“Của mình nhưng mà là phía Trung Quốc phụ trách”
Ngô Nhân Dụng
Thursday, May 21, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=95331&z=7
Ngày còn nhỏ mỗi lần được thầy giáo trả bài luận văn, chúng ta thường nghe thầy dặn dò: Không được viết những câu đầy những chữ “rằng, thì, là, mà.” Câu văn trích dẫn trên tựa bài này thuộc loại văn thầy dậy nên tránh. Ðó là lối nói lòng thòng của các cụ già đời xưa quen dùng chữ Hán cổ khi nói năng, mở miệng ra là đầy những chữ “chi, hồ, giả, dã.”
Câu văn trên đây là văn của báo Sài Gòn Tiếp Thị. Nhưng nhà báo không tự viết mà đã dẫn nguyên văn lời nói của ông Nguyễn Thanh Hưng, cục trưởng một cái cục có tên khá dài cho thấy đây là một cục rất to, đó là “Cục Thương mại Ðiện tử và Công nghệ Thông tin,” thuộc Bộ Công Thương. Ông Hưng nói rằng phần viết tiếng Việt trong trang “Website Hợp tác Kinh Tế Thương Mại Việt Nam và Trung Quốc” là do Trung Quốc “phụ trách”.
Sở dĩ phải có những lời giải thích “rằng, thì, là, mà.” trên đây vì phần tiếng Việt trong trang web này đã đăng những lời tuyên bố của quan chức nước láng giềng phía Bắc khẳng định rằng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của chính phủ Bắc Kinh và họ dùng tên mà họ quen gọi, Nam Sa và Tây Sa.
Một trang web viết bằng tiếng Việt Nam lại có đuôi với những chữ “...gov.vn” tức là do chính quyền Hà Nội nắm quyền kiểm soát trong tay, giống như một thứ “công báo” của nhà nước. Nếu trang web đó lại đăng những lời xác định hai quần đảo của nước ta là thuộc một nước khác, thì đây là một hiện tượng đáng ngạc nhiên. Ai cũng phải ngạc nhiên. Trừ ba trường hợp:
a) những người khiếm thị nặng (mù);
b) những người không biết và không bao giờ đọc tiếng Việt; hoặc
c) những người hoàn toàn đồng ý với quan điểm chính phủ nước ngoài; và
d) những người bán nước.
Vậy cái chính phủ làm chủ trang web trên của các ông Nông Ðức Mạnh, Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng thuộc loại nào?
Cả nước Việt Nam phải hỏi nhau câu hỏi đó. Nhiều người hỏi quá, sau cùng ông nhà nước Cộng Sản phải giải thích: Rằng trong trang web đó phần tiếng Việt Nam “của mình nhưng mà là phía Trung Quốc phụ trách.”
Người dân Việt lại càng thắc mắc: Vậy thì trong trang web này người Việt Nam phụ trách phần nào? Phần tiếng Congo, tiếng Nepal, hay tiếng Tagalog?
Chắc phải chờ các quan chức trong chính phủ Việt Nam trả lời cho câu hỏi này. (Xin quý vị lưu ý, chữ “chính” trong từ “chính phủ” hoặc “chính quyền” chỉ có nghĩa là thuộc về việc hành chính hoặc về chính trị, không có nghĩa tốt như khi nói “chính đáng,” “chính thống,” hoặc “chân chính,” dùng một chữ chính khác).
Sau khi nghe ông chính phủ cho biết phần thông tin bằng tiếng Việt trong một thứ công báo của chính quyền Việt Nam lại do người Trung Quốc phụ trách thì người dân nước Việt lại càng thắc mắc hơn. Ðồng bào ta muốn kiến nghị với các ngài rằng: Ngoài phần tiếng Việt trong cái trang web này ra, có những cái gì khác mà quý ngài đang làm là “của mình” nhưng “mà là do người Trung Quốc phụ trách,” mà người dân Việt Nam vẫn chưa biết? Xin quý ông Nông Ðức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng làm ơn thông báo hết những thứ “do người ngoại quốc phụ trách” để cho nhân dân không bị “sốc” vì những “cú” ngạc nhiên chết người như vầy.
Một thí dụ, nhiều người Việt tự hỏi không biết những bản nhạc được trình diễn trên sân khấu ở nước ta là do người nước nào quyết định. Một nước kiểm duyệt cả những bài báo cho tới bài ca đã là một mối nhục, nếu việc kiểm duyệt lại do người nước khác phụ trách thì “ê” lắm! Nghe nói nhạc sĩ Phạm Duy đã vô cùng mừng rỡ, mừng rớt nước mắt, khi được nhà nước Cộng Sản cho phép các ca sĩ hát bài “Tôi yêu tiếng nước tôi” của ông trên sân khấu. Người Việt Nam sống trên đất Việt Nam, muốn nói “yêu nước” cũng phải chờ được “trên cho phép!” Cái danh sách những bản nhạc được trình diễn chắc cũng là “của mình.” Nhưng không biết do người nước nào phụ trách?
Nhạc sĩ Tô Hải, người đã gọi Phạm Duy là “chuyên viên trở cờ” trong cuốn hồi ký mới xuất bản của ông, đã than phiền mãi là hiện giờ tai ông phải nghe nhiều bài ca bắt chước nhạc ngoại quốc “chói tai” chịu không nổi. Ông Tô Hải cứ than như thế mãi, biết đâu có ngày ông sẽ ngạc nhiên vì có vị quan chức văn hóa tư tưởng nào đó tiết lộ: Danh sách các bản nhạc được trình diễn là “của mình” nhưng lại do các cô con gái của ông bà Obama phụ trách!
Những lời giải thích của ông Nguyễn Thanh Hưng, cục trưởng cái cục to tướng, được đưa ra sau khi các quan chức khác trong chính quyền Hà Nội đã công nhận rằng việc đăng những lời của quan chức Trung Quốc nói ngược hẳn với các tuyên bố của bộ Ngoại giao Việt Nam là một “sai sót.” Ðó là một lời hiếm hoi, vì thường thì chỉ sau khi giết hàng trăm ngàn người oan chết oan nhà nước Cộng Sản mới chịu công nhận là mình làm sai và xin được sửa sai.
Nhưng sai sót như thế nào? Ngày 15 Tháng Năm có tin ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng một cái cục còn to hơn vì cái tên dài hơn, là “Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử,” cho biết ông đã coi trang web www.vietnamchina.gov.vn, và thấy có “những thông tin 'không có lợi'.”
Không có lợi cho ai, không có lợi về cái gì? Một bản tin của nhà nước nói rõ hơn: “ ... nội dung không có lợi cho chính sách ngoại giao” của nhà nước cộng sản. Chỉ có thế thôi: Không có lợi.
Nghe cũng giống như một ông bố nghe thằng con nó đi đâu về nhà, nó chỉ mặt bố “chửi cha” cả ông bà nội nó, mà ông bố chỉ khuyên con: Ngài nói thế không có lợi! Việc xác định chủ quyền của một nước khác trên phần đất của tổ tiên mình, lại viết trên trang báo của mình, thì lối chửi đó còn nặng hơn là chửi cha nữa. Trước hành động ngang ngược đó, một chính phủ biết bảo vệ quyền lợi quốc gia thì phải lập tức công khai lên án nghiêm khắc. Phải nói ba năm rõ mười rằng: “Nội dung bản thông tin đó sai, hoàn toàn sai.” Phải long trọng nói: “Chúng tôi cực lực cải chính và chính thức phản đối việc thông tin xuyên tạc sự thật này.” Có như vậy mới xác định được chủ quyền quốc gia và gỡ được danh dự quốc gia. Không thể chỉ nói suông: Không có lợi! Mà lại chỉ nói cho trong nước nghe với nhau thôi!
Một chính quyền có danh dự thì sau khi thấy người nước khác dùng ngay một web site của nước mình viết những lời phủ nhận chủ quyền của nước mình trên đất đai của tổ tiên mình, thì tuyên bố suông cũng không đủ. Phải lập tức gửi công hàm ngoại giao phản đối, phản đối chính thức và làm ầm lên cho cả thế giới cùng nghe. Chứ không thể nào cứ đóng cửa im ỉm rồi quay ra nói nho nhỏ đủ trong nhà bố con nghe với nhau, rằng chúng nó làm như thế là “không có lợi.”
Cái thằng ngoại quốc nó vào nhà mình viết bậy viết bạ ngay trên tường trong nhà mình, chửi cha mình lên, mà không dám mắng nó, chỉ khe khẽ bảo con cháu trong nhà rằng nó làm như vậy là “không có lợi!” Một chính quyền như vậy gọi là cái giống gì?
Hãy tạm trả lời câu hỏi cuối cùng này: Ðó là một chính quyền Cộng Sản! Nói như vậy tạm đủ.
Nhìn vào cách chính quyền Cộng Sản Việt Nam phản ứng lúng túng và hèn nhát trước cơn phẫn nộ của báo chí trong nước, chúng ta thấy những triệu chứng của một sự sụp đổ đang bắt đầu. Sự sụp đổ sẽ diễn ra khi nào chính các đảng viên Cộng Sản thấy rằng cái đảng đó cũng là “Của mình nhưng mà là phía Trung Quốc phụ trách!”
Trang web có đuôi gov.vn ngừng chạy, Web tiếng Hoa vẫn chống Việt Nam
Wednesday, May 20, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=95298&z=157
HÀ NỘI, 20-5 (TH).- Trang báo điện tử hợp tác thương mại do nhà cầm quyền CSVN thành lập chung với Trung Quốc phần tiếng Việt không còn vào được nhưng phần tiếng Hoa vẫn còn đó và tiếp tục tuyên truyền chống Việt nam.
Một viên chức cao cấp Bộ Công Thương CSVN từng nhìn nhận là trang báo điện tử tiếng Hoa do “phía Việt Nam lo phần nội dung”. Ngày 20 Tháng Năm 2009 trang web có tên www.chinavietnam.gov.vn không còn vào được và người ta chỉ thấy hàng chữ “Address Not Found” (địa chỉ không tìm thấy) của công ty dịch vụ Internet toàn cầu. Nhưng nếu vào địa chỉ www.chinavietnam.gov.cn thì người ta vẫn thấy có bài viết với lời lẽ đi ngược lại chủ quyền Việt Nam vẫn nhìn nhận về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ðọc bản tin tiếng Hoa trên web nói trên ngày 20 Tháng Năm 09, người ta thấy có một bài đề ngày 19 Tháng Năm 09 loan tin tàu tuần cỡ lớn nhất của Trung Quốc tên “Ngư Chính” được cử tới khu vực Trường Sa để thực thi lệnh của Trung Quốc cấm đánh cá từ ngày 16 Tháng Năm 09 đến ngày 1 Tháng Năm 09 ở khu vực. Bản tin này cho rằng phát ngôn viên Lê Dũng của Bộ Ngoại Giao CSVN khi trả lời báo chí trong cuộc họp báo ở Hà nội nói “theo dõi sát” hoạt động của chiếc tàu. Nhưng ở phần cuối của bản tin, bài viết lập lại lời Tần Cương, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói rằng Trung Quốc khẳng định chủ quyền không thể chối cãi được ở cả hai quần đảo của Việt Nam (Hoàng Sa và Trường Sa) mà họ gọi là Nam Sa và Tây Sa.
Sau khi bị người viết blog Lê Tuấn Huy khám phá và loan truyền tin tức trên Internet về những bài viết chống Việt Nam trên cả hai trang tiếng Việt và tiếng Hoa suốt nhiều tháng qua, ông Nguyễn Thành Hưng, cục trưởng Cục Thương Mại Ðiện Tử và Công Nghệ Thông Tin của Bộ Công Thương CSVN nói với ký giả Huy Ðức của tờ SGTT rằng: “Tôi nghĩ chẳng có gì quá ghê gớm cả”.
Phủ nhận chủ quyền đất nước mà không có gì ghê gớm?
Khi hỏi ông Hưng về phần tiếng Việt của web có đuôi gov.vn có lời tuyên bố của bà Khương Du, một phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, chống lại chủ quyền của Việt Nam, thì ông nói: “Ðó là trang web của Trung Quốc chứ có phải của mình đâu”.
(Theo bài viết trên blog osin.org “Ðiển hình là bản tin hôm 29 Tháng Tư 2009, liên quan tới việc Trung Quốc phản đối Việt Nam bổ nhiệm chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa. Xin trích một câu trong bản tin được đưa lên website: “Bà Khương Du nói, Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Tây Sa (cách họ gọi Hoàng Sa của chúng ta) cùng vùng biển xung quanh. Trung Quốc và Việt Nam không tồn tại tranh luận đối với quần đảo Tây Sa. Cách làm kể trên của phía Việt Nam là trái phép và vô hiệu. Trung Quốc đã nghiêm chỉnh bày tỏ lập trường với phía Việt Nam về việc này”.)
Khi bị hỏi ngược lại rằng: “Trang web có đuôi gov.vn thì người ta phải hiểu là của Việt Nam, thưa ông” thì ông Hưng trả lời: “Của mình nhưng mà phía Trung Quốc phụ trách. Tiếng Việt cho phía Trung Quốc phụ trách để họ đăng trực tiếp bằng tiếng Việt giúp doanh nghiệp Việt Nam”.
Sau đó, ký giả Huy Ðức đã nói chuyện với người trực tiếp phụ trách trang web là Trần Hữu Linh, phó cục trưởng Cục Thương Mại Ðiện Tử và Công Nghệ Thông Tin của Bộ Công Thương. Ông này xác nhận “Trang web tiếng Trung do phía Việt Nam phụ trách”.
Như vậy là Bộ Công Thương CSVN làm ngược lại những gì Bộ Ngoại Giao CSVN tuyên bố.
Sau khi vụ việc gây sôi nổi trong dư luận trên Internet, Bùi Xuân Khu, thứ trưởng thường trực Bộ Công Thương nhìn nhận ngày 17 Tháng Năm 09 với báo Tuổi Trẻ rằng bộ này đã “không sâu sát, quản lý kém thông tin đưa lên trang web hợp tác hai bên”. Ông này đề nghị cơ quan chủ quản, tức Cục Thương Mại Ðiện Tử “giải trình” và “kiểm điểm trách nhiệm cá nhân” về các sự việc diễn ra.
Nay người ta chỉ không nhìn thấy phần chống Việt Nam bằng tiếng Việt mà thôi.
Trang báo điện tử thông tin hợp tác thương mại giữa hai nước bắt đầu hoạt động từ năm 2006 khi Hồ Cẩm Ðào, chủ tịch Trung Quốc sang thăm Việt Nam.
Linh Mục Nguyễn văn Lý, Luật Sư Nguyễn Văn Ðài, Luật Sư Lê Thị Công Nhân và nhiều người khác kêu gọi cải tổ chính trị và cải thiện nhân quyền trên Internet thì bị qui cho tội “tuyên truyền chống nhà nứơc CHXHCNVN” và bị án tù nặng nề. Ông Nguyễn Khắc Toàn, chỉ vì gửi bản tin và hình ảnh nông dân khiếu kiện đất đai giải tỏa đền bù kiểu cướp ngày ra cho báo đài ngoại quốc thì bị vu cho tội “gián điệp” với bản án 12 năm tù.
Nhưng cán bộ tại Bộ Công Thương dùng trang báo điện tử có đuôi gov. của nhà nước cho Trung Quốc tuyên truyền chống Việt Nam thì cấp trên của họ vẫn đang “đợi giải trình”. Theo ông Huy Ðức “Theo thông tin của Trung tâm Internet Việt Nam (Vnnic) thì trang web này do Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) đăng ký tên miền. Về nguyên tắc, khi đã đăng ký tên miền Việt Nam, thì server phải đặt tại Việt Nam. Nhưng, theo Vnnic, trang web www.vietnamchina.gov.vn đang hoạt động với một server ở Trung Quốc. Căn cứ nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet thì từ nội dung đăng tải trên website, đến phương thức hoạt động của trang web “Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc” đều có nhiều sai phạm. Tên miền “gov.vn”, được coi như chủ quyền quốc gia trên Internet, khi “khoán trắng” nó cho một quốc gia khác thì việc họ dùng “gov.vn” để “xâm phạm” chủ quyền lãnh thổ của mình là điều chẳng đáng ngạc nhiên”.
Như ông Trần Hữu Linh nhìn nhận, trang web tiếng Hoa là “phía Việt Nam phụ trách phần nội dung” thì có đáng ngạc nhiên hơn không? Hay là phản quốc?
No comments:
Post a Comment