Saturday, February 21, 2009

HOA KỲ ĐẨY NHÂN QUYỀN XUỐNG HÀNG THỨ YẾU

Thất vọng của giới bảo vệ nhân quyền trước quan điểm thực tế của nền ngoại giao Mỹ
Trọng Nghĩa
Bài đăng ngày 21/02/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 21/02/2009 15:37 TU
Washington cần có sự hợp tác của Bắc Kinh trên các hồ sơ kinh tế, an ninh, biến đổi khí hậu. Nhân quyền bị dẩy xuống hàng thứ yếu.

Thử tướng Ôn Gia Bảo tiếp ngoại trưởng Hillary Clinton, ngày 21.02.09 (Ảnh : Reuters)
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/110/article_2601.asp

''Bàng hoàng và hết sức thất vọng''. Đây là phản ứng của tổ chức Ân Xá Quốc tế sau khi ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton xác định các lãnh vực ưu tiên của chính quyền Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc trong đó nhân quyền bị đẩy xuống hàng thứ yếu.

Không nên để nhân quyền ''chi phối'' đối thoại Mỹ -Trung

Phát biểu hôm 20/02/2009 trước lúc lên máy bay từ Seoul qua Bắc Kinh, chặng cuối trong vòng công du Châu Á của mình, ngoại trưởng Clinton tuyên bố : ''Các chính quyền Mỹ liên tiếp cũng như các chính phủ Trung Quốc đều bị vấn đề nhân quyền khuấy động. Chúng ta cần phải tiếp tục gây áp lực. Thế nhưng không nên để điều này chi phối các cuộc thảo luận về cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, về biến đổi khí hậu và về an ninh ».
Nói cách khác, bà Clinton đã thể hiện một quan điểm rất thực tế trong quan hệ với Trung Quốc, mà sự trợ giúp được Washington đánh giá là rất cần thiết để giải quyết nhiều vấn đề thiết thân đối với nước Mỹ.
Theo các nhà quan sát, ngoài hồ sơ kinh tế mà quan hệ hợp tác giữa hai cường quốc kinh tế số một và số ba thế giới rất cần thiết để có thể vượt qua cơn sóng gió hiện nay, trong lãnh vực an ninh, Hoa Kỳ đang có ba ưu tiên : Afghanistan, Pakistan và Bắc Triều Tiên. Liên quan đến các vấn đề trên, với tư cách là đồng minh của Pakistan và nhất là của Bắc Triều Tiên, Trung Quốc có thể trợ giúp Hoa Kỳ trong việc tìm giải pháp thỏa đáng.
Về hồ sơ biến đổi khí hậu, Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện là hai nước thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất hành tinh. Với ưu tiên dành cho vấn đề môi trường từng được tổng thống Barack Obama tuyên bố, Washington cần đến hợp tác của Bắc Kinh để thúc đẩy hồ sơ này.

Thất vọng của các tổ chức bảo vệ nhân quyền

Quan điểm thực tế được bà Clinton nêu bật lẽ dĩ nhiên đã bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền cực lực phản đối.
Theo ông T. Kumar, thuộc phân hội Mỹ của Ân Xá Quốc Tế, thì Hoa Kỳ hiện là một trong những nước duy nhất có thể gây sức ép trên Trung Quốc trong lãnh vực nhân quyền. Thế nhưng khi nói rằng nhân quyền không nên xen vào các ưu tiên khác, Ngoại Trưởng Clinton đã làm tổn hại cho những cố gắng của Mỹ trong tương lai trong việc bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc.
Cùng một quan điểm với Ân Xá Quốc Tế, bà Sophie Richards, giám đốc phụ trách châu Á của tổ chức Human Rights Watch cũng lên tiếng cho rằng « lẽ ra Hoa Kỳ nên thuyết phục Trung Quốc rằng vì lợi ích của chính họ, Bắc Kinh nên bảo vệ giới ly khai và những cuộc biểu tình ôn hoà cũng như tạo ra một hệ thống pháp luật thực sự độc lập ».
Còn ông Tenzin Dorjee, thuộc tổ chức Sinh Viên vì Tự do của Tây Tạng, trụ sở tại New York, đã gay gắt cho rằng : chính quyền Hoa Kỳ không thể để cho Bắc Kinh áp đặt chương trình nghị sư của các cuộc thảo luận.

Bịt miệng các nhà ly khai ngay vào lúc bà Clinton đến thăm

Riêng giới ly khai tại Trung Quốc đã than phiền ngay là họ đã bị chính quyền tìm cách bịt miệng, không cho tiếp xúc với ngoại trưởng Mỹ.
Bà Tăng Kim Yên, vợ của nhà ly khai Hồ Giai, nhân vật vừa được trao giải nhân quyền châu Âu năm 2008, đã cho biết là bà bị quản thúc tại gia vì chuyến viếng thăm của ngoại trưởng Mỹ. Trên một trang blog, bà Tăng Kim Yên cho biết hôm nay bà dự dịnh tiếp xúc với ông Cao Diệu Khiết, một nhà đấu tranh cho các bệnh nhân Sida ở miền trung Trung Quốc, đã lên Bắc Kinh để gặp ngoại trưởng Clinton vào ngày mai. Thế những công an đã không cho phép bà ra khỏi nhà.
Tổ chức Các nhà Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc, Human Rights Defenders xác định là nhiều nhà ly khai Trung Quốc, đã bị quản chế, thẩm vấn và theo dõi trong suốt 40 tiếng đồng hồ bà Clinton có mặt tại Trung Quốc. Chính quyền đặc biệt chú ý đến nhóm đã ký vào bản Hiến Chương 08.
Theo Human Rights Defenders, công an đã cấm ông Giang Kỳ Sinh, một người từng bị tù vì tham gia phong trào Mùa xuân Bắc Kinh, là không được đi gặp ngoại trưởng Mỹ.
Trước những tiếng nói phản đối, vào hôm nay (21.02.09) bà Clinton đã trấn an công luận khi xác định rằng bà đã nêu vấn đế nhân quyền trong cuộc tiếp xúc với ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì.


Bà Clinton: Không nên để tranh luận nhân quyền với TQ gây cản trở
21/02/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-02-21-voa3.cfm
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ bà Hillary Clinton nói rằng không nên để các tranh luận với Trung Quốc về vấn đề nhân quyền cản trở những tiến bộ trong các lãnh vực khác.

Nói chuyện với các phóng viên hôm thứ Sáu trước khi đến Bắc Kinh, bà Clinton cho rằng không nên để những khác biệt quan điểm giữa hai bên cản trở những cuộc đối thoại về khí hậu thay đổi, khủng hoảng tài chánh toàn cầu và những mối đe dọa về an ninh.

Các tổ chức về nhân quyền phản ứng nhanh chóng trước những nhận xét của bà Clinton.
Tổ chức Ân xá quốc tế cho biết họ thất vọng khi bà Clinton không coi nhân quyền là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.
Tổ chức này nhận xét Hoa Kỳ là một trong những quốc gia ít ỏi có thể nêu lên các vấn đề nhân quyền với Trung Quốc.

Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch nói rằng những nhận định của Bà Clinton là một sai lầm chiến lược, và nói thêm rằng dường như Ngoại trưởng Clinton không dự kiến đề cập đến vấn đề nhân quyền trong chuyến đi này.

Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton tuyên bố là bà không tránh né vấn đề này nhưng bà cho biết thêm là các viên chức Hoa Kỳ ít nhiều cũng đã biết Trung Quốc sẽ nói gì về vấn đề này.


No comments: