Sunday, May 24, 2009

BÀI HỌC "BẤT NGỜ" VỚI TRUNG QUỐC

Bài học “bất ngờ” với Trung Quốc vẫn còn đó
KS Doãn Mạnh Dũng
Nguồn kinhtebien.vn
HD, ĐN Bauxite Việt Nam biên tập
http://www.bauxitevietnam.info/ykien/090524_baihocbatngo.htm

Ngày 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Và cả nước cũng hoàn toàn bất ngờ, không tin vào tai mình khi nghe đài truyền thanh Việt Nam thông báo.
Ngày 14/3/1988, Trung Quốc bất ngờ dùng vũ lực tấn công đảo Gạc Ma thuộc huyện Trường Sa của Việt Nam. Mới đây, trong tháng 3/2008 Trung Quốc đưa lên mạng đoạn phim do họ quay toàn cảnh đánh chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam, nhằm mục đích biểu dương lực lượng hải quân Trung Quốc.

Đoạn video do phía TQ tung lên mạng youtube về cuộc đánh úp chiếm đảo Gạc Ma thuộc huyện đảo Trường Sa của Việt Nam
http://www.youtube.com/watch?v=hGdQPpwmyCM&eurl=

Chúng ta hãy xem đoạn phim trên của Trung Quốc. Tóm tắt, về phía Việt Nam là tàu hàng vận chuyển hậu cần. Các chiến sĩ Việt Nam, người cởi trần, người đứng ung dung trên boong tàu, ngắm nhìn tàu chiến Trung Quốc như ngắm nhìn những đồng nghiệp đi biển. Họ không hiểu rằng chỉ vài phút nữa cuộc sống của họ sẽ bị tước đoạt, để lại vợ con nheo nhóc ở quê nhà. Thuyền viên Việt Nam lên đảo. Là đảo chìm, nhưng nước ở đây chỉ đến đầu gối. Trên đảo không có một phương tiện phòng vệ tối thiểu: không công sự, không vũ khí. Trung Quốc dùng các tàu chiến hiện đại nhất bất ngờ bắn vào những người lính Việt Nam không có phương tiện chống cự trên đảo. Những người lính Việt Nam ngã xuống như đang xếp hàng ngang giữa trường bắn. Tàu hàng vận tải Việt Nam lao lên đảo để che đạn cho những người lính trên đảo và cứu thương nhưng bị tàu chiến Trung Quốc dùng hỏa lực hạng nặng chặn lại và bắn chìm…

Chiến thuật “bất ngờ” là một hình thức chiến tranh truyền thống của Trung Quốc. Họ đưa ra các cách tiếp cận khác nhau, sau đó bất ngờ tiêu diệt đối phương. Hãy nhìn lại năm 2008 là năm xảy ra nhiều sự kiện có tính liên hoàn về chiến lược của Trung Quốc với Việt Nam.

Đầu năm 2008, đài truyền hình Việt Nam đưa tin Tập đoàn Tân Tạo đề nghị đưa Trung Quốc vào quần đảo Nam Du xây dựng cảng than cung cấp than cho nhà máy nhiệt điện Kiên Lương. Giữa năm 2008, Đài Loan thành công chiếm hữu vịnh Sơn Dương với vốn 100% vốn của Đài Loan xây dựng khu luyện thép lớn nhất Việt Nam. Cuối năm 2008 sự việc Nhà máy luyện nhôm Tân Rai và Nhơn Cơ bị lộ ra.

Về công nghệ, để tinh luyện bauxite Tây Nguyên cần qua năm bước: (1) khai thác quặng bauxite; (2) tinh luyện bằng nước: (3) tinh luyện bằng xút và hoá chất; (4) nung kết sản phẩm để có alumin (oxit nhôm); và (5) điện phân oxit nhôm để lấy nhôm.

Việc tuyển quặng bằng nước và xút cùng hoá chất trong bước 2 và 3 để tạo ra alumin sẽ thải ra môi trường một lượng rất lớn chất thải nước hoặc được làm khô tại thượng nguồn sông Đồng Nai. Dù có được làm khô, chúng cũng sẽ bị nước mưa hoà tan và làm ô nhiễm vùng đầu nguồn.

Từ năm 1988, theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT Lê Ngọc Hoàn, tôi đã nghiên cứu khá kỹ giải pháp xử lý bô xít Tây Nguyên. Kết luận khi đó là dứt khoát không thực hiện bước 2,3,4,5 tại Tây Nguyên, vì sẽ tạo ra quả bom hóa chất ngày càng lớn theo công suất và thời gian nằm trên đầu nguồn sông Đồng Nai hay sông Sebroc. Việc xây đập chứa bùn đỏ trên đầu nguồn hai dòng sông trên không chỉ cực kỳ tốn kém, mà còn giúp cho kẻ thù tạo ra một loại vũ khí mới có tính hủy diệt cực kỳ ghê gớm với nền kinh tế Việt Nam, khi có chiến tranh.

Trong kháng chiến chống Mỹ, để phá hủy các cơ sở tự cung tự cấp lương thực của Việt Nam trong chiến khu, Mỹ phải dùng từng chiếc may bay đi rải chất độc da cam để phát quang. (1)
Với Trung Quốc thì họ thâm hiểm hơn nhiều. Họ thiết kế, thi công cho Việt Nam các nhà máy luyện bô xít trên Tây Nguyên với mục tiêu không chỉ thỏa mãn cơn khát nhôm của họ mà nhân cơ hội này họ còn sản xuất và “thả” được quả bom nằm “ngủ” trên thượng nguồn sông Đồng Nai. Khi xảy ra kịch bản chiến tranh biên giới như năm 1979, dự đoán là Trung Quốc có thể sẽ một mặt chiếm Sơn Dương –Hà Tĩnh chặn đường tiếp tế từ Nam ra Bắc bằng đường biển và đường bộ, mặt khác sẽ chiếm quần đảo Nam Du để cắt đứt con đường tiếp tế đường biển của Quốc tế đến Việt Nam, và sẽ có thể tiến hành đánh bom phá hủy các bể chứa bùn đỏ trên thượng nguồn sông Đồng Nai nhằm cắt đứt nguồn nước uống của các tỉnh miền Đông và Thành phố Hồ Chí Minh để phá hủy nền kinh tế và gây hỗn loạn hậu phương của Việt Nam.
Giả như kịch bản đó xảy ra, chúng ta sẽ làm gì? Câu trả lời là vô phương cứu vãn!

Xem phim Trung Quốc đánh Gạc Ma ngày 14/3/1988, chúng ta hiểu Trung Quốc đã và sẽ hành động “bất ngờ” khi chúng ta mất cảnh giác.

Vậy hôm nay hợp tác với Trung Quốc xây dựng nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ, chúng ta có tính đến khả năng một ngày nào đó sự hợp tác hữu hảo đôi bên không còn (vốn dĩ đã chẳng có), thì Trung Quốc sẽ đánh bom phá hủy các bể chứa bùn đỏ, để khống chế kinh tế và làm hỗn loạn xã hội Việt Nam khi có chiến sự không?

KS Doãn Mạnh Dũng
Nguồn kinhtebien.vn
HD, ĐN Bauxite Việt Nam biên tập

No comments: