Friday, September 4, 2009
MỘT NGÔI SAO NGẮM NHỮNG CHÒM SAO
Một ngôi sao ngắm những chòm sao
Bùi Tín viết riêng cho VOA
03/09/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-09-03-voa5.cfm
Paris vừa hết mùa hè. Cuộc khai trường bắt đầu. Chính phủ vừa mở cuộc họp sau hè.
Giới trí thức Pháp, đặc biệt giới trí thức gốc Việt ở Paris đang bàn về một cuốn sách vừa xuất bản. Ở FNAC, hiệu sách lớn, người xếp hàng dài để mua: Dictionnaire Amoureux du Ciel et des Étoiles (édit. Plon) - [Từ điển mê say bầu trời và các ngôi sao ] - 1000 trang.
Dictionnaire Amoureux du Ciel et des Étoiles (édit. Plon) - [Từ điển mê say bầu trời và các ngôi sao ] - 1000 trang
http://www.voanews.com/vietnamese/images/trinh-xuan-thuan-book-150.jpg
Tác giả là Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, một người Mỹ gốc Việt, nhà vật lý thiên văn nổi tiếng, hiện công tác tại Đại học Virginia - Hoa kỳ, viết ra nhằm phục vụ việc tra cứu.
Cuốn từ điển này mang nội dung rất uyên bác về bầu trời và muôn vàn tinh tú, từ sự ra đời của bầu trời bao la, sự sinh ra của những chòm sao, của giải ngân hà, cuộc nhảy múa hài hoà của các ngôi sao trong bầu trời cho đến những suy ngẫm triết lý qua các thời đại về cuộc sống, về vũ trụ và về con người.
Tất cả những nội dung khoa học cao xa, phức tạp, chính xác ấy được trình bày một cách dễ hiểu, phổ thông, thân mật, đúng là theo ngôn ngữ của con người yêu cuộc sống, mê say bầu trời và các ngôi sao, và trên hết là lòng thiện căn, yêu thương sâu sắc con người.
Bao giờ cũng thế, trong mỗi cuốn sách của nhà thiên văn uyên bác này đều thể hiện tâm hồn một nhà thơ, lại còn một tâm hồn mê âm nhạc, mê nhạc điệu, cũng là một con người của những suy tưởng triết lý nhân bản Đông phương bắt nguồn từ đạo Phật.
Tôi gặp anh Thuận nhiều lần. Anh làm việc tại Hoa kỳ, hay sang Paris để lên lớp cho sinh viên ở Đại học Sorbonne và Đại học bách khoa (Polytechnique) - Bộ Quốc phòng. Lần đầu tôi gặp anh tại giảng đường Bách khoa, hè 1993, khi anh vừa cho ra cuốn La Mélodie Secrète - Giai điệu Bí ẩn - viết thẳng bằng tiếng Pháp. Cuốn sách này là bestseller - bán chạy nhất trong 2 năm liền 93-94.
Sách của anh cuốn nào cũng hay, cũng quý, mở rộng hiểu biết, bồi dưỡng lẽ sống. Từ cuốn Le Destin de l'Univers - Số phận của Vũ trụ (Gallimard 92) qua cuốn Le Chaos et l'Harmonie - Hỗn độn và Hài hoà (Fayard 98) đến cuốn l'Infini dans la Paume de la Main - cái Vô hạn trong lòng bàn tay (Nil -Ricard 2000) và Les Voies de la Lumière - Những con đường của Ánh sáng (Fayard 2007). Anh thường viết thẳng bằng tiếng Pháp vì anh cho tiếng Pháp nhiều sắc thái tinh tế, nên thơ, cùng với hàng trăm bài báo ngắn - thông báo khoa học - bằng tiếng Anh.
Anh cho biết anh là dân Hà Nội gốc, di cư vào Nam sau Điện Biên Phủ 1954 khi lên 6, du học Thuỵ sỹ năm 1966, tốt nghiệp Đại học Princeton - Hoa Kỳ - 1974, giáo sư ở Virginia - Hoa Kỳ từ 1976.
Năm 2007, Viện Hàn lâm Pháp tặng anh Giải thưởng MORON về cuốn Les Voies de la Lumière.
Thật lý thú khi nghe anh kể đã từng dùng những ống viễn kính không lồ ở Meudon, Saclay (Pháp), ở Chilê và ở Hawaii - Hoa Kỳ để ngắm nhìn hằng giờ, có khi suốt đêm, vẻ đẹp của các ngôi sao, của các chòm sao trong Giải Ngân hà (dòng sông Sữa - la voie Lactée).
Năm 1993, anh từng được tổng thống Pháp Fr. Mitterand mời tham gia đoàn của ông thăm chính thức Việt Nam, như là một công dân Hoa kỳ gốc Việt thấm nhuần nền văn hoá Pháp, thành đạt nổi bật trên trường quốc tế.
Dù rất kín đáo về chính trị, anh cho biết ông cụ thân sinh là một chức sắc cấp cao ngành tư pháp của Việt Nam Cộng hoà, bị cưỡng bức cải tạo sau 30-4-1975. Anh mong đoàn kết dân tộc, nhưng cho rằng mọi độc quyền là sai lầm có hại; độc quyền chính trị lại càng tệ hại cho dân tộc và nhân dân. Bỏ độc quyền kinh tế của quốc doanh cộng sản, đã có tiến bộ về kinh tế. Còn phải từ bỏ độc quyền chính trị của một đảng, chỉ lúc ấy mới có thể nghĩ đến đất nước "ra khơi " và " bay cao" trên bầu trời tự do, để mỗi con người Việt Nam có thể trở thành một ngôi sao, không còn là một hạt cát.
Hà Nội nhiều lần nhắn tin, tha thiết mời anh về hợp tác, tham gia cải cách giáo dục. Anh giữ nguyên tắc: phải đổi mới thật không "đổi mới giả", giáo dục không có dân chủ, đại học không có tự trị, báo chí không có tự do, công dân không được tự do suy nghĩ...thì xin "miễn !". Ở tuổi 61, anh sẵn sàng chờ, không thể vội. Anh sống có nguyên tắc. Anh am hiểu thời và thế.
Tuy vậy, anh vẫn cho phép một số bạn trong nước dịch và in ra tiếng Việt một số tác phẩm của anh.
--------------------------------
Chữ đẹp nhất: Chia sẻ
Bùi Tín viết riêng cho VOA
04/09/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-09-04-voa30.cfm
Cháu nội tôi khi 14 tuổi một lần hỏi tôi: "Ông ơi ông đọc nhiều, viết báo nữa, ông từng đọc và viết bao nhiêu là chữ, vậy thì theo ông chữ gì là đẹp nhất, hay nhất, có ý nghĩa nhất".
Câu hỏi cắc cớ, khó trả lời thật. Tôi để một tuần lễ để suy nghĩ và trả lời. Cái khó là chọn ra không phải một số chữ, mà chỉ một, chỉ một chữ mà thôi. Chữ đẹp, hay, có ý nghĩa thì khá nhiều. Xin thử kể ra: Lý tưởng, nân đạo, tự do, tình thương, chân lý, sự thật, con người, bác ái, ánh sáng, tình bạn, nụ cười, tình yêu, chung thủy, hạnh phúc, tử tế, lương thiện, tâm, nhẫn, xuân, chúa, mẹ, con tôi, hoa, mây, trăng, sao, xuân, thơ...
Người Trung Quốc xưa quý các chữ: quân tử, trực ngôn, băng tâm...Người phương Tây ưa chữ: "oser" - dám làm, táo bạo; hay chữ " système D - débrouiller " - tháo vát, xoay xở, theo nghĩa tốt. Người công giáo ưa chữ "Dieu"- Thượng đế, hay " la Foi " - niềm tin; Bà Aung San Syu Ki - Miến Ðiện thích chữ: "No Fear" - không sợ - bất uý - dám làm, dám dấn thân...
Về mỗi chữ kể trên có thể viết ra một quyển sách dày để nói lên ý nghĩa và ca ngợi cái đẹp, cái hay của nội dung mỗi chữ hàm chứa.
Thế rồi tôi "đậu" lâu ở một chữ, nghiền ngẫm miên man và tuyển chọn có một chữ ghép: "Chia sẻ" Để rồi mê thích, không sao rời chữ ấy. Tại sao ư? xin tâm sự với bạn.
Con người là động vật xã hội. Quan hệ người với người diễn ra phổ biến hằng ngày, muôn hình muôn vẻ. Mỗi người lại có những nét riêng. Không ai giống hẳn ai, hệt như ai. Do đó có sự khác nhau, sự chênh lệch về mọi mặt. Khoẻ và yếu; cường tráng và bệnh tật; có học và ít học; giàu và nghèo; thừa mứa và thiếu thốn; hạnh phúc và đau khổ; vui và buồn.
Có những sự chênh lệch bi đát, "người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra". Về đất nước cũng vậy, có nước dân nghèo đói, ăn không no, còn chết đói hàng loạt, không vải che thân, rét cóng không than sưởi; có nước dân bị nạn béo phì vì ăn quá nhiều mỡ, nhiều chất bổ, người nặng trên dưới một tạ tăng nhanh, có nước dân chỉ là những bộ xương biết đi...Có nước giá trị sản lương bình quân đầu người / năm là 50 ngàn đôla, như ở Bắc Âu, có nước con số ấy là dưới 500 đôla, như ở Tây Phi, chênh hơn 100 lần!
Từ xa xưa, nhiều nhà hiền triết, nhiều lãnh đạo tôn giáo chủ trương và thực hiện việc từ thiện, trợ giúp người nghèo khổ sa cơ, cứu giúp kẻ ăn mày, người tàn tật, lập trại tế bần, trại hủi, trại mồ côi, cúng giỗ, phát chẩn những dịp rằm tháng 7, rằm tháng 8, ngày Đoan Ngọ tháng 5..."Thương người như thể thương thân", "lá lành đùm lá rách", "tu thân (nhân) tích đức"... đều là những việc thiện, chia sẻ, xoa dịu vô vàn đau khổ, giải quyết đôi phần bất công và nghèo đói trên trần gian.
Các nước giàu có và Liên Hiệp Quốc có những chủ trương, kế hoạch trợ giúp các nước nghèo nhất, cứu giúp các vùng bị thiên tai: hạn hán, lụt lội, sóng thần, dịch bệnh, động đất, núi lửa bộc phát, lại còn giảm nợ, xoá nợ cho một số nước nghèo. Chia sẻ đó!
Thế nhưng theo tôi, mọi người có thể làm được nhiều hơn, nhiều gấp bội lần đã qua, nếu như nhận thức và tình cảm về sự "chỉa sẻ" được cùng nhau trao đổi, trau dồi cho thật thấu đáo, sâu hơn, rộng hơn, bám rễ trong lòng mỗi người, thành một nếp sống, một quán tính, một thuộc tính của mỗi người sống trên trần gian này.
Suy ngẫm cho thật sâu về chữ "Chia sẻ" - "To share" - "Partager", ta sẽ thấy nội hàm đẹp đẽ của nó có thể và rất cần mở rộng đến vô tận.
Chia sẻ những gì ? chia sẻ cho những ai ? chia sẻ như thế nào? chia sẻ để làm gì?
Một mỉm cười, một nụ cười, một cái gật đầu, một cái nhìn thông cảm, một lời an ủi đều có thể là một sẻ chia quý giá, khi nó thay thế sự giá lạnh, dửng dưng, vô cảm hay có khi ác độc, kèn cựa với một người hàng xóm, một người quen biết...
Một tờ giấy bạc, những đồng tiền cho người sa cơ nghèo khổ, cho đến một triệu đồng, hoặc đến một ngàn đôla chia sẻ cho người thân, người quen khi cần thiết đều là những việc làm cần cân nhắc và quyết định. Tuỳ tình thế, một đồng của người cho tặng có khi giá trị gấp mười, gấp trăm lần với người nhận. Một miếng khi đói, một gói khi no.
Đã có những triệu phú, tỷ phú đôla ở phương Tây trước khi từ biệt cuộc đời này làm di chúc hiến tặng những số tiền khổng lồ cho Nhà Thờ để làm việc từ thiện, hiến tặng các Trường Đại học để mở mang giáo dục, cấp học bổng, trợ giúp các tổ chức Nghiên cứu phát minh y học để tìm biện pháp chữa trị các bệnh hiểm nghèo, hoặc để cấp những Giải thưởng lớn hằng năm, như Giải Nobel...Những chia sẻ đầy ý nghĩa phong phú lâu bền, nhiều mặt, mang tính nhân văn sâu đậm.
Còn với mỗi người bình thường chúng ta? Chia sẻ cho ai? Xin tuỳ bạn, tuỳ ý tốt của bạn, tuỳ khả năng của bạn. Tự do chia sẻ, tự giác chia sẻ, chủ động chia sẻ, vô tư chia sẻ, vị tha chia sẻ. Không để tìm kiếm hư danh, không để được mang ơn, được khen ngợi, được nổi tiếng. Cách cho còn quý hơn thứ cho.
Mỗi người chúng ta, xin hãy tự mình xây dựng cho riêng mình nội dung của chữ "Chia sẻ", tự mình định nghĩa bằng thử nghiệm, sẽ rất hứng thú, vui trong nội tâm, lạc quan, nhận ra cuộc đời mới đáng sống làm sao. Nụ cười nội tâm sẽ nở, nở hoài.
Một cái nhìn thân thiện, một nụ cười kín đáo, một cái gật đầu nhẹ, một lời chào hỏi với người láng giềng chưa quen là mở đầu của quan hệ chia sẻ.
Trong mỗi nhà, thường có những vật dụng dư thừa, không dùng hết, sách vở, áo quần, mũ giày, thuốc men còn thời hạn, bạn hãy tìm cách chia sẻ cho người có thể cần đến.
Ở phương Tây, có tập quán hội Hồng thập tự vận động dân cư quyên góp áo quần cũ, người chia sẻ giặt dũ sạch sẽ, gập, gói những đồ mình hiến tặng; cả những bàn ghế, sa lông, giường tủ, tủ lạnh, bếp vi ba, máy vô tuyến thu thanh, computơ... còn dùng được, cũng được lau chùi rồi đặt ra ngoài cửa cho người cần đến nhận đi.
Vậy là có thể chia sẻ mọi thứ, tình cảm, an ủi, khuyến khích, kinh nghiệm, hiểu biết, vật chất, tiền của, vật dụng, từ nhỏ đến lớn, từ gần đến xa... luôn lòng rộng mở. Một xã hội chia sẻ, ai cũng cho, ai cũng nhận, mọi người sẽ "giàu" lên theo cấp số nhân.
Ở một xã hội ganh đua, cạnh tranh quyết liệt, rất ít tình nghĩa, người với người có khi lạnh giá, lại còn chửi rủa, văng tục, sửng cồ, ẩu đả...bất cứ vì chuyện gì chẳng đâu vào đâu, thì sự chia sẻ như một lối sống chung càng cần thiết đến cấp bách.
Ước mong nước ta có những câu lạc bộ chia sẻ, tuần báo Chia sẻ, mạng webside chia sẻ, các trạm thu phát chia sẻ, những hội luận về chia sẻ, chống lại cái trào lưu cướp của, cướp đất của quan chức hư hỏng, từ cao đến thấp đang lan tràn không sao ngăn chặn nổi, làm tan nát gia tài vật chất và đạo lý của Cha Ông để lại.
Trong tình thế nhiễu nhương hiện tại, mọi việc làm mang bản chất thiện căn, xoa dịu đau thương, giảm nhẹ bất công...đều mang ý nghĩa cứu dân, cứu nước, sưởi ấm xã hội bằng tình Người, không thể để xã hội băng hoại thêm nữa.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment