Sunday, May 24, 2009

ĐẠI VỆ CHÍ DỊ

ĐẠI VỆ CHÍ DỊ (variant)
Lệnh Hồ Xung
http://daohieu.com/website/?pg=vn&id=680

LTS: Blog Người Buôn Gió có “Đại Vệ Chí Dị” văn chương trác tuyệt không thua gì Sử Ký của Tư Mã Thiên vì thế mà gây được nhiều cảm hứng cho các sử gia khác. Nay chúng tôi vừa khám phá một dị bản sau đây xin kính mời quý độc giả nhã giám.
-------------------------------------------

Lại nói dân nước Vệ đói khổ, oán than đến tận trời xanh, nhưng vì vua quan cai trị hà khắc nên không dám bày tỏ sự bất đồng. Gặp năm các nước đều sa sút về kinh tế, lại có việc quan công lộ Sài thành nước Vệ, dưới sự che chở của Phò mã, móc ngoặc với các thương nhân Đông Quốc chia nhau tiền vay của Đông Quốc. Nhân việc này, Hoàng đế Đông Quốc đe dọa tuyệt giao,cắt các khoản vay. Tướng quốc là Dụng và Tiết Công ép Mãng Vương thân chinh sang Đông Quốc xin hoàng đế Đông Quốc xá tội cho

Sau chuyến đi Đông Quốc trở về, Mãng Vương bỗng dưng thấy sỹ diện nổi lên, mất ăn mất ngủ, người cứ thấy thấp thỏm lo âu, xấu hổ không dám xuất hiện trước mặt thần dân. Tướng quốc Dụng nghĩ: Mình thân là Tướng quốc, lâu nay không những không thuần phục, nhiều khi còn cậy thế, câu kết với các đại thần, ăn chia quyền lợi, bắt chẹt Mãng Vương. Nay Mãng Vương phải thân chinh sang hầu Đông Quốc, tiếng là lo cho dân, thực chất là lo ghế cho Mãng Vương (Phò mã cũng dính vào vụ ăn chặn tiền vay đó), nhưng thực ra mình cũng có phần lợi trong đó. Nay cũng nên lo cho Mãng Vương một chút gọi là báo đáp ơn vua. Liền sai tả hữu đi khắp nước tìm thầy lang giỏi về chữa trị cho Mãng Vương.

Mấy ngày sau, từ đất Nguyên có thầy lang Gia Cát Đỏ, tư xưng dòng dõi Gia Cát Vũ Hầu khi xưa đến yết kiến.
-Nhà ngươi tự xưng con cháu Gia Cát sao lại lưu lạc sang tận đất Nguyên? Mãng Vương hỏi
-Bẩm đại vương! Đại vương quên mất đất Nguyên nay đã thành làng mạc của Tề Quốc hay sao?
-Tội ta lớn thế ư? Mãng Vương thở dài
-Bẩm không ạ. Làm việc này đâu chỉ có mình đại vương. Khi xưa Chinh Vương, Đồng tướng quốc từng dâng mấy hòn đảo cho Tề Quốc. Kẻ phản loạn Thiệu đế cũng góp phần vào việc làm mất mấy đảo đó. Phần nữa hiện nay trên danh nghĩa đất Nguyên vẫn là của đại vương.
-Nhưng các ngươi đâu có nghe theo lời ta, các ngươi nghe theo sự sai khiến của Tề Vương đấy chứ !
-Nhưng bên ngoài ngộ vẫn là thần dân của đại vương !
-Thế ngươi có cách gì trị được bệnh của ta ?
-Bẩm ! Bệnh của đại vương là bệnh mới xuất hiện. Đại vương ăn nhiều sơn hào hải vị quá, thấy mình trẻ lại. Tự dưng có suy nghĩ như thời còn con trẻ, hay xấu hổ về các việc mình làm. Chẳng hạn như hồi nhỏ đại vương hay ăn cơm với trứng, tự dưng nhớ lại, nói phải lo cho thần dân có bát cơm với quả trứng. Điều này làm những kẻ lắm điều chế thêm đôi đũa vào làm người ta nghĩ đến cơm cúng đám ma…Bệnh này không khó chữa. Thuốc ở ngay bên cạnh bệ hạ.
Để chữa khỏi bệnh,nay xin dâng Đại Vương bài thuốc « Ngũ vị đế » :

Thứ nhất : Đại vương hãy thi hành hạ sách trị quốc. Ngày xưa tổ tiên của thần nói «Trị quốc :Thượng sách là lo cho dân làm ăn giàu có, nộp thuế nuôi quan lại. Trung sách là dân tự lo được cho mình, quan lại bóc lột dân để sống. Hạ sách là quan lại bóc lột cho dân hết đường sống, bán tài nguyên của đất nước, bán đất của tổ tiên đi, vay của nước ngoài về chia nhau. Phần thừa thì đem cứu tế cho dân »

Thứ hai : Quan thượng thư bộ học Nhạc Bất Nhân vốn là kẻ vô dụng, thích danh vọng. Hay bày đặt cải cách, hay phát biểu lộng ngôn. Đại vương hãy dung túng cho hắn, để hắn làm ngu dân, hắn chịu sự chỉ trích của mấy kẻ đáng mặt là sỹ phu Vệ Quốc thay cho bệ hạ.

Thứ ba : Ở những nơi đang có tranh chấp với Tề Quốc. Đại Vương bổ nhiệm hờ các chức quan coi sóc các nơi đó, cấp cho chúng bổng lộc để ăn chơi. Như vậy dân Vệ không thể chửi Đại Vương bán nước được nữa.

Thứ tư : Đại Vương cho các quan lại tổ chức thật nhiều trò chơi, các cuộc thi có thưởng cho dân chúng tham gia. Ân xá cho các tù nhân phạm tội hình sự và các quan lại tham nhũng để tỏ rõ đức của Đại Vương.

Thứ năm : Đại Vương tăng cường mối quan hệ thân mật với Tề Quốc, để Tề Vương vì quyền lợi của mình mà phải bảo vệ Đại Vương.

Làm được năm điều ấy. Đại Vương cứ việc kê gối ngủ kỹ, không phải lo gì nữa.

Mãng Vương đang nằm, vội nhỏm dậy, quỳ xuống lạy Gia Cát Đỏ mà rằng :
May có tiên sinh đến chỉ bảo cho Quả nhân điều hơn lẽ thiệt. Nước Vệ này xin nghe theo sự sai bảo của tiên sinh và Tề Vương !!!

Mãng Vương liền ban lệnh bố thí cho dân chúng, cấp gạo mốc cho các hộ cùng đinh. Mớm cho Nhạc Bất Nhân cải cách việc học trong nước. Tổ chức thật nhiều cuộc thi, nhiều ngày kỷ niệm. Bổ nhiệm quan trấn thủ Hoàng Đảo. Dân nước Vệ ca ngợi Mãng Vương sáng suốt, kháo nhau rằng : nước Vệ lại sắp hưng đến nơi rồi…

L.H.X

---------------------------

Đại Vệ chí dị
Người Buôn Gió

Tuesday April 21, 2009 - 01:47am (ICT)
http://blog.360.yahoo.com/blog-t0IS290hb67U6oYE5faRfPd8?p=3753
Nước Vệ trải qua nhiều năm khốn khó, đến năm ấy thì Mạnh Vương lên ngôi báu. Thiên hạ hí hửng mừng rỡ, ngoài đường, ngoài chợ xầm xì bán tán đầy vẻ phấn khởi. Nào là Mạnh vốn dòng của tiên đế, mặt mũi khôi ngô, sáng sủa, tính tình thuần hậu ưa sự thật. Thế này là dân Vệ hưng rồi, con cháu rồng đã trở lại nắm vương quyền. Bọn sâu mọt sẽ không còn đất sống...

Sau khi ngôi tể tướng vào tay Dũng, dân Vệ lại đồn, tể tướng là loại tài ba, học rộng, chí khí tiến thủ khác người, trình độ ưu việt. Ngài quản lý triều đình đâu sẽ ra đó, trọng dụng người hiền tài, xử trí anh minh lỗi lạc. Vận nước Vệ hưng thật rồi.

Ấy là đầu năm đại hội triều đình lần thứ XXX.

Dũng nắm ngôi tể tướng, có lần vi hành trong dân. Nghe thấy có kẻ mù lòa ở chợ nói rằng.
- Cái nước Vệ này càng ngày càng thiên về cường bạo ?
Người buôn bán đi qua, có đứa hiếu sự dừng lại hỏi nguyên do, kẻ mù nói.
- Vua thì Mạnh,quan thì Dũng thế có phải là toàn cường bạo đó sao ?

Dũng về triều tức tốc tìm kẻ có tên là Nhân để cho làm phó của mình. Hòng bịt miệng lời đồn đại về triều đình trong dân. Ba tháng sau Dũng vi hành ra chợ, lại nghe kẻ mù ấy nói.
- Phàm mọi mối quan hệ trong đời đều cần lấy chữ Tín. Làm quan càng cần phải giữ chữ Tín thì dân mới tin. Dân tin thì mọi việc mới suôn sẻ trôi chảy. Nước Vệ cường bạo có thừa, cái chữ Nhân kia cũng năm bày đường Nhân. Cái Nhân của kẻ đại trượng phu khác với cái Nhân của đám quần thoa. Nước Vệ mà không có chữ Tín thì khó mà thu phục được nhân tâm.

Dũng về bàn với Mạnh, xin tìm người Tín để làm quan đầu triều. Tìm mỏi mắt trong đám quan lại không có đứa nào đáng tên là Tín cả. Mấy năm sau chán nản thôi không tìm nữa.

Lại nói về dân Vệ, sau mấy năm sống dưới sự cai trị của vua quan mới. Con rồng chả thấy tinh tướng đâu, lòi đuôi ra giống tắc kè hoa. Càng trị vì lâu càng mưu mô xảo quyệt, biến hóa khôn lường. Sâu mọt được thể càng ngày càng sinh sôi, phát triển lúc nhúc. Tài ba học rộng cũng chả tăm hơi, lúc cần bán lúa thì cấm, lúc cần cấm thì lại cho bán, lạm phát leo thang, vật giá đắt đỏ, nạn thất nghiệp ngày càng gia tăng. Dân tình lừa lọc nhau kiếm nắm gạo cho qua bữa, quan lại thì gia sức vơ vét thuế má, tài nguyên. Xã hội đảo điên, đạo đức xuống cấp. Đứa nào ma lanh thì sống, thật thà thì khốn đốn cả lũ.

Tề Bá Vương ở phía Bắc thấy nội tình nước Vệ rối ren, mới sai sứ sang Vệ đưa thư nói với Mạnh vương rằng.
- Nước các ngươi vốn là chư hầu của ta từ lâu, cảm cái tình ấy mà ta nói cho Vệ ngươi rõ. Lòng người Vệ oán thán triều đình lên đến tận mây xanh, không khéo trừ bỏ mối nguy ấy thì có ngày vua quan các ngươi chả còn dinh cơ nguy nga, bạc vàng, châu báu mà hưởng nữa đâu. Cái họa diệt vong ngay trước mắt đó.

Mạnh Vương nhận thư lấy làm lo sợ lắm. Bèn thân chinh sang Tề cầu kiến sự giúp đỡ. Tề Bá Vương cùng Mạnh Vương cắt máu ăn thề. Ký kết hiệp ước liên minh can thiệp nội bộ lẫn nhau khi có biến. Đổi lại Tề Bá Vương nói ý mình.
- Nước Tề ta có con ngựa gỗ, muốn ăn cỏ cao nguyên nước Vệ, liệu nhà ngươi có giúp được chăng ?

Mạnh Vương vái lịa lịa ríu rít rằng.
- Đại Vương nói một con, chứ mười con tôi cũng xin hầu đại vương.

Hàng nghìn thanh niên nước Tề kéo ngựa gỗ sang cao nguyên nước Vệ . Lão đại thần nước vệ cùng các sĩ phu thấy nguy cơ tiềm ẩn bèn dâng biểu can ngăn. Mạnh vương và Dũng phán rằng.
- Có mấy ngàn dân phu và con ngựa gỗ, làm gì mà các ngươi phải lo cuống lên như vậy, các ngươi an phận mà sống, đây là chủ trương lớn của triều đình. Cỏ để không cũng vậy, cho ngựa gỗ nước Tề ăn. Họ giả tiền có thêm ngân sách cho cao nguyên , thế không tốt sao. Cấm bàn.

Kẻ mù ở chợ đi xin ăn, lải nhải rằng.
- Nước Tề đồng ruộng bát ngát phì nhiêu, thảo nguyên mênh mông. Thế mà nhọc công kéo ngựa sang tận cao nguyên nước Vệ ăn cỏ . Há chả phải chuyện bất thường sao ? Tỉ như trong bụng ngựa chứa đồ binh khí, nếu có biến thì không thể hình dung mà nói hết.

Lời ấy đến tai triều đình, lập tức Mạnh sai Dũng sang Tề triều kiến. Khi đi dặn dò.
- Chuyến này ngươi đi, cốt phải thật khéo để làm sao dân Vệ ta thấy rằng nước Tề đối đãi nước Vệ như anh em ruột một nhà. Cho dân Vệ khỏi dị nghị , dèm pha.

Dũng sang chầu được Tề Bá Vương cho quan lại địa phương đón tiếp long trọng lắm. Về đến Vệ huênh hoang nói rằng.
- Đấy các người đúng là bọn hủ nho, nước Tề đãi Vệ ta như anh đối với em. Làm sao mà có chuyện thế này, thế nọ được.

Dân Vệ biết rằng nước Tề là nước mà từ trước đến này, chuyện anh em giết nhau tranh giành ngội vị, quyền lợi là nhiều nhất thiên hạ. Nhưng chả sử gia nào dám nói sợ đi ngược chủ trương lớn của triều đình. Quanh quẩn lại bàn đến kỳ đại hội triều đình tới, sẽ có vị này thẳng thắn , cương nghị vì dân vì nước, tay kia kiến thức uyên thâm... lên nắm ngôi. Nước Vệ lại sắp hưng rồi.

No comments: