Wednesday, September 23, 2009
TẤT CẢ CÔNG CHỨC CẤP CAO LÀ TIẾN SĨ THÌ DÂN TA ĐI ĂN MÀY
100% công chức cấp cao là Tiến sĩ thì dân ta đi ăn mày!
Nguyễn Quang A
10:36 ngày Thứ Tư, 23/09/2009
http://bauxitevietnam.info/c/10552.html
Nhìn cái tiêu đề “Có bằng Tiến sĩ mới đột phá tư duy” của bài báo, tôi nghĩ Vietnamnet phịa chuyện giễu chơi cho vui.
Nhưng khi thấy báo trích dẫn nghiêm túc một ông Tiến sĩ, quan chức cấp cao của Sở Nội vụ Hà Nội, thành viên Ban soạn thảo chiến lược cán bộ công chức khối chính quyền thành phố Hà Nội, thì tôi thực sự phát hoảng. Làm gì có sự ngu đần đến thế được? Hay là báo viết bậy, người ta nói một đằng lại viết một nẻo? Nếu thế thì Vietnamnet phải cải chính ngay đi không là gay đấy! Cũng chẳng hiểu báo đã liệt kê hết các chức danh vô cùng quan trọng của ông ấy chưa? Chưa liệt kê hết cũng có thể bị khó dễ khi làm việc với Sở của ông ta đấy! Dưới đây tôi viết với giả thiết những điều báo viết là đúng.
Sau vài phút bàng hoàng, tôi bình tâm lại và thấy chắc Vietnamnet viết đúng. Với cách làm nhân sự của các cơ quan nhà nước từ xưa đến nay thì quá dễ hiểu: không có những điều kì quái mà ông Tiến sĩ ấy nói ra mới là lạ!
Hayek đã phải dành hẳn một chương (chương 10) trong cuốn The Road to Serfdom từ 1944 của ông (Bản dịch của tôi là Con đường dẫn tới chế độ nông nô còn bản dịch mà NXB trí thức mới xuất bản có tựa đề Đường về Nô lệ; tôi nghĩ dùng từ “về” chưa lột hết nghĩa, cảnh nô lệ không đáng “về” và không phải ở quá khứ mà ở ngay trước mắt nếu…) để trả lời cho câu hỏi cũng là tựa đề của chương: “vì sao kẻ tồi nhất leo lên đỉnh”. Có thể tranh luận về các lí giải của Hayek, bạn đọc nên đọc chương đó và tự đưa ra lí giải của mình.
Hãy quay lại ý kiến của ông Tiến sĩ. Theo ông người ta đã tiêu (không rõ bao nhiêu) tiền đóng thuế của dân để tiến hành một “đề tài khoa học”. Đúng là loạn “đề tài khoa học”.
Có một sự lầm lẫn khái niệm ở đây.
Việc của công chức là công việc hành chính, là việc công. Công chức là người được bầu hay được chỉ định để phục vụ, để làm các việc công đó. Việc của công chức không phải là việc “nghiên cứu khoa học”. Nhân dân đóng thuế để nuôi họ làm việc công, không phải để họ nghiên cứu khoa học. Sự lẫn lộn khái niệm dẫn đến những hệ lụy khôn lường.
Xã hội chỉ phát triển nếu có sự phân công lao động hữu hiệu (nôm na là ai giỏi việc gì thì làm việc ấy). Vậy cớ chi vẽ ra lắm “đề tài khoa học” để cho các quan trở thành các “nhà nghiên cứu khoa học” hay chỉ để có thêm kinh phí cho các quan “cải thiện”. Nếu đó là công việc thuộc bổn phận của họ phải làm mà lại “vẽ ra” đề tài “nghiên cứu khoa học” thì có thể xem xét liệu có chuyện lạm quyền, tham nhũng hay không. Hãy minh bạch những chuyện đó, dần dần người dân sẽ hiểu, quan chức sẽ hiểu họ phải làm gì và không được làm gì.
Các nhà nghiên cứu khoa học thường làm việc tại các viện nghiên cứu và các trường đại học. Họ không phải là các công chức, họ là các viên chức có thể ăn lương từ ngân sách, họ không thuộc cơ quan công quyền. Cần phải rạch ròi chuyện này. Về cơ bản chỉ các nhà nghiên cứu khoa học thật sự đó mới viết luận văn Thạc sĩ, Tiến sĩ. Những người khác, các công chức, người dân thường cũng có thể tự do nghiên cứu khoa học và kiếm bằng Tiến sĩ nếu họ muốn, nhưng phải với tư cách cá nhân. Phải tuyệt đối cấm công chức dùng thời gian và tiền bạc của Nhà nước để “được đào tạo” thành Tiến sĩ. Phân công lao động xã hội hiện đại không đòi hỏi họ là nhà nghiên cứu. Nếu họ vẫn muốn, nên để họ thi tuyển vào các viện nghiên cứu và các đại học, nếu họ có khả năng thực sự và được nhận. Nếu các tổ chức nghiên cứu này là các tổ chức nghiên cứu thực sự, tôi tin 99,9% số Tiến sĩ ở các cơ quan công quyền sẽ không được nhận vào làm.
Công chức gương mẫu, mẫn cán, làm tốt công việc của mình được xã hội công nhận và danh tiếng xã hội của họ có thể khác, nhưng cũng có thể chẳng kém gì của các Giáo sư hay Tiến sĩ tử tế. Cái bằng không làm nên con người, danh tiếng của một người chỉ phụ thuộc vào những cống hiến thực sự của họ cho xã hội, dẫu họ có biết đọc biết viết hay không, chứ chẳng nói họ có cái mảnh bằng (thường là rởm) hay không. Sự đánh giá, tuyển dụng, cất nhắc nhân viên không theo công trạng chắc chắn sẽ dẫn đến sự lụn bại của tổ chức sử dụng họ, dẫu đó là một doanh nghiệp, một cơ quan hay Chính phủ.
Lầm lẫn khái niệm, đi biến cơ quan công quyền thành nơi “nghiên cứu khoa học” rởm cũng chẳng khác việc bắt thợ nề làm thợ mộc và cái nhà do họ xây chắc chắn sẽ bị sụp. Và người gánh chịu hậu quả của kiểu “trọng dụng nhân tài” này sẽ là những người đóng thuế, là nhân dân và cả dân tộc. Nếu vẫn lấy mảnh bằng làm thước đo khi tuyển chọn và đánh giá, cất nhắc; nếu chỉ lấy lòng “trung thành” với cái gì đó rất mơ hồ mà thực chất là trung thành với sếp; nếu vẫn làm nhân sự theo cách cũ, thì đất nước sẽ lụn bại.
Nếu chỉ cần 15% chứ chưa nói đến 100% công chức chủ chốt có bằng Tiến sĩ thì chắc chắn dân ta đã phải chịu số phận ăn mày. Những người có bằng Tiến sĩ ấy sẽ “đập phá tư duy” đưa chúng ta đến chỗ chết.
Người dân đóng thuế nuôi các quan chức không thể để họ xài tiền của mình một cách phí phạm như vậy. Các Tiến sĩ hãy thi thố trên mặt trận khoa học.
Tôi kiến nghị ông Chủ tịch thành phố Hà nội hãy để 56 Tiến sĩ hiện có trong bộ máy công quyền chuyển về các cơ sở nghiên cứu thực sự, nếu họ có năng lực khoa học và các cơ sở đó chịu nhận mà không có sức ép nào, còn nếu không thì nên để họ ra khỏi cơ quan, hãy để họ thử làm các nhà nghiên cứu tự do, tự làm, tự kiếm sống, xem họ có thể sống bằng cái “mảnh bằng Tiến sĩ” của mình hay không.
NQA
HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
-------------------
Ông "Đột Phá"
Tiến sĩ giấy ơi
Tôi gọi ông là “ông đột phá”
Đột vào đâu, và phá cái gì?
- Đột vào nơi bày toàn những ghế
Phá nơi nào cất giữ lương tri !
Thân giáp bảng sinh từ mảnh giấy
Bụng to đùng, đầu nhỏ tý ty
Khốn nạn dân lành được ông cưỡi cổ
Như cưỡi rùa bái tổ vinh quy.
“Trăm phần trăm đều là Tiến sĩ”
Ủy ban thế ấy Ủy ban gì?
Học đòi “đột phá tư duy”
Khỉ “đột” nó “phá” thì nguy giống nòi.
20-9-2009
Thái hữu Tình
-----------------------
Từ “Bần cố nông” tới "phổ cập Tiến sĩ", hai thái cực – một lối tư duy
Viên Mẫn
Thứ Tư, 23/09/2009
http://danluan.org/node/2739
Bài viết được tác giả gửi tới Dân Luận qua email (xem thêm hướng dẫn gửi bài lên Dân Luận). Theo tác giả, tư duy "tiến sĩ hóa" thực chất chỉ là một biến tướng khác của chủ nghĩa lý lịch, đánh giá con người một cách chủ quan dựa trên giai cấp và học vị...
Thái cực thứ nhất: "Bần cố nông"
Tôi còn nhớ hồi làm sơ yếu lý lịch để đi học đại học, trong phần khai về thành phần gia đình, tôi đã hỏi bố tôi, ông bảo thực ra gia đình mình trước đây từ thời ông bà cũng có chút của cải do có vườn rộng trồng cau rồi thuê người bổ ra phơi đem bán nhưng đến cải cách ruộng đất thì đều phải quyên hết tài sản cho đội cải cách kể cả chum đựng cau khô. Ông còn kể, hồi đó cũng may mà không nghe mấy người thuộc đội cải cách đấu tố ông nội nên cuối cùng chỉ có mất tài sản nhưng giữ được người. Vì thế đúng ra thành phần của gia đình ta là trung nông thì đúng hơn là bần cố nông, nhưng ông lại bảo kể từ sau cải cách, gia đình ta thuộc thành phần bần cố nông nên con cứ khai như vậy. Thêm nữa thành phần bần cố nông sẽ có lợi cho con sau này. Hồi đó, trong suy nghĩ trẻ thơ của tôi thì tôi lại không có một chút thiện cảm gì với cái từ “bần cố nông” cả có lẽ một phần do bị ám ảnh bởi sự đói kém mà tuổi thơ của chúng tôi đã chứng kiến khi ngồi học mà cái bụng cứ đói cồn cào, chỉ mong hết buổi học thì chạy về nhà để giở chiếc chăn tủ ấm chừng hơn một bát cơm độn sắn mà mẹ dành cho chúng tôi.
Sau này đi làm tôi mới thực sự hiểu hết ý nghĩa của thành phần gia đình bần cố nông trong nền chính trị chuyên chính vô sản. Thì ra chủ nghĩa Marx coi những người trong tay không có tài sản như công nhân, nông dân nghèo, những người không được học hành là nòng cốt, là những người lãnh đạo cách mạng. Hồi đó tôi cho thế là hợp lý, những bài học về chủ nghĩa Marx – Lê Nin đã vẽ ra một thiên đường mà ở đó sẽ không còn kẻ bóc lột, con người sẽ có một cuộc sống còn hơn cả tiên vì mọi nhu cầu đều được thỏa mãn không có giới hạn.
Tới những năm giữa thập niên 80, khủng hoảng đã đưa đất nước tới tận đáy, hầu như tất cả mọi người đều trở thành bần nông và vô sản cả vì không thể kiếm được miếng ăn nữa. Tôi còn nhớ, hồi đó quê tôi, ở những ruộng khoai lang, rau má không còn mọc nổi vì cứ mới nhú ra là đã có một bàn tay lôi cả gốc lên. Món khoai lang ăn với canh rau má trở thành món khoái khẩu của chúng tôi nhưng rồi cũng không còn…, những người có tem phiếu thì chỉ được bán cho hạt mì chưa xay được các nước cho vay hoặc viện trợ, loại này ăn vào thế nào thì lúc ra cũng thế ấy.
Thái cực thứ hai: "Tiến sĩ hóa"
Thế rồi, khoán mười đến rồi sau đó ít lâu, Đảng hô hào đổi mới, bỏ ngăn sông cấm chợ, các thành phần kinh tế gồm cả kinh tế tư nhân và đầu tư của tư bản nước ngoài được phát triển, như một phép màu, chúng tôi quên dần những cơn đói, tôi đã mua được xe máy, mua nhà... Cũng từ đây tôi mới thấy xuất hiện một nghịch lý, nó làm đảo lộn những suy nghĩ, những bài học về chủ nghĩa Marx mà trước đây chúng tôi đã học. Những bần nông được chia ruộng, họ làm ăn cá thể, chính điều đó đã giúp họ thoát nạn đói, nhiều bần nông bắt đầu đi thuê người làm, họ mua thêm ruộng vườn, họ trở thành những ông bà chủ, tôi nghĩ không biết có nên gọi họ là địa chủ hay không vì họ có khá nhiều đất và có người làm thuê. Những người vô sản cũng bắt đầu mở mang kinh doanh, những người làm lãnh đạo đều có nhiều nhà cho thuê hoặc bỏ vốn kinh doanh làm ăn, mua cổ phiếu, những người vô sản rõ ràng đang tích lũy tư bản, họ không còn là vô sản nữa và họ trở thành một tầng lớp mà trước đây họ đã đánh đổ hoặc hô hào đánh đổ. Về mặt giai cấp, như thế đất nước ta đã đi được một vòng tròn về đúng thời sau ngày 2-9-1945 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tập hợp được nhiều thành phần trí thức yêu nước từ nước ngoài về tham gia chính quyền, chỉ khác là bây giờ họ giàu có và cũng nhiều mánh khóe làm giàu cũng như nhiều thủ đoạn để moi tiền nhà nước.
Để củng cố địa vị cho mình và cũng là chủ trương bằng cấp hóa đội ngũ lãnh đạo, không ít công chức đã kịp trang bị cho mình khá nhiều bằng cấp, học vị, khá nhiều người còn học vượt, từ chỗ chỉ tốt nghiệp cấp 2 chỉ sau vài năm đã có tấm bằng đại học. Một số người trước đây thi không đỗ đại học thì nay có thể ung dung với tấm bằng Thạc sỹ rồi Tiến sỹ, quả thật là một tiến bộ vượt bậc của nền giáo dục và bộ máy quản lý của nước nhà. Nếu nhìn vào số người có bằng Tiến sĩ thì không ai nghĩ rằng ở một đất nước phải còn khá xa mới có một trường đại học nằm trong top 200 của thế giới lại có thể đào tạo được nhiều Tiến sĩ như vậy. Không nói thì hẳn mọi người cũng đều biết chất lượng đào tạo là như thế nào rồi.
Một lối tư duy giống nhau
Thực chất thì hai thái cực trái ngược nhau nói trên lại cùng xuất phát từ một tư duy giống nhau đó là hình thức tư duy đóng kín theo kiểu “PHẢI LÀ”.
Nếu ở thái cực “bần cố nông” mà nhiều tầng lớp lãnh đạo đều muốn thành phần xuất thân của mình là bần cố nông, công nhân để khẳng định họ là tầng lớp nòng cốt của cách mạng nên lý lịch của họ là hoàn toàn tốt và trong sạch (một số nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước khai thành phần xuất thân là thợ cạo mủ cao su, thợ sơn, công nhân lâm nghiệp…đang gây tranh cãi trong dư luận về thành phần xuất thân trong thời gian qua). Trong trường hợp này thì có quan niệm: đã lãnh đạo thì thành phần “PHẢI LÀ” bần cố nông hay công nhân (thực tế thì nhiều nhà lãnh đạo sau khi giành được độc lập, thành phần xuất thân không phải là bần cố nông, công nhân nhưng đã cống hiến cho cách mạng như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Trần Văn Giàu, Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Lương Đình Của…).
Ngược lại, ở thái cực còn lại, những viên chức nhà nước coi tấm bằng học vị là lệnh bài để bước lên vũ đài danh vọng. Nếu trước đây tầng lớp trí thức bị coi là non nớt về chính trị, là đối tương của cách mạng thì nay, không có gì có thể nâng bước họ tốt hơn là tấm bằng học vị, cho dù chất lượng thực của nó là ra sao.
Trong bản khai lý lịch của những công chức đều tồn tại một sự mâu thuẫn, một sự xung đột về tư tưởng đó là thành phần gốc và thành phần hiện tại. Trong khi họ muốn gốc của họ là bần cố nông, công nhân thì hiện tại họ “PHẢI LÀ” Tiến sĩ, chí ít cũng là Thạc sĩ, nó giống như cách hiểu: con ông A là chủ tịch quận “LÀ PHẢI” ngoan và giỏi hơn con ông B là người kinh doanh vì ông A là chủ tịch quận, con ông ấy có thành phần xuất thân tốt hơn lại được sống trong môi trường giáo dục tốt hơn thì “PHẢI LÀ” ngoan và giỏi hơn, tuy nhiên thực tế con ông A có thể không ngoan và giỏi bằng con ông B.
Trong bài “Tôi chỉ là Ashkenazy hay quốc nạn chức danh, học vị” của tác giả Đặng Hữu Phúc đăng trên Tuần Việt Nam, thì suy nghĩ của các cơ quan quản lý văn hóa và nghệ thuật của Việt Nam: đã là nghệ sĩ giỏi thì “PHẢI LÀ” Tiến sĩ này, giáo sư nọ chứ không thể không có học hàm, học vị gì cả trong khi công chúng chỉ biết đến một nghệ sĩ piano Ashkenazy tài ba mà thôi.
Ở góc độ thực chất và đúng đắn thì xã hội được quản lý bởi những người được đào tạo bài bản là một điều tốt, tuy nhiên, cũng đừng coi Tiến sĩ giỏi hơn Kỹ sư vì so sánh này ở góc độ của công tác quản lý sẽ là khập khiễng vì Kỹ sư và Tiến sĩ cũng có nhiều tiêu chí để đánh giá và học vị Tiến sĩ thường có giá trị trong công tác nghiên cứu khoa học hơn là công tác quản lý. Ví dụ ông Obama mặc dù không có bằng tiến sĩ nhưng ông đã có thể vượt qua nhiều ứng cử viên có học vị là Tiến sĩ để giành thắng lợi trong bầu cử tổng thống Mỹ, người Mỹ hẳn cũng không nghĩ những ứng cử viên kia vì có bằng Tiến sĩ nên lãnh đạo tốt hơn ông Obama.
Trong thực tế việc đi từ thấp lên cao, từ ngu muội lên tri thức là một điều tích cực nhưng việc quá coi trọng, việc cố xúy hay huyễn hoặc bằng cấp hay thành phần giai cấp xuất thân mà coi nhẹ năng lực và tư cách đạo đức thực sự của từng con người sẽ không thể tập hợp được nhân tài trong công tác quản lý và điều hành mà tai hại hơn nữa sẽ làm những người trí thức có tâm và có tài không được trọng dụng hoặc sử dụng không đúng khả năng sở trường và dần sẽ bị thui chột theo thời gian.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment