Monday, May 25, 2009

TRIỆU TỬ DƯƠNG : CON TẰM HOÁ BƯỚM

triệu tử dương: con tằm hóa bướm
Đinh Từ Bích Thúy
25.05.2009
http://damau.org/archives/6285


Triệu Tử Dương tham khảo với Đặng Tiểu Bình trong một buổi họp ngày 21 tháng 10 năm 1987, vào dịp Đại Hội Đảng thứ 13 (ảnh Getty).
http://damau.org/wp-content/uploads/bientap/triutdngcontmnhtcholchs_BDD/Zhaoanddeng_thumb.jpg

Vào mùa thu năm 2006, trước khi quyển Triệu Tử Dương nhuyễn cấm trung đích đàm thoại (Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng) của Tôn Phượng Minh được xuất bản, các bạn của ông, như Lý Nhuệ và Bào Đồng, quan tâm về chuyện chính quyền Bắc Kinh đang ra lệnh cấm và kiểm duyệt các sách báo chống nhà nước, đồng thời vì ông Tôn lúc đó bị bệnh tim sắp phải đi mổ, khuyên ông nên hoãn lại chuyện xuất bản quyển sách này trong một thời gian. Ông Tôn không chịu. Sinh sau Triệu Tử Dương 3 tháng và là bạn thân của ông Triệu cùng xuất thân ở Hà Nam và cùng tham gia trong cuộc kháng chiến Nhật trong Đệ Nhị Thế Chiến, lúc đó ông Tôn đã 86 tuổi. Ông không sợ ai làm gì ông nữa. Quyển sách—thành quả của những cuộc mật thoại giữa ông với Triệu Tử Dương trong những lúc hai người tập khí công trước sân nhà ông Triệu (để tránh chuyện điệp viên nhà nước nghe lén), đuợc ông Tôn nhớ thuộc lòng và viết xuống giấy sau khi ông về nhà. Quyển sách trở thành một bản tuyên ngôn độc lập của Tôn Phượng Minh, và cũng là cách ông muốn ghi khắc vai trò lịch sử của người bạn cùng quê quán vì lúc đó ông không hề biết rằng ông Triệu cũng đã bí mật thu băng hồi ký của mình trước khi qua đời vào tháng Giêng năm 2005. Lúc đó, để đáp lại sự quan tâm của các bạn ông về an ninh và sức khỏe cá nhân ông, Tôn Phượng Minh gửi cho mọi nguời một bài thơ:

Nhả Phắt Nó Ra
(về sự quan tâm của các bạn đã dành cho tôi)
Tôi là con tằm nhả tơ. Tôi chỉ phun, nhả,
đón mừng sự thật, thúc đẩy quá trình của công lý
và hy vọng mình nhả những sợi tơ tinh khiết.
Tôi cũng là một con bướm đêm vừa được giải thoát
ra khỏi cái kén, hồn gần với Phật,
thư thái, trinh nguyên, vững vàng.
[1]
(Ông Tôn đi mổ tim vào tháng 3 năm 2007 và hiện đã bình phục. Năm nay ông 89 tuổi và vẫn tập luyện khí công hàng ngày.)

Điều thú vị là bài thơ “Nhả Phắt Nó Ra” của Tôn Phượng Minh cũng có thể áp dụng cho Triệu Tử Dương, người đã công khai tuyên bố vào năm 1989, “Tôi từ chối [vai trò] Tổng Bí Thư huy động quân đội đàn áp các sinh viên.” Vào ngày 19 tháng 5, 2009, hai năm sau khi Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng của ông Tôn xuất hiện ở Hồng Kông (nxb Kai Fang (Khai Phóng), quyển hồi ký Người Tù của Nhà Nước (Prisoner of the State) của Triệu Tử Dương được nhà xuất bản Hoa Kỳ Simon & Schuster phổ biến để tưởng niệm 20 năm biến cố Thiên An Môn.

Người Tù của Nhà Nước
http://damau.org/wp-content/uploads/bientap/triutdngcontmnhtcholchs_BDD/prisonerofthestatecover_thumb.gif

Người Tù của Nhà Nước được dựa trên 30 băng cassettes mà ông Triệu đã thu tại gia vào năm 1999-2000. Những người trong gia đình của ông nói họ hoàn toàn không được biết về chuyện này. Mỗi cuốn băng dài độ 60 phút, là những cuộn băng cassettes rẻ tiền, lúc trước đã thu những tuồng hát bội Bắc Kinh hoặc những bài hát nhi đồng của các cháu ông. Triệu Tử Dương sắp xết thứ tự thời gian những cuộn tape này bằng cách dùng bút chì đánh dấu. Ông không viết xuống tựa đề hay bất cứ một ghi chú nào khác. Một vài băng cassettes ở đoạn đầu, lúc ông thảo luận việc ông bị Đảng kết tội là đâm sau lưng Hồ Diệu Bang (khi họ Hồ bị truất phế vào năm 1987), có vẻ như được thu với dự hiện diện của một vài người bạn trong phòng vì người ta có thể nghe đuợc dư âm của những giọng nói khác ngoài giọng của ông Triệu, nhưng đã được ông Triệu cắt xóa để bảo vệ lý lịch và chuyện an ninh cho những người này và gia đình của họ.[2]
Vào khoảng năm 2002, khi Triệu Tử Dương đã hoàn thành công trình thu băng 30 cuộn tape, ông đã kiếm cách truyền cho các thân hữu của ông. Mỗi người chỉ giữ một vài cuộn băng, để tránh trường hợp băng bị mất hay thất lạc. Sau đó, người ta cũng đã kiếm thấy toàn bộ những cuộn băng—có lẽ đây là bộ chính–để lẫn lộn trong đám đồ chơi của các cháu ông trong nhà.[3]
Người Tù của Nhà Nước phản ảnh gần hết những điều ông Triệu đã thu lại trên băng. Nội dung của quyển sách cũng không khác những gì ông Triệu đã thổ lộ và được ông Tôn Phượng Minh ghi lại trước đây trong quyển Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng, hay đã được đề cập trong quyển Tài Liệu Thiên An Môn (Tiananmen Papers—bộ sưu tập những tài liệu mật của chính quyền Công sản về Thiên An Môn—lấy từ computer disks của một nguồn nặc danh và xuất bản ngoài luồng kiểm duyệt năm 2001.) [4] Nhưng điểm đặc biệt nhất về Người Tù của Nhà Nước là giọng tường thuật thân mật, thẳng thắn—đã được chứng minh—là của ông Triệu Tử Dương.


Triệu Tử Dương và Bào Đồng vào thập niên 1980. Bào Đồng giữ chức Giám Đốc Văn Phòng Cải Cách Chính Trị của Ủy Ban Trung Ương Đảng và cũng là Bí thư Kế hoạch dưới quyền ông Triệu. Ông giúp Triệu Tử Dương trong việc dùng băng cassettes thu âm hồi ký trong thời điểm 1999-2000. Nhờ Bào Đồng, những cuộn băng này được mang ra khỏi Trung Hoa và xuất bản ở Hoa Kỳ. Hiện ông Bào Đồng cũng bị quản thúc tại gia.
http://damau.org/wp-content/uploads/bientap/triutdngcontmnhtcholchs_BDD/ZhaoZiyangandBaoTong_thumb.jpg

Tuy ông Triệu không để lại những chi tiết hướng dẫn về cách các tài liệu thu âm của ông nên được xuất bản hay xử dụng ra sao, hoặc lúc nào chúng nên được xuất bản, ông rõ ràng mong muốn câu chuyện của ông được người đời biết đến. Đây là lời của ông ở đoạn mở đầu Phần I, bao gồm những dữ kiện đưa đến vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989:
Tôi viết xuống những chi tiết về các biến chuyển chung quanh vụ 4 tháng 6 vì tôi lo rằng tôi sẽ quên đi nhiều sự kiện tỉ mỉ. Tôi hy vọng [những điều tôi ghi xuống] sẽ được dùng như một tài liệu lịch sử về sau.
Trong bản in tiếng Anh được chuyển dịch từ những băng thu âm, Người Tù của Nhà Nước không theo sát thứ tự kể chuyện trong băng của ông Triệu, vì có nhiều đoạn đã được sắp xếp lại, hay biên tập để làm cho rõ nghĩa hơn. Ban biên tập và dịch thuật của quyển sách (bao gồm Bao Pu, con trai ông Bào Đồng (người trước đây làm phụ tá dưới quyền Triệu Tử Dương), vợ ông Bao Pu–dịch giả Renée Chiang– cùng với chủ biên Adi Ignatius), đã mở đầu quyển sách với những cuộc biểu tình của sinh viên và sự đàn áp của chính quyền ở Thiên An Môn, đến những năm ông Triệu bị quản thúc tại gia, rồi mới đi ngược thời gian dàn lại bối cảnh kinh tế và chính trị ở Trung Hoa vào những năm 1987, 1988 và 1989, cùng những quan niệm về vấn đề cải cách của Đặng Tiểu Bình, Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương. Trong quá trình biên tập cũng có những đoạn đã được ban biên tập quyển sách cắt xén vì đã được ông Triệu lập lại nhiều lần. Ngoài ra, ban biên tập sách cũng mở đầu từng chương với lời giới thiệu và tóm tắt (in chữ nghiêng); cùng thêm vào những chú thích và những đoạn trong ngoặc đứng để giúp các đôc giả không biết rõ về những sự kiện chung quanh biến cố Thiên An Môn được hiểu thêm về bối cảnh lịch sử lúc đó.
[5]
Cấu trúc chính trị của Đảng Công sản Trung Hoa, qua lời tường thuật của Triệu Tử Dương, là một cấu trúc nhiều mâu thuẫn và hỗn loạn. Đặng Tiểu Bình được phác họa vừa như một “bố già” nham hiểm, vừa như một con người thiếu tự tin và dễ bị lung lạc bởi các phe tranh thủ quyền lợi. Ông Triệu đề cập chuyện Đặng Tiểu Bình bị phật lòng vì lời tuyên bố của ông Triệu với Mikhail Gorbachev (trong cuộc viếng thăm Trung Quốc tháng 5 năm 1989). Theo ông Triệu, ý của ông, khi nói với Gorbachev rằng, “Về tất cả mọi vấn đề quan trọng, [người trong Đảng] chúng tôi vẫn cần đến sự quyết định của Đặng Tiểu Bình,” là muốn nhấn mạnh với thế giới bên ngoài là vẫn có sự đoàn kết trong nội bộ, và Đặng Tiểu Bình—người đế xướng nền kinh tế thị trường trong khuôn khổ xã hội chủ nghĩa—vẫn là một vị lãnh tụ, tuy không giữ chức vị chính thức, luôn luôn được người trong Đảng nể trọng. Nhưng lời nói của Triệu Tử Dương với Gorbachev đã bị hiểu lầm, và được dùng như bằng chứng kết tội ông về việc “trốn tránh trách nhiệm” là Tổng Bí Thư Đảng qua cách “đổ tội” cho Đặng Tiểu Bình. Ông Triệu, quá quen thuộc với những mánh lới giật dây trong bóng tối, đã chua chát nhận xét, “Cho đến lúc này, tôi vẫn chưa biết ai là người đã bôi xấu, hoặc đã dùng những thủ đoạn nào, để ông Đặng hiểu sai ý tôi.”[6]

Quảng trường Thiên An Môn (qua lăng chụp 180 độ) nhìn từ cửa Thiên An Môn hướng về phía Nam.
http://damau.org/wp-content/uploads/bientap/triutdngcontmnhtcholchs_BDD/2004tiananmensquarefromtiananmengate_thumb.jpg

Trong lúc nội bộ Đảng có những rạn nứt, thì những lãnh tụ Đảng cũng có vẻ xa cách với đời sống của thường dân. Nếu người trong Đảng càng tinh tế trong cách dự đoán ý đồ của kẻ thù, thì họ lại càng có vẻ lơ mơ về những tin tức liên hệ đến dư luận thông tin bên ngoài. Ông Triệu, tuy tinh tường về mặt thông tin hơn các lãnh tụ khác trong Đảng, đã tưởng rằng “những bà già và trẻ con ngủ la liệt trên những đường phố” Bắc Kinh để ngăn chặn sự tiến hành của đám lính theo lệnh thiết quân luật. Người dân Bắc Kinh quả thực đã dùng nhiều sáng kiến chắn đường, nhưng không có bà già nào đã phải ngủ trên các đường phố. Tương tự, Triệu Tử Dương than vãn chuyện nhà vật lý thiên văn học Phuơng Lệ Chi đã gia tăng sự căng thẳng của bầu không khí chính trị vì ông Phương, “lúc đó tuy ở ngoại quốc, đã đích danh miệt thị cá nhân Đặng Tiểu Bình.” Nhưng thật ra lúc đó ông Phương Lệ Chi không ở ngoài nuớc; ông đang cư ngụ ờ vùng ngoại ô Bắc Kinh và đã quyết tâm duy trì sự im lặng.

Bức hình nổi tiếng Tank Man (Người chống xe tăng) được phóng viên nhiếp ảnh Jeff Widener của Associated Press chụp ngày 5 tháng 6 năm 1989 từ tầng thứ 6 của khách sạn Bắc Kinh. Hình chụp người đàn ông đứng chắn một đoàn xe tăng của quân đội đang hướng về phía Đông gần quảng trường Thiên An Môn trên đại lộ Trường An.
http://damau.org/wp-content/uploads/bientap/triutdngcontmnhtcholchs_BDD/Tiananmensquarefacedownbyjedwidener_thumb.jpg

Độc giả của quyển Người Tù của Nhà Nước không rõ nếu ông Triệu có thực sự nghĩ rằng những cuộc biểu tình thật ra bắt nguồn từ những ảnh hưởng Tây Phương và nạn lạm phát của năm 1988 chứ không phải do chuyện người dân đã nhờm tởm nạn tham nhũng, những đặc quyền và sự mất tác dụng của các quy chế xã hội chủ nghĩa mà Đảng Cộng Sản Trung Hoa đã áp đặt lên đất nước.
[7] Theo lời giáo sư Perrry Link, hiệu trưởng ngành Giáo Huấn Liên Khoa ở đại học California (Riverside), sự nhận xét của ông Triệu trong Phần I, Chuơng 4 của Người Tù của Nhà Nước, nếu không phải là một cách bênh vực cho nhóm sinh viên, thì sẽ bị coi là một nhận xét có phần đơn giản hóa vấn đề:
Người ta bảo rằng diễn biến [Thiên An Môn] mang mục đích lật đổ chính quyền Trung Quốc và Đảng Công sản. Nhưng bằng chứng là ở đâu? Tôi đã nói lúc đó rằng phần đông nhân dân chỉ [biểu tình] yêu cầu chúng ta sửa đổi những lỗi lầm, chứ không phải họ chủ ý muốn lật đổ cơ cấu chính trị của chúng ta. Sau bao nhiêu năm, bằng chứng nào đã được thu thập qua những lần tra hỏi? ….Nhiều những nhà tranh đấu cho dân chủ hiện sống ở nước ngoài nói rằng trước thảm kịch mùng 4 tháng 6, người ta vẫn tin tuởng rằng Đảng Cộng Sản vẫn có cơ hội sửa đổi để trở nên tốt đẹp hơn, nhưng sau ngày mùng 4 tháng 6 thì họ thấy rằng Đảng Cộng Sản đã trở thành vô phương cứu chữa, và chỉ sau thời điểm [mùng 4 tháng 6] họ mới thực sự chống lại Đảng. Trong thời gian biểu tình [trước ngày mùng 4 tháng 6], nhóm sinh viên đề xướng nhiều khẩu hiệu và yêu sách, nhưng họ cố tình không nêu lên tệ trạng lạm phát, mặc dù tệ trạng này là chuyện có thể khai thác hữu hiệu và làm bùng nổ toàn diện cơ cấu xã hội hồi đó. Nếu đám sinh viên đã thật sự muốn chống lại Đảng Cộng sản lúc đó, tại sao họ đã không khai thác đề tài nhạy cảm này? Nếu họ đã có mục đích muốn huy động đám đông làm loạn, thì có lẽ họ đã đề cập chuyện lạm phát? Nhìn lại, tôi thấy rõ ràng là nhóm sinh viên không muốn nêu lên vấn đề lạm phát vì họ biết chuyện này liên quan đến chính sách cải cách, và nếu dùng đề tài lạm phát để cố tình khuyến khích chuyện nổi loạn, thì họ đã biết rằng điều này không nên, vì nó sẽ làm thiệt hại quá trình cải cách.
[8]
Vào mùa Xuân năm 1989, như chính ông Triệu thuật lại ở phần trên, ông đã cố thuyết phục các lãnh tụ trong đảng tham dự vào những cuộc đối thoại cởi mở với nhóm sinh viên. Ông luôn luôn tuyên bố rằng, “nhóm sinh viên không bao giờ chống lại những cơ cấu căn bản của chủ nghĩa Cộng Sản,” mà chỉ “mong muốn rằng chúng ta sửa đổi những khiếm khuyết.” Tuy nhóm sinh viên không tuyên bố thẳng thừng chuyện chống chính quyền –vì như vậy là một hành động hết sức nguy hiểm—nhưng nếu nói họ chỉ chú trọng “vào những khiếm khuyết” của Đảng thì e rằng đó là một cách nói cho nhẹ đi.[9] Khi có những điều mà nhóm sinh viên không thể nói thẳng, họ đã “lách” ý qua cách hát vang bài quốc ca Trung Cộng (sáng tác năm 1935, trước đây được biết đến với tên gọi “Cuộc hành quân của những người tình nguyện,” bài quốc ca gợi lại thời kỳ nhân dân Trung Quốc đoàn kết để kháng chiến quân Nhật): “Hãy đứng lên, hỡi đám người không muốn thành nô lệ …. Nỗi nguy cơ của nước non đang cận kề.” Táo bạo hơn là cách hát châm biếm những lời từ bài ca của thập niên 1950, “Không có Đảng thì không có một Trung Quốc Mới”—khi người hát cố tình lấp lửng ý sau câu “Trung Quốc Mới.”

Dương Thiệu Minh, con trai của Dương Thượng Côn và là một người bạn của gia đình ông Triệu, đã chụp tấm hình này trong một buổi họp ở nhà Đặng Tiểu Bình vào mùa hè năm 1989, sau khi quân đội đã dùng sức mạnh trấn áp nhóm sinh viên biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn. Đây là hình ảnh duy nhất ghi lại bối cảnh nơi Đặng Tiểu Bình đã ra quyết định đàn áp sinh viên.
http://damau.org/wp-content/uploads/bientap/triutdngcontmnhtcholchs_BDD/Denglivingroom_thumb.jpg

Cho dù Triệu Tử Dương đã cố ý hay vô tình làm nhẹ đi “ý đồ lật đổ chính quyền” của nhóm sinh viên trước thảm kịch Thiên An Môn, rõ ràng nước Trung Hoa mà ông phác họa trong Người Tù của Nhà Nước không phải là một triều đại xa xôi, mà là một Trung Hoa của ngày hôm nay—một quốc gia đã chấp nhận nền kinh tế thị trường nhưng vẫn tiếp tục đàn áp và bắt bớ bất cứ mọi ai lên tiếng cổ võ chuyện cải cách đường lối chính trị. Trái với điều mọi người vẫn nghĩ là chuyện ra lệnh cho quân đội đàn áp nhóm sinh viên trong mùa Xuân 1989 đã có phiếu bầu của Ủy Ban Thường vụ trong Bộ Chính trị, ông Triệu khẳng định rằng không có một phiếu bầu nào hết.
[10] Đối với ông Triệu, đó là một điều hết sức quan trọng. Phiếu bầu, nếu đã có, mới có thể chứng minh chuyện Đảng—như một tập thể– chịu trách nhiệm cho quyết định đàn áp sinh viên. Không có phiếu bầu thì vẫn phải có người làm “vật tế thần” chịu tội. Triệu Tử Dương đã chống lại chính sách mà ông cho là vô trách nhiệm này khi tuyên bố, “Tôi từ chối [vai trò] Tổng Bí Thư huy động quân đội đàn áp các sinh viên.”
Tương tự, trong lúc bị quản thúc tại gia, ông vẫn chống đối lại những cách Đảng Cộng sản đã hạn chế tự do của ông qua những lệnh “vô căn cứ” không bao giờ được viết xuống giấy tờ, như cấm ông không được ra khỏi nhà để đi chơi golf bằng cách ra lệnh cho tài xế, dù đã đến đợi ngoài cổng, không được mở máy xe đưa ông đi (ông dọa sẽ đi xe buýt công cộng), hoặc chỉ cho phép ông xuất hiện ở nơi nào “không đông người” nhưng cũng không được “quá ít người.” Nếu sự phản kháng của ông trong thời gian bị quản thúc mang tính chất bi hài kịch, dù sao đối với ông nó biểu tượng cho một niềm tin vào những nguyên tắc và luật lệ vượt lên trên những sự nhỏ mọn của nhóm người đã áp chế ông.
[11]
Mặc dù phần lớn những diễn viên chính trong câu chuyện của ông Triệu đã rời bỏ sân khấu, cơ cấu chính trị của Đảng Công sản Trung Quốc và những lề thói của nó vẫn không thay đổi. Cuối năm 2008, những nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền ở Trung Hoa, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Tuyên Ngôn Hoàn Vũ Nhân Quyền, đã cùng ký vào Hiến chương 08, kêu gọi Đảng cải cách đường lối chính trị, khuyến khích quyền tự do phát biểu và sự thành lập một Bộ Tư Pháp độc lập. Bắc kinh phản ứng về chuyện này như bao nhiêu lần trong quá khứ: tra hỏi những người có chữ ký trong bản Hiến chương và bắt bớ những người khác, trong số đó có nhà văn đối lập Lưu Hiểu Ba.[12]

Xxx

Người Tù của Nhà Nước không phải là một hồi ký ghi lại toàn diện cuộc đời của Triệu Tử Dương. Nó không chú trọng vào sự nghiệp lâu dài và nhiều thành quả của ông, mà chỉ nói về ba năm (1987, 1988, 1989) nhiều xáo trộn trước khi ông Triệu bị trục xuất ra khỏi guồng máy cầm quyền của Đảng Cộng sản. Thiết tưởng khi nhớ đến ông, chúng ta cũng nên nói sơ qua về sự nghiệp đặc sắc và nhiều thăng trầm của ông.

Triệu Tử Dương vào năm 1948, trước thời kỳ Đảng Cộng sản Trung Hoa thắng cuộc nội chiến. Lúc đó ông đã là một viên chức huyện với nhiều thành tích trong việc cải cách ruộng đất. Ít lâu sau ông được cử đến Quảng Đông và trở thành Tổng bí thư ở vùng tỉnh lỵ miền duyên hải.
http://damau.org/wp-content/uploads/bientap/triutdngcontmnhtcholchs_BDD/ZYZasateenager_thumb.jpg

Triệu Tử Dương, tên khai sinh là Triệu Tu Nghiệp, đổi thành Tử Dương khi ông còn học trung học Đệ Nhất cấp. Sinh ngày 17 tháng 10 năm 1919, ông là con trai một địa chủ giàu có tại Hoạt huyện, tỉnh Hà Nam, Trung phần Trung Hoa, ông gia nhập Liên đoàn Thanh niên Cộng sản năm 1932 và hoạt động ngầm với tư cách một thành viên Đảng Cộng sản trong Chiến Tranh Trung-Nhật (1937-1945) và cuộc Nội chiến Trung Quốc sau đó. Cha ông đã bị các thành viên của đảng giết hại vào cuối thập niên 1940. Ông trở thành một nhân vật nổi bật của Đảng ở Quảng Đông từ năm 1951 với nhiều biện pháp cải cách nông nghiệp thành công. Năm 1962, Triệu Tử Dương bắt đầu giải tán hệ thống hợp tác xã nhằm khuyến khích sự tư hữu ruộng đất trong khi vẫn quy định các hợp đồng sản xuất cho từng hộ gia đình. Ông cũng chỉ đạo một cuộc thanh trừng cứng rắn các cán bộ bị buộc tội tham nhũng hay có quan hệ với Quốc Dân Đảng. Vào năm 1965, trong lúc mới 46 tuổi, Triệu Tử Dương đã là bí thư Đảng tỉnh Quảng Đông, dù chưa là thành viên của Ủy ban Trung Ương Đảng. Hai năm sau, vì là người ủng hộ những biện pháp cải cách của Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, ông bị cách chức bí thư đảng Quảng Đông trong cuộc Cách mạng Văn hoá, bị giải đi trên các đường phố Quảng Châu với chiếc mũ giấy trên đầu và bị gọi là “một tàn tích thối tha của tầng lớp địa chủ.”
[13] Ông phải sống bốn năm làm thợ ráp máy tại một xưởng máy ở Hà Nam. Trong thời gian này, gia đình ông (với vợ ông, bốn người con trai và một người con gái) sống chen chúc trong một căn hộ nhỏ gần xưởng máy, với vỏn vẹn một chiếc va-li để ở giữa phòng khách làm bàn ăn.[14]
Việc Triệu Tử Dương được trở lại với sinh hoạt chính trị sau bốn năm bị đày ải chứng tỏ rằng các lãnh tụ Bắc Kinh vẫn nhớ đến những thành quả nông nghiệp của ông trước thời điểm cuộc Cách Mạng Văn hóa. Theo lời kể lại của ông Triệu với các bạn bè, vào tháng 4 năm 1971, gia đình ông bị đánh thức dậy nửa đêm bởi một tiếng đập cửa thật lớn. Ông được lệnh phải đi ngay đến phi trường Trường Sa rồi từ đó đáp máy bay đến Bắc Kinh gặp các lãnh tụ Đảng. Đến nơi, trước khi gặp Chu Ân Lai để nhậm chức Phó Thủ Trưởng Đảng vùng Nội Mông, ông được ngủ qua đêm ở khách sạn Bắc Kinh. Ông nói rằng ông đã thức suốt đêm vì sau hơn bốn năm sống cực khổ, ông không còn quen với nệm giường quá dầy và êm.[15]
Ít lâu sau ông Triệu mới biết rằng người có trách nhiệm khôi phục sự nghiệp của ông chính là Mao Trạch Đông. Một ngày bỗng chợt Mao Trạch Đông hỏi người cận vệ, “Chuyện gì đã xảy ra cho Triệu Tử Dương?” Khi được cho biết rằng ông Triệu đã bị thanh trừng và đầy ải đến một vùng quê làm dân lao động, Mao tỏ vẻ buồn bực vì những hậu quả cực đoan chính cuộc Cách mạng Văn hóa của ông đã gây ra, “Thanh trừng hết mọi người sao? Tôi đâu có muốn điều đó ….” Cũng nhờ lời nói của Mao, Triệu Tự Dương được trở lại diễn đàn chính trị.[16]
Vào những năm sau đó, Triệu Tử Dương giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Quảng Đông và Tứ Xuyên rồi được cử vào Ủy Ban Trung Ương Đảng. Ông cũng được phong làm đệ nhất bí thư Đảng vùng Tứ Xuyên—một tỉnh lớn nhất Trung Quốc–vào năm 1975. Về mặt kinh tế, Tứ Xuyên đã bị tàn phá sau chiến dịch Đại Nhẩy Vọt và Cách mạng Văn hóa nối tiếp. Triệu Tử Dương đề xướng những cải cách nông nghiệp cho Tứ Xuyên với nhiều thành công, dẫn tới tăng trưởng sản xuất công nghiệp tới 81% và sản lượng nông nghiệp 25% trong vòng ba năm. Đặng Tiểu Bình coi “Kinh nghiệm Tứ Xuyên” là mô hình cho công trình cải cách kinh tế Trung Quốc. Người địa phương vì thế thường tán tụng Triệu Tử Dương với câu yếu ngật lương, trảo Tử Dương (yao chi liang, zhao Ziyang). Cách chơi chữ theo tên ông, dịch thoát có nghĩa là “nếu bạn muốn kiếm sống, hãy theo Tử Dương.”
Triệu Tử Dương được Đảng Cộng sản cử đi thăm viếng Âu Châu vào năm 1979. Trong chuyến đi này (mà ông Triệu thuật lại trong Người Tù của Nhà Nước), ông có dịp quan sát các nông trại ở Anh và Pháp được trồng trọt và sản xuất theo những yếu tố thích hợp với thiên nhiên và địa lý. Những vùng đất khô của Pháp trồng nho và những loại cây thích hợp với khí hậu khô. Vùng đất duyên hải nhiều mưa ở phía Tây nuớc Anh chỉ có thể nuôi bò sữa vì có nhiều cỏ tốt, nhưng không thể trồng lúa vì quá ít nắng so với miền duyên hải ở phía Đông nước Anh, nơi trồng nhiều lúa mì. Ông Triệu nhận xét rằng người nông dân của các nước Tây Phương không theo đường lối “cổ” của Trung Hoa là “thay đổi chiều hướng của đất trời” bằng cách ép môi trường thiên nhiên phải theo kế hoạch nông nghiệp của nhà nuớc mà trái lại, đã đi theo luật thiên nhiên để phát triển kinh tế.
[17] Sự nhận xét thực tiễn của Triệu Tử Dương về “luật thiên nhiên” của người nông dân Âu Châu sau này cũng được ông áp dụng vào những suy nghĩ chính trị.

Triệu Tử Dương vào đầu tháng 9 năm 1980, sau khi được chính thức phong chức Thủ Tướng. (Ảnh Keystone/Getty)
http://damau.org/wp-content/uploads/bientap/triutdngcontmnhtcholchs_BDD/ZhaoYizangtheyear1980_thumb.jpg

Triệu Tử Dương được bầu làm thành viên chính thức của Bộ Chính Trị năm 1979 và Phó Thủ tướng Trung Hoa đầu năm 1980. Nhờ thế lực của Đặng Tiểu Bình, ông được thăng chức Thủ Tướng vào tháng 9 năm 1980 thay thế Hoa Quốc Phong, người đã bị họ Đặng loại trừ vì không chịu từ bỏ chính sách cũ của Mao. Trong thập niên 1980, Triệu Tử Dương đắc lực áp dụng “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” của Đặng Tiểu Bình—đây là khuynh hướng cổ võ chuyện thử nghiệm những mô hình xã hội và kinh tế đương đại tuy vẫn duy trì khuôn khổ Mác-xít, cũng được gọi là “chủ nghĩa [Mác-xít] xét lại.”

Triệu Tử Dương song bước với Tổng Thống Reagan vào ngày 10 tháng Giêng năm 1984, vào dịp ông thăm viếng tòa Bạch Ốc.
http://damau.org/wp-content/uploads/bientap/triutdngcontmnhtcholchs_BDD/ZhaoZiyangandReagan_thumb.jpg

Vào tháng Giêng năm 1987, Đặng Tiểu Bình buộc nhà lãnh đạo phe cải cách Hồ Diệu Bang từ chức Tổng Bí thư Đảng. Triệu Tử Dương được lên thay thế họ Hồ, và ghế Thủ tướng về tay Lý Bằng. Trong khi Tổng bí thư Triệu Tử Dương nới lỏng sự kiểm soát của chính quyền trong lĩnh vực công nghiệp và tạo lập các vùng tự do kinh doanh ở các tỉnh ven biển, Thủ tướng Lý Bằng, một lãnh tụ bảo thủ, muốn áp dụng kế
hoạch hóa trung ương và quản lý từ bên trên.
Trong Đại hội Đảng năm 1987, Triệu Tử Dương tuyên bố Trung Quốc đang ở trong “một giai đoạn sơ khai của chủ nghĩa xã hội” có thể kéo dài đến 100 năm. Theo khuynh hướng này, ông tuyên bố rằng Trung Quốc cần thử nghiệm nhiều hệ thống kinh tế nhằm kích thích nỗ lực sản xuất. Triệu Tử Dương cũng đề nghị nên tách biệt vai trò của đảng và nhà nước, một đề nghị mà về sau trở nên chuyện cấm kỵ. Có thể nói, hai năm làm Tổng bí thư của Triệu Tử Dương là thời gian mở cửa nhất trong lịch sử Trung Quốc hiện đại—nhiều hạn chế về tự do ngôn luận và tự do báo chí đã được nới lỏng, cho phép giới trí thức đề xướng các giải pháp cải thiện cho đất nước.
Vào tháng 5 năm 1988, kế hoạch của Triệu Tử Dương chuyển thị trường với giá cố định thành thị trường với những giá di chuyển trở nên một đề tài sôi nổi. Nhóm bảo thủ phàn nàn rằng thử nghiệm kinh tế của ông Triệu đã gây ra nạn lạm phát siêu tốc trên toàn quốc và họ đòi hỏi chuyện trung ương hóa các biện pháp quản lý kinh tế và thông tin để ngăn chặn những ảnh hưởng tư bản từ phương Tây. Cuộc tranh luận chính trị kéo dài từ mùa đông năm 1988 tới mùa xuân 1989. Vắng bóng Hồ Diệu Bang—“người đã đứng mũi chịu sào” về những cải cách chính trị trong khi Triệu Tử Dương lo chuyện kinh tế–thế lực của Triệu Tử Dương bị thử thách trầm trọng trong thời điểm này.

Xxx

Để hiểu rõ những biến loạn trong lịch sử hiện đại, nhóm trí thức Trung Hoa thường chơi trò suy đoán những phản dữ kiện. Hậu quả sẽ như thế nào nếu một biến cố lịch sử đã xảy ra cách khác? Bao thập niên qua người Trung Hoa đã chơi trò chơi “nếu Lỗ Tấn đã sống.” Nếu nhà văn Lỗ Tấn—người mà Mao Trạch Đông đã tôn dương là “nhà văn can đảm và chính trực nhất của Trung Hoa” không bị chết vì bệnh ho lao năm 1936 mà hưởng thọ qua năm 1949, thì chuyện gì sẽ xảy ra, liệu ông có thể sống còn dưới chế độ Mao? Người ta kết luận Lỗ Tấn chỉ có thể sống sót thêm 8 năm sau năm 1949, vì cuộc “Vận động chống cánh hữu” năm 1957 sẽ làm ông khốn đốn. Ngay cả Mao Trạch Đông cũng đã tham dự vào trò chơi phản dữ kiện. Vào tháng 7 năm 1957, trong một buổi nói chuyện với nhóm văn bút Thượng Hải, Mao đã nói như phớt tỉnh, “Lỗ Tấn ấy à? Hắn mà còn sống lúc này thì chỉ có viết văn trong tù hay câm như hến thôi.” Dĩ nhiên, sau lưng Mao, nguời ta cũng chơi trò “nếu Mao đã không sinh ra.” Tuy nhiên, không ai biết vận mệnh của Trung Hoa sẽ như thế nào trong hậu bán thế kỷ 20 nếu bố Mao Trạch Đông, ông Mao Di Xương, và mẹ, bà Văn Thất Muội—một người đàn bà mù chữ và thích tu Phật—đã không chung sống với nhau vào mùa xuân năm 1893—lúc Mao được thụ thai.
[18]
Vào tháng 8 năm 1991, khi Boris Yeltsin leo lên xe tăng ở Moscow chống lại nhóm Cộng sản cứng rắn muốn lật đổ Gorbachev và kéo được sự ủng hộ của toàn dân về phía ông để chống phe đảo chánh, có nhiều nhóm trí thức Trung Hoa cũng chất vấn tại sao Triệu Tử Dương đã không làm được như Yeltsin vào mùa xuân 1989. Hơn một triệu người đã ở trong quảng trường Thiên An Môn vào ngày 17 tháng 5 của 20 năm trước, và hầu hết mọi nguời đều cùng quan điểm như ông Triệu. Một phóng viên tờ New York Times đã nghe một viên quân cảnh reo hò, “Cao trào sinh viên thật tuyệt vời. Nếu chính quyền đàn áp sinh viên, tôi có theo lệnh trên không? Không, tôi sẽ chống cật lực.” Hàng ngàn đám đông biểu tình, ở cùng khắp các thành đô của những tỉnh lớn Trung Hoa đều biểu lộ tinh thần phản kháng này.[19]
Nhưng có lẽ sự thực cũng không thể nào khác. Triệu Tử Dương có tính khí ôn hòa, cẩn trọng, khó có thể so sánh ông với Yeltsin. Cũng không thể nào tin rằng quân đội Trung Hoa, dưới sự lãnh đạo của Dương Thượng Côn –người chịu nhiều ân huệ chính trị của Đặng Tiểu Bình—lại có thể theo Triệu Tử Dương chống lại lệnh Đảng. Tuy vậy, không hiểu chúng ta có cứu vớt được điều gì giả thử nhóm sinh viên biểu tình đã nghe lời nhà báo Đái Tình và nhóm đại biểu ủng hộ cao trào dân chủ của bà vào ngày 14 tháng 5 kêu gọi họ tuyên bố chiến thắng (dù chỉ được một phần) và giải tán ngay sau đó? Nếu nhóm sinh viên đã giải tán cuộc biểu tình và quay về nhà, liệu cuộc khủng hoảng chính trị có êm dịu xuống, và Triệu Tử Dương sẽ không bị truất phế? Hay là, cho dù đám sinh viên vẫn khăng khăng hiện diện ở quảng trường Thiên An Môn, liệu ông Triệu có thể thuơng lượng với Đặng Tiểu Bình để duy trì thế lực chính trị của mình? Liệu ông có chuyển được chiều lăn của bánh xe lịch sử?
Câu hỏi trên phải được “bóc ra” từng lớp, như cách ta bóc một củ hành. Để phỏng đoán những thành quả sau này của ông Triệu nếu ông đã không bị loại ra khỏi guồng máy chính quyền, người ta cần theo dõi những tiến triển trong khuynh hướng chính trị của ông trong 16 năm bị quản thúc tại gia.
Trước năm 1987, khuynh hướng chính trị của ông Triệu không gây nhiều quan tâm. Tuy ông đề xướng những nỗ lực “tư bản” như chuyện khôi phục tư hữu nông nghiệp, thị trường tự do cho một vài sản phẩm nông nghiệp, và một phần tự quản cho các cơ sở kinh doanh kỹ nghệ, ông coi những cải tiến này được nằm trong khuôn khổ Mác-xít, và tuyên bố rằng “những giai đoạn đầu của Mác-xít” cần bao gồm yếu tố tư bản. Theo ông Triệu, lập luận của Marx khi đòi hỏi sự chấm dứt của mọi tầng lớp tư bản để bắt đầu xã hội chủ nghĩa đã không nhận ra điều thiết yếu của kinh doanh tư bản như một cách mở đường cho xã hội chủ nghĩa. Ông Triệu nghĩ rằng Stalin và Mao đã gây ra những lỗi lầm lớn khi tưởng rằng một thiên đường xã hội chủ nghĩa có thể nẩy nở trực tiếp từ một xã hội nông dân. Giai đoạn tư bản vì thế không thể bị bỏ qua. Do đó, ông Triệu suy luận, Trung Quốc cần phải đi ngược thời gian để “tạo nên tầng lớp [tư bản[ này.” Nhưng nó sẽ là “chế độ tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản” và chỉ là một giai đoạn nhất thời. Trong đầu thập niên 1980, Triệu Tử Dương không có vấn đề gì với công thức, “tư bản và chính quyền Độc Đảng.”
Tuy nhiên, trong khoảng từ 1987 cho đến năm 1989, ông Triệu bắt đầu thấy rằng công thức này đã nẩy sinh ra tệ trạng tham nhũng. Những cải cách kinh tế vẫn chưa đủ để chuyển hướng xã hội đến nền kinh tế thị trường tự do. Tuy những công ty và kỹ nghệ được dịp tranh đua trên thị trường, quyền lực vẫn được tập trung ở các cơ cấu chính quyền. Nhiều đặc tính từ thời kinh tế trung ương hóa vẫn chưa bị xóa bỏ trong thời kỳ cải cách. Nếu một vài công ty tham gia vào thị trường biết hối lộ hay nhận được những đặc ân từ các cục bộ nhà nước, những công ty này sẽ thu hoạch lợi lộc vượt xa các công ty cạnh tranh khác. Dần dà, Triệu Tử Dương hiểu rằng kế hoạch dân chủ hóa sẽ là giải pháp tốt nhất để chống tham nhũng vì đà tiến bộ của xã hội hiện đại không cho phép người dân trở về thời đại tranh đấu giai cấp “để hành quyết các phần tử xấu xa.” Trở về kế hoạch trung ương hóa cũng không còn hợp thời hay hợp lý trong lúc này, vì theo ông như vậy “cũng chẳng khác gì chuyện nhịn đói để khỏi bị nghẹn.”
[20] Thay vào đó, một vấn nạn xã hội như chuyện tham nhũng có thể được dùng như xúc tác để huy động người dân trong việc thiết lập những cơ sở dân chủ. Đây là một nhận xét khá sâu sắc của ông Triệu. Nhân dân Trung Hoa trong thời điểm này đã phẫn nộ trước những hành động tham nhũng của viên chức cầm quyền, và nếu những cơ sở dựa trên quy luật và trách nhiệm như một tờ báo tự do, một guồng máy chấp hành sáng suốt, và thủ tục luật pháp được giới thiệu như những dụng cụ để bài trừ tham nhũng, thì sẽ nhận được ngay sự ủng hộ của quần chúng.
Triệu Tử Dương sẽ tiến hóa như thế nào trong quan điểm của ông, nếu ông còn nắm quyền hành sau 1989? Nên nhớ rằng ông là một nhà lãnh đạo, tuy nhìn xa trông rộng, nhưng thực tiễn và thận trọng trong cách thi hành đường lối chính trị. Ông luôn luôn tin rằng, đối với Trung Quốc, những thay đổi phải đến từ từ, và đi từng giai đoạn. Ông dùng mô hình Hồng Kông để chứng minh rằng đó là một xã hội có nhân quyền mà không cần áp dụng nền dân chủ bỏ phiếu. Trung Hoa có thể bắt đầu tương tự: nới lỏng việc kiểm duyệt ngôn luận và báo chí, đồng thời khuyến khích những cơ cấu độc lập. Gia tăng quyền hành ở địa phương, giảm quyền ở trung ương. Đưa ra những giải pháp để độc lập hóa ngành tư pháp. Sau đó thúc đẩy đường lối dân chủ, với những quy luật rõ ràng, trong những sinh hoạt nội bộ của Đảng Cộng sản. Sau cùng mới là bước tiến đến dân chủ với những cuộc bầu cử toàn quốc. Triệu Tử Dương tin rằng quá trình chuyển qua thể chế dân chủ vẫn có thể xảy ra dưới một lãnh tụ độc tài vì ông đã nhìn thấy nó xảy ra tại Đài Loan. Ông Triệu rất ái mộ Tưởng Kinh Quốc (con trai của Tưởng Giới Thạch):
Tưởng Kinh Quốc là một người kỳ diệu: nguời ta cần học hỏi nhiều điều từ ông. Ông theo đà tiến triển của thế giới và tự mình thúc đẩy những cải cách dân chủ. Ông được huấn luyện theo chính sách độc đảng của Quốc Dân Đảng, và trong nhiều năm sống ở Nga theo truyền thống Cộng Sản của Liên-Xô. Chuyện ông biết từ bỏ những cách suy nghĩ cổ lỗ quả là điều đáng khâm phục.


Bị quản thúc tại gia vào mùa hè năm 1993, Triệu Tử Dương nghĩ ra cách chơi golf–môn thể thao mà ông rất thích–bằng cách đánh trái banh golf vào lưới căng ở góc sân trước nhà. Triệu Tử Dương bị các viên chức Cộng sản làm khó dễ khi ông tỏ ý muốn đến chơi golf ở những sân golf công cộng.
http://damau.org/wp-content/uploads/bientap/triutdngcontmnhtcholchs_BDD/zhaoziyangplaysgolf_thumb.jpg

Trong thời gian bị quản thúc tại gia trong thập niên 1990, Triệu Tử Dương đã có nhiều thì giờ để suy ngẫm. Không còn định nghĩa mọi sự việc qua lăng kính “giai đoạn lịch sử” Mác-xít, ông bắt đầu khai phá những yếu tố khác để đo lường đà tiến hóa của một xã hội, như tiêu chuẩn sinh sống, tuổi thọ trung bình, trình độ giáo dục, sự cách biệt giữa tầng lớp lao động chuyên môn và không chuyên môn, giữa nếp sống nông thôn và thành thị. Từ năm 1992, ông đã lo lắng nhiều về môi trường thiên nhiên của Trung Hoa—nếu sự phát triển kinh tế không được thi hành đúng nguyên tắc, môi truờng thiên nhiên sẽ bị tàn phá.
[21]

Triệu Tử Dương tại gia ngày 7 tháng 2 năm 1992. Mọi người trong nhà phải đợi cơm trong lúc ông Triệu đánh cờ tướng với vợ.
http://damau.org/wp-content/uploads/bientap/triutdngcontmnhtcholchs_BDD/ZhaoYizangplayschess_thumb.jpg

Dù sao, Người Tù của Nhà Nước (và Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng) cũng chỉ là những sơ đồ. Chúng ta vẫn chơi trò suy đoán qua phản dữ kiện. Khó có thể quả quyết rằng Triệu Tử Dương có thể chuyển Đảng Cộng sản sang nền dân chủ có bầu cử nếu ông còn giữ chức Tổng Bí thư sau mùa Xuân 1989. Người ta đã thấy rằng các lãnh tụ Cộng sản, qua những hồi ký viết sau khi về hưu, thường tỏ ra dung hòa hay phóng khoáng trong khuynh hướng chính trị hơn là trong lúc họ còn làm việc tại nội bộ chính quyền. Thời gian bị quản thúc có lẽ cũng tạo cơ hội để ông Triệu không còn bị chi phối bởi những vấn đề thực tiễn, cho nên ta không nên suy rằng điều ông suy nghĩ tại gia cũng sẽ là điều ông sẽ thi hành như một vị lãnh đạo Cộng sản.
Hơn nữa, cũng khó có thể nói ông sẽ vẫn giữ vững quyền thế sau mùa xuân 1989. Theo giáo sư Perry Link, những đối thoại của Triệu Tử Dương với Tôn Phượng Minh trong Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng cho ta thấy trong suốt thập niên 1980 ông và Hồ Diệu Bang là hai nhân vật “ngoài sân khấu” của Đặng Tiểu Bình. Quyền lực thật ra nằm trong tay “hai ông già” là Đặng Tiểu Bình và Trần Vân, mỗi người giữ một phe chính trị, nhưng với phần đông thiên về ông Đặng. Ủy ban Thường vụ của Đảng Chính trị không được họ Đặng coi ra gì. Đặng Tiểu Bình ví nó như “cái xe thổ mộ kéo bởi nhiều đầu ngựa” và nghĩ những buổi họp nội các chỉ là chuyện phí thì giờ. Đặng Tiểu Bình cũng có lần gửi một lá thư cho Trần Vân, cảnh cáo họ Trần rằng “Đảng chỉ có một bà nội.” Triệu Tử Dương chỉ có thể tồn tại trong môi trường này nếu ông chịu hèn hay phải hết sức cẩn thận. Ông đã tâm sự với Tôn Phượng Minh: “Là Tổng bí thư, tôi có thay thế giám đốc Bộ Tổ Chức hay Bộ Thông Tin được không? Tôi khó làm chuyện này nếu có ai ủng hộ những người này trong bóng tối.”
Để hiểu rõ tình cảnh của Triệu Tử Dương, ta phải hỏi tại sao Đặng Tiểu Bình phải cần đến “những nhân vật ngoài sân khấu”? Tại sao họ Đặng không hiển nhiên độc diễn vì như vậy có lẽ dễ thở hơn cho các thành viên khác trong Đảng?
Theo giáo sư Perry Link, quyền lực chính trị trong Đảng Cộng sản Trung Hoa tùy thuộc vào những ân huệ phân phát từ xếp trên, thay vì những ý kiến đưa lên từ người dưới, nhưng có một ngoại lệ đặc biệt ở thượng tầng khi một lãnh đạo không còn có ai ở trên họ. Vì vậy, ý kiến của đám người ở chức vị duới thượng tầng một bực sẽ gây ảnh hưởng mạnh. Nếu lãnh tụ tượng tầng làm lỗi, sẽ có cớ để những đối thủ đứng ngay phía dưới trục xuất họ. Ngay cả Mao Trạch Đông cũng bị ảnh hưởng bởi động lực này. Khi chiến dịch Đại Nhẩy Vọt vào thập niên 1950 của Mao gây ra nạn đói giết hại hàng triệu người, những “lỗi lầm” của Mao làm thế lực chính trị của ông bị bấp bênh. Chuyện Mao đề xướng Cách Mạng Văn Hóa những năm sau đó được coi là cách ông trả thù những kẻ đã lên tiếng buộc tội ông về thảm họa Đại Nhẩy Vọt.
Đặng Tiểu Bình nắm quyền hành vào cuối thập niên 1970 với một nhận thức sâu xa về vai trò của những lỗi lầm chính trị. Họ Đặng lúc đó đang mở một con đường hoàn toàn mới cho nền kinh tế Trung Hoa và ông biết rằng chuyện ông làm có thể mang đến nhiều hiểm họa chính trị. Nếu không thành công ông sẽ bị mất hết quyền hành. Qua cách phô diễn “những nhân vật ngoài sân khấu” như Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, họ Đặng vừa có hai ủy viên đắc lực cho kế hoạch cải cách của ông vừa dược hai mạng người giơ đầu chịu báng trong trường hợp kế hoạch của ông bị thất bại. Dĩ nhiên, kẻ được ông thăng lên chức vị “ngoài sân khấu” lúc nào cũng phải nhớ rằng họ Đặng là người giật dây, và trong năm 1986 Hồ Diệu Bang có lẽ đã quên điều này. Vào năm đó khi họ Đặng đề nghị với Hồ Diệu Bang ông sẽ từ chức chủ tịch Ủy Ban Quân Đội, có lẽ ông nghĩ rằng Hồ Diệu Bang sẽ khuyên ông đừng từ chức, nhưng họ Hồ đã “sơ ý” chấp thuận lời đề nghị này. Đặng Tiểu Bình từ lúc đó coi Hồ Diệu Bang như kẻ lấn quyền và 9 tháng sau, vào năm 1987, họ Hồ đã bị truất phế vì mắc tội “tự do hóa theo kiểu tư sản.”
[22]
Hai năm sau, Triệu Tử Dương bắt đầu cảm thấy bó buộc bởi vai trò “ngoài sân khấu” của ông. Cũng theo giáo sư Perry Link, vào tháng 5 năm 1988, Đặng Tiểu Bình, không phải Triệu Tử Dương, là người đã quyết định rằng nền kinh tế giá cả cố định của Trung Hoa cần được hủy bỏ trong một thời gian thử nghiệm. Thay vì tham khảo trước với Triệu Tử Dương, họ Đặng bắt đầu tuyên bố cho các viên chức ngoại giao rằng Trung Hoa đang trong thời kỳ cải tiến giá cả, và ông Triệu không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thi hành lời tuyên bố của Đặng Tiểu Bình. Vào mùa hè 1988, khi chuyện lạm phát siêu tốc gây khủng hoảng kinh tế và xã hội, và ai ai cũng thấy rằng chuyện thay đổi giá cả thị trường là chuyện “sai lầm,” Triệu Tử Dương, trên cương vị là Tổng Bí thư Đảng, phải hứng chịu trách nhiệm. Vào tháng 9 năm 1988, đại diện Trung Ương Đảng, ông Triệu xuất bản một lá thơ xin lỗi. Người ngoài tưởng rằng ông Triệu là tác giả của kế hoạch “chết yểu” này, và họ bắt đầu mất niềm tin ở ông. Những người thân cận với ông nghĩ rằng thế lực của ông Triệu đã suy yếu trầm trọng vào đầu năm 1989, và có lẽ ông cũng không thể tồn tại cho dù không có một cuộc biểu tình nào ở Thiên An Môn.
Hơn nữa, nếu Triệu Tử Dương muốn giữ chức sau năm 1989, những thương lượng “nhỏ” với Đặng Tiểu Bình và nhóm bảo thủ chưa chắc đã đủ. Ông sẽ phải hoàn toàn theo đường lối của họ Đặng, bao gồm quyết định dùng sức mạnh quân đội để đàn áp nhóm sinh viên biểu tình. Như ta đã thấy, đến lúc này ông Triệu đã cực lực từ chối chuyện “giơ đầu giữ báng.” Ông nhất định không muốn đi vào lịch sử trong vai “Tổng Bí thư huy động quân đội đàn áp nhóm sinh viên.”
Theo giáo sư Perry Link, những nghi vấn về quyền tối cao của Đặng Tiểu Bình đã bị xua tan vào năm 1992, khi họ Đặng truất phế Dương Thuợng Côn về tội “muốn lấn quyền Giang Trạch Dân làm lãnh tụ Đảng.” Khi đã loại trừ Dương Thượng Côn, quyền lực Đảng trong lúc này được chia ra thành ban phần, giữa Tổng bí thư Giang Trạch Dân, Thủ tướng Lý Bằng, và Chủ tịch Quốc Hội Nhân Dân Kiều Thạch. Vì ba người này không tin hay ưa gì nhau, Đặng Tiểu Bình, ở vị trí thượng đỉnh, vẫn có thể lèo lái họ.
Triệu Tử Dương, qua những tài liệu, không phải là người nham hiểm về mặt chính trị. Nếu ông không bị loại trừ, ông cũng khó có thể thi hành những cải cách chính trị để đi song song với sự nới lỏng về mặt kinh tế khi các phe nhóm trong Đảng vẫn chưa muốn từ bỏ chế độ toàn quyền. Tuy vậy, thành tích của ông trong ba năm làm Tổng bí thư Đảng vẫn được công nhận là xuất sắc. Điểm đáng khâm phục nhất là ông đã làm được nhiều việc trong vị trí tương đối độc lập và được sự ủng hộ/dấn thân toàn diện của những viên chức cùng ý chí cải cách như ông (như Bào Đồng là người cho đến hôm nay vẫn bị quản thúc tại gia.) Ông Triệu không hề nao núng trong chuyện đi thuyết phục, hay nếu cần, giao chiến với Lý Bằng và chính khách cao niên Diệu Y Lâm khi chính sách kinh tế của ông bị họ thách thức. Ông cũng đi tham quan nhiều nơi để tiếp xúc và tranh cãi với các viên chức Cộng sản ở giai tầng tỉnh, quận–nhóm người mà ngay từ trước cuộc Cách Mạng Văn Hóa chưa bao giờ dám dấn thân với những tư tưởng mới. Trong suốt sự nghiệp chính trị của ông, ông vừa là một nhà lãnh đạo thực tiễn, vừa là một nhà trí thức theo đúng nghĩa “trí thức”: ông không ngừng suy xét, chất vấn, thảo luận và tranh cãi về những bước tiến sắp đến của quốc gia. Đặng Tiểu Bình đã biết chọn đúng người. Triệu Tử Dương chính là kiến trúc sư của kế hoạch cải cách.
[23]
Nói cho cùng, trò chơi suy đoán về một quá khứ phản dữ kiện cũng bấp bênh như chuyện tiên đoán tương lai. Tuy ta khó hình dung chuyện Triệu Tử Dương leo lên xe tăng tuyên dương nền Cộng Hòa Dân Chủ cho Trung Hoa trong mùa Xuân gần như xa xưa ấy, không có gì huyễn hoặc hay siêu thực về tính chất phổ quát của cuộc nổi dậy ở Thiên An Môn, sự sợ hãi của chính quyền Cộng sản về tiềm năng của nó, hay hình ảnh Triệu Tử Dương đã vĩnh viễn đi liền với cao trào tranh đấu đó. Chính Đặng Tiểu Bình, vào năm 1992, đã công nhận,
Các đế quốc đang thúc đẩy ‘diễn biến hòa bình’ hướng về chủ nghĩa tư bản ớ Trung quốc, hiện đặt nhiều hy vọng vào những thế hệ sẽ tiếp sau chúng ta. Đồng chí Giang Trạch Dân và đồng sự có thể coi là thế hệ thứ ba và sau đó là thế hệ thứ bốn, năm. Các thế lực đối lập nhận thức rằng chừng nào thế hệ cao niên của chúng ta còn sinh tồn và vẫn có ảnh hưởng mạnh thì không có gì thay đổi. Nhưng một khi chúng ta chết đi, ai có thể bảo đảm rằng sẽ không có một ‘diễn biến hòa bình’ [đến chủ nghĩa tư bản]?
[24]
Gần đây hơn, sự ra đời của Hiến Chương 08 được coi là một thành tích đáng kể của nhân dân Trung Quốc. Theo giáo sư Perry Link, người đã dịch Hiến chương 08 sang tiếng Anh, hơn 2000 công dân ký tên vào bản Hiến chương 08 bao gồm những viên chức trong chính quyền lẫn người dân, không chỉ các nhà đối lập nổi tiếng và giới trí thức mà còn cả các cán bộ trung cấp và nhóm lãnh đạo ở nông thôn. Họ chọn ngày 10 tháng 12–dịp kỷ niệm lần thứ 60 ngày công bố bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền–là ngày để họ bày tỏ các ý kiến chính trị và phác thảo viễn kiến của họ về một nước Trung Hoa dân chủ và hợp hiến. Những người ký tên mong muốn rằng Hiến chương 08 sẽ được dùng như một bản thiết kế cho những thay đổi chính trị cơ bản ở Trung Quốc trong nhiều năm sắp đến.[25] Giáo sư Vương Di của Đại học Thành Đô ở Tứ Xuyên cho biết sự phổ biến của Hiến Chương 08 đã tạo ra một áp lực lớn mà chính phủ Trung Quốc không thể né tránh. Ông Vương phát biểu:
Chúng tôi công bố hiến chương này vì đảng Cộng Sản Trung Quốc không nói rõ là kế hoạch cải cách của họ sẽ đưa đất nước đi tới đâu. Lâu nay trong dân chúng đã có nhiều người nói tới vấn đề cải cách dân chủ, nhưng chưa có một sự trình bày hoàn chỉnh. Giờ đây, sau khi Hiến chương 08 ra đời, mọi người đã có được một khái niệm rất rõ ràng về con đường cho tương lai của Trung Quốc. Đây là một cuộc vận động trong dân chúng và hiến chương này mang lại sự đồng thuận và là chất keo nối kết mọi người với nhau.
[26]

xxx

Ông Triệu trong phòng làm việc tại gia, nơi ông đã thu âm hồi ký của mình mà không ai trong nhà biết. Một bộ tape đã được khám phá sau khi ông mất, “giấu” hiển nhiên trong đám đồ chơi của các cháu ông.
http://damau.org/wp-content/uploads/bientap/triutdngcontmnhtcholchs_BDD/zhaoziyangrestingathome_thumb.jpg

Trong lúc bị quản thúc tại gia, dưới sự rình rập không ngơi nghỉ của đám canh tù, Triệu Tử Dương, với sự trợ giúp và sáng kiến của Bào Đồng, đã thành công trong nỗ lực bảo tồn di sản chính trị của ông bằng chuyện thu âm 30 cuộn băng để đời. Tuy Đảng Cộng sản cố bôi xóa những thành tích của ông ra khỏi ký ức quần chúng, Triệu Tử Dương có lẽ đã hiểu rằng–qua quá trình cải cách mà ông đề xuất từ hơn 20 năm trước như những chặng mở đường cho các thế hệ sau–tương lai, không phải là quá khứ hay hiện tại, sẽ xét xử sự nghiệp của ông. Nhờ quyển Người Tù của Nhà Nước, bao gồm những đoạn trích từ sách cũng như những đoạn thu âm chuyển qua mạng thông tin internet, cùng với những tài liệu đã được xuất bản về bi kịch Thiên An Môn từ trước, tiếng nói của Triệu Tử Dương đã, đang và sẽ vượt biên giới địa lý, ngôn ngữ, vận mệnh. Từ cõi chết, ông Triệu chứng minh rằng nguyện ước hướng đến dân chủ và tự do là một nguyện ước nhân bản, hoàn cầu và vĩnh cửu.

----------------------------------------------------

[1] Theo Perry Link, He Would Have Changed China (Giá Như Ông Đã Thay Đổi Trung Quốc) (điểm sách Triệu Tử Dương nhuyễn cấm trung đích đàm thoại), New York Review of Books, Vol. 55 (April 3, 2008).
Nguyên văn tiếng Anh:
I’m a silkworm , I just expectorate
Cheer for the truth, nudge justice along,
And hope to leave some pure strands behind.
But I’m a free moth, too.
Broken out of the cocoon, like a Buddha-spirit
Floating aloft, untouched, untouchable.

[2] Adi Ignatius, Preface (Lời Tựa) cho quyển Prisoner of the State (Người Tù của Nhà Nước. (nxb Simon & Schuster: 2009), tr. x.
[3] Như trên, tr. xi.
[4] Perry Link, From the Inside, Out: Zhao Ziyang Co ntinues his Fight Post-Mortem (Từ Trong ra Ngoài: Triệu Tử Dương Tiếp Tục Cuộc Tranh Đấu Sau Cái Chết), http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2009/05/13/AR2009051302392.html (Sunday, May 17, 2009).
[5] Adi Ignatius, Lời Tựa, tr. xi.
[6] Như trên, tr. xii.
[7] Perry Link, From the Inside, Out. (xem chú thích 7).
[8] Triệu Tử Dương, Prisoner of the State (Người Tù của Nhà Nước), Phần I, Chương 4 (The Tiananmen Massacre: The Crackdown), tr. 34. (Đinh Từ Bích Thúy trích dịch).
[9] Perry Link, From the Inside: Out.
[10] Adi Ignatius, Lời Tựa, tr. xii
[11] Triệu Tử Dương, Người Tù của Nhà Nuớc, Phần II, chương 1 (House Arrest: Zhao Becomes a Prisoner), tr. 60-62.
[12] Adi Ignatius, Lời Tựa, tr. xii.
[13] Tóm lược Tiểu sử Triệu Tử Dương, http://vi.wikipedia.org/wiki/Tri%E1%BB%87u_T%E1%BB%AD_D%C6%B0%C6%A1ng
[14] Adi Ignatius, Lời Tựa, xii.
[15] Như trên.
[16] Như trên.
[17] Triệu Tử Dương, Người Tù của Nhà Nuớc, Phần III, chương 9 (The Roots of China’s Economic Boom: The Magic of Free Trade), tr. 133-137.
[18] Perry Link, Giá Như Ông Đã Thay Đổi Trung Quốc.
[19] Như trên.
[20] Triệu Tử Dương, Người Tù của Nhà Nuớc, Phần III, chương 12 (The Roots of China’s Economic Boom: Coping with Corruption), tr. 156-157.
[21] Perry Link, Giá Như Ông Đã Thay Đổi Trung Quốc.
[22] Như trên.
[23] Roderick MacFarquhar, Foreword (Lời Nói Đầu) cho quyển Người Tù của Nhà Nước, tr. xx-xxi.
[24] (Đặng Tiểu Bình ám chỉ chính sách ‘diễn biến hòa bình’ (peaceful evolution) của Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ John Foster Dulles, người đã tuyên bố vào năm 1953 rằng Hoa Kỳ có trách nhiệm lật đổ những chế độ Cộng sản, trong đó có Trung Quốc, nhưng kế hoạch lật đổ không cần phải đưa đến chiến tranh, mà có thể qua chính sách “diễn biến hòa bình” bằng những chiến dịch tự do hóa và bất bạo động bắt nguồn từ trong nước. Ông Dulles cũng tiên đoán rằng đến thế hệ thứ tư hay thứ năm của xã hội chủ nghĩa, những lãnh tụ Cộng sản sẽ thay đổi khuynh hướng và trở nên ôn hòa, cởi mở hơn). Xem Frank Ching, China Will Achieve ‘Peaceful Evolution’ on its own Terms, http://archives.starbulletin.com/2002/01/06/editorial/gathering.html;
[25] Perry Link (dịch giả), Lời Giới Thiệu cho bản Hiến Chuơng 08 (Linh Bát Hiến Chương), http://www.nybooks.com/articles/22210 . (Bản tiếng Việt của lời giới thiệu, và Lời Tựa của Adi Ignatius cho quyển Người Tù của Nhà Nước đều cho biết chỉ có hơn 300 người ký vào Hiến Chương 08, nhưng bản tiêng1 Anh của Lời Giới Thiệu, http://www.nybooks.com/articles/22210 , nói rằng có hơn 2000 người đã ký tên. Bài viết dựa vào bản tiếng Anh).
[26] ‘Hiến chương 08′: Tín hiệu hy vọng cho dân chủ Trung Quốc, Đài Tiếng Nói Tự Do (VOA) (29/12/2008) http://www.voanews.com/vietnamese/archive/2008-12/2008-12-29-voa35.cfm

-----------------------------------------

bài đã đăng của Đinh Từ Bích Thúy :

triệu tử dương: con tằm hóa bướm - 25.05.2009
Oan/Nghiệp: nghệ Thuật Nhiếp Ảnh của Eddie Adams - 30.04.2009
Chuyến Hành Hương Man Dã - 19.03.2009
Nâng Cao Xà Nhà, Hỡi Những Nhà Phê Bình Nghệ Thuật: Đọc “Là Con Người” của Lê thị Thấm Vân - 11.03.2009
"tri thức" về một bài thơ: Nói Chuyện Với Nhà Thơ Nguyễn Đức Nguyên - 12.12.2008
Em Không Mềm Không Trong Không Thẳng Không Trắng (2/2) - 04.11.2008
Em Không Mềm Không Trong Không Thẳng Không Trắng (1/2) - 03.11.2008
Văn Chương Nobel 2008: Chìa Khóa và Nhà Tù - 09.10.2008
Trung Thu 2008, 1928, 1968 - 30.09.2008
café diem - 04.06.2008
Đinh Từ Bích Thúy: Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài - 19.04.2008
nữ quyền dép râu - 17.08.2007


No comments: