Friday, September 4, 2009

MỘT GÓC NHÌN VỀ TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP của HỒ CHÍ MINH


MỘT GÓC NHÌN VỀ TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP CỦA HỒ CHÍ MINH
Tân Nhân

Đảng Dân Chủ Việt Nam
http://www.ddcvn.info/
Ngày 2/9/1945, đồng bào cả nước nghe ông Hồ đọc tuyên ngôn độc lập ở Hà Nội. Đầu tiên ông dẫn lại bản Tuyên ngôn độc lập 1776 của Hoa Kỳ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Ông còn dẫn tuyên ngôn cách mạng Pháp 1791: "người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".

Trong văn phong ông Hồ, viện dẫn chỉ đánh bóng lại tư tưởng đã có để nói thay mình, để chải chuốt cho ra tầm trí thức thời đại. Cách dẫn trên có chủ ý của lối mở bài bằng phương pháp phản đề, nhằm đánh vào thực dân đế quốc bằng chiêu “gậy ông đập lưng ông”. Vì thế, ông Hồ đã không nhận thức hết tầm quan trọng và sức sống trường tồn của quyền bình đẳng, quyền được sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc…Đó là những giá trị luôn mới mẻ, là chân lý vĩnh cửu của nhân loại đến cả mai sau.
Từ cách đặt viên đá tảng đầu tiên trong nhận thức và vận dụng như thế, cho nên cuộc cách mạng mà ông dẫn dắt đất nước từ 1945 đến nay cũng chẵng cập nổi đến bến bờ bình đẳng, hạnh phúc. Cứ lấy tình hình đất nước ở giai đoạn tiếp ngay sau 1945, sẽ thấy ngay con người bị tước đoạt tự do và hạnh phúc như thế nào. Quyền được sống của địa chủ, tư sản dân tộc, những người biểu tình bị đàn áp đẫm máu ngay chính quê hương ông khi dám chống lại tay chân của chính quyền mới giết chết không thương tiếc đồng bào trong vụ cải cách ruộng đất. Mưu cầu hạnh phúc còn bị CS giết chết không thương tiếc ở các nhóm xã hội khác như nhân văn giai phẩm, công giáo, cán bộ cách mạng bị xét lại, thanh niên quân đội xung ra chiến trường… Ngược lại, cố nông và dân nghèo, tầng lớp được giải phóng, cũng chẵng mưu cầu ra hạnh phúc trong mô hình kinh tế tập trung. Những tội trạng này đã trở thành cơn ác mộng ám ảnh nhiều thời kỳ lịch sử, nên sau đó khi CS đến đâu, chưa cần trực tiếp thủ ác như trước, không ít đồng bào khiếp sợ bỏ chạy và chết trong những chuyến bỏ chạy đó.
Bình đẳng về quyền lợi không có nghĩa là giết chết, tịch thu hết của cải của người giàu chia cho người nghèo, đưa người nghèo lên làm chủ mà thực chất là vô chủ, để xảy ra hư hao thất thoát và của cải chung rơi vào tay những quan cộng sản hình thành giai cấp tư bản đỏ ngày nay.
Một người đứng đầu quốc gia như ông Hồ, nếu vì quyền sống và mưu cầu hạnh phúc của đồng bào, chắc chắn đã có giải pháp khôn ngoan tránh đổ máu và gây tội lỗi không biết bao lần như đã nêu trên. Những viện dẫn về bình đẵng và hạnh phúc mà ai cũng có quyền được hưởng, theo ông Hồ là “những lẽ phải không ai chối cãi được”. Nhưng nhìn những điều CS đã làm ngược lại, thì cũng có thể có một kết luận tương tự: đó là những sự thật không ai chối cãi được!

Từ viện dẫn tuyên ngôn các nước, ông Hồ “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Ở đây, có một trật tự tư duy bị đảo ngược, mâu thuẫn trong lập luận. Các chuẩn trong tuyên ngôn Pháp và Mỹ không áp dụng khu biệt cho dân tộc họ, mà đó là nhận thức chung quyền con người mang tính nhân loại, toàn cầu, có thể áp dụng cho mọi dân tộc, mọi thời đại.
Nếu đem áp dụng tại Việt Nam thì nên hiểu: suy rộng ra như tuyên ngôn, hay phải hiểu thành: thu hẹp lại? Vấn đề ở đây không phải là chữ nghĩa. Khái niệm dân tộc với những giá trị riêng, thuần phong mỹ tục, có cả những định kiến hẹp hòi và tập tục lạc hậu; bao giờ cũng làm cho giới hạn quyền con người trở thành hẹp lại trong chuẩn riêng mang tính cộng đồng. Thậm chí có nơi tính dân tộc dẫn đến cực đoan, quân chủ. Do cách tư duy này mà ngày nay, lợi dụng cổ xúy tinh thần dân tộc, CS vẫn còn tồn tại trên xương máu và hy sinh của đồng bào, phớt lờ tất cả các tiêu chí dân chủ nhân quyền chung của nhân loại mà đúng ra mỗi người Việt Nam phải được hưởng. Cách tư duy ngược này còn để lại sự bất cân bằng: xét về những giá trị riêng và tính cộng đồng thời chiến thì Việt Nam nổi bật, nhưng đem con người Việt Nam xếp trong thang bậc các hệ giá trị thời bình thì lại kém nhất. Rất tiếc là khi tiếp cận (chứ chưa tiếp nhận) những tư tưởng này, ông Hồ chỉ xem qua, sau đó lại theo đuổi lý thuyết của CS quốc tế với chuẩn mới xem thế giới là đại đồng, xem quyền sống và hạnh phúc của con người do chế độ ban phát và định đoạt. Khi về nước, cần có lực lượng ủng hộ cách mạng, ông Hồ trở lại với chủ nghĩa dân tộc. Đó chính là lý do ông bị thất sủng trước quốc tế CS. Nhìn lại cả quá trình, sẽ thấy: sau một hồi qua các nước, những tư tưởng ông tiếp cận và tiếp nhận, được chứa vào một túi đựng, tùy thời điểm và hoàn cảnh mà lấy ra từng thứ sử dụng cho phù hợp, để đạt được mục đích, không hơn không kém!

Tuyên ngôn viết: “Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào”. Tưởng ông Hồ phê phán Pháp để mà tốt hơn. Ai ngờ, sau khi chính quyền cách mạng, do toàn dân hy sinh mới có, về tay CS, nay đồng bào cũng không có một chút tự do dân chủ nào. Nói đúng hơn, đó là một thứ tự do dân chủ mà “lòng dân” buộc phải nghe theo “ý đảng”. Dân chủ mà hơn 1.000 tờ báo, tạp chí, tờ tin nội bộ và ấn phẩm đều chỉ duy nhất là tiếng nói của đảng. Dân chủ mà học sinh mới lớp 6 bắt đầu môn giáo dục công dân đã gặp ngay câu “phải tin tưởng vào đảng và nhà nước” trong khi không biết vì sao “phải tin”. Dân chủ mà ngày càng có nhiều người trong xã hội phản đối đảng, kể cả đảng viên. Dân chủ chà đạp quyền lợi chính đáng còn đàn áp, đánh đập, vu khống…Dân chủ ấy là dân chủ theo yêu cầu của đảng, nên biến tướng thành độc quyền số một! Ai tưởng thật, phản biện cho hả dạ, sẽ có ngay từ “tập trung” với đủ biện pháp “giáo dục” kèm theo sau. Dân chủ - tập trung, tập trung - dân chủ; cứ như có phép biến hóa, sấp ngửa trắng đen dễ như trở bàn tay! Tình cảnh hiện nay đúng là “nhân dân ta không có một chút tự do dân chủ nào”.

Tuyên ngôn lên án Pháp: “Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở trung, nam, bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.” Nhưng cũng như trên, sau khi phản ánh thực trạng ấy, tuyên ngôn đã làm gì tốt đẹp hơn cho hôm nay? Luật pháp của đảng và nhà nước là thứ luật chỉ để bảo vệ lợi ích của một nhóm cầm quyền, sửa đổi chắp vá liên tục mà ngày càng thêm nhiều đơn khiếu kiện; đến độ một luật sư từng nhận xét: Việt Nam có cả một rừng luật nhưng vẫn sử dụng luật rừng! Luật pháp hiện nay không dã man như xưa, nhưng sự dã man được che giấu khôn khéo hơn: do đảng chỉ đạo, bảo vệ đảng theo cách tốt khoe xấu che, nhằm thẳng vào những tiếng nói khác chính kiến, né tránh trả lời quyền lợi chính đáng của dân oan… Tuyên ngôn cũng kêu gọi toàn dân đoàn kết xóa bỏ nghi kỵ nhau giữa 03 miền, nhưng tại sao các cơ quan quản lý tôn giáo, dân tộc từ trung ương đến địa phương hiện nay đặt ra chính sách “chăm sóc đặc biệt” đối với “03 tây”: Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ để làm gì? Đừng đổ tội cho các thế lực nước ngoài kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan gây mất đoàn kết, mà che lấp khiếm khuyết nội tại do đường lối chính sách gây ra đối với các dân tộc nói trên. Đừng mị dân các chương trình mục tiêu ưu tiên vùng sâu vùng xa (cũng từ tiền đóng thuế của dân), rồi bảo tồn văn hóa dân gian các dân tộc ít người trước hết là vì đồng bào ít người, nếu không phải ưu tiên hàng đầu là mọi giá ép người đồng bào dân tộc vào vòng quản lý của đảng, chỉ nghe theo đảng (như đã thực hiện lên người Kinh).

Tuyên ngôn cho rằng Tây “ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân”. Không chủ đích, nhưng dù sao Tây cũng để lại hệ chữ quốc ngữ Việt Nam dùng ngày nay, đào tạo ra tầng lớp trí thức tốt mà trong đó CS cũng sử dụng. Để khỏi ngu dân, CS diệt giặc dốt, xóa mù từ 1945 đến nay, Việt Nam có vùng vẫn còn “tái mù”! Để khỏi ngu dân, phải cải cách giáo dục không biết bao lần, vẫn thành cải lùi. Để khỏi ngu dân, hiện nay vào năm học mới phụ huynh tất cả các lớp phải lo lót chạy trường cho con em. Có nơi lớp quá đông số lượng, địa phương không đủ trường cho các em học; trong khi nhà hàng, nơi vui chơi, các dịch vụ xã hội tạo nguồn thu kiếm lãi của tầng lớp giàu và của cả các quan cách mạng, chỗ nào cũng sạch đẹp, rộng rãi, sáng choang. Để khỏi ngu dân, hàng loạt tiến sĩ giáo sư được đảng phong học hàm học vị, được lương cao, để cứu đảng thoát hiểm cơn khủng hoảng lý luận, tiếp tục “sáng tạo” chủ nghĩa MácLê, cố chống lưng cho một hệ tư tưởng xã hội đã quá lạc hậu và lầm đường… Dưới ách cai trị của đảng, dân không ngu, nhưng mụ mẫm hết đầu óc, đồng loạt trở thành những con chiên của một thứ tà đạo chính trị đầy bóng bẩy, hưá hẹn suông. Chính sách ấy còn độc hơn cả ngu dân ngày xưa.

Cũng theo tuyên ngôn, năm 1940, Nhật chiếm Đông Dương, Pháp đầu hàng. Đến ngày 9/3 cùng năm, Nhật tước khí giới của Pháp. Nhưng tình thế thay đổi, Nhật hàng Đồng Minh, xem như Nhật hết vai trò. Về ý nghĩa, triều đình Bảo Đại lúc này vẫn được xem là đại diện chính thức của nước Việt Nam. Nhưng vì sao tuyên ngôn lại công bố: “Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật”? Bởi vì: lấy lại chính quyền từ tay quân phiệt Nhật, đảng mới oai phong, có công lớn với dân tộc và thế giới! Khi thời cơ đến, “xiềng xích thực dân gần một trăm năm” tự đứt tung, CS nhân cơ hội đó hô hào nhân dân nổi lên. Thành ra, cùng với có công đánh thực dân phát xít, đảng lại tự ghi thêm một điểm: “đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ” (trong khi chế độ quân chủ ấy đã mục ruỗng, chỉ còn là bù nhìn!). Thành tích ấy vĩ đại như… quả bong bóng!
Ông Tô Hải gần đây kể: “Cái ngày 19 tháng 8 ấy à? có ngày ba bốn lần đi biểu tình. Họ biểu tình phố, rồi biểu tình khu, rồi biểu tình thành này. Ngày 17 thì còn cầm cờ vàng mà (cười), ngày 19 thì là mới bắt đầu cầm cờ đỏ.”
Ông Phạm Duy cũng cho biết: “Sau khi Nhật đầu hàng, quân đội Nhật ở Việt Nam trao trả Phủ Toàn Quyền cho Phủ Khâm Sai Bắc Bộ. Để tỏ ý chí bảo vệ đất nước, vào ngày 17 tháng 9, công chức Hà Nội - được lệnh của vị Khâm Sai Phan Kế Toại - đứng ra tổ chức một cuộc mít-tinh ở trước Nhà Hát Lớn Hà Nội. Cuộc mít-tinh của các ông các bà công chức đang diễn tiến thì bỗng nhiên một lá cờ đỏ sao vàng rất lớn được thả từ bao lơn của nhà hát xuống, rồi một người leo lên khán đài cướp micro để hô khẩu hiệu và hát bài Tiến Quân Ca của Văn Cao. Thế là cuộc biểu tình của Tổng Đoàn Công Chức bỗng nhiên biến thành cuộc biểu tình của Mặt Trận Việt Minh”.
Thiết nghĩ, ở sự kiện này, bản tuyên ngôn cần phải được giải thích tu chỉnh đúng lịch sử, để cho thấy cái “tài lãnh đạo” của CS. Trước đây, các tài liệu CS thường viết rằng: năm 1945, ta cướp chính quyền. Nay hầu hết tự sửa thành: ta giành chính quyền. Vì sao CS phải sửa chỉ một từ? Bởi vì: từ cướp của họ phản ánh đúng bản chất việc làm của chính họ: tước đoạt về tay cái mà không phải của mình, chỉ có kẻ cướp mới thực hiện hành vi cướp, thứ cướp được rồi cũng chẵng sở hữu bền lâu.

Tuyên ngôn còn khẳng định:một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát-xít mấy năm nay”. Nhưng phe đồng minh đó cụ thể là ai? Lúc bấy giờ, ông Hồ đã kết hợp với người Mỹ ở vai trò như thế nào, Mỹ đã giúp đỡ ông những gì khi còn chưa trở thành kẻ thù tiếp theo giai đoạn sau… Viết về lịch sử 1945 và cả những tài liệu tuyên truyền hiện nay, vì sao đảng giấu mất chuyện này? Điều đó một lần nữa cho thấy sách lược của CS chỉ là: qua cầu rút ván, sửa cả sự thật lịch sử để vơ hết thành tích về mình, xóa sạch mặt trái ở ông Hồ.


Chúng ta đã biết, tuyên ngôn không phải chỉ để đọc trịnh trọng công bố lúc lập quốc, mà nó phải là hòn đá tảng cho tư tưởng và hành động của xã hội muôn đời sau. Ví như tuyên ngôn Pháp, Mỹ đã đề cập, đến nay không đổi, giá trị ngày càng tỏa sáng cả nhân loại. Còn tuyên ngôn 1945, nay chẵng giữ được phẩm chất ban đầu mà ngược lại, tên nước trong tuyên ngôn nay đã bị loại bỏ từ “dân chủ” rất quan trọng nên xã hội mất hẵn dân chủ, lịch sử thời điểm tuyên quốc bị cố tình lèo lái sai lệch… thì tuyên ngôn đó còn có giá trị gì?

Copyright © 2009 Bản quyền thuộc về Đảng Dân Chủ Việt Nam


No comments: