Tuesday, May 26, 2009

ÔàCN TRAI ÔNG LÊ DỨC THUÝ NỔI BẬT TRONG VỤ TIỀN POLYMER

Vụ tiền Polymer: Nổi bật vai trò con trai ông Lê Đức Thúy
Thiện Giao, phóng viên RFA
2009-05-26
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Reserve-bank-of-Australia-offshoot-10m-for-translation-service-TGiao-05262009103135.html
Ngày càng có nhiều thông tin cáo buộc liên quan đến một công ty của Úc hối lộ quan chức Việt Nam nhằm thắng thầu dự án in tiền polymer cho Việt Nam.

Báo chí Việt Nam cũng đã từng lên tiếng cảnh báo về những sai phạm trong vụ in tiền polymer. Photo: RFA
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Reserve-bank-of-Australia-offshoot-10m-for-translation-service-TGiao-05262009103135.html/LeDucThuy-polymer-305.jpg

Cảnh Sát Liên Bang Úc Châu đang điều tra vụ việc, trong khi một số tờ báo Việt Nam đăng tải tin tức với lời lẽ mạnh bạo.

Lại quả 10 triệu đôla Úc

Báo The Age, ấn bản ra tại Melbourne, Australia, ngày 26 tháng Năm viết rằng “một số quan chức của một công ty con thuộc Quỹ Dự Trữ Liên Bang Úc Châu thừa nhận đã trả cho một môi giới Việt Nam tối thiểu 10 triệu đô la Úc để làm công việc chủ yếu là thông dịch.”
Vụ trả 10 triệu Úc kim để “làm thông dịch” như báo chí Úc đưa tin liên hệ đến một chuỗi sự việc xảy ra từ năm 2002.
Vào năm này, một công ty của Úc, có tên Securency, với một nửa tài sản thuộc sở hữu của Quỹ Dự Trữ Liên Bang Úc Châu, thắng một hợp đồng quan trọng. Hợp đồng này cho phép Securency in tiền nhựa, tức tiền polymer, cho Việt Nam.
Tờ The Age viết, Securency thắng hợp đồng “sau khi công ty này thuê một công ty khác, mà công ty ấy có nhân viên là con trai của Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, làm việc trong tư cách môi giới địa phương.”
Tờ The Age viết, rằng tin tức bên trong tiết lộ là công ty Securency trả những khoản hoa hồng kết xù vào một trương mục tại ngân hàng Thụy Sĩ của công ty CFTD (Company For Technology and Development).
Công ty CFTD thì lại là “công ty mẹ” của một công ty khác nữa, có tên là BankTech. Mà BankTech thì lại có một giám đốc tên là Lê Đức Minh. Mà Lê Đức Minh lại là con trai của Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam lúc bấy giờ, là ông Lê Đức Thúy.

Một luật sư gốc Việt hiện đang sinh sống tại Australia, là ông Lưu Tường Quang, nói rằng cả báo chí Úc, chính phủ Úc, và dư luận Úc, đang theo dõi rất kỹ vụ này..
“Nếu việc này mà Cảnh Sát Liên Bang Úc Châu điều tra ra sự thật, thì cáo buộc này trở thành một vấn đề hết sức nghiêm trọng đối với không chỉ uy tín của ngân hàng Trung Ương Úc Châu, với công ty Securency, mà còn ảnh hưởng cả sinh hoạt của các công ty Úc tại Việt Nam.”
Luật sư Quang nói rằng, Úc Đại Lợi có hệ thống luật rất rõ về phương diện hình luật, cấm tiệt vấn đề hối lộ và nhận hối lộ, cho dầu việc này xảy ra bên ngoài nước Úc. Luật Công Ty Úc cũng rất rõ ràng: các giám đốc có bổn phận tuân hành luật pháp, bảo vệ quyền lợi cổ đông và nhất là không được có bất cứ hành vi mờ ám nào.

Một luật sư khác, là ông Nguyễn Vân Nam, hiện đang làm việc tại Sài Gòn, nói rằng thuật ngữ “lại quả” mà báo chí sử dụng trong vụ này là không chính xác.
Luật sư Nam nhận định, luật pháp các nước có những định nghĩa và phân biệt rõ ràng khái niệm “lại quả,”“hoa hồng” và “hối lộ.” Các định nghĩa này phụ thuộc vào phong tục tập quán và đạo lý kinh doanh của từng nước. Tuy nhiên, có những quy tắc đã trở thành phổ quát cho mọi xã hội.
“Đồng tiền trả ra để được nhận hợp đồng, căn bản, không được đưa cho người có thẩm quyền và có trách nhiệm ký kết hợp đồng hoặc liên quan đến việc ký kết hợp đồng. Người trực tiếp ký kết hợp đồng, hay người có thẩm quyền duyệt hợp đồng, nếu nhận khoản tiền đó, thì dù dưới bất cứ hình thức nào, cũng đều được xem là nhận hối lộ.”

Vai trò ông Lê Đức Minh

Vụ “tiền Polymer” từng được báo Tuổi Trẻ viết trong một bài báo hồi năm 2007, cho thấy Ngân Hàng Nhà Nước có những đề xuất in tiền khác nhau khi trình dự án lên Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam và Chính Phủ Việt Nam.

Cụ thể, “trong hồ sơ trình Bộ Chính trị về đề án bộ tiền mới, NHNN đề xuất phương án sử dụng kết hợp cả hai loại giấy cotton và polymer nhưng khi trình Thủ tướng phê duyệt đề án, NHNN chỉ đề xuất dùng toàn bộ bằng giấy polymer. NHNN không thông báo rõ với Thủ tướng về sự khác nhau này để Thủ tướng biết và quyết định…”

Tuổi Trẻ cũng viết, rằng Thanh tra Chính phủ đề cập việc “Lê Đức Minh, con trai thống đốc Lê Đức Thúy, có thời gian làm việc hơn hai tháng cho Công ty BankTech (một công ty con của CFTD) và việc hai công ty này tham gia quá trình thực hiện bộ tiền mới và cung cấp vật tư, thiết bị cho việc in tiền, tuy không trái với qui định của pháp luật nhưng đã gây nghi ngờ về sự khách quan, minh bạch, làm ảnh hưởng đến uy tín của thống đốc.”

Báo The Age viết rằng, một cuộc phỏng vấn hồi năm 2007 cho thấy, công ty CFTD được thuê mướn chủ yếu làm công việc dịch thuật, sắp xếp các cuộc gặp gỡ, đưa đón người phi trường. Các quan chức của công ty Securency hồi ấy cũng nói họ “không quan hệ với con trai của thống đốc Lê Đức Thúy.”
Nguồn tin riêng của tờ báo này cũng nói nhiều người bên trong công ty Securency nhận định rằng việc trả những khoản hoa hồng kết xù cho môi giới tại các quốc gia có nạn tham nhũng sẽ khiến công ty khó chống chế trước các cáo buộc dùng tiền để trả “lại quả.”
Giới chức của công ty Securency nói họ không quan hệ với con trai Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, cũng không biết công ty Banktech mà người con trai này làm giám đốc.
Tuy vậy, báo The Age viết, rằng “hồ sơ của BankTech cho thấy Securency là một trong các đối tác làm ăn nước ngoài và cho thấy BankTech từng là nhà cung cấp độc quyền cho dự án in tiền nhựa của Việt Nam.”

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.


Vụ tiền polymer: '10 triệu AUD' vào tài khoản Thụy Sĩ
Cập nhật: 06:03 GMT - thứ ba, 26 tháng 5, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/05/090526_polymer_new_revelations.shtml
Vừa có thêm tiết lộ mới liên quan đến số tiền trao tay đối tác Việt Nam từ công ty Securency của Úc.
Cảnh sát liên bang Úc xác nhận với Ngân hàng Trung ương nước này rằng họ đang điều tra cáo buộc công ty cung cấp vật liệu in tiền polymer Securency của Úc ‘hối lộ' đối tác Việt Nam để giành hợp đồng.

Báo The Age số ra tại Melbourne nói Securency đã trả các khoản tiền hoa hồng lớn, ít nhất 10 triệu AUD, vào tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ của công ty Kỹ thuật và Phát triển, CFTD, trụ sở tại Hà Nội.
Tin nói rằng công ty CFTD có công ty con là BankTech, mà ông Lê Đức Minh, con trai của cựu thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam Lê Đức Thúy, làm giám đốc.
Theo The Age, bằng cách bắt mối với một công ty trong nước, nơi có con của cựu thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm việc, năm 2002 Securency đã giành được hợp đồng in tiền polymer cho Ngân hàng nhà nước Việt Nam.
Ngân hàng trữ kim Úc, RBA, sở hữu một nửa Securency, công ty chuyên làm vật liệu in tiền polymer trụ sở tại Melbourne. Hiện công ty này cung cấp nguyên liệu làm tiền polymer cho 26 quốc gia.
Cảnh sát liên bang Úc đang điều tra Securency về các khoản tiền họ trả cơ quan, hay cá nhân nước ngoài nhằm kiếm hợp đồng in tiền.
Điều tra của báo The Age cho thấy một số đối tác của Securency ở nước ngoài đang bị nước sở tại điều tra về tham nhũng. Cũng có cáo giác Securency đã trả tiền hoa hồng cho ‘đại lý' vào tài khoản ngân hàng tại quốc gia hoạt động theo nguyên tắc bảo mật và miễn thuế.
The Age lập luận việc Securency dùng các khoản hoa hồng lớn, trả cho đại lý ‘giao dịch' tại các quốc gia được biết đến với vấn nạn tham nhũng đã làm xuất hiện cáo buộc công ty dùng tiền hối lộ để giành hợp đồng làm ăn.

Luật sư Lưu Tường Quang cựu viên chức chính phủ Úc, hiện đang cư ngụ tại Sydney cho rằng luật chống tham nhũng của Úc rất chặt, và chúng có đủ thẩm quyền điều tra hành vi của công ty Úc ở nước ngoài.
"Luật chống tham nhũng của Úc rất chặt chẽ. Nó có quy định trong hình luật, criminal act, của liên bang và của các tiểu bang. Điểm thứ hai trong các luật lệ về sinh hoạt tài chánh và giao dịch ngân hàng, chủ đề trong sáng, theo đúng thủ thuật của luật pháp được quy định một cách rất rõ ràng."
Ông Quang, từng là cựu giám đốc hệ thống Radio SBS của Úc, nói đến sự nối dài ra hải ngoại bộ luật chống tham nhũng của Úc.
"Mặc dầu việc làm của công ty Securency, nếu được chứng minh, nó có thể xảy ra ở nước ngoài nhưng luật lệ của Úc vẫn áp dụng trong trường hợp này. Luật của Úc không những áp dụng cho việc làm bên trong nước Úc mà còn bên ngoài lãnh thổ Úc, liên hệ đến một công ty của Úc."

Đại lý đại diện
The Age trích lời Myles Curtis, giám đốc điều hành Securency, xác nhận mối liên hệ giữa Securency và công ty CFTD, trụ sở tại Hà Nội.
"Hoạt động của CFTD trong giai đoạn đầu chỉ liên quan đến phiên dịch hồ sơ giấy tờ và là cầu nối liên lạc với Ngân hàng Nhà nước tại Việt Nam."
Trong khi đó Ron Marchant giám đốc Á châu của Securency cho báo The Age biết thêm về hoạt động của CFTD: "Họ làm các công việc khác nữa. Ví dụ chúng tôi muốn có cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước. Hoặc tới thăm xưởng in tiền, chúng tôi gọi điện và yêu cầu họ dàn xếp,"
"Rồi họ đón người ở sân bay, đặt chỗ khách sạn, xin cuộc hẹn cho chúng tôi, những thứ mà một đại diện hay làm."
Ông Marchant nói thêm ông không giao dịch với con trai của cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Và cũng không biết BankTech, công ty con của CFTD, nơi ông Lê Đức Huy làm giám đốc.
Tuy nhiên The Age cho hay tài liệu của BankTech có hàng chữ nói rằng Securency là một trong các đối tác nước ngoài của họ. BankTech cũng là công ty cung cấp độc quyền nguyên liệu cho dự án tiền polymer tại Việt Nam.
Nhìn chung luật pháp tại Úc chặt chẽ, trong khi luật lệ các quốc gia đang phát triển đôi khi lỏng lẻo, làm sao công ty Úc tránh khỏi cám dỗ bỏ tiền 'bôi trơn' mối quan hệ để kiếm hợp đồng làm ăn?
Luật sư Lưu Tường Quang tin rằng công ty Úc cần tuân theo nguyên tắc hành xử trong giao dịch của Tổ chức thương mại thế giới WTO.
"Lập luận của nước Úc là tất cả các nước thành viên của tổ chức thương mại quốc tế, WTO, cần tuân thủ quy định của WTO, trong đó có các chủ đề như trong sáng về luật pháp, áp dụng chế độ pháp trị, và các biện pháp chống tham nhũng,"
"Úc muốn giải quyết tham nhũng từ nơi nó nó đang xảy ra, chứ không giải quyết bằng cách là các quốc gia tân tiến thay đổi luật lệ để chấp nhận thực tế, là muốn làm được việc, muốn đầu tư, muốn trao đổi thương mại tại các quốc gia đang theo chế độ cộng sản thì phải bỏ đi cái phần trong sáng, cái phần nghiêm khắc của luật pháp."

Úc điều tra vụ tiền polymer dính líu Việt Nam
Cập nhật: 13:40 GMT - thứ bảy, 23 tháng 5, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/05/090523_securency_allegations.shtml

Trang bên ngoài
Bài trên The Age
Securency
Ngân hàng Trung ương Úc
BBC không chịu trách nhiệm về nội dung các trang bên ngoài


No comments: