Monday, May 4, 2009

PHÊ BÌNH SÁCH "TRỊNH CÔNG SƠN VẾT CHÂN DÃ TRÀNG"

Những sai lệch, thiếu sót trong cuốn sách “Trịnh Công Sơn vết chân dã tràng”
NGUYỄN HOÀN
Bài viết được đăng lúc 5:41:22 PM, 29.04.2009
http://tapchisonghuong.com.vn/index.php?main=newsdetail&pid=0&catid=7&ID=2038&shname=Nhung-sai-lech-thieu-sot-trong-cuon-sach-Trinh-Cong-Son-vet-chan-da-trang
Trịnh Công Sơn là một hiện tượng độc đáo của âm nhạc và văn hoá Việt Nam được ái mộ không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài. Vì thế mà từ khi ông qua đời đến nay đã có trên chục đầu sách viết về ông, một số lượng hiếm thấy đối với các nhạc sĩ khác. Gần đây có cuốn “Trịnh Công Sơn vết chân dã tràng” của Ban Mai do Nhà xuất bản Lao Động, Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản, Hà Nội, 2008. Với niềm ngưỡng mộ tài hoa và nhân cách nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi đã hăm hở tìm đọc cuốn sách mới này nhưng tiếc thay, chưa kịp trọn nỗi mừng đã phải thất vọng về những trang viết đánh giá đầy sai lệch và thiếu sót, phiến diện về Trịnh Công Sơn và chiến tranh Việt Nam.

Theo lời giới thiệu ở đầu sách của giáo sư Nguyễn Đình Chú (giáo sư Văn học Việt Nam hiện đại, Đại học Sư phạm Hà Nội), tác giả Ban Mai (tên thật là Nguyễn Thị Thanh Thuý, hiện làm việc tại trường Đại học Quy Nhơn) đã làm luận văn thạc sĩ về đề tài “Thân phận con người và tình yêu trong ca từ Trịnh Công Sơn”, từ luận văn này, Ban Mai tu chỉnh, bổ sung thêm, chuyển lên làm thành sách “Trịnh Công Sơn vết chân dã tràng”. Trong cuốn sách của mình, Ban Mai quả quyết rằng trên cơ sở tiếp thu kết quả nghiên cứu từ các công trình của những người đi trước, Ban Mai “hệ thống lại, đào sâu thêm, mở rộng hơn nữa, nhằm góp phần khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật ca từ Trịnh Công Sơn trong dòng văn hoá Việt Nam, dưới góc nhìn văn học” (1). Nhưng thực tế diễn ra không hoàn toàn đúng như vậy. Cuốn sách có nhiều sai lệch, thiếu sót trong đánh giá về Trịnh Công Sơn, về nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn và chiến tranh Việt Nam, tập trung ở mục IV, phần I, mục này có tiêu đề: “Trịnh Công Sơn và chiến tranh Việt Nam”.

Viết về Trịnh Công Sơn và nhạc phản chiến của ông, không thể không đề cập đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam và thái độ phản chiến của ông. Chỉ khi có sự đánh giá đảm bảo đúng đắn, khách quan, tôn trọng sự thật lịch sử về cuộc chiến đã qua, về thái độ phản chiến của Trịnh Công Sơn, vấn đề “Trịnh Công Sơn và chiến tranh Việt Nam” mới được bàn đến một cách đúng đắn, rốt ráo, từ đó mới vinh danh một cách xác đáng về giá trị dòng nhạc phản chiến yêu nước của Trịnh Công Sơn, về những đóng góp của Trịnh Công Sơn đối với phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên đô thị. Nhưng Ban Mai trong nghiên cứu đã không đảm bảo nguyên tắc “lịch sử và lô gíc”, không dựa vào chân lý lịch sử hiển nhiên, khách quan mà dựa vào những quan điểm sai lầm, nhất là quan điểm về chiến tranh Việt Nam, dẫn đến nhiều luận điểm Ban Mai triển khai đều lệch lạc.

Đề cập đến chiến tranh Việt Nam, thực chất là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chống Mỹ cứu nước, thạc sĩ Ban Mai lại viết như thể đang “đùa bỡn” với lịch sử: “Cho đến ngày nay, quan điểm về tên gọi cuộc chiến vẫn là điều tranh cãi”, “Cái bi thảm nhất là ở chỗ: cùng là người Việt Nam, nhưng người Việt lại bắn giết người Việt”, “Như vậy thì quả dân tộc ta đang gặp một cơn đại nạn. Và triệu người đã chết bất đắc kỳ tử, chỉ là nạn nhân của một cuộc chiến tranh phát xuất từ đâu tới, chớ không phải từ trong lòng anh em Việt Nam, mà ngày nay có những quan điểm cho rằng đó là cuộc chiến tranh “uỷ nhiệm” của các nước lớn”(2). Ở đây, Ban Mai đã “vay mượn” và tán đồng những quan điểm sai lầm “từ đâu tới” về chiến tranh Việt Nam nhằm biện giải cho những lập luận lệch lạc, phi lịch sử của mình.

Thực chất cuộc chiến tranh Việt Nam 1954-1975 cũng như nhiều cuộc chiến tranh khác trong lịch sử Việt Nam là chiến tranh chống ngoại bang xâm lược, chiến tranh giải phóng dân tộc chứ hoàn toàn không có cái gọi là chiến tranh “uỷ nhiệm” của các nước lớn, chiến tranh của người Việt đánh người Việt, do đó, không thể mơ hồ đến mức bảo là cuộc chiến tranh này “phát xuất từ đâu tới”. Ban Mai đọc những dòng sau đây trong bài viết “Khi ta ra khỏi chân núi” của nhà văn Vũ Hạnh đăng trên Web của Hội Nhà văn Việt Nam ngày 17-11-2008 (10:54:23 AM) sẽ thấy rõ “điểm phát xuất” và “tên gọi” của cuộc chiến tranh Việt Nam 1954-1975: “Hầu như vẫn còn những người tách biệt hẳn hai cuộc chiến - chống Pháp, chống Mỹ - và không thấy rằng sau khi dân tộc Việt Nam vùng lên, từ cuộc Cách mạng tháng Tám - vào năm 1945 - để giành lấy nền độc lập từ tay bọn phát xít Nhật vừa cướp được quyền thống trị của thực dân Pháp thì sự việc Pháp quay lại tìm cách tái chiếm trong một cuộc chiến kéo dài 9 năm, là một hành động nằm trong ý đồ của Mỹ với sự tài trợ, hậu thuẫn của đế quốc này. Trong Bí mật Lầu Năm Góc, cuộc chiến kéo dài 9 năm dẫn đến hội nghị Genève, tạm thời chia đôi đất nước trong vòng 2 năm, kể từ 1954 - được gọi là cuộc chiến tranh Pháp Mỹ xâm lược Việt Nam. Và khi kẻ được trợ giúp vũ khí, bạc tiền - là Pháp - đã chịu thất bại thì bị chủ nợ là Mỹ hất cẳng để chiếm đoạt lấy miền Nam Việt Nam với cái tham vọng chiếm luôn toàn cõi Việt Nam. Và tham vọng ấy là động lực chính của cuộc xâm lược - gọi là toàn Mỹ - kéo dài suốt 21 năm, kết thúc vào ngày 30-4-1975”.

Thêm nữa, Ban Mai chắc có đọc cuốn sách “Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam” của Robert S.McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ (bản dịch tiếng Việt, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995). Trong cuốn sách này, chính McNamara đã nói rõ về “điểm xuất phát” và “tên gọi” của cuộc chiến tranh Việt Nam. “Điểm xuất phát” đầy sai lầm của cuộc chiến tranh này như McNamara đã thừa nhận là đến từ phía Mỹ: “Chúng tôi ở trong các chính quyền Kennedy và Johnson, tham gia vào các quyết định về Việt Nam... Nhưng chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp. Chúng tôi mắc nợ các thế hệ tương lai trong việc giải thích tại sao lại sai lầm như vậy” (3). “Tên gọi” của cuộc chiến tranh này như chính McNamara đã nhận ra chính là chiến tranh giải phóng dân tộc của người Việt Nam: “Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc (trong trường hợp này là Bắc Việt Nam và Việt Cộng) đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó, và cho đến nay, chúng ta vẫn tiếp tục đánh giá thấp chủ nghĩa dân tộc ở nhiều nơi trên thế giới”(4). Cần nói thêm ở đây rằng, không phải đợi đến tháng 4-1995, thời điểm cuốn sách của McNamara được xuất bản ở Mỹ, tức là sau 20 năm khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, người Mỹ mới nhận ra “sai lầm khủng khiếp” của mình mà trước đó, từ lâu, chính Tổng thống Mỹ John F.Kennedy đã nhận ra điều này. Bài “Vụ ám sát định mệnh khiến Mỹ sa vào cuộc chiến Việt Nam” đăng trên Tuanvietnam.net ngày 24-11-2008 (12:00 GMT+7) dẫn những thông tin mới từ sách báo Mỹ cho biết: “Ngày 22-11-1963 - ngày diễn ra vụ ám sát Tổng thống Mỹ John F.Kennedy - đã trở thành ngày quan trọng nhất trong lịch sử cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. Bởi, nếu không có vụ ám sát, Tổng thống Kennedy đã quyết định ngăn không để Mỹ tham chiến tại Việt Nam, và dự kiến rút toàn bộ binh sĩ khỏi miền Nam Việt Nam vào nhiệm kỳ 2 (năm 1965)”(5). “Sự hoài nghi của Tổng thống Kennedy về cuộc chiến tại Việt Nam còn gia tăng, đến mức ông tuyên bố với trợ lý Nhà Trắng Michael Forrestal rằng tỷ lệ Mỹ không thể chiến thắng Việt Cộng lên đến 100 ăn 1” (6). Chính McNamara trong cuốn sách đã dẫn nói trên của ông cũng đã đề cập tương tự như vậy về quan điểm của Kennedy đối với cuộc chiến ở Việt Nam: “Vì thế tôi đi đến kết luận rằng Jonh F.Kennedy rốt cuộc có lẽ sẽ rút quân khỏi Việt Nam chứ không dấn sâu thêm vào cuộc chiến này”(7).

Xa hơn nữa, chính Tổng thống Pháp De Gaulle đã từng khuyến cáo Mỹ sẽ vấp phải thất bại tương tự như Pháp nếu tiến hành chiến tranh tại Việt Nam. Rõ ràng, nếu người Mỹ không thế chân Pháp ở Việt Nam, nếu người Mỹ sớm rút quân khỏi Việt Nam như Kennedy từng dự liệu thì họ đâu phải mất thời gian trả giá cho các chiến lược “Mỹ hoá” rồi “Việt Nam hoá chiến tranh” đầy sai lầm. Ban Mai không hiểu hay cố tình bóp méo, xuyên tạc lịch sử khi thay vì phải gọi đúng tên một chiến lược thâm độc là “Việt Nam hoá chiến tranh”, Ban Mai cho đó là “người Việt lại bắn giết người Việt”? Thậm chí, Ban Mai càng sai lầm trầm trọng khi hoài nghi giá trị của nền tự do độc lập mà cả dân tộc phải đổ biết bao xương máu hy sinh để giành lại được: “Cho đến ngày nay, sau hơn 30 năm kết thúc chiến tranh, nhìn lại những chặng đường thăng trầm của đất nước, có lẽ đã đến lúc chúng ta dũng cảm nhìn nhận lại cuộc chiến đã qua...Và chúng ta hãy tự hỏi: thân phận da vàng người Việt ngày nay đã thực sự thoát đời nô lệ ngoại bang chưa?” (8). Viết như thế khác nào phỉ báng xương máu của bao thế hệ cha anh đã ngã xuống tô thắm nền hoà bình của đất Việt. Và viết như thế, Ban Mai, người được coi là “đam mê nhạc Trịnh tự thuở niên thiếu” (9), đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hoá ra Ban Mai “thương nhau như thế bằng mười phụ nhau”. Trịnh Công Sơn - người nhạc sĩ từng mong mỏi cháy lòng cho dân ta sớm thoát cảnh “nô lệ da vàng” cũng chính là người nhạc sĩ đã hân hoan xưng tụng nền hoà bình mà dân tộc xây đắp nên. Ca khúc “Đồng dao 2000” của Trịnh Công Sơn đã hát lên hào sảng, phấn chấn về tiền đồ sáng lạng của đất nước Việt Nam hoà bình: “Đường bão tố đã qua đi, đường hoà bình đã sáng ngời”, cớ sao Ban Mai còn đặt ra câu hỏi lạc lõng hoài nghi thân phận người Việt da vàng thực sự thoát đời nô lệ ngoại bang chưa (xin lưu ý hai chữ “thực sự” đầy ẩn ý)?

Cái cách Ban Mai vay mượn, tán đồng những quan điểm lệch lạc, xuyên tạc cho rằng chiến tranh Việt Nam là “người Việt bắn giết người Việt” (tức là “nội chiến”), “chiến tranh uỷ nhiệm” đã lộ rõ dấu vết sống sượng, khiên cưỡng khi có đoạn trong cuốn sách của mình, Ban Mai “sao chép” luận điệu xằng bậy của Võ Phiến trong cuốn “Văn học miền Nam: Tổng quan” đăng trên Web:
www.tienve.org (Tiền Vệ). Ban Mai viết: “Không chỉ riêng Trịnh Công Sơn, hầu như người dân miền Nam nào cũng sống trong bi kịch ấy. Để minh chứng cho một thời đại đầy biến động này, chúng ta hãy đọc bài thơ của Nguyễn Bắc Sơn khi viết về bộ đội miền Bắc với một giọng thơ ngất ngưởng:

Kẻ thù ta ơi, những đứa xăm mình
Ăn muối đá và điên say chiến đấu...
Ta bắn trúng ngươi, vì ngươi bạc phước
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi...

(Chiến tranh Việt Nam và tôi - Nguyễn Bắc Sơn)

“Những đứa xăm mình”, những con người ấy cũng một dòng máu như ta thôi. Trong lúc người lính Cộng hoà đã nhận ra cuộc chiến này “cũng chỉ một trò chơi” thì...phần đông “Kẻ thù ta ơi” đều “điên say chiến đấu”, đều tin chắc vào chính nghĩa của cuộc chiến, đều hô hào cổ võ một cách trịnh trọng” (10). Trong cuốn “Văn học miền Nam: Tổng quan”, sau khi trích dẫn đoạn thơ Nguyễn Bắc Sơn như trên, Võ Phiến viết: ““Những đứa xăm mình”, những “đứa” ấy không phải chỉ là hạng chiến sĩ Tố Hữu thôi đâu nhé. Tiểu tư sản non choẹt như Hồng Nguyên, lãng mạn như Hoàng Cầm, huênh hoang lớn lối như Vũ Hoàng Chương ngày nào từng kêu ầm lên là sao vàng xoè năm cánh lên năm cửa ô v.v..., hết thảy đều là đứa xăm mình cả. Vì đều tin chắc mẩm vào chính nghĩa của cuộc chém giết, đều hô hào cổ võ tàn sát một cách trịnh trọng””. Đối chiếu hai đoạn văn của Ban Mai và Võ Phiến, cho thấy, rõ ràng Ban Mai vừa “sao chép” Võ Phiến, vừa cắt xén đi những đoạn lộ liễu nhắc đến Tố Hữu, Hồng Nguyên, Hoàng Cầm..., vừa nặn thêm những “biến tấu” lầm lạc.

Dựa trên những quan điểm sai lầm về chiến tranh Việt Nam (“nội chiến”, “chiến tranh uỷ nhiệm”) để tìm hiểu, nghiên cứu về Trịnh Công Sơn, dĩ nhiên, những nhận định của Ban Mai về Trịnh Công Sơn và nhạc phản chiến của ông không tránh khỏi nhiều thiếu sót, phiến diện. Ban Mai viết: “Với cái nhìn tỉnh táo, Trịnh Công Sơn đã nhận ra thân phận “nô lệ da vàng” của người Việt trong chiến tranh. Ông luôn nhắc nhở chúng ta về một dòng giống Lạc Hồng trong bối cảnh tranh giành quyền lợi của các nước lớn” (11). Rất tiếc, trong cuốn sách của mình, Ban Mai không đi sâu phân tích về khát vọng vượt thoát khỏi thảm cảnh “nô lệ da vàng” của người Việt trong nhạc Trịnh, Ban Mai lại thiên về khía cạnh cho rằng Trịnh Công Sơn lưu tâm đến tình trạng “tranh giành quyền lợi của các nước lớn” trong chiến tranh Việt Nam (ý này cũng chỉ là vay mượn, khiên cưỡng và chẳng qua là một cách nói tương tự kiểu như “chiến tranh uỷ nhiệm”) nên kết quả nghiên cứu của Ban Mai về “Trịnh Công Sơn và chiến tranh Việt Nam” không thật sát đúng, toàn diện và thấu đáo.

Về phương pháp nghiên cứu, ngoài việc khảo sát văn bản chính là ca từ nhạc Trịnh, Ban Mai cho biết còn dựa vào một thứ “siêu văn bản” khác: “Đó là hoàn cảnh xã hội, không khí thời đại, bầu khí quyển triết học, chính trị trong đó những ca từ của ông ra đời, và sự giáo dục cá nhân của chính con người nghệ sĩ”(12). Nhưng thực tế, Ban Mai đã khảo sát không tường tận, toàn diện và không tôn trọng đầy đủ thứ “siêu văn bản” này. Hoàn cảnh xã hội, không khí thời đại mà nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn ra đời không phải là “nội chiến”, là “chiến tranh uỷ nhiệm”, là “tranh giành quyền lợi của các nước lớn” như Ban Mai đã nêu mà đó chính là cuộc chiến tranh của Mỹ đang leo thang ở Việt Nam, là phong trào đấu tranh yêu nước, đòi hoà bình đầy khí thế sục sôi của trí thức và nhân dân đô thị miền Nam, là phong trào phản đối mạnh mẽ chiến tranh Việt Nam ở chính trong lòng nước Mỹ. Về gốc gác ra đời này của nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã phân tích khá kỹ: “Phản chiến là một thái độ cần thiết đối với cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Vì chẳng lẽ một cuộc chiến tranh đã gây xúc động đến thế đối với những con người ở tận bên kia đại dương như Bob Dylan, Joan Baez, thế mà từ phía những người trong cuộc lại chỉ có sự im lặng đáng sợ” (13). Và Bửu Chỉ đã nêu: “Cùng với những cuộc xuống đường rầm rộ của thanh niên, sinh viên, học sinh đô thị miền Nam Việt Nam chống Mỹ và chế độ cũ đòi hoà bình, độc lập, thống nhất đất nước, anh đã cho xuất bản tập ca khúc Ta phải thấy mặt trời vào năm 1970”(14).

Nếu chiến tranh Việt Nam là “nội chiến”, là “chiến tranh uỷ nhiệm” thì người Mỹ đã chẳng cần phải phản chiến gay gắt làm gì. Tìm hiểu nhạc Trịnh, ta bắt gặp một trường hợp “siêu văn bản” (nói theo cách của Ban Mai) hết sức độc đáo, gợi nên cảm hứng xuất thần cho Trịnh Công Sơn sáng tác ca khúc “Hãy nói giùm tôi”. Đó là trường hợp sau khi nghe tin một người Mỹ là Morrison tự thiêu trước Lầu Năm góc Bộ Quốc phòng Mỹ để phản đối chiến tranh Việt Nam, một nữ tu Phật giáo ở miền Nam là Nhất Chi Mai vô cùng cảm kích và đã tự thiêu tại chùa Từ Nghiêm để đáp lại nghĩa cả quên mình của Morrison. Dư chấn của sự cộng hưởng ý chí phản chiến giữa hai người Việt Nam và Mỹ này đã dội mạnh vào sóng nhạc Trịnh Công Sơn, khiến cho ông viết nên những ca từ và giai điệu thống thiết, mạnh mẽ:

“Hãy sống giùm tôi
Hãy nói giùm tôi
Hãy thở giùm tôi
Thịt da này dành cho thù hận
Cho bạo cường
Cho tham vọng của một lũ điên”

(Hãy nói giùm tôi)

Trong một ca khúc khác, Trịnh Công Sơn đã gọi tên “lũ điên” bạo cường và tham vọng này rõ hơn, đó chính là “bầy thú tay sai cho người ngoài”:

“Triệu bàn tay chúng ta đấm tan trên mặt tôi đòi
Trong tim con người lòng tin làm khí giới
Ta hiên ngang bên thú mặt người
Một bầy thú tay sai cho người ngoài”

(Cho quê hương mỉm cười)

Rõ hơn nữa, trong bức thư của Trịnh Công Sơn viết năm 1974 gửi Ngô Kha (một người bạn thân của Trịnh Công Sơn, một thầy giáo, nhà thơ, liệt sĩ đã có nhiều ảnh hưởng đến nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn), nhan đề: “Lá thư gửi cho người đang ở trong tù hay đã bị thủ tiêu” có đoạn gọi tên đích danh thế lực “người ngoài” gây chiến ở Việt Nam: “Nhân dân đã ý thức từ lâu về thân phận của mình, ngày qua tháng lại cũng chỉ là nạn nhân của bóc lột và phỉnh phờ. Ngày nào họ chưa lên tiếng chống đối, ngày đó họ vẫn còn là cơ hội tốt, để đóng góp thêm xương máu của chính họ và của con cái họ, vẫn còn là cái bình phong tốt để tập đoàn cai trị kia nhận tiền viện trợ Mỹ để chia nhau” (15). Rõ quá rồi còn gì nữa, phải không Ban Mai, cần gì phải vay mượn những từ ngữ “chiến tranh uỷ nhiệm”, “tranh giành quyền lợi giữa các nước lớn”?

Nhân nói đến “hoàn cảnh xã hội” mà nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn ra đời không phải là “nội chiến” mà là thảm cảnh “nô lệ da vàng”, dĩ nhiên không thể không nhắc lại chuyện Trịnh Công Sơn từng bị chỉ trích vì dùng từ “nội chiến” trong ca khúc “Gia tài của mẹ”. Thực ra, với từ “nội chiến” nhạy cảm này, một người bạn thân của Trịnh Công Sơn là chị Trần Tuyết Hoa đã từng đề nghị Trịnh Công Sơn sửa lại thành từ “chinh chiến” và Trịnh Công Sơn đã đồng ý cho bạn sửa, bút tích bản nhạc được sửa này hiện còn lưu (16). Phải nói rằng, vượt qua chính ý niệm “nội chiến” này, nhạc Trịnh đã mở rộng diện quan tâm đến nỗi đau chiến tranh Việt Nam không chỉ ở miền Nam mà cả ở miền Bắc, khi chiến tranh của Mỹ lan ra cả miền Bắc bằng không kích oanh tạc:

“Em từ Hà Nội có bao giờ được yên vui
Bao năm lửa khói nung khô trái tim yêu người
...Từng ngày miền Nam dấu đạn mù
Từng ngày miền Bắc những đời lo”

(Tôi đã mất)

Do không thấu suốt “hoàn cảnh xã hội” mà nhạc Trịnh ra đời như đã phân tích ở trên, cuốn sách của Ban Mai đã bỏ qua “không khí thời đại” của nhạc Trịnh và trong nhạc Trịnh. Đó là phong trào đấu tranh yêu nước, chống ngoại bang xâm lược của trí thức, học sinh, sinh viên và nhân dân đô thị miền Nam. Phong trào sục sôi này đã lôi cuốn Trịnh Công Sơn và nhiều trí thức khác “dấn thân” xuống đường mà dư vang còn vọng trong nhạc Trịnh:

“Em đã thấy các anh lên đường
Những tay trần làm cơn bão lớn
Cùng đứng bên nhau
Triệu bước nôn nao
Biểu ngữ giăng cao”

(Chính chúng ta phải nói)

Đóng góp của nhạc Trịnh đối với phong trào đấu tranh yêu nước ở đô thị cần được tiếp tục nghiên cứu và ghi nhận đúng mức chứ không nên lờ đi hay dễ dãi bỏ qua như cách của Ban Mai. Chính Wikipedia (Từ điển Bách khoa toàn thư mở) đã ghi nhận sâu sắc đóng góp này của Trịnh Công Sơn: “Nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn được cho là có vai trò không nhỏ trong giai đoạn cuối của chiến tranh Việt Nam”.

Cuối cùng, xin bàn đến một thứ “siêu văn bản” khác mà Ban Mai đã nêu ra nhưng lại bỏ lửng, đó là “sự giáo dục cá nhân của chính con người nghệ sĩ”. Hãy nghe chính Trịnh Công Sơn nói về vai trò và ảnh hưởng từ người cha của ông đối với “sự giáo dục cá nhân” của ông sâu sắc và mạnh mẽ đến nhường nào: “Tôi nhớ mãi hình dáng của cha tôi, một con người sống thiết tha với lý tưởng yêu nước của mình, từ bé tôi đã phải chuyển trường đến 16 lần để cùng gia đình lênh đênh theo ông khắp nơi. Rồi ông bị bắt, nhiều lần, và cả tuổi thơ của tôi dường như ngập chìm trong nỗi sợ hãi tiếng xe jeep rít trong đêm. Cha tôi đã ở trong tù còn nhiều hơn ở nhà, và kỷ niệm không thể nào phai nhạt trong tôi, đó là những đêm tôi được phép vào thăm và ở lại với cha trong nhà lao Thừa Phủ (Huế). Hình ảnh cha tôi đã lớn dần trong tôi bằng sự thương yêu, kính trọng. Ông đã hy sinh sau Hiệp định Genève và đó cũng là lý do thiêng liêng nhất không cho phép tôi cầm súng cho quân đội Sài Gòn” (17). Chính nhờ có “sự giáo dục cá nhân” bắt nguồn từ ảnh hưởng của người cha yêu nước, Trịnh Công Sơn đã chọn cho mình chỗ đứng trong lòng dân tộc, đó là chỗ đứng của trí thức yêu nước, không chịu cầm súng cho ngoại bang xâm lược, chỗ đứng của người phản chiến, dấn thân, xuống đường tham gia đấu tranh cho dân Việt sớm thoát khỏi thảm cảnh “nô lệ da vàng”.

Có nhận định đúng về chiến tranh Việt Nam, về hoàn cảnh xã hội, về không khí thời đại, về sự giáo dục cá nhân... đã ảnh hưởng, tác động đến Trịnh Công Sơn, có nhận định đúng về chỗ đứng phản chiến của Trịnh Công Sơn mới có thể đánh giá đầy đủ, chính xác về giá trị nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn cũng như những đóng góp của Trịnh Công Sơn đối với phong trào yêu nước ở đô thị miền Nam, tránh sa vào đánh giá sai lệch, phiến diện, thiếu sót, thậm chí áp đặt khiên cưỡng cả những quan điểm vay mượn xa rời với thực tiễn và chân lý lịch sử. Vì lẽ đó, chúng tôi đề nghị Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu NXB Lao Động, Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội và tác giả Ban Mai huỷ bỏ toàn bộ phần viết về “Trịnh Công Sơn và chiến tranh Việt Nam” trong cuốn sách “Trịnh Công Sơn vết chân dã tràng” hoặc viết lại theo quan điểm đúng đắn thì cuốn sách này mới được phép lưu hành, tránh gây nên những tác hại và ngộ nhận đáng tiếc.

N.H
(242/04-09)


----------------
(1) Ban Mai, Trịnh Công Sơn vết chân dã tràng, NXB Lao Động, Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2008, tr. 27.
(2) Ban Mai, Sđd. tr. 53, 54, 55.
(3) Robert S.McNamara, Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 12.
(4) Robert S.McNamara, Sđd, tr. 316.
(5), (6) Vụ ám sát định mệnh khiến Mỹ sa vào cuộc chiến Việt Nam”, Thuỷ Phương (theo Los Angeles Time, Concord Monitor), Tuanvietnam.net ngày 24-11-2008 (12:00 GMT+7).
(7) Robert S.McNamara, Sđd, tr. 107.
(8) Ban Mai, Sđd, tr. 68.
(9) Ban Mai, Sđd, tr. 9.
(10) Ban Mai, Sđd, tr. 56.
(11) Ban Mai, Sđd, tr. 65, 66.
(12) Ban Mai, Sđd, tr. 12.
(13) Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé, NXB Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, 2005, tr. 64, 65.
(14) Một cõi Trịnh Công Sơn, NXB Thuận Hoá, Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, 2002, tr. 23.
(15) Ngô Kha ngụ ngôn của một thế hệ, NXB Thuận Hoá, Huế, 2005, tr. 332.
(16) Xem bài viết của Trần Tuyết Hoa, Trịnh Công Sơn, Thái Hoà và tôi, in trong Vườn xưa-Hành trình âm nhạc Trịnh Công Sơn của Nguyễn Hữu Thái Hoà và những người bạn, NXB Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, 2007, tr. 22, 23.
(17) Trịnh Công Sơn Rơi lệ ru người, Lê Minh Quốc sưu tầm và tuyển chọn, NXB Phụ nữ, Hà Nội, 2005, tr. 78, 79.

No comments: