà nhà nước Hà Nội đang cố chặt là tinh thần dân tộc của người Việt. Ngày xưa, khi “thiên hạ” của chúng ta chỉ có một trục Nam-Bắc mà dân ta còn vùng dậy được sau ngàn năm Bắc thuộc. Ngày nay, Trung Quốc có thử nghiệm lại trò chơi cũ thì sẽ biết. Chứ còn trông chờ vào thiện chí bảo vệ của Hoa Kỳ thì e rằng mình vẫn chưa hiểu gì cả.
Hoa Kỳ sẽ còn là siêu cường khá lâu và đủ sức mạnh để chịu đựng nổi những tai nạn chinh trị khi bầu lên người bất xứng. Chỉ một mùa bầu cử sau là đâu lại vào đấy. Nhưng từ bên ngoài mà gửi gấm chuyện dân chủ, tự do hay độc lập của mình cho siêu cường này là chưa thấy ra bàn tay vô hình mà tàn khốc của chính trị Mỹ.



No comments: