Tuesday, May 26, 2009

NHỮNG NGUỴ BIỆN CỦA TRƯƠNG THÁI DU

Những ngụy biện của Trương Thái Du
Trần Dương
Tháng Năm 22, 2009
http://tranduong.wordpress.com/2009/05/22/nh%C6%B0%CC%83ng-ngu%CC%A3y-bie%CC%A3n-cu%CC%89a-tr%C6%B0%C6%A1ng-tha%CC%81i-du/

Nhận xét về bài “
Phản biện của phản biện bô xít” của tác giả Trương Thái Du trên Talawas 20.05.2009.

Trước hết, xin nhắc một điểm là tác giả Trương Thái Du vốn là một người Việt gốc Hoa. Thông tin này không phải là để công kích cá nhân, mà chỉ giúp các bạn đọc hiểu được tại sao tác giả Trương Thái Du lại có những ý kiến hoàn toàn trái ngược với suy nghĩ của mọi người dân Việt Nam khác, cũng như băn khoăn tại sao tác giả Trương Thái Du lại có suy nghĩ không giống với nhiều người Việt gốc Hoa khác.
Bây giờ là phần chính – phần phân tích những ngụy biện của tác giả Trương Thái Du. Kỹ thuật ngụy biện mà tác giả Trương Thái Du sử dụng chủ yếu là kỹ thuật xám hóa (bằng kinh nghiệm của riêng cá nhân tác giả và chưa có kiểm chứng, không có tài liệu trích dẫn làm bằng chứng) rồi đặt câu hỏi vu khống ngược.

Cáo buộc thứ nhất của tác giả Trương Thái Du như sau:
Thật vậy trang web bauxitevietnam.info và những diễn đàn tiền thân của nó thiếu vắng hẳn các ý kiến độc lập trái chiều. Không ai viết? Người ta không dám viết? Chủ quản diễn đàn loại bỏ những bài này? Chỉ duy nhất một lần tôi thấy tác giả Hà Văn Thịnh, người đã ký bản kiến nghị, có ý kiến khác đi. Lập tức ông bị xỉ vả không tiếc lời, hoàn toàn thiếu sự tôn trọng tối thiểu quan điểm riêng của người tranh luận. Đó là tội ác của trí thức: “Tiêu diệt phản biện”.

Ngụy biện thứ nhất của tác giả Trương Thái Du trong đoạn trên là cố tình diễn giải sai lệch bản chất của hiện tượng. Phép ngụy biện này rất có tác dụng với những người thiếu thông tin hoặc nắm không vững thông tin.
Về hiện tượng vắng hẳn các ý kiến độc lập trái chiều, tác giả Trương Thái Du cố tình lờ đi và che dấu thực tế là trên nhiều báo chí “lề phải”, các ý kiến độc lập trái chiều có nội dung phản đối kế hoạch khai thác bauxite đã bị kiểm duyệt. Bên cạnh đó, các ý kiến ‘phản biện đối với phản biện của bô xít’ như của tác giả Trương Thái Du đều có thể dễ dàng lên các mặt báo này. Thế nên, trong cuộc tranh luận về khai thác bauxite, hai bên ủng hộ – phản đối đều có đầy đủ cơ hội để nói lên suy nghĩ, lập luận của mình. Ngoài ra, trong các bài phản biện trên trang bauxitevietnam.info, luôn có các đường dẫn tới nhiều bài viết khác – trong đó có những bài nhắc tới lập luận ủng hộ chủ trương khai thác bauxite của một số quan chức. Vì thế, cáo buộc thứ nhất của tác giả Trương Thái Du về “tội ác của trí thức” là thổi phồng bịa đặt, chụp mũ. Tôi không bàn lý do tại sao tác giả Trương Thái Du lại có ác cảm với trang bauxitevietnam.info đến như vậy ở đây.
Về vụ việc tác giả Hà Văn Thịnh, tác giả Trương Thái Du lại che dấu thực tế là tác giả Hà Văn Thịnh đã chơi trò 2 mang, lúc thì ủng hộ bên này, lúc thì ủng hộ bên kia – nên bị những người trong nhóm trí thức ký tên nghi ngờ và đã có chê trách. Những ai theo dõi các blog chính trị – thời sự trong thời gian qua đều rõ chuyện này. Vậy mà tác giả Trương Thái Du đã tự khẳng định như đinh đóng cột rằng:
Là một blogger, có thể nói tôi theo dõi khá đầy đủ diễn biến làn sóng phản đối dự án bô xít trên mạng…

Cáo buộc thứ hai của tác giả Trương Thái Du là:
Từ năm 2003 đến 2006 tôi sống tại Tây Nguyên. Bức tranh thiên nhiên Tây Nguyên trong mắt tôi hoàn toàn khác xa mô tả mà nhiều người đã viện dẫn để phản đối dự án bô xít. Họ chỉ nói như một cái băng ghi âm. Không có bô xít thì hằng ngày hằng giờ rừng vẫn bị phá. Chưa có bô xít, nhìn từ máy bay xuống Tây Nguyên (mãi xanh tươi trong văn Nguyên Ngọc) cũng thấy hằng hà sa số những mảng lở loét đỏ bầm ngày càng lớn hơn. Bô xít chưa gần, tôi vẫn không thể đếm hết những quả đồi trơ trọi, những bình nguyên cỏ cháy mùa khô, hứa hẹn sa mạc hóa. Bùn đỏ bô xít hãy còn lửng lơ ở thì tương lai, thế mà sau những đợt mưa lớn, ảnh hưởng bão chẳng hạn, những con sông, những dòng thác Tây Nguyên tuyệt đẹp bỗng đỏ như máu vì đất bazan mất lớp thực bì bị cuốn xuống.

Trong khi có nhiều người, trong đó có các nhà báo, bị tác giả Trương Thái Du cho là “chỉ nói như một cái băng ghi âm” – đã có những tấm hình chụp Tây Nguyên trước và sau khi được/bị những người công nhân Trung Quốc tới đào xới, cũng như có không ít các chuyến đi thực tế khảo sát, thì tác giả Trương Thái Du chỉ tự nhận, tự đưa ra các nhận xét mà không có bất cứ bằng chứng hay nguồn trích dẫn nào.
Lý lẽ thứ hai của tác giả Trương Thái Du cũng có vấn đề. Tác giả Trương Thái Du lập luận rằng rừng Tây Nguyên hiện nay đã đang bị phá một phần nhỏ, thì hãy để người Trung Quốc tới phá tan hoang luôn đi – cũng giống như nếu tác giả Trương Thái Du bị đứt nhẹ ở ngón tay thì tác giả Trương Thái Du cũng chặt luôn cả ngón tay đó đi. Và bùn đỏ bauxite “ở thì tương lai” nên không đáng lo, cũng giống như người Trung Quốc tự đầu độc họ và đầu độc người Việt Nam, đầu độc người tiêu dùng trên thế giới bằng những thực phẩm độc hại, bằng sữa có chứa melamine v.v…- có hại thì cũng “ở thì tương lai” nên không đáng lo(!).

Cáo buộc thứ ba của tác giả Trương Thái Du là:
Khi thủ lĩnh Nguyễn Huệ Chi khẳng định như đinh đóng cột với báo Yomiuri: “Không phải chỉ riêng tôi mà bất kỳ người Việt có lương tri nào cũng phản đối…“[2]. Hóa ra không dưới 98% những người sinh hoạt và làm việc bên cạnh tôi hằng ngày đều là những kẻ không có lương tri. Ông Nguyễn Huệ Chi muốn tìm kiếm sự đồng thuận cỡ bầu cử “dân chủ tập trung” tại Bắc Hàn chăng?

Tác giả Trương Thái Du vui lòng cho biết ông đang làm việc ở đâu? và những người “sinh hoạt và làm việc bên cạnh” ông hằng ngày là những ai? có phải là người Việt không? Chứ tôi theo dõi trên Internet cũng như trong các cuộc nói chuyện gặp mặt trực tiếp thì người Việt Nam nào cũng đều rất lo lắng với kế hoạch khai thác bauxite Tây Nguyên. Tác giả Trương Thái Du lại một lần nữa xám hóa bằng khẳng định/kinh nghiệm của riêng cá nhân ông rồi đổi trắng thay đen ở đây. Cũng xin nói thêm, tôi đã gặp một số người không thích nhóm trí thức của bauxitevietnam.info, nhưng lý do họ chưa ủng hộ không phải vì họ không lo lắng về chủ trương khai thác bauxite Tây Nguyên, mà là vì họ còn cần thời gian để có thể có sự tín nhiệm với nhóm trí thức sẽ đại diện cho họ.

Cáo buộc thứ tư của tác giả Trương Thái Du là:
Theo Khâm định Việt sử: “Thời bấy giờ, cư dân khi xuống nước, hay bị loài giao long làm hại, Hùng Vương dạy dân lấy mực vẽ hình loài thủy quái xăm vào mình. Từ đó mới tránh khỏi nạn. Nước ta cái tục xăm mình có lẽ bắt đầu từ đấy”.
Đây là một logic dân gian đã được các triều đại Việt Nam áp dụng hằng ngàn năm đối với mối họa Trung Hoa. Để không bị “con thủy quái” Trung Hoa nuốt chửng, người Việt luôn tìm cách làm mình “giống nó”. “Giống nó” bao hàm hiểu rõ “nó”, không sợ “nó”, không nhập vào “nó” dù luôn mưu sinh cạnh “nó”, và đặc biệt chưa bao giờ bài “nó”.
Vậy mà, bauxitevietnam.info đã đưa tinh thần bài Hoa lên cao, ngay trong nội dung “Ý kiến bạn đọc” của mình, chứ chưa kể đến các diễn đàn Việt ngữ có link hoặc trích dẫn bauxitevienam.info.


Tôi không muốn nhắc tới chuyện nhiều người gọi tác giả Trương Thái Du là “Thẩm Du” (tự sướng) nhưng lý lẽ về nỗi sợ “con thủy quái” Trung Hoa như tác giả nhắc tới và trích dẫn lịch sử từ thời Hùng Vương của Việt Nam – thì đúng là tác giả đang ca ngợi đất nước Trung Hoa một cách thái quá. Chỉ trong thế kỷ 20 thôi, chẳng biết người Nhật ‘làm thế nào‘ mà tới thế kỷ 21 này, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn phải không ngừng tuyên truyền tư tưởng bài Nhật. Có lẽ vì ‘con thủy quái‘ Trung Quốc khi bơi ra biển lúc đó đã bị sặc nước biển, cho nên đến nay càng điên cuồng tăng cường lực lượng hải quân với dã tâm bành trướng trên biển bằng mọi thủ đoạn, kể cả với “bạn”, với “đồng chí” 16 chữ vàng. Cũng có thể là vì ‘con thủy quái‘ đó đến giờ vẫn còn cảm thấy nhục vì thua cả một con ‘cá chép‘ nhỏ bé Nhật Bản?

Dân tộc Việt Nam luôn đề phòng dã tâm bành trướng của giới lãnh đạo Trung Hoa, nhưng không vì thế mà sợ. Những thất bại của các cuộc xâm lược Việt Nam của vua quan Trung Hoa dưới thời Minh, Thanh v.v… hay cuộc chiến tranh biên giới 1979 dưới thời Đặng Tiểu Bình – hẳn tác giả Trương Thái Du phải biết rõ chứ? Có cần thiết phải lôi một chi tiết nhỏ của lịch sử từ hàng ngàn năm trước rồi diễn giải theo ý kiến chủ quan như trên hay không?

Trong bài “Phản biện của phản biện bô xít” còn có một số điểm nhỏ khác chưa đúng nhưng tôi không bàn tới ở đây, chỉ xin phép được chỉ ra những lỗi ngụy biện ở một số cáo buộc chính của tác giả Trương Thái Du như ở trên.

No comments: