Thursday, September 24, 2009

HỒ SƠ DI SẢN VĂN HOÁ


Hồ sơ di sản văn hóa
Trần Khải
24-09-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6737
Chuẩn bị ăn mừng 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội từ nhiều năm nay đã lập các hồ sơ di sản văn hóa để trình lên Liên Hiệp Quốc, xin danh hiệu di sản UNESCO. Trên nguyên tắc, đó là những việc nên làm. Có thể cho chúng ta một chút tự hào về văn hóa dân tộc, và thực tế cũng có thể giúp đỡ nhiều cho ngành du lịch Việt Nam, một trong các lĩnh vực mạnh của kinh tế quê nhà.

Việt Nam hiện đã có những gì được mang danh hiệu di sản UNESCO?

Bản tin báo Tuổi Trẻ ngày 12/08/2009, nhan đề “Nô nức lập hồ sơ di sản,” dựa theo nguồn UNESCO, ghi rằng:
“Hà Nội vừa bày tỏ quyết tâm đưa lễ hội Gióng trở thành di sản UNESCO nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Trước đó, vào ngày hội đền Lảnh Giang (23/07/2009 tại Hà Nam), vài nhà quản lý cũng lên tiếng mong muốn đưa hầu đồng trở thành di sản phi vật thể của nhân loại.
Năm ngoái, đúng dịp giỗ tổ, tỉnh Phú Thọ cũng nói trên báo chí về ý định đệ trình khu di tích đền Hùng vào danh sách di sản thế giới. Sau thăm dò thấy việc này khó thành công, năm nay tỉnh Phú Thọ quay sang bàn chuyện đệ trình hát xoan làm di sản phi vật thể. Cứ như thế, công chúng thường xuyên được cập nhật tin tức về các hồ sơ di sản của VN đang (và sắp) đệ trình lên UNESCO.(...)
Các di sản của VN
Về di sản văn hóa vật thể: di sản văn hóa đầu tiên của VN được UNESCO công nhận là quần thể di tích cố đô Huế (công nhận ngày 11/12/1993), tiếp đó là di tích Mỹ Sơn và phố cổ Hội An (cùng ngày 1-12-1999). Di sản thiên nhiên đầu tiên được tôn vinh là vịnh Hạ Long (được công nhận hai lần, lần đầu vào ngày 17/12/1994 theo tiêu chí về giá trị cảnh quan, lần thứ hai vào ngày 02/12/2000 theo tiêu chí về địa chất, địa mạo) và sau đó là vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (ngày 03/07/2003).
Về di sản phi vật thể: nhã nhạc được công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào ngày 07/11/2003, sau đó từ tháng 11, 2008 được chuyển sang danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại theo tiêu chí mới của UNESCO. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên được công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại trong đợt công bố ngày 25/11/2005, sau đó được chuyển sang danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.Các hồ sơ di sản hiện đang chờ xem xét tại UNESCO bao gồm: khu trung tâm hoàng thành Thăng Long (đệ trình ngày 25/09/2008), quan họ Bắc Ninh (đệ trình ngày 25/09/2008) và ca trù (ngày 13/03/2009)...”
(hết trích)

Như thế, nghĩa là nhiều lắm, không những chỉ di sản thiên nhiên cũng được mang danh hiệu UNESCO (như Hội An, Vịnh Hạ Long...), mà cả tài sản văn hóa phi vật thể (như nhã nhạc, văn hóa cồng chiêng...). Nghĩa là, mấy ngàn năm văn hiến của Việt Nam không có các ảnh hưởng đồ sộ vào văn hóa thế giới, nhưng cũng có một góc nhỏ để làm cho đất nước Việt Nam đứng biệt lập với những tự hào riêng. Không tội gì mà phải trở thành một góc nhỏ trong nền văn hóa nứơc khác, dù có là từ các đất nước khổng lồ như Trung Quốc hay Hoa Kỳ.

Một bản tin trên VietnamNet ngày 03/08/2009, cho biết dự kiến rất nhiều hồ sơ khác cũng sẽ đệ trình lên UNESCO, trong đó có các môn như ca Trù, hát Then, hát Quan Họ, vân vân...

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ môn gây thắc mắc là Hầu Đồng. Báo An Ninh Thế Giới ngày 05/08/2009 có bài viết về cuộc tranh cãi xem có nên trình hồ sơ Hầu Đồng lên UNESCO hay không. Hầu Đồng, cách gọi xưa ở Miền Nam là Lên Đồng, hay cách gọi dân gian là Đồng Bóng, nếu không kể tới yếu tố tín ngưỡng thần linh thì đúng là một nghệ thuật ca nhạc múa hát. Nhưng có nên hay không, thì giới trí thức Hà Nội chưa bàn xong.
Báo An Ninh Thế Giới qua bài “Đừng đổ tội cho... Hầu đồng” ghi nhận lời nhận xét của GS. Ngô Đức Thịnh - ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia - Phó Chủ tịch Hội Folklore châu Á - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam về tín ngưỡng dân gian đặc biệt này:
“GS Ngô Đức Thịnh: Đây là một nghi lễ tôn thờ nữ thần của đạo Mẫu, nó thể hiện quan niệm đồng nhất con người với tự nhiên. Đạo Mẫu và nghi lễ Hầu đồng không chú trọng vấn đề linh hồn hay cái chết mà quan tâm đến sự sống, đến khát vọng sức khỏe và tài lộc ở thế giới trần gian. Về khía cạnh dân tộc và lịch sử, đạo Mẫu đứng về phía dân tộc, nó chính là chủ nghĩa yêu nước đã được tín ngưỡng hóa.Cũng có thể khẳng định, nghi lễ Hầu đồng chính là sân khấu tâm linh. Các hoạt động của nó gắn với âm nhạc, chầu văn, các điệu múa, mỹ thuật, kiến trúc và cả thời trang nữa. Đây là một di sản văn hóa dân tộc độc đáo, một bảo tàng sống về văn hóa truyền thống đáng được trân trọng và nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo tồn, phát huy những nét đẹp của nó...”
(hết trích)

Chúng ta nơi đây, không muốn bàn và cũng không muốn tranh luận về các hồ sơ di sản văn hóa nhà nước đã và đang trình lên UNESCO. Điều chỉ muốn nói rằng, nhìn chung, tất cả các hồ sơ mà các học giả Hà Nội đã trình lên để xin danh hiệu di sản văn hóa UNESCO để chỉ ra một mảnh hồn Việt Nam, nơi đó rất nhiều người trong một thành phần nào đó của dân tộc đã sáng lập, trau chuốt, giữ gìn để làm thành một phần cho vẻ đẹp rất là Việt Nam.

Nơi đây, xin đề nghị cùng chính phủ Hà Nội: có một vẻ đẹp văn hóa Việt Nam cũng cần được gìn giữ và trân trọng – tuy là chưa đủ thời gian cổ kính để làm thành một hồ sơ di sản văn hóa nhưng chắc chắn là đã và đang có ảnh hưởng lớn trên toàn cầu – đó là pháp môn Làng Mai của Thiền Sư Nhất Hạnh.
Công an đang tăng cường bứng gốc 400 tăng ni Làng Mai ra khỏi Tu Viện Bát Nhã, Lâm Đồng. Và tình hình này sẽ là một vết thương lớn, tuy truyền thông qúôc nội không muốn nói tới, cho rất nhiều Phật Tử, và cho cả toàn cảnh Phật Giáo tại VN.

Nếu Hà Nội đã công nhận vẻ đẹp văn hóa của nhã nhạc, ca trù, cồng chiêng, vân vân, tại sao không thể nhìn hoạt động của Tăng Ni Làng Mai ở Bảo Lộc như là một vẻ đẹp văn hóa cần trân trọng, và thực tiễn cũng có thể giúp đẩy mạnh ngành du lịch Lâm Đồng được.

Thực tế, các Tăng Ni Làng Mai đã tự tách rời khỏi các ảnh hưởng chính trị toàn cầu, thì không có gì để chính phủ phảỉ lo ngại cả. Hãy để cho họ ngồi đó, ngồi yên như núi. Đó cũng là một vẻ đẹp rất là Việt Nam.
----------------------------

Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ.

No comments: