Monday, September 21, 2009

BÀI TRÊN BÁO QĐND chống BÀI "ĐỔI MỚI ĐẢNG ĐỂ TRÁNH SỤP ĐỔ"


Mưu đồ thâm hiểm phía sau lời “góp ý”:
Bài trên báo Quân đội Nhân dân phê phán bài viết của Thiện Ý Tống Văn Công
talawas blog
21/09/2009 11:25 chiều
http://www.talawas.org/?p=10545

Bài “
Mưu đồ thâm hiểm phía sau lời ‘góp ý‘”, đặt dưới đề mục “Làm thất bại chiến lược ‘Diễn biến hòa bình’”, của một tác giả Tâm Việt nào đó trên báo Quân đội Nhân dân ngày 20/9/2009 tuy không nên đích danh tác giả Thiện Ý Tống Văn Công và bài viết của ông trên talawas ngày 19/9/2009, nhưng độc giả không khó nhận ra những đoạn văn hoặc những ý được dẫn lại từ bài viết này.

Sau khi khẳng định rằng “mục tiêu hết sức thâm độc toát lên từ bài góp ý đó là hạ bệ Đảng Cộng sản Việt Nam”, “cắt xén đi và cố tình gạt bỏ những yếu tố lịch sử, để phục vụ cho ý đồ chính trị đen tối”…, bài báo kết luận: “Sự tàn bạo và xảo trá chưa bao giờ là hệ giá trị của văn minh nhân loại. Mưu đồ xấu xa đằng sau những lời ‘góp ý’ của những người tự cho là có ‘thiện ý’ đó nhất định sẽ bị vạch trần. Không khó để mỗi người Việt Nam nhận rõ chân tướng và mưu đồ đen tối của họ.”

---------------------------------------------------

Làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”
Mưu đồ thâm hiểm phía sau lời “góp ý”
QĐND - Chủ Nhật, 20/09/2009, 21:58 (GMT+7)
http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/5/5/5/89666/Default.aspx
Như một quy luật, từ lâu, cứ mỗi khi ở Việt Nam chuẩn bị diễn ra một sự kiện chính trị lớn, là đây đó, các luận điệu tuyên truyền chống Đảng, chống Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta lại được các thế lực thù địch “tấu lên” theo các cung bậc khác nhau. Lần này cũng vậy, những công việc bước đầu chuẩn bị Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa triển khai, người ta lại thấy trên một số trang web vốn được lập ra để chống phá Việt Nam xuất hiện các bài viết dưới danh nghĩa “góp ý với Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam”, trong đó có bài viết kêu gọi xóa bỏ hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tác giả bài góp ý này kiến nghị Đảng hãy "đổi mới" bằng cách từ bỏ ý thức hệ cộng sản, kiến nghị xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp năm 1992. Dụng ý rõ ràng và mục tiêu hết sức thâm độc toát lên từ bài góp ý đó là hạ bệ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Để che đậy ý đồ xấu, tác giả đã sử dụng một chiêu thức, tuy không mới, nhưng khá hiểm, đó là cố ý diễn đạt theo kiểu “đầy trách nhiệm” đối với lợi ích quốc gia, thái độ “hết sức xây dựng” trước con đường phát triển của dân tộc và một “bầu nhiệt huyết” theo kiểu “dĩ công vi thượng”, để “bộc lộ” tấm lòng của những “con dân nước Việt” với non sông, đất nước. Cách nói lập lờ, nhưng cố tình để hở ra cho người đọc thấy dường như “họ” là những người dân đang sống ngay trên đất nước Việt Nam, có tấm lòng “trung kiên với nước”, nên đưa ra những ý kiến chân thành, mong Đảng “đổi mới”. Cách nói này rất dễ lừa gạt những người nhẹ dạ, cả tin, non kém về nhận thức chính trị.
Cố làm ra vẻ khách quan, rồi vừa tung, vừa hứng, vừa gieo rắc sự hoài nghi, vừa ru ngủ những người thích được ca ngợi… họ đưa ra hàng loạt vấn đề, nào là “Tổ quốc trước những hiểm họa”, “mạnh” và “yếu” của Đảng Cộng sản Việt Nam, những “câu hỏi” và “những giải pháp”… như một sự đóng góp ý kiến đầy “thiện ý” với Đảng. Nhằm kích thích và tạo lòng tin đối với người đọc, họ đã dẫn ra nhiều ý kiến, nhưng cố ý xếp đặt một cách lộn xộn, đặt ngang hàng những luận điểm của Các Mác, Ph.Ăng-ghen, V.I Lê-nin, Hồ Chí Minh, văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam… với những phát biểu sặc mùi thù địch của những kẻ bất mãn, trở cờ, chống đối, vong ân bội nghĩa với mảnh đất đã sinh ra và nuôi dưỡng họ khôn lớn, nay quay lại nói bừa. Họ cố tình đối lập Đảng Cộng sản Việt Nam với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối lập Hiến pháp hiện hành với Hiến pháp năm 1946, thậm chí để ra vẻ công tâm, họ trích dẫn cả những luận điểm mác-xít, nhưng cắt xén đi và cố tình gạt bỏ những yếu tố lịch sử, để phục vụ cho ý đồ chính trị đen tối.
Thực tế, đằng sau những lời “góp ý ” đó là một tư tưởng thù địch biểu hiện ở một loạt vấn đề được sắp xếp theo một trục lô-gích xuyên suốt, mà theo họ: “Đảng Cộng sản Việt Nam, tuy có một vài công trạng, nhưng do sai lầm về con đường đã lựa chọn, nên đã đẩy dân tộc Việt Nam vào ngõ cụt. Đã đến lúc cần phải “đổi mới Đảng” - một sự đổi mới tiến tới thủ tiêu Đảng”. Một sự thủ tiêu không chỉ bằng sự xoá bỏ Điều 4 của Hiến pháp 1992, mà là một sự thủ tiêu theo hướng xóa bỏ tận gốc sự hiện diện của Đảng với tư cách là một thực thể, theo phương thức “xóa bỏ hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa”.
Trục lô-gích của luận điểm thù địch trên đây đã phơi bày một thái độ chính trị vô trách nhiệm của những người tự cho mình là có trách nhiệm trước dân tộc. Chỉ cần lật giở lại lịch sử dân tộc Việt Nam từ thời điểm thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên xâm lược Việt Nam (ngày 1-9-1858), đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đã cho thấy ai là người thực sự có trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc. Và thắng lợi đầu tiên của dân tộc Việt Nam sau 80 năm đô hộ của chủ nghĩa thực dân Pháp là gì? Không khó khăn để nhận ra rằng, đó chính là cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945-cuộc cách mạng do nhân dân Việt Nam tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã đưa dân tộc Việt Nam lên ngang hàng các dân tộc tiên phong trên thế giới. Lịch sử là bức tranh chân thực nhất, xác nhận rằng suốt tám thập kỷ bị thực dân Pháp đô hộ, từ các cuộc nổi dậy của các phong trào yêu nước phong kiến bằng con đường khởi nghĩa vũ trang, đến phong trào dân chủ tư sản bất bạo động nhằm giành lại độc lập dân tộc đều có chung số phận là sự thất bại. Nguyên nhân của những thất bại trên là do thiếu một đường lối cách mạng đúng đắn dẫn dắt, mà nguồn cội của vấn đề là thiếu một lực lượng, một tổ chức chính trị chân chính đủ bản lĩnh và trí tuệ phát hiện và định ra một đường lối như vậy. Sự xuất hiện của Đảng Cộng sản Việt Nam trên vũ đài chính trị đã giải quyết được mâu thuẫn đó. Chính Đảng cộng sản chứ không phải ai khác đã lãnh đạo nhân dân ta giành thắng lợi trong cuộc đụng đầu lịch sử giữa dân tộc Việt Nam với hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Kết cục cả hai đều phải chấp nhận thất bại trước một Việt Nam đất không rộng lắm, người không đông lắm. Nguyên nhân của những thắng lợi vĩ đại đó của cách mạng Việt Nam có nhiều nhưng nguyên nhân quyết định là do nhân dân Việt Nam có một Đảng mác-xít chân chính lãnh đạo. Vậy mà nay, để đổi mới Đảng, tác giả kiến nghị “giải tán hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa”, trong đó Đảng Cộng sản Việt Nam là hạt nhân. Thực chất họ muốn tạo ra một lực lượng chính trị khác ngoài Đảng cộng sản đảm trách vai trò lãnh đạo xã hội, mưu toan thiết lập một hệ thống đa đảng theo mô hình các nước tư bản chủ nghĩa!
Thâm hiểm hơn, nhằm dùng một mũi tên bắn trúng cả hai đích, tác giả đã đưa ra các phân tích thiếu căn cứ nhằm đối lập Đảng Cộng sản Việt Nam với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối lập lợi ích giai cấp với lợi ích dân tộc, đối lập mục tiêu độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội... Mục tiêu cuối cùng của tác giả là phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Một số người cho rằng: “Thắng lợi của cách mạng Việt Nam trước năm 1975 thuộc về sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam - một Đảng gắn liền với vai trò của lãnh tụ Hồ Chí Minh, luôn lấy lợi ích dân tộc làm mục tiêu tối thượng, khác với Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, chỉ tôn thờ lợi ích giai cấp, theo đuổi ý thức hệ cộng sản, nên đã trở thành lực cản của sự phát triển dân tộc...”. Nhưng họ đã cố tình quên rằng, ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã mang tên “Đảng Cộng sản Việt Nam” và ngay từ “Chánh cương vắn tắt” - bản Cương lĩnh đầu tiên, Đảng đã tuyên bố sẽ dẫn dắt dân tộc đến với chủ nghĩa cộng sản, dân tộc Việt Nam sẽ “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi đến xã hội cộng sản”.
Trước những thành tựu của sự nghiệp đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, được cả thế giới công nhận, họ lại phán bừa rằng: “Chính những thành tựu đổi mới ấy có được là do Đảng đã từ bỏ dần những nguyên lý của chủ nghĩa xã hội”. Họ cố chứng minh rằng: “Do đổi mới nửa vời, nên hiện nay đất nước khó khăn, xã hội thiếu ổn định, không có đồng minh… Muốn thoát khỏi tình cảnh hiện nay với đủ các căn bệnh, thoát khỏi sự đe dọa của cả nguy cơ nội xâm và ngoại xâm, thì phải “đổi mới Đảng”. Muốn đổi mới Đảng thì phải từ bỏ ý thức hệ cộng sản chủ nghĩa, xóa bỏ hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa! Tác giả thẳng thừng đặt câu hỏi: Vì lý do gì Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam quyết kiên trì chủ nghĩa xã hội?
Rõ ràng, điều họ muốn là dân tộc Việt Nam từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, con đường mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, từ bỏ mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Họ muốn xóa bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng luôn hoàn thành xuất sắc vai trò lãnh đạo suốt gần 80 năm qua. Đó chính là mục tiêu của chiến lược "diễn biến hòa bình" mà họ cho rằng là nỗi lo sợ quái gở!
Vậy thì đằng sau sự góp ý của họ là gì ai cũng đã hiểu.
Sự tàn bạo và xảo trá chưa bao giờ là hệ giá trị của văn minh nhân loại. Mưu đồ xấu xa đằng sau những lời "góp ý" của những người tự cho là có "thiện ý" đó nhất định sẽ bị vạch trần. Không khó để mỗi người Việt Nam nhận rõ chân tướng và mưu đồ đen tối của họ.
TÂM VIỆT

-------------------------------------

Bauxite Việt Nam
Từ cách đây hai tuần, Bauxite Việt Nam nhận được bài viết dưới đây do ông Tống Văn Công, nguyên TBT báo Lao động gửi tới, nhưng chỉ với tính cách để tham khảo, vì theo ông, còn phải chỉnh sửa kỹ trước khi gửi lên các cấp quyền lực tối cao trong Đảng CSVN. Chúng tôi vui lòng chờ và hy vọng sẽ có vinh dự công bố văn bản hoàn chỉnh của ông trước tiên. Tuy nhiên, có lẽ do được lan truyền theo nhiều con đường khác nhau, mạng Viet-studies đã kịp công bố bản thảo đầu tiên của ông Tống Văn Công dưới bút danh Thiện Ý mà trang mạng này cũng không biết là người nào. Nay talawas cho ra mắt bản đã chỉnh lý kỹ lưỡng, lại có thêm bài giới thiệu tác giả của bạn Hoàng Hưng - tên tuổi thực của người viết vì vậy đã được bạch hóa. Bauxite Việt Nam xin đăng lại bài viết đã hoàn thiện ấy. Vấn đề ông Tống Văn Công đặt ra là cả một vấn đề lớn: chuyển đổi thể chế êm thấm dưới sự điều hành của chính Đảng Cộng sản. Chúng tôi nghĩ, hiện chưa đủ cơ sở lý thuyết cho vấn đề này nên rất cần nhiều nhà lý luận kinh tế chính trị học góp thêm kiến giải. Thực chất của chủ nghĩa tư bản Đỏ ở bất kỳ đâu cũng không còn là chủ nghĩa xã hội, phải khẳng định với nhau như vậy. Nhưng vì cái chủ nghĩa mà ta vẫn gọi là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa không xác lập được một nền tảng lý luận đích thực nên trong thực hiện, giữa danh nghĩa và thực tiễn luôn luôn tréo cẳng ngỗng, nói một đằng làm một nẻo, nhân danh thì rất tốt đẹp mà hành động lại là sự tước đoạt trắng trợn của những "nhóm lợi ích" nào đấy đối với tài nguyên, tài sản của nhân dân, dần dần biến sở hữu toàn dân thành sở hữu tư nhân một cách không tự nguyện. Và từ đó, biết bao tấn kịch thê thảm đã xảy ra, thành phố mất gần hết bất động sản và không gian xanh, còn nông thôn thì hàng triệu nông dân mất đất, bị đẩy vào bần cùng, để cho một nhúm người trở nên những chủ tài phiệt kếch xù, không tham gia Nhà nước song uy thế có khi lung lạc cả đường lối chính sách. Trong khi đó, an sinh xã hội bị đẩy xuống mức tồi tệ, một nền giáo dục thu tiền từ cấp học phổ thông; một nền y tế để nhân dân nằm la liệt từ ngoài cổng bệnh viện từ sáng tới tối và không có tiền thì dù bệnh cấp cứu cũng sống chết mặc bay; một tình trạng người già trẻ con mồ côi không nơi nương tựa... Rõ ràng, không phải cứ kiện toàn bộ máy hành chính của chế độ này là chế độ tự khắc tốt lên - mà kiện toàn một cách hình thức thì càng nguy hiểm, chẳng hạn bắt tất cả nhân viên viên chức "đi học lấy bằng Tiến sĩ" - mà phải ngăn chặn những vết trượt dài theo đà không cưỡng được của nó bằng việc thiết kế cho nó những đường đi nước bước chắc chắn, giúp xóa bỏ được những nghịch lý khiến nó rơi vào sống dở chết dở, trong đó những vấn đề như: đâu là con đường nhân đạo hóa chủ nghĩa tư bản Đỏ, đâu là giải pháp cho công bằng xã hội không cần thông qua bạo lực, tức các công cụ chuyên chính vô sản và đấu tranh giai cấp vốn đã trở nên quá lỗi thời và tai hại khôn xiết kể, và đâu là cách thức hữu hiệu để thực thi một nhà nước pháp quyền đúng nghĩa mà vai trò của Đảng Cộng sản vẫn giữ được... là những vấn đề đã trở nên vô cùng bức thiết, và hình như nan giải nếu cứ cố chấp theo cách nghĩ cũ. Sự chuyển đổi đầy dũng cảm của Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia thành Đảng Nhân dân Campuchia để có được một sức sống kỳ diệu như hiện nay là một ví dụ sinh động.


Bauxite Việt Nam
09:30 ngày Thứ Hai, 21/09/2009
http://bauxitevietnam.info/c/9833.html

-----------------------------------------------

Về tác giả bài viết “Đổi mới Đảng để tránh sụp đổ!” (Hoàng Hưng)

Đổi mới Đảng để tránh nguy cơ sụp đổ! Góp ý với Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam (Thiện Ý)


No comments: