Philippines mời thảo luận về Trường Sa
21 Tháng 2 2009 - Cập nhật 13h13 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2009/02/090221_spratlys_vietphilipin.shtml
Philippines sẵn sàng 'thảo luận về Trường Sa ở Liên hiệp quốc' sau khi Trung Quốc và Việt Nam phản đối luật do Quốc hội ở Manila thông qua về đường cơ sở.
Báo Philippines trích lời Quốc vụ khanh báo chí, Cerge Remonde, nói rằng ông biết chuyện Việt Nam cùng các nước khác vốn đang đòi chủ quyền tại vùng Trường Sa sẽ phản đối luật về đường cơ sở .
Nhưng ông Cerge Remonde thậm chí còn 'khuyên các nước này gửi lời phản đối tới liên Liên hiệp quốc'.
Lý do là, theo lãnh đạo Philippines, đây là 'diễn đàn phù hợp':
"Có một diễn đàn thích hợp, và đó chính là Liên hiệp quốc. Chúng tôi sẵn sàng mở cuộc thảo luận tại đó với các nước đòi chủ quyền vì chúng tôi chắc chắn về những tuyên bố đòi chủ quyền các đảo của mình."
Có vẻ như 'lời mời' của Bộ trưởng Philippines đánh dấu một thay đổi quan trọng trong vấn đề tranh chấp biển đảo ở vùng Trường Sa.
Cho tới nay, các nước như Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề trong quan hệ song phương.
Việt Nam tuy liên tục khẳng định chủ quyền và nói cần phải căn cứ vào luật biển cùng các công ước quốc tế, cũng chưa chính thức muốn vấn đề Biển Đông được bàn ở một diễn đàn đa quốc gia.
Báo Manila Standard Today trong bài của Joyce Pangco Pañares hôm 21/02/2009 viết rằng luật về đường cơ sở mà Quốc hội Philippines thông qua coi Trường Sa và Scarborough Shoal là thuộc nhóm đảo của nước họ.
Bài báo cũng nhắc lại lời phản đối hôm 19/02 của Bộ Ngoại giao Việt Nam và cho hay Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Quang Á triệu tham tán Philippines ở Bắc Kinh đến để phản đối.
Hạn chót để nộp lên LHQ các đòi hỏi về chủ quyền quanh quần đảo Trường Sa là ngày 13/03/2009.
Tranh chấp kéo dài?
Nhưng hiện cũng khó đoán trước là kể cả có đưa vấn đề Biển Đông ra Liên hiệp quốc hay một toà án quốc tế thì giải pháp tìm được sẽ ra sao cho Việt Nam.
Giới quan sát cũng nhận định rằng việc tranh tụng quốc tế tại vùng sáu quốc gia tranh chấp nếu xảy ra sẽ kéo dài nhiều năm.
Đây cũng là lý do Trung Quốc và Việt Nam không thích giải pháp này.
Trả lời BBC Tiếng Việt hồi tháng 1/2008 thì Giáo sư Ang Cheng Guan, dạy tại Viện Giáo dục Quốc gia Singapore, 'nghi ngờ khả năng này'.
"Theo tôi, cả Trung Quốc và Việt Nam đều không quen thuộc cũng như không tin tưởng Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice). Giá trị thắng thua quá cao, không ai lại muốn đặt vào tay một nhóm các quan tòa."
Ông cũng nói vì trong vụ này có rất nhiều hòn đảo và như vậy Tòa án sẽ phải mất nhiều năm mới giải quyết xong.
Trước mắt, điều chắc chắn là 'lời mời' ra diễn đàn LHQ của Philippines đang thu hút dư luận chính nước họ và trong khu vực.
No comments:
Post a Comment