Wednesday, September 2, 2009

TAM TOÀ : CHỨNG TÍCH TỘI ÁC CỘNG SẢN TRONG THỜI BÌNH


Tam Toà - Chứng tích tội ác CSVN thời Hoà Bình
Joseph Nguyễn Anh Điện
VietCatholic News (31 Aug 2009 08:29)
http://vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=70727
Hơn một tháng qua, Nhà nước CSVN hẳn đã rất hồ hởi vì nhiều người trên thế giới bỗng dưng biết đến địa danh Tam Toà, nơi có ngôi nhà thờ bị tàn phá trong chiến tranh mà họ quy kết là do bom đạn Mỹ (?). Sự hồ hởi này chắc chắn không chỉ vì lại có thêm nhiều người biết đến cái gọi là "Chứng Tích Tội Ác Đế Quốc Mỹ ", một đề tài mà chính Nhà nước VN cũng biết là quá lỗi thời vì ngày nay, sau gần 35 năm “đánh cho Mỹ cút", họ lại đang nhờ chính kẻ thù cũ làm đối trọng quân sự trước thói tham lam lấn lướt của anh đồng chí thắm thiết Bắc phương, đồng thời cũng lại dựa vào vị trí hàng đầu của Hoa Kỳ trong số các nước đầu tư vào Việt nam, để mong được trở thành con rồng Kinh tế trong khu vực. Thế thì, cùng với sự khôn lanh giả dối cố hữu, Nhà nước VN chẳng dại gì vừa xin vừa chửi vào mặt kẻ đang thò tay vào hầu bao như vậy.

Để hiểu được ý đồ của Nhà nước trong biến cố Tam Toà, xin nhìn vào ngành Du lịch và bộ mặt Kinh tế tại Việt nam trong hai giai đoạn trước và sau khi Hoa Kỳ gỡ bỏ Cấm vận Thương mại - Tháng 2 năm 1994.

Trước tiên, nói đến "du lịch" là nói về một lãnh vực béo bở hái ra tiền, được mệnh danh là "kỹ nghệ không khói". Trong thời gian chiến tranh, ngành Du lịch cả hai miền Nam Bắc hầu như không có gì đáng kể. Sau chiến tranh, từ tháng Tư 1975 đến hết nửa đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, không phải vì chính quyền không nhìn ra lợi thế của ngành này, nhưng với con mắt đầy ngờ vực khi họ nhìn ngay cả đa số dân chúng miền Nam là những kẻ phản động, những CIA, thì việc cấm cửa khách du lịch từ những nước Âu Mỹ, trong đó có rất nhiều người Việt mong được về thăm gia đình là điều đương nhiên. Trong giai đoạn này, Nhà nước đặt "hồng" lên trên hết. Vì thế, trong một thời gian dài, tại những thành phố lớn, thỉnh thoảng mới có vài người khách ngoại quốc dạo phố hoặc kì kèo trả giá khi mua hàng. Hỏi ra thì toàn là khách Liên Xô hoặc những "bạn bè quốc tế" đến từ những nước Cộng sản Đông Âu. Riêng người Việt tị nạn CS định cư tại Hoa Kỳ, thì đến cuối thập niên này, mới có một số ít người lén về thăm thân nhân qua ngõ Thái Lan và vài nước Đông Nam Á.

Nhìn thêm về mặt Kinh tế, thì giai đoạn này quả là yếu kém. Sự cấm vận của Hoa Kỳ ảnh hưởng nặng nề tới nền Kinh tế vốn dĩ vẫn quen lệ thuộc vào sự viện trợ của nước ngoài, lại thêm cái gánh nợ chiến phí nặng nề phải trả cho hai đàn anh Liên Xô và Trung cộng đã dẫn Việt Nam đến sự kiệt quệ về mọi mặt. Tuy vậy, trong khi những ngành sản xuất èo uột không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước, hoặc những hàng xuất nhập cảng không mấy đem lại lợi ích quốc dân, nhưng lại âm thầm đem nhiều lợi nhuận cho những cán bộ cao cấp. Riêng với những cán bộ cấp dưới, dù cũng có nhiều mánh khoé, nhiều thuận lợi để làm giàu, nhưng cơ hội được tiếp cận với Đô-la và dùng hàng ngoại nhập là rất hiếm, ngoại trừ những cán bộ làm việc tại các cửa khẩu.

Cũng may cho Việt Nam là kể từ tháng Hai năm 1992, khi Hoa Kỳ cho phép xuất cảng hàng nhu yếu phẩm và nhất là sau khi được cởi bỏ cấm vận vào năm 1994, thì không những chỉ có hàng hoá, mà khách nước ngoài vào Việt Nam tăng lên gấp bội; trong đó, chiếm đa số là những Việt kiều. Công bằng mà xét, cũng chính nhờ vào sự tiêu xài hào phóng trong những chuyến về thăm quê hương, và sự tận tụy chuyển tiền về giúp thân nhân bên quê nhà của những "khúc ruột xa ngàn dặm" mà nền Kinh tế của Việt Nam mới được thay da đổi thịt. Từ giai đoạn hết bị cấm vận này, đồng Đô-la Mỹ và những đồng tiền nhiều giá trị trên thế giới đã có mặt trên khắp đất nước, từ phố thị tới thôn quê. Cũng nhờ vào sự tiếp cận này mà rất nhiều sáng kiến đóng góp cho ngành Du lịch đã nảy ra từ những địa phương. Đầu tiên phải kể đến là những điểm du lịch với hình thức èo uột ăn tiền Cụ Hồ của khách nội, đã nhanh chóng biến thành những địa điểm "hoành tráng", để câu khách Việt kiều.

Nhưng, hai sáng kiến ưu việt được đưa ra để chiêu dụ Việt kiều và khách nước ngoài chính là sự khơi được nguồn cảm xúc thương nhớ quê hương, và sự đánh bóng những điểm du lịch. Vì thế, từ những câu hò điệu múa, những làng nghề truyền thống, những sản phẩm thô kệch cho tới các … hang cùng ngõ hẻm, nhất nhất đều được thổi vào đấy một ý nghĩa thắm thiết giục gọi mối tư hương, hay được khoác lên một nhãn hiệu mới. Nào là: "Di sản Văn hoá Thế giới", “Di sản Văn hoá vật thể … và phi vật thể", “Di sản Thiên nhiên Thế giới", "Di tích Lịch sử cấp Quốc gia"...v.v. Từ khi vịnh Hạ Long và động Phong Nha - Kẻ Bàng lần lượt được Unesco công nhận là di sản Thiên nhiên của thế giới, tạo sức hút mạnh cho ngành Du lịch làm ăn khấm khá, thì giới hữu quyền lớn bé đều ra sức nhào nặn, đánh bóng đủ mọi loại, kể cả những thứ tầm thường. Bằng mọi cách, họ đề nghị Unesco ban tặng, hoặc tự gắn vào những thứ đó cái huy hiệu "Di Sản" hoặc "Di Tích" để chiêu dụ du khách.

Di tích Tam Toà đương nhiên không thoát khỏi sự chiếu cố này!

Nhưng, nếu gọi đây là "Chứng tích Tội ác Đế quốc Mỹ" thì e rằng không ổn, vì trong chiến tranh, các phe tham chiến đều tìm mọi cách để triệt hạ đối phương. Hoa Kỳ chắc chắn đã không khờ khạo sai phi công đem bom bay thẳng tới dội vào nhà thờ Tam Toà. Sở dĩ họ bắn phá, dội bom vào nhà thờ là vì đã có bộ đội, có du kích Việt cộng chiếm cứ cao điểm này để bắn hạ máy bay Mỹ đang oanh tạc những điểm chiến lược vùng Đồng Hới. Điều này rất dễ hiểu vì trong cuộc xâm lăng miền Nam, khi tiến đánh bất cứ nơi nào, yếu điểm mà quân bộ đội miền Bắc cần chiếm cứ đầu tiên là những tháp nước, những tháp chuông, những cao ốc để dễ dàng bắn hạ máy bay. Trong chiến tranh, kẻ nào dại là chết. "Vỏ quýt dầy có móng tay nhọn". Các phi công Hoa Kỳ hay của Việt Nam Cộng Hoà cũng chẳng dại hay đạo đức đến mức vì sự an toàn của nơi thờ phượng, mà cứ để kẻ địch tha hồ xả đạn từ những gác chuông, như đã xảy ra tại nhà thờ Tam Toà vào những năm 1966 và 1968. Ít nhiều gì, họ cũng cần phải bắn trả.

Thật khó mà luận về con gà với quả trứng thứ nào có trước, thì với sự tàn phá nhà thờ Tam Toà, cũng khó mà đổ lỗi cho bên nào. Trong chiến tranh, phe nào cũng đúng, cũng có lý do để xả bom đạn. Chỉ có dân chúng luôn là kẻ chịu thiệt thòi! Giáo dân xứ Tam Toà từ những năm chiến tranh khốc liệt đã đau khổ nhìn ngôi thánh đường đổ nát. Họ chỉ biết cầu nguyện, cố gắng dành dụm, quyên góp và mong có ngày hoà bình để dựng lại từ đầu trên nền nhà thờ cũ ngày một rêu phong.

Bất hạnh thay! Hoà bình đã đến trên quê hương gần 35 năm trời nhưng thanh bình vẫn còn xa vời vợi ! Ước nguyện của giáo dân Tam Toà cũng ngày một mong manh vì kể từ tháng Ba năm 1997, khi chính quyền tỉnh Quảng Bình nhận ra rằng ngành Du lịch khắp nơi đã gặt được những mùa bội thu nhờ vào những huy hiệu "Di Sản" và "Di Tích", thì họ đã vội vàng gắn cho nhà thờ đổ nát Tam Toà danh hiệu Di Tích Lịch Sử - Chứng Tích Tội Ác của Mỹ - để cướp trắng toàn bộ khuôn viên nhà thờ và cướp đi cả niềm hy vọng từ những giáo dân nghèo nàn.

Trên quê hương Việt Nam, chứng tích tội ác chiến tranh nơi nào cũng có. Nếu đem ra đếm, thì chứng tích do Việt cộng gây ra cho dân chúng miền Nam có lẽ trội hơn. Nhưng nếu chỉ gọi chứng tích do Mỹ gây ra mới là tội ác, thì tại sao Nhà nước CSVN không lấy những nơi công cộng, những tài sản chung của đất nước đã bị tàn phá vì bom đạn Mỹ làm di tích, mà lại nuốt chửng phần còn lại đổ nát của ngôi thánh đường đã thuộc quyền sở hữu của giáo dân Tam Toà hơn một thế kỷ qua?

Một khi đã kết án là Mỹ Ngụy độc ác gây ra tang thương trong chiến tranh, thì trong hoà bình, Nhà nước cần phải chứng minh cho thế giới biết cái chính nghĩa mà họ luôn rêu rao, là đánh đuổi ngoại xâm, đem lại tự do hạnh phúc cho người dân. Đáng lẽ ra, khi lên án Hoa Kỳ đã phá huỷ cả nơi thờ phượng của người theo đạo thì khi đất nước đã im tiếng súng, Nhà nước phải chứng tỏ được trách nhiệm bảo quốc an dân, ra tay giúp đỡ đồng bào xây dựng lại những gì đã bị kẻ thù tàn phá.

Hơn nữa, chứng tích tội ác chiến tranh của Mỹ (?) dù được lập luận thiên lệch thế nào, cũng không thể sánh được với tội ác cướp đất cướp biển của anh đồng chí đểu cáng Trung Quốc. Tại sao Nhà nước phải tránh né, không dám nhìn vào nỗi đau đang xé thịt, mà lại cố cào trên vết thẹo đã liền da ? Không phải chính Nhà nước VN vẫn luôn kêu gọi quên đi quá khứ đó sao ?

Và, tội ác của Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam trong thời chiến dù có bị phóng đại đến đâu, cũng không thể sánh bằng tội ác và sự đê tiện của Nhà nước CSVN đã và đang gây ra cho chính con dân của mình, mà Tam Toà là một chứng tích còn nóng bỏng.

Như thế, sự thật của vấn đề Tam Toà là gì? Là Nhà nước cần giữ di tích tội ác chiến tranh để nhắc nhở cho toàn dân truyền thống bảo vệ đất biển mà cha ông để lại, hay họ cần chiếm ngôi nhà thờ đổ nát như con gà đẻ trứng vàng ? Cứ nhìn vào sự hèn nhát của Nhà nước CSVN trước sự xâm lấn của Trung Quốc hiện nay, thì có ngay câu trả lời.

Trong thời đại thông tin toàn cầu, qua biến cố đang xảy ra trên nền ngôi nhà thờ đổ nát Tam Toà, mọi người trên khắp thế giới đang quên dần chứng tích tội ác chiến tranh để nhìn vào đó một tội ác mới: Tội Ác CSVN Thời Hoà Bình - Một thứ tội ác mà Nhà nước CSVN đang đổ ngay trên đầu con dân nước Việt !

Nhìn vào quá trình cai trị đất nước của đảng CSVN, mọi người đều thấy đã có rất nhiều sai lầm và Nhà nước đã chính thức lên tiếng xin lỗi, sửa sai (!) - Điển hình là những giọt nước mắt cá sấu của cụ Hồ sau cuộc Cải Cách Ruộng Đất. Nhưng dù sự sửa sai có nặng tính mị dân cỡ nào, thì trong đó cũng có ít nhiều thiện chí. Có còn hơn không. Đảng CSVN không thể dùng phương pháp chụp giựt, “ăn xổi ở thì” để vận hành cả một guồng máy quốc dân như cách họ đang áp dụng ở mọi nơi. Lãnh đạo mà đánh mất niềm tin nơi quần chúng là điều tối kị, là đồng nghĩa với sự tự huỷ diệt.

Nếu có thiện chí thì cũng chẳng muộn. Để lấy lại phần nào niềm tin của cả nước và của nhân dân thế giới đang nhìn vào biến cố Tam Toà, Nhà nước CSVN không còn cách nào hơn là phải:

1. Ngưng ngay sự đàn áp giáo dân.
2. Trả lại giáo dân ngôi nhà thờ đổ nát.
3. Tích cực trợ giúp giáo dân Tam Toà xây dựng lại ngôi nhà thờ mới.

Nếu được như thế, thì Nhà nước có đổ tội lên đầu "Mỹ Ngụy" cũng không phải ngượng với thiên hạ.

Hy vọng ngày một tiến bộ, khi mọi sự thật đều hiện ra trên màn hình của mạng lưới toàn cầu, chính quyền Cộng sản Việt Nam cũng đã biết ngượng. /

Dallas, 30/8/2009
Joseph Nguyễn Anh Điện

-------------------------------------------------------------

Lại chuyện Tam Tòa: Hôm nay đang biến đổi ra sao!
Phanxicô Têrêxa (01-Sep-2009 18:27)
Chế độ tại Việt nam dùng bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng để chia rẽ Giáo Hội và bắt bớ giáo dân
J.B. AnDang (01-Sep-2009 09:55)
Người Công Giáo Tam Tòa vác thánh giá (2)
Hà Minh Thảo (30-Aug-2009 10:11)
Giáo xứ Mỹ Yên tiếp tục thắp nến hiệp thông với Tam Tòa
Bất Nghi Bách Lộc (29-Aug-2009 17:57)
Nhân hai vụ giáo xứ Tam Toà và chùa Bát Nhã: Một chế độ cộng hoà xã hội đen?
Nguyễn Gia Kiểng (29-Aug-2009 01:11



No comments: