Tuesday, September 1, 2009
QUÁ TRÌNH MẠNG-HOÁ của BÁO VĂN HỌC
Thời tàn của báo in: Quá trình mạng-hóa của báo văn học
Nguyễn Hưng Quốc
01/09/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-09-01-voa44.cfm
Báo in ở khắp nơi suy thoái. Việt Nam chắc chắn cũng không thể là một ngoại lệ được.
Theo tin từ trong nước, vào đầu năm 2009, tại Việt Nam có ít nhất 4 tờ báo xin ngừng hoạt động, 5 tờ xin giảm kỳ và 6 tờ xin giảm trang.
Hầu hết các tờ báo khác đều gặp khó khăn, bị giảm số phát hành, có tờ bị giảm đến 50% so với thời điểm vàng son nhất của nó. Hậu quả là hầu hết các báo đều phải giảm nhân viên và cộng tác viên đồng thời giảm cả tiền nhuận bút cũng như vô số các chi phí khác.
Thời kỳ suy thoái, dù sao, cũng chỉ mới bắt đầu. Thử thách còn nhiều lắm.
Tuy nhiên, ở đây, tôi chỉ xin giới hạn trong phạm vi các báo văn học ở hải ngoại.
Điều cần ghi nhận là, với dân số khoảng ba triệu, sống rải rác trên khắp thế giới, trong cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, báo văn học từng có thời phát triển rất rực rỡ.
Trong thập niên 1990, ở hải ngoại có khá nhiều báo văn học.
Chuyên hẳn về văn học, có Văn (chủ nhiệm là Mai Thảo, sau là Nguyễn Xuân Hoàng), Văn Học (do nhiều người thay phiên nhau phụ trách, trong đó người phụ trách lâu nhất và có công nhất là Nguyễn Mộng Giác), Hợp Lưu (của Khánh Trường), Làng Văn (của Nguyễn Hữu Nghĩa), Việt (do tôi là chủ bút), và Tạp chí Thơ (của Khế Iêm).
Cũng có thể kể thêm tờ Thế Kỷ 21 (của nhóm Người Việt) tuy chuyên về chính trị xã hội nhưng phần văn học cũng khá nhiều và đặc sắc.
Nếu tính về số lượng, chưa bao giờ ở Việt Nam sau năm 1975 mà lại có nhiều báo văn học đến như vậy.
Về tuổi thọ, cho đến nay, không có tờ báo văn học nào ở trong nước sống lâu hơn tờ Văn và Văn Học ở hải ngoại (1). Tờ Văn ra từ năm 1982 và đình bản vào năm 2007: 25 tuổi; tờ Văn Học ra đời từ năm 1985 đến năm 2008: 23 tuổi.
Sau năm 1975, tờ báo chuyên về thơ đầu tiên bằng tiếng Việt là tờ nào? Đó là tờ Tạp chí Thơ ở California. Tờ báo chuyên về lý luận và phê bình văn học là tờ nào? Đó là tờ Việt ở Úc (1998-2001).
Tuy nhiên, thời vàng sao ấy đã qua rồi.
Trong tất cả những tờ báo văn học kể trên, hiện nay chỉ có một tờ duy nhất còn sống sót: Hợp Lưu. Mà chắc cũng chỉ sống thoi thóp. Bài vở không còn phong phú và đặc sắc như trước. Số lượng phát hành cũng không càng ngày càng èo uột.
Bù lại, các trang mạng chuyên về văn học càng ngày càng phát triển.
Xin lưu ý là ở trong nước, báo mạng khá nhiều và khá mạnh. Nhưng tất cả đều chuyên về thời sự xã hội. Trong đó có những tờ có lượng truy cập rất lớn như tờ vnexpress, Vietnamnet hay tờ Dân Trí.
Nhưng về văn học thì báo mạng lại rất ít. Quanh đi quẩn lại chỉ có mấy tờ chính: eVan, Hội Nhà Văn, Văn nghệ Sông Cửu Long và Văn chương Việt.
Đã ít lại còn nghèo nàn: hầu hết đều đăng lại các bài vở đã đăng tải rải rác đâu đó. Rất ít bài được viết và gửi riêng cho trang mạng. Mà có viết cũng không hay: Phần lớn nặng về thời sự và cách nhìn thì khá cũ kỹ.
Ở trong nước, khá nhất là những trang báo của cá nhân, trong đó, phần nhiều là blog. Tuy nhiên, chúng ta sẽ bàn chuyện này sau.
Ở hải ngoại, thành tựu đáng chú ý nhất là báo mạng.
Xuất hiện sớm nhất, có chủ trương rõ ràng nhất và tập hợp được nhiều bài vở độc sáng nhất là tờ Tiền Vệ (ra đời từ cuối năm 2002). Kế tiếp là tờ Da Màu cũng có lượng bài vở khá đa dạng. Tờ Gió-O bài vở ít hơn và chất lượng cũng thấp hơn nhưng dù sao cũng có diện mạo riêng. Gần đây có thêm tờ Litviet của nhà thơ Phan Nhiên Hạo, bài vở cũng bắt đầu nhiều.
Tờ Talawas do nhà văn Phạm Thị Hoài chủ trương tại Đức trước đây có trang văn học chất lượng khá cao, đặc biệt, có tủ sách rất quý, bao gồm nhiều tác phẩm đã xuất bản và tuyệt bản ở Miền Nam trước năm 1975. Sau, Talawas bị đình bản và chuyển sang hình thức blog, nghiêng hẳn về các khía cạnh chính trị và xã hội. Phần văn học bị thu hẹp lại với vài ba tác phẩm xuất hiện một cách hoạ hoằn.
Các tờ báo mạng đi tiên phong không phải vì chúng tận dụng kỹ thuật truyền thông hiện đại sớm mà còn ở chỗ nó tận dụng được tinh thần tự do trong tìm tòi và thử nghiệm: Chúng cổ vũ cho chủ nghĩa hậu hiện đại, cho loại thơ cụ thể (concrete poem), thơ tạo hình (visual poetry), thơ đa phương tiện (multimedia poetry), truyện phi- truyện hay phản- truyện, v.v… Chúng còn tự do ở chỗ từ chối kiểm duyệt và từ chối cái lề bên phải chật chội tù túng một cách phi lý do nhà nước áp đặt.
Các tờ báo mạng ở hải ngoại cũng đồng thời đi tiên phong ở khía cạnh toàn cầu hoá: Đặt trụ sở ở một quốc gia nào đó ở hải ngoại, nhưng cộng tác viên đến từ khắp nơi, kể cả Việt Nam. Mỗi tờ báo trở thành một điểm hẹn hò của giới cầm bút đang sống rải rác trên thế giới. Chúng góp phần giải lãnh thổ hoá (deterritorization) văn học bằng tiếng Việt.
Tính tiên phong là đặc điểm chung của báo mạng khắp nơi. So với báo mạng ở phương Tây, báo văn học mạng bằng tiếng Việt còn có một đặc điểm khác: tính hào phóng.
Bạn muốn tìm đầy đủ và miễn phí tất cả các tác phẩm của một nhà văn hay nhà thơ Tây phương nào đó trên mạng ư? Khó lắm. Thứ nhất, không phải tác phẩm nào người ta cũng đưa lên mạng. Thứ hai, không phải báo mạng nào cũng là báo… chùa.
Với các nhà văn Việt Nam thì khác. Rất nhiều nhà văn và nhà thơ đưa hầu như toàn bộ tác phẩm của mình lên mạng. Thiên hạ tha hồ đọc, chẳng phải trả bất cứ đồng nào cả.
Chính vì thế, các báo văn học mạng bằng tiếng Việt có một lượng bài vở vô cùng nhiều. Chẳng hạn, tôi chưa bao giờ gặp một tờ báo văn học mạng miễn phí bằng tiếng Anh nào có số bài vở dồi dào như tờ Tiền Vệ cả. Chưa hề. Nếu biết, xin bạn chỉ giùm tôi đi. Xin cám ơn trước.
Sự hào phóng ấy xuất phát từ một số khuyết điểm căn bản trong sinh hoạt văn học Việt Nam, đặc biệt ở hải ngoại: Có in thành sách hay báo cũng không bán được, do đó, đành … cho không biếu không. Và vì không gắn liền với giá trị thương mại nên vấn đề bản quyền cũng không cần được đặt ra: Những rắc rối vì pháp lý được tháo gỡ nhanh chóng.
Dù có một số bất cập nhất định, tôi cũng tin tương lai của văn học Việt Nam nói chung vẫn nằm ở các tờ báo mạng ấy.
Bạn có đồng ý không?
Chú thích:
1. Không kể tờ Văn Nghệ của Hội Nhà Văn vốn, như tên gọi của nó, là báo văn nghệ hơn là văn học.
-------------------------------------------------
Thời tàn của báo in: Chẳng còn ai cần báo nữa
Thời tàn của báo in: Mua mà không đọc!
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment