Sunday, September 6, 2009
NHỮNG ĐỨA CON của CUỘC CHIẾN VIỆT NAM
Những đứa con của cuộc chiến Việt Nam
David Lamb, Tạp Chí Smithsonian
Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
2-9-2009
http://www.x-cafevn.org/node/2120
Họ lớn lên như tàn dư của một cuộc chiến đầy tai tiếng, bị giằng xé giữa hai thế giới nhưng lại không thuộc bên nào cả. Đa số họ không biết đến cha mình. Nhiều người bị mẹ bỏ rơi tại cổng cô nhi viện. Một số bị quẳng vào thùng rác. Họ bị bạn học khiêu khích, đánh đập và chọc ghẹo những đặc điểm làm họ mang khuôn mặt của kẻ thù - mắt xanh tròn và da trắng, hoặc da đen với mái tóc xoăn nếu những người lính cha của họ là người Mỹ gốc Phi. Số phận của họ là những đứa trẻ lạc loài khất thực, sống trên đường phố và công viên của những thành phố miền Nam Việt Nam, tồn tại bởi một ước mơ duy nhất: đến được nước Mỹ và tìm được cha của mình.
Nhưng cả Hoa Kỳ và Việt Nam đều không muốn chấp nhận những đứa bé được biết đến như là trẻ lai Mỹ và thường bị người Việt gọi là "trẻ bụi đời" - tầm thường như hạt bụi bị phủi đi. "Việc chăm sóc những đứa trẻ kém may mắn này... trước đây lẫn hiện nay không phải là trách nhiệm của chính quyền," Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ từng tuyên bố vào năm 1970. "Xã hội không cần những thành phần xấu này," vị giám đốc cơ quan phụ trợ xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh (trước đây là Sài Gòn) tuyên bố mười năm sau đó. Giờ đã trưởng thành, những người lai Mỹ này cảm thấy họ đã bị đoạ ngay từ đầu. Khi vào đầu tháng Tư 1975, Sài Gòn đang rơi vào tay quân đội Cộng sản từ phía bắc và có lời đồn đãi rằng những người miền Nam có quan hệ với Hoa Kỳ sẽ bị tàn sát, Tổng thống Gerald Ford đã đưa ra kế hoạch di tản 2 nghìn trẻ mồ côi, đa số là trẻ lai Mỹ. Chuyến bay chính thức đầu tiên của Chiến dịch Babylift bị rơi xuống cánh đồng lúa ở ngoại ô Sài Gòn, 114 người tử nạn, đa số là trẻ em. Những người lính và thường dân miền Nam tìm đến vùng máy bay rơi, một số cứu nạn, một số khác cướp của cải từ những xác chết. Dù thế, chương trình di tản vẫn tiếp tục thêm ba tuần lễ.
Nguyễn Thị Phương Thuý, hiện sống tại Việt Nam, mong có ngày gặp lại cha mình. Ảnh: Catherine Karnow
http://i229.photobucket.com/albums/ee63/dienvy_photos/Nguyen-Thi-Phuong-Thuy-orphan-Ameri.jpg
"Tôi nhớ chuyến bay ấy, chuyến bay bị rơi," Nguyễn Thị Phương Thuý kể. "Lúc ấy tôi khoảng 6 tuổi, thường chơi đùa trên đống rác cạnh cô nhi viện. Tôi nhớ mình đã nắm tay một dì Phước và khóc khi chúng tôi nghe tin. Cứ như chúng tôi đều sinh ra dưới một ngôi sao xấu." Cô dừng lời và dùng khăn giấy thấm mắt của mình. Tôi gặp Thuý trong một chuyến đi đến Việt Nam vào tháng Ba 2008, cô nói rằng mình đã không tìm cách tìm kiếm bố mẹ vì không biết bắt đầu từ đâu. Cô nhớ rằng bố mẹ nuôi của mình đã cãi nhau về cô, người chồng hét lên, "Tại sao bà lại nuôi một đứa con lai?" Không lâu sau, cô bị gửi đến sống trong một gia đình khác.
Thuý có vẻ vui khi có người quan tâm đến vận nạn của mình. Trong lúc ngồi uống cà phê và nước Coke tại đại sảnh của một khách sạn, cô kể lại với một giọng nói nhẹ và phẳng về những lời châm chọc "chó lai" cô nghe từ hàng xóm, về việc bị từ chối phiếu thực phẩm, về việc lẻn ra khỏi làng trước bình minh trước khi mọi người thức giấc để ngồi một mình trên bờ biển hằng giờ liền và về việc phải uống thuốc ngủ mỗi đêm để quên đi ngày qua. Tóc của cô dài và đen, khuôn mặt vuông vức và ưa nhìn. Cô mặc quần jean và áo thun. Cô giống như bất kỳ một người Mỹ nào mà tôi từng thấy qua trên những con phố ở Des Moines hay Denver. Như đa số những người lai Mỹ vẫn còn ở lại Việt Nam, cô không được đi học và không có kỹ năng nghề nghiệp. Năm 1992 cô gặp Nguyễn Anh Tuấn, một người lai Mỹ mồ côi, anh ta bảo cô, "Chúng mình thiếu tình thương cha mẹ. Mình là nông dân nghèo, mình nên lo cho nhau." Họ cưới nhau và sinh được hai bé gái và một bé trai, nay đã 11 tuổi, đứa bé làm Thúy mường tượng đến hình ảnh của người cha Mỹ mà cô chưa từng gặp. "Giờ thì ông ấy sẽ nói gì nếu biết được rằng mình đã có một đứa con gái và đứa cháu trai đang đợi ông ở Việt Nam?" Cô hỏi.
Không ai biết được có bao nhiêu trẻ lai Mỹ ra đời - và bao nhiêu vẫn còn bị bỏ rơi ở Việt Nam - trong suốt cuộc chiến kéo dài một thập kỷ và chấm dứt vào năm 1975. Trong một xã hội bảo thủ như Việt Nam, nơi sự trinh trắng trước hôn nhân là một truyền thống được tôn trọng và sự đồng chủng được khuyến khích, những đứa trẻ chào đời do kết quả từ những quan hệ với người ngoại quốc thường không được khai báo. Theo các tổ chức hỗ trợ vừa được thành lập tại Hoa Kỳ như Gia Đình Lai Mỹ Việt Liên Bang Hoa Kỳ (Amerasian Independent Voice of America) và Hội Gia Đình Mỹ Việt (Amerasian Fellowship Association), không hơn vài trăm người lai Mỹ vẫn còn ở Việt Nam; những tổ chức này muốn đưa tất cả những người này sang Hoa Kỳ. Những người khác với khoảng 26 nghìn hiện đang ở lứa tuổi 30 - 40 cùng với 75 nghìn người Việt mà họ nhận là thân nhân - đã bắt đầu định cư ở Hoa Kỳ, sau khi Hạ Nghị sĩ Stewart B. McKinney thuộc tiểu bang Connecticut vào năm 1980 đã lên án việc bỏ rơi họ là "một điều xấu hổ của quốc gia" và kêu gọi các đồng hương Mỹ đứng ra bảo nhận họ.
Nhưng chỉ có dưới 3 phần trăm đã tìm được cha ruột mình trên quê hương mới. Việc làm hiếm hoi. Một số người lai dễ sa vào con đường ma tuý, tham gia băng đảng và bị bắt vào tù. Có đến phân nửa vẫn bị thất học hoặc bán thất học trong cả tiếng Việt và tiếng Anh và đã không trở thành công dân Mỹ. Đa số những người Mỹ gốc Việt xem thường họ, cho rằng mẹ của họ là gái điếm - điều này đúng trong vài trường hợp, mặc dù nhiều người trong họ là kết quả của những quan hệ yêu thương lâu dài và có cả hôn nhân. Mỗi khi nhắc đến con lai mọi người lại nhướn mắt và đọc câu tục ngữ Việt: Con không cha như nhà không nóc.
Cuộc thảm sát mà Tổng thống Ford lo sợ đã không xảy ra, nhưng những người Cộng sản chiếm miền Nam sau 1975 và cầm quyền một nước Việt Nam thống nhất cũng chẳng phải là những nhà trị vì nhân từ. Nhiều trại mồ côi bị đóng cửa, những đứa trẻ lai Mỹ và những trẻ em khác bị đưa về những khu nông trường hoặc trại cải tạo. Những người Cộng sản tịch thu của cải tài sản và nhiều nhà cửa của những ai từng ủng hộ chính quyền miền Nam Việt Nam thân Mỹ trước đây. Những người mẹ của những đứa trẻ lai Mỹ xé bỏ hoặc giấu hết những bức ảnh, thư từ và giấy tờ chính thức có thể là bằng chứng của việc quan hệ với người Mỹ. "Mẹ tôi đốt hết tất cả," William Trần nói, giờ anh là một kỹ sư vi tính 38 tuổi ở Illinois. "Bà bảo, 'Mẹ không thể có một đứa con tên William với những người Việt Cộng chung quanh.' Cứ như là cả nhân dạng của mình bị đánh mất." Trần đến Hoa Kỳ vào năm 1990 sau khi mẹ anh tái giá và người cha dượng đuổi anh ra khỏi nhà.
Trịnh Hội vẫn còn là một học sinh trong những năm tháng sóng gió sau chiến tranh khi anh và cha mẹ anh làm nghề giáo và đều là người Việt, bị bứng khỏi Sài Gòn, cùng với hai triệu người miền nam bị đẩy đi đến một trong những vùng "kinh tế mới" để trở thành nông dân. Anh nhớ mình cũng từng chọc ghẹo những đứa trẻ lai. Tại sao? "Lúc ấy tôi không thấy là nó tàn nhẫn như thế nào. Nó chỉ là vấn đề chạy theo đám đông, bắt chước cung cách xã hội đối xử với họ. Họ thật khác xa chúng tôi... Họ không có gia đình. Họ nghèo khổ, đa số sống trên hè phố và không đến trường như chúng tôi."
Tôi hỏi Trịnh Hội những đứa trẻ lai Mỹ dạo ấy đã phản ứng ra sao khi bị chọc ghẹo như thế. "Tôi nhớ là họ chỉ nhìn xuống và bỏ đi." Anh nói. Sau đó Trịnh cùng gia đình rời Việt Nam đến Úc và trở thành một luật sư. Lần đầu tôi gặp anh là vào năm 1998, lúc ấy anh 28 tuổi và đang làm việc tại phòng ngủ của mình trong một căn hộ ở Manila cùng với 16 người con lai và dân tị nạn nghèo khổ. Anh đang làm luật sư miễn phí, đại diện cho khoảng 200 người con lai và gia đình của họ ở rải rác khắp quần đảo Philippines, thương lượng với Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Manila cho tương lai của họ. Trong suốt một thập niên, Philippines đã đóng vai trò của một trạm trung chuyển, nơi những người con lai ở đấy trong vòng 6 tháng để học tiếng Anh và chuẩn bị cho cuộc sống mới của mình tại Hoa Kỳ. Nhưng những quan chức Hoa Kỳ đã bác bỏ hộ chiếu của khoảng 200 người vì những lý do khác nhau - ẩu đả, rượu chè quá độ, có vấn đề về sức khoẻ, có hành vi "chống đối xã hội". Việt Nam không muốn nhận lại họ và chính quyền Manila nhấn mạnh rằng Philippines chỉ là một trạm trung chuyển. Họ sống trong một vùng xám vô tổ quốc. Nhưng trong thời gian 5 năm, Trịnh đã tìm cách dàn xếp cho hầu hết những người con lai này và một số thuyền nhân bị kẹt lại ở Philippines được định cư ở Hoa Kỳ, Úc, Canada và Na Uy.
Khi một người lai Mỹ ở trại tị nạn tại Philippines tự sát, Trịnh đã nhận đứa con trai 4 tuổi của ông ta làm con nuôi và giúp nó trở thành công dân Úc. "Mãi cho đến khi đến Philippines tôi mới nhận ra vấn đề của những người con lai và những thăng trầm của họ ở Việt Nam," Trịnh bảo tôi. "Tôi luôn tin rằng ta gieo gì thì gặt nấy. Nếu chúng ta được đối xử đàng hoàng và nhân ái, chúng ta sẽ trưởng thành hệt như thế. Nếu chúng ta bị kỳ thị và ngược đãi khi còn bé như những người con lai này, chúng ta dễ trưởng thành mà không thể suy nghĩ, phát xét và hành xử như những người 'bình thường' khác".
Sau khi thua trận tại Điện Biên Phủ năm 1954 và buộc phải rút quân khỏi Việt Nam sau gần một thế kỷ trị vì ở thuộc địa này, người Pháp đã nhanh chóng di tản 25 nghìn trẻ em lai Pháp và cung cấp quyền công dân cho chúng. Đối với những người lai Mỹ, cuộc hành trình đến cuộc sống mới thì khó khăn hơn nhiều. Có khoảng 500 người được định cư ở Hoa Kỳ với sự đồng ý của Hà Nội vào những năm 1982 và 1983, nhưng Hà Nội và Washington, lúc ấy chưa có quan hệ ngoại giao - đã không thể đồng ý về việc quyết định số phận của đại đa số vẫn còn ở Việt Nam. Hà Nội cho rằng họ là những công dân Hoa Kỳ, đã không bị kỳ thị và vì thế không được liệt vào dạng tị nạn chính trị. Cũng như Hà Nội, Washington muốn dùng những người con lai này như là một mặc cả để dàn xếp những vấn đề lớn hơn giữa hai quốc gia. Mãi cho đến năm 1986, qua những đàm phán bí mật với hàng loạt những bất đồng, Washington và Hà Nội đã chịu đối thoại trực tiếp về tương lai của những người con lai này.
Nhưng cho đến thời điểm ấy thì dòng đời của một nhiếp ảnh gia người Mỹ, một Hạ Nghị sĩ tiểu bang New York, một nhóm học sinh trung học ở Long Island và một đứa trẻ lai Mỹ tên Lê Văn Minh đã bất ngờ gặp nhau để làm thay đổi hướng đi của lịch sử.
Bức ảnh do Audrey Tiernan chụp Lê Văn Minh trên đường phố Sài Gòn tháng 10 năm 1985
http://i229.photobucket.com/albums/ee63/dienvy_photos/levanminh01.jpg
Vào tháng Mười 1985, nhiếp ảnh gia tờ Newsday Audrey Tiernan, 30 tuổi, đang hành nghề tại Thành phố Hồ Chí Minh, bỗng thấy có ai níu ống quần mình. "Tôi ngỡ rằng đấy là một con chó hoặc con mèo," bà nhớ lại. "Tôi nhìn xuống và thấy Minh. Tim tôi tan vỡ." Minh, với hàng lông mi dài, mắt màu nâu nhạt và khuôn mặt Tây phương điển trai với vài nốt tàn nhang, cậu ta bò bằng tứ chi như một con cua, hẳn là do hậu quả của bệnh bại liệt. Mẹ của Minh đuổi cậu ra khỏi nhà khi cậu lên 10, và mỗi khi cuối ngày một người bạn tên Thi cõng cậu bé tàn tật trên lưng về một con hẻm để ngủ. Vào cái ngày của năm 1985 ấy, Minh ngước nhìn Tiernan với một nụ cười thoáng vẻ khát khao và chìa ra một bông hoa do cậu xếp từ tờ giấy bạc của hộp thuốc lá. Bức ảnh Tiernan chụp cậu được in trên báo chí trên khắp thế giới.
Một năm sau, bốn học sinh của trường Trung học Huntington ở Long Island trông thấy bức ảnh và quyết định họ phải làm một việc gì đó. Họ đã thu thập được 27 nghìn chữ ký cho một thỉnh nguyện đơn yêu cầu đem Minh sang Mỹ chữa bệnh. Họ nhờ Tiernan và vị dân biểu của mình là Robert Mrazek giúp đỡ.
Lê Văn Minh, 37 tuổi, hiện đang sống tại San Jose, California. Ảnh: Catherine Karnow
http://i229.photobucket.com/albums/ee63/dienvy_photos/levanminh02.jpg
"Thật buồn cười phải không, khi một sự kiện làm thay đổi vô số cuộc đời được bắt nguồn từ ý tưởng của một vài đứa trẻ trung học," Mrazek nói, ông đã rời Hạ viện từ năm 1992 và hiện đang viết tiểu thuyết và sách nghiên cứu lịch sử. Mrazek nhớ lại việc mình đã bảo với các học sinh rằng không thể đưa Minh sang Mỹ được. Việt Nam và Hoa Kỳ từng là kẻ thù và không có quan hệ chính thức; và vào thời điểm ít hi vọng ấy, việc nhập cư đã hoàn toàn ngưng hẳn. Dùng lý do nhân đạo lại không mang một trọng lượng nào. "Tôi quay lại Washington lòng cảm thấy vô cùng có lỗi," ông nói. "Các em học sinh đến tìm tôi nghĩ rằng vị dân biểu của chúng có thể thay đổi cả thế giới trong khi đó tôi lại trả lời là mình không thể." Nhưng rồi ông tự hỏi rằng có thể nào tìm một ai đấy ở Bộ Ngoại giao và một ai đấy từ phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc sẵn sàng chấp nhận một ngoại lệ? Mrazek bắt đầu gọi điện thoại và viết thư.
Vài tháng sau, vào tháng Năm 1987, ông bay đến Thành phố Hồ Chí Minh. Mrazek đã tìm ra được một quan chức cấp cao ở Việt Nam, người này cho rằng việc giúp đỡ Minh có thể đưa đến việc phát triển các mối quan hệ với Hoa Kỳ, và ông dân biểu cũng đã thuyết phục được đa số các đồng nghiệp của mình tại Hạ viện làm áp lực để Minh có được một hộ chiếu. Ông có thể đưa đứa bé về với mình. Nhưng khi Mrazek vừa đặt chân xuống Việt Nam thì đã có nhiều đứa bé chạy theo. Chúng là những đứa trẻ lai. Một số gọi ông là "Ba." Chúng kéo tay ông và đưa ông đến một ngôi nhà thờ bị đóng cửa, nơi chúng đang sống. Có khoảng 60 hoặc 70 đứa trẻ lai khác đang ở trong sân. Mrazek liên tục nghe một điệp khúc "Tôi muốn đến xứ sở của cha tôi."
"Tôi chợt nhận ra," Mrazek nói. "Chúng ta không chỉ đang lo cho một đứa bé. Bọn trẻ này quá đông, và chúng gợi lại cho người Việt nỗi đau của chiến tranh và những cái giá họ đã phải trả. Tôi nghĩ, 'Thôi, ta đưa được một đứa về, vậy hãy đưa tất cả, ít nhất là những đứa muốn ra đi.'"
Hai trăm học sinh của trường Trung học Huntington đã có mặt để đón chào Minh, Mrazek và Tiernan khi máy bay của họ hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Kennedy ở New York.
Mrazek đã sắp xếp để hai người hàng xóm của ông ở Centeport, New York là Gen và Nancy Kinney làm cha mẹ bảo trợ của Minh. Họ đã đưa cậu đến chuyên gia chỉnh hình và thần kinh nhưng các bắp thịt của cậu đã bị huỷ hoại quá nhiều "không còn gì trong đôi chân của cậu," Nancy kể. Khi Minh được 16 tuổi, vợ chồng Kinneys đã đưa cậu đi thăm Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam ở Washington D.C., họ đẩy cậu trên một chiếc xe lăn mới và dừng lại để cậu có thể quan sát bức tường đá đen. Minh tự hỏi cha mình có nằm trong số 58 nghìn cái tên khắc trên ấy hay không.
"Minh ở với chúng tôi được 14 tháng và cuối cùng dời đến San Jose, California," Nancy nói, bà là một chuyên viên vật lý trị liệu. "Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi dạy dỗ cậu ta. Cậu ta không muốn đi học và cũng chẳng muốn thức dậy mỗi sáng. Cậu ta muốn ăn tối vào lúc nửa khuya vì đấy là lúc cậu thường ăn khi còn sống trên hè phố Việt Nam." Minh trở nên điềm đạm qua thời gian và tự xếp mình vào một tuần hoàn. "Tôi trưởng thành ra," Minh nhớ lại. Giờ đây đã 37 tuổi, Minh làm công việc giao báo, vẫn thường xuyên trò chuyện qua điện thoại với vợ chồng Kinneys. Anh gọi họ là Mẹ và Cha.
(còn tiếp)
Nguồn: Smithsonian Magazine
Những đứa con của cuộc chiến Việt Nam (tiếp theo)
David Lamb, Tạp Chí Smithsonian
Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
4-9-2009
http://www.x-cafevn.org/node/2127
Trong khi ấy Mrazek xoay sang chú tâm vào quá trình thúc đẩy việc phê chuẩn Đạo luật Con Lai Hồi Hương (Amerasian Homecoming Act) mà ông soạn thảo và bảo trợ. Cuối cùng, ông bỏ qua những thủ tục chính thức của Quốc hội và lén tuồn bản dự luật nhập cư dài ba trang vào bộ dự luật chi tiết dài 1.194 trang mà Quốc hội đã nhanh chóng thông qua và Tổng thống Ronald Reagon ký duyệt vào tháng 12 1987. Đạo luật mới yêu cầu đưa hết những người con lai Mỹ về Hoa Kỳ với tư cách di dân thay vì tị nạn, và cho phép nhập cảnh bất cứ ai có đặc điểm bề ngoài dù nhỏ nhất giống người Tây phương. Những người con lai từng bị hắt hủi tại Việt Nam nay lại có một hộ chiếu - chính là khuôn mặt của họ - để bước vào cuộc sống mới. Và vì họ có thể đưa thân nhân theo, họ đã được tắm trong quà cáp, tiền bạc và sự chú ý của những người Việt đang muốn được chính thức đi Mỹ. Chỉ với một chữ ký, những đứa trẻ bụi đời đã trở thành những đứa trẻ vàng.
"Thật là kỳ lạ," Tyler Châu Pritchard nói, hiện đã 40 tuổi, anh đang sống tại Rochester, Minesota và từng là một trong những người con lại nhập cư từ Việt Nam năm 1991. "Thình lình mọi người ở Việt Nam trở nên yêu mến chúng tôi. Chúng tôi cứ như đang đi trên mây. Chúng tôi là phiếu cơm của họ, và người ta đề nghị rất nhiều tiền cho những người con lai nào sẵn sàng nhận họ làm mẹ, ông bà, anh em."
Hôn thú và khai sinh giả bắt đầu xuất hiện từ chợ đen. Việc hối lộ các quan chức để họ đánh tráo ảnh hoặc sửa đổi hồ sơ cho các "gia đình" nạp đơn ra đi đã lan khắp Bộ Ngoại giao. Khi những "gia đình" này đặt chân đến Hoa Kỳ và đi qua một trong 55 trạm chuyển tiếp, từ Utica, New York cho đến Quận Cam, California, những người nhập cư mới này thường tách ra và bỏ rơi những ân nhân con lai của mình.
Không bao lâu sau những báo cáo không chính thức đã bắt đầu đưa ra những chi tiết về những vấn nạn về bệnh tâm lý của cộng đồng con lai. "Chúng tôi đã nghe được những chuyện tự sát, trầm cảm kinh niên, không có khả năng điều chỉnh theo nếp sống mới trong các gia đình bảo trợ," Fred Bemak nói, ông là giáo sư tại Đại học George Mason, chuyên nghiên cứu các vấn đề tâm lý của người tị nạn và đã được Viện Tâm Lý Sức Khoẻ Quốc Gia mướn để tìm hiểu nguyên nhân vì sao. "Chúng tôi chưa từng thấy điều này xảy ra trong các cộng đồng tị nạn khác."
Nhiều người con lai đã thành công trên vùng đất mới, đặc biệt là những người được mẹ ruột người Việt nuôi dưỡng, những người chịu học tiếng Anh và những người có được những gia đình bảo trợ hoặc cha mẹ nuôi giàu tình thương ở Hoa Kỳ. Nhưng trong một thăm dò năm 1991-92 gồm 170 người Việt lai Mỹ trên toàn quốc, Bemak thấy rằng có khoảng 14 phần trăm từng tìm cách tự sát; 76 phần trăm thỉnh thoảng có ý định quay về Việt Nam. Đa số đều nóng lòng tìm lại cha mình, nhưng chỉ có 33 phần trăm biết được tên cha.
Dạ tiệc họp mặt của cộng đồng con lai tại San Jose năm 2008. Ảnh: Catherine Karnow
http://i229.photobucket.com/albums/ee63/dienvy_photos/Vietnamese-Amerasians-celebrate-the.jpg
"Những người con lai đã trải qua 30 năm thương tổn, ta không thể xoay chuyển việc này trong một thời gian ngắn để xóa bỏ những gì đã xảy ra với họ ở Việt Nam." Sandy Đặng nói, bà là một người tị nạn đến Hoa Kỳ vào năm 1981 và điều hành một chương trình giúp đỡ thanh niên gốc Việt ở Washington D.C. "Điều cơ bản là họ từng là những đứa trẻ vô thừa nhận. Ở Việt Nam họ không được xem như là người Việt và ở Hoa Kỳ họ cũng không được nhìn nhận như những người Mỹ. Họ tìm kiếm tình thương nhưng thường không có được. Trong tất cả những người nhập cư ở Hoa Kỳ, tôi nghĩ rằng những người con lai là thành phần đã gặp khó khăn nhất khi đi tìm Giấc mơ Mỹ."
Nhưng những người con lai cũng là những người chịu sống còn, cá tính của họ được tôi rèn qua những thời điểm khó khăn, và không những họ đã vượt qua được ở Việt Nam và ở Mỹ, họ đang dần tạo ra một bản sắc văn hoá cho riêng mình, dựa trên niềm tự hào - chứ không phải là nỗi nhục - rằng mình là một người con lai. Bóng đen quá khứ của họ đang nhoà dần, ngay cả ở Việt Nam, việc kỳ thị con lai cũng đã bớt đi. Họ đang học hỏi cách thức sử dụng guồng máy chính trị Hoa Kỳ để tìm lợi ích cho mình và đã vận động Quốc hội thông qua một dự luật để cấp quyền công dân cho tất cả con lai đang ở Mỹ. Dưới sự bảo trợ của những tổ chức như Hội Gia Đình Mỹ Việt, họ đang tổ chức những cuộc họp mặt "gala" khu vực trên toàn quốc - những buổi dạ tiệc với âm nhạc, diễn văn và người dẫn chương trình mặc tuxedo - đã tập trung từ 500 đến 600 "anh chị em" đến ăn mừng cộng đồng con lai như một quần thể nhập cư riêng biệt.
Jimmy Miller, với hai con tại Spokane, WA, đã tìm lại được cha mình, Thượng sĩ James Miller II. Ảnh: Catherine Karnow
http://i229.photobucket.com/albums/ee63/dienvy_photos/Jimmy-Miller.jpg
Jimmy Miller là nhân viên kiểm tra chất lượng của công ty Triumph Composite Systems Inc. ở Spokane, Washington, chuyên sản xuất các bộ phận cho máy bay phản lực Boeing, cho rằng mình là một trong những kẻ may mắn. Bà ngoại của anh ở Vũng Tàu đã nuôi nấng anh khi mẹ anh đang chịu án 5 năm trong trại cải tạo vì tội vượt biên. Anh kể rằng bà ngoại anh đã thương yêu anh hết mực và đã mướn một giáo viên "lậu" về dạy tiếng Anh cho anh. "Nếu bà tôi không làm thế, tôi đã bị thất học," Miller nói. Năm 1992, khi anh được 22 tuổi, anh đã đến Hoa Kỳ với trình độ học vấn lớp 3 và đã thi đỗ lấy bằng tương đương trung học (GED). Thật dễ dàng để thuyết phục nhân viên lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành phố Hồ Chí Minh rằng anh là con của một người Mỹ. Anh có bức ảnh của cha mình, Thượng sĩ James A. Miller II, đang trao nhẫn cưới cho mẹ anh, Kim, lúc ấy đang mang thai anh. Anh đã giữ bức ảnh trong ví mình cho đến nay.
James, cha của Jimmy, giải ngũ khỏi Lục quân Hoa Kỳ vào năm 1977 sau 30 năm phục vụ. Năm 1994, khi ông đang ngồi cùng vợ mình là Nancy trên chiếc xích đu ở ngoài vườn tại căn nhà ở North Carolina, khóc thương người con trai của cuộc hôn nhân trước, James III, vừa qua đời vì bệnh AIDS vài tháng trước, thì ông bỗng nghe chuông điện thoại đổ. Đầu dây bên kia là em của Jimmi, Trinh, gọi từ Spokane. Và với thói quen thẳng thừng của người Việt, trước khi chào hỏi, cô hỏi ngay, "Ông có phải cha của anh tôi không?" "Xin lỗi?" James hỏi lại. Cô lặp lại câu hỏi, nói rằng cô đã tìm ra ông qua bức thư với dấu bưu điện Fayetteville mà ông đã gửi cho bà Kim vài năm trước. Cô đọc cho ông số điện thoại của Jimmy.
Mười phút sau, James gọi cho con trai mình, nhưng lại phát âm sai tên Việt của anh - Nhật Tùng - và Jimmy, người đã trải qua bốn năm tìm cha, nhã nhặn trả lời rằng ông đã gọi nhầm số và gác máy. Cha anh gọi lại. "Mẹ anh tên Kim, đúng không?" ông hỏi, "Cậu của anh tên Marseille? Và có phải dì của anh là Phương Dung, một ca sĩ nổi tiếng?" Jimmy trả lời phải với từng câu hỏi. James ngừng lại để lấy hơi. "Jimmy," ông bảo, "Ta cần nói với anh một điều. Ta là cha của anh đây."
"Tôi không thể tả được mình vui như thế nào khi James tìm lại được đứa con trai của mình," Nancy nói. "Trong đời mình tôi chưa từng thấy người nào hạnh phúc đến thế. Ông gác máy và nói, "Con trai tôi, Jimmy vẫn còn sống!" Nancy hiểu được tâm trạng xáo động của chồng mình và đứa con trai kế mới; bà sinh ra ở Đức sau Chiến tranh Thế giới Thứ II, là con gái của một người lính Mỹ mà bà chưa bao giờ biết với người mẹ Đức.
Một số người đã hội nhập và thành công trong cuộc sống mới. Saran Bynum là Quản lý văn phòng của diễn viên-ca sĩ Queen Latifah. Ảnh: Catherine Karnow
http://i229.photobucket.com/albums/ee63/dienvy_photos/Saran-Bynum.jpg
Trong suốt hai năm sau, vợ chồng Millers đi xuyên nước Mỹ mấy lần để sống với Jimmy vài tuần. Jimmy, cũng như những người con lai khác, lấy tên của cha mình. "Những người con lai này thật kỳ lạ," Nancy nói. "Họ phải cóp nhặt mọi thứ. Nhưng anh có biết điều duy nhất mà thằng bé hằng mong muốn là gì không? Đấy là tình thương vô điều kiện của người cha. Đấy là điều duy nhất mà nó cần." James Miller qua đời vào năm 1996 vào tuổi 66, khi đang khiêu vũ với Nancy tại một buổi tiệc Giáng Sinh.
Trước khi bay đến San Jose, California để dự buổi dạ tiệc khu vực của những người con lai, tôi gọi điện cho Hạ Nghị sĩ Bob Mrazek để hỏi suy nghĩ của ông về kỷ niệm 20 năm Đạo Luật Hồi Hương. Ông nói rằng có lúc ông tự vấn về ý nghĩa của những nỗ lực mà ông đã bỏ ra. Ông nhắc đến những trường hợp giả mạo, về những người con lai không thể hoà nhập vào cuộc sống mới, về những người cha từ chối con cái của mình. "Những thứ ấy làm tôi buồn chán đến tận cùng, biết rằng những ý định tốt thường gặp phải thất vọng," ông nói.
Nhưng khoan, tôi trả lời, đấy là chuyện cũ. Tôi kể với ông về Jimmy Miller và về Saran Bynum, một người con lai hiện đang làm quản lý văn phòng cho ca sĩ - diễn viên Queen Latifah và điều hành cửa hàng bán nữ trang riêng. (Bynum, bị mất căn nhà ở New Orleans trong cơn bão Katrina, nói rằng "Cuộc đời thật đẹp. Tôi thấy mình có phước khi được sống sót.") Tôi kể với ông về Canh Oxelson, một người giống hệt Tyger Wood, có bằng cao học của Đại học San Francisco và Harvard và là quản trị viên của một trong những trường trung học danh tiếng nhất Los Angeles, trường Harvard-Weslake ở Bắc Holywood. Và tôi kể với ông về những người con lai đã từ bỏ trợ cấp xã hội và đang gióng lên tiếng nói của những đứa con vốn từng bị quên lãng của một cuộc chiến năm xưa.
"Anh làm tôi thấy hạnh phúc," Mrazek trả lời.
Canh Oxelson, có hai bằng cao học và là quản trị của một trường trung học danh giá ở Hollywood, anh có bề ngoài giống hệt Tiger Wood. Ảnh: Catherine Karnow
http://i229.photobucket.com/albums/ee63/dienvy_photos/Canh-Oxelson.jpg
Căn nhà hàng Tàu trống rỗng trong một khu thương mại San Jose nơi những người con lai tập trung cho buổi dạ tiệc đã nhanh chóng đầy người. Giá vé là $40, $60 nếu khách muốn được đãi rượu và ngồi ghế hạng "VIP" gần sân khấu. Hoa giả bằng nhựa được cắm trên mỗi bàn tiệc và trên tường có vẽ những con rồng vàng. Kế bên lá cờ Mỹ là cờ miền Nam Việt Nam, một quốc gia đã không còn tồn tại 34 năm qua. Một đội quân danh dự gồm năm cựu chiến binh Nam Việt Nam trịnh trọng diễn hành trước khán phòng. Lê Thọ, một cựu đại uý từng trải qua 11 năm trong trại cải tạo, ra lệnh chú ý trong lúc chiếc máy hát phát những âm thanh hơi bị rè của bản quốc ca Hoa Kỳ và Nam Việt Nam. Một số người trong khán giả đã khóc khi vị khách danh dự, Trần Ngọc Dung được giới thiệu. Dung, cùng với chồng và sáu con vừa đặt chân đến Mỹ hai tuần trước, họ rời Việt Nam nhờ Đạo luật Hồi Hương, vẫn còn hiệu quả đầy đủ hiện nay nhưng có rất ít người nạp đơn. Gia đình chị Dung vốn là nông dân và hoàn toàn không biết tiếng Anh. Con đường chông gai đang ở phía trước, nhưng chị Dung nói, "Đây là ước mơ mà tôi hằng ấp ủ trong suốt 30 năm qua." Một phụ nữ bước lên sân khấu và giúi vào tay chị những tờ giấy $100.
Tôi hỏi một số người con lai rằng họ có nghĩ rằng Lê Văn Minh, hiện đang sống gần đây trong một căn nhà hai phòng ngủ, sẽ đến tham dự buổi dạ tiệc hay không. Họ chưa bao giờ nghe đến anh ta. Tôi gọi máy cho Minh, anh giờ là một người đàn ông 37 tuổi, lấy vợ từ Việt Nam và có hai con, tuổi 12 và 4. Trong số những thân nhân mà anh bảo lãnh sang Mỹ, có cả người mẹ từng đuổi anh ra khỏi nhà 27 năm trước.
Minh dùng nạng và xe lăn để đi lại trong nhà và chiếc Toyota đời 1990 có trang bị đặc biệt chạy khắp xóm phố để bỏ báo. Anh thường thức dậy sau nửa khuya và hoàn thành chuyến giao báo vào lúc 8 giờ sáng. Anh bảo mình quá bận rộn để có thể tham gia những hoạt động giải trí nhưng cũng hy vọng là sẽ học được cách nướng thịt nay mai. Anh không suy nghĩ nhiều về quá khứ ăn xin trên đường phố Sài Gòn của mình. Tôi hỏi anh có nghĩ rằng cuộc sống có công bằng với anh lắm không.
"Công bằng? Ồ chắc chắn là có. Tôi không oán hận ai cả," Minh trả lời, một con người sống sót đến cùng.
Nguồn: Smithsonian Magazine
Children of the Vietnam War
Born overseas to Vietnamese mothers and U.S. servicemen, Amerasians brought hard-won resilience to their lives in America
By David Lamb
Photographs by Catherine Karnow
Smithsonian magazine, June 2009
http://www.smithsonianmag.com/people-places/Children-of-the-Dust.html?c=y&page=1
Read more: http://www.smithsonianmag.com/people-places/Children-of-the-Dust.html?c=y&page=1#ixzz0Q9mNZnOJ
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment