Wednesday, February 25, 2009

MA CHIẾN HỮU TRONG CUỘC CHIẾN 1979

Ma Chiến Hữu” trong cuộc chiến biên giới 1979
Thiện Giao, phóng viên RFA

2009-02-25
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Viet-bloggers-upset-about-a-Chinese-novel-on-the-border-war-1979-published-in-Vietnam-TGiao-02252009145422.html
Cuốn tiểu thuyết “Ma Chiến Hữu” của nhà văn quân đội Trung Quốc, Mạc Ngôn, được dịch sang tiếng Việt, được xuất bản và lưu hành tại Việt Nam, đã và đang gây nên những tranh luận trong giới blogger Việt Nam.
“Ma Chiến Hữu” có tựa đề tiếng Trung là “Chiến Hữu Trùng Phùng,” dịch giả Trần Trung Hỷ, do Văn Học xuất bản và công ty văn hóa Phương Nam phát hành, với nội dung liên quan đến cuộc chiến biên giới Việt – Trung 1979.
Những tranh luận của một số blogger Việt Nam trên Internet cho thấy, đã và đang có những tiếp cận cũng như quan điểm khác nhau của độc giả Việt Nam đối với một tác phẩm do tác giả Trung Quốc viết về một cuốc chiến cách đây 30 năm giữa 2 quốc gia.
Có những người phản đối mạnh mẽ việc xuất bản một tác phẩm như “Ma Chiến Hữu,” vì làm như thế là “ca ngợi những kẻ thù đã xâm lược, giết hại đồng bào của mình.”
Cũng có lý lẽ cho rằng, “Ma Chiến Hữu” là một cuốn sách hay, “đề cập tới thân phận của những người lính Trung Quốc tham chiến tại Việt Nam … mà không biết rõ lý do tại sao lại tham chiến.”
Ở một khía cạnh khác, các blogger Việt không đồng ý với một câu được đăng trên bìa sau của tác phẩm “Ma Chiến Hữu.” Lời ấy là: tác phẩm đưa đến “một cách nghĩ khác về chiến tranh, một cách ca tụng riêng về chủ nghĩa anh hùng, cuộc đối thoại giữa hai cõi âm dương, sự vướng luỵ giữa con người và ma quỷ.”
Blogger “Người Buôn Gió” trích một đoạn từ tác phẩm và đăng lên Internet: “Chúng ta hy sinh vinh quang, quá khứ của chúng ta là vinh quang, lúc này cũng vinh quang, tương lai cũng vinh quang. Bất kỳ sự hoài nghi nào về vinh quang của chúng ta đều là sai lầm, những sai lầm cực kỳ nghiêm trọng.”

Kinh hoàng Ma Chiến Hữu

“Người Buôn Gió” mạnh mẽ chỉ trích việc xuất bản “Ma Chiến Hữu” tại Việt Nam. Tác giả này viết trên blog riêng, thổ lộ sự “kinh hoàng” sau khi “đọc vài trang của cuốn sách này.”
“Khi đọc vài trang cuốn sách này tôi thực sự kinh hoàng. Có lẽ nào nhà xuất bản Văn Học lại cho ra một cuốn sách ca ngợi những kẻ thù đã xâm lược, giết hại đồng bào của mình.
Trong cuốn sách có những trang mà quân Trung Quốc chúc nhau giết được nhiều địch để rạng danh quân đội anh hùng. Kẻ địch trong cuốn sách này nói chính là những người lính quân đội nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Nhưng sự thực thì vẫn là sự thực.”

Tác giả viết tiếp, là từ lâu rồi, “truyền hình Việt Nam chiếu những bộ phim dài ca ngợi vua quan Trung Quốc tài giỏi, hào hiệp, như Càn Long, Ung Chính, vân vân, và ngày một tiến bước, gần đây trong nền văn hoá Việt Nam trực tiếp công khai ca ngợi những tên xâm lược, giết người Việt Nam thời hiện tại.”
Tác giả đặt câu hỏi, “không thể nói là họ vô tình để lọt những bài báo, tác phẩm như thế này. Nếu chúng ta được biết rằng những cây bút viết về chiến tranh Nam - Bắc trước 1975 ở Việt Nam hiện nay khó lòng mà xuất bản tác phẩm của họ.”

Hồn ma tử sĩ

Những độc giả khác tiếp cận “Ma Chiến Hữu” ra sao?
Blogger tên Linh viết rằng, tác giả đã “đọc cuốn này sau khi được biết rằng cuốn này đề cập tới số phận những người lính Trung Quốc trong chiến tranh Việt - Trung 1979,” tác giả “nghĩ một cuốn sách đề cập tới một cuộc chiến tranh với góc nhìn từ phía bên kia sẽ gợi mở nhiều điều thú vị” và tác giả “tìm đọc cuốn này cũng như trước kia từng tìm đọc các cuốn “The Quiet American” của Graham Greene, “The Things They Carried” của Tim O'Brien hay “Tree of Smoke” của Denis Johnson, hoặc xem các phim “Trung Đội,” “Trời và Đất,” “Rambo,” “Apocalypse Now,” “Full Metal Jacket,” vân vân.

Blogger Linh viết tiếp, rằng “chủ đề cơ bản của cuốn sách này là phản chiến.”
“Nhìn chung, tôi nghĩ “Ma Chiến Hữu” là một cuốn sách hay. Cuốn sách đề cập tới thân phận của những người lính Trung Quốc tham chiến tại Việt Nam.
Họ đều là những thanh niên nông thôn nghèo thất học. Họ tham chiến mà không biết rõ lý do tại sao lại tham chiến, chỉ đơn giản là bị bắt lính và đi lính thì đỡ miệng cơm ở nhà, nếu chết trận thì gia đình ở nhà cũng được một khoản tử tuất còm.
Đến khi kết thúc chiến tranh thì kẻ còn, người mất, những kẻ sống sót cũng có số phận mạt rệp, nghèo khổ, cùng quẫn, chịu ảnh hưởng bởi di chứng chiến tranh. Không những thế, họ còn bị chính quyền và nhân dân lãng quên.
Trong truyện có đoạn các hồn ma tử sĩ Trung Quốc khóc than đau đớn khi biết tin Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ và họ cảm thấy rằng cái chết của họ là vô nghĩa.”

Tranh luận Ma Chiến Hữu

Có hai khuynh hướng cảm nhận khác nhau, và qua đó có 2 quan điểm khác nhau về việc cho xuất bản tác phẩm “Ma Chiến Hữu” tại Việt Nam. Tuy nhiên, cả 2 khuynh hướng này có một điểm chung, là chỉ trích lời giới thiệu đăng trên bìa sau của ấn bản lưu hành tại Việt Nam.
Blogger Linh viết, là tác giả “có thể hiểu sự phẫn nộ của nhiều người đọc với những người chịu trách nhiệm trong việc dịch và in cuốn “Ma Chiến Hữu” ra tiếng Việt.”
Tuy nhiên, tác giả “không cho rằng cuốn sách này là một cuốn ca ngợi chủ nghĩa anh hùng như lời viết của nhà xuất bản Văn Học ở bìa 4.
[Đó] không phải là ca ngợi mà là sự nhạo báng, lên án của một nhà văn quân đội Trung Quốc đối với cuộc chiến tranh vô nghĩa, vô lý và không cần thiết.
Với những người lính Tàu sống hay chết tại cuộc chiến thì Mạc Ngôn có một sự cảm thông sâu sắc, nhưng cái khiến tác phẩm sống động cũng không phải là ở “chủ nghĩa anh hùng” mà là ở tình đồng đội.”
Một bài viết khác trên blog của tác giả Mr. Do, với nội dung cẩn trọng, có thể được hiểu rằng, tác giả khuyên người đọc bình tĩnh, đừng tự để mình rơi vào vị trí của những cơ quan kiểm duyệt kiểu Ban Tuyên Giáo tại Việt Nam.
Mr. Do viết rằng “Một điều không thể chấp nhận được nữa là cách giới thiệu của nhà xuất bản nọ trên cuốn “Ma chiến hữu.”
Lâu nay, những người mần công tác xuất bản ở Việt Nam cứ luôn muốn định hướng người đọc, giờ với “Ma Chiến Hữu,” họ cũng làm điều tương tự.
Nhưng vô hình trung, hành động của họ lại tung hô kẻ địch, vô tình cổ súy cho những “giá trị” (như họ tưởng) mà ngay cả đến Mạc Ngôn cũng không muốn thể hiện.”

Xuất bản ở Việt Nam?

Tác giả Mr. Do cũng đặt ra một vấn đề khác, khá bất ngờ khi bàn về tác phẩm “Ma Chiến Hữu,” đó là: tại sao trong khi tác phẩm với nội dung có thể gây đụng chạm như vậy được đường đường chính chính xuất hiện ở Việt Nam, thì hàng loạt cuốn truyện khác của chính người Việt Nam - với tinh thần tố cáo chiến tranh - lại không được phép xuất bản?
Tuyển tập “Rồng Đá” của tác giả Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai là ví dụ gần nhất, theo cả 2 nghĩa nội dung và thời điểm.
Tác phẩm “Rồng Đá,” với một truyện ngắn liên quan đến đề tài cuộc chiến Việt – Trung năm 1979, đã bị cấm lưu hành, Nhà Xuất Bản Tổng hợp Đà Nẵng thì bị tạm đình chỉ hoạt động, giám đốc và phó Giám Đốc thì bị tạm đình chỉ công tác.
Truyện ngắn “Chù Mìn Phủ và Tôi” là 1 trong 3 truyện ngắn khiến tác phẩm gặp rắc rối. Và tác phẩm này, theo như nội dung bức thư mà tác giả Vũ Ngọc Tiến gởi nhà xuất bản Đà Nẵng, thì truyện ngắn “Chù Mìn Phủ và Tôi” đề cập đến cuộc chiến biên giới phía Bắc (1979) đã “lùi vào dĩ vãng ¼ thế kỷ rồi.
Nó là cuộc chiến phi lý nhất trong thế kỷ XX đối với cả 2 dân tộc mà cả ta và phía bên kia đều phải nghiêm túc nhìn ra nó cần phải tránh và hoàn toàn có thể tránh được.”

Xin kết thúc bài viết này bằng một lời trong bức thư mà tác giả Vũ Ngọc Tiến gởi nhà xuất bản Đà Nẵng, đó là “nhiều nhà văn Trung Quốc khi viết tiểu thuyết đã từng có đoạn nhắc tới cuộc chiến biên giới Việt - Trung với tâm trạng dày vò sâu sắc. Họ viết được, sao ta lại cứ tự hù dọa mình để rồi tảng lờ, không dám viết?”
Ông nói, không thể bình thản coi cuộc chiến Việt – Trung năm 1979 như “một vụ va quẹt xe trên đường mà phải tỉnh táo và sòng phẳng với lịch sử.”

------------------

Trên đây là những ghi nhận từ các blog cá nhân liên quan đến tác phẩm “Ma Chiến Hữu,” một tiểu thuyết của một nhà văn Trung Quốc, viết về cuộc chiến biên giới Việt – Trung 1979 và hiện đang được phát hành tại Việt Nam.
Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm, sàng lọc và gởi đến quí vị những hình thức thông tin trên Internet, trong các trang Blog cá nhân liên quan đến nhiều đề tài khác nhau và gởi đến quí vị trong các chương trình sau.
Mong quí vị đóng vai trò cầu nối giữa chúng tôi và các thông tin như vậy. Xin gởi cho chúng tôi các thông tin cùng đường liên kết đến các blog hữu ích mà quí vị đọc được, qua địa chỉ
vietweb@rfa.org.

Khía cạnh văn học ?

Người Buôn Gió
Wednesday February 25, 2009 - 05:32pm (ICT)
http://blog.360.yahoo.com/blog-t0IS290hb67U6oYE5faRfPd8?p=3375#comments
Rất nhiều ý kiến bênh vực cuốn sách của Mạc Ngôn dưới góc nhìn gọi là văn học thuần túy. Cái nhìn trong sáng, có lương tâm của những người yêu văn học chân chính. Tức là hãy nhìn văn học đúng như gì nó có chứ đừng chính trị hóa văn chương. Thật là những ý kiến nhân văn và cao cả, nó cho thấy xã hội Việt Nam còn có nhiều người có hiểu biết, có tấm lòng với văn chương lắm.
Đã có lần tôi ngồi với một nhà văn, ông ta bĩu môi cho rằng những kẻ lợi dụng chính trị trong văn chương là hạ đẳng . Phải như ông ta , văn là văn , cao quý vào thánh thiện mới đúng tính chất của người văn chương.
Lại có cô nhà văn trẻ , một người thần tượng bất kỳ tác phẩm nào mà được giới phê bình Việt Nam hiện nay nói đến nhiều nhất. Cũng giọng y chang.

Một tác phẩm cứ gọi cho là phê phán chiến tranh của Mạc Ngôn đáng khen ngợi, nó là văn học thuần túy không hề có yếu tố chính trị bao phủ....
Thế thì Linh Sơn của Cao Hành Kiện chính trị quá chăng mà người chính phủ Trung Quốc không hài lòng.?
Thế Quần Đảo Gu Lắc, Một Ngày Trong Đời của I Van , Lửa yêu thương lửa ngục tù, Giờ thứ hai mươi lăm, Trại Súc Vật...thì sao nhỉ ? Cũng chính trị sao ? Hay giải Nobel Văn Chương được trao bị bọn phương Tây lợi dụng với ý đồ chính trị. Còn cái nào mà các nước XHCN công nhận thì đó mới là giải thưởng văn học trong sạch, chân chính.

Dựa Lưng Nỗi Chết là tác phẩm của nhà văn VNCH, trong tác phẩm này ông không hề nói xấu Bắc Việt. Chỉ miêu tả đời sống và ý nghĩ người lính. Tính phản chiến của nó còn rõ rệt gấp trăm lần Ma Chiến Hữu. Thế nhưng bạn có thấy nó được xuất bản hay không? Bạn có biết Phan Nhật Nam với số phận sau năm 1975 thế nào không.?

Truyện Kể Năm 2000, một cuốn sách không có gì cao thượng hơn. Khi mà nhân vật trải qua bao nhiêu oan khuất, mất mát. Vẫn giữ giọng văn ấm áp tình người, không uất hận, không phê phán lên án. Chỉ nếu tấm gương sáng của người chí sĩ qua những bước gian truân của vòng đời cái mà giữ lại là tình con người với con người trong lúc thăng trầm đó. Vậy mà đó...nếu ai biết ông Đỗ Mười nói gì và làm gì khi đọc xong TKN2000 thì hãy nói đến phản ứng tiêu cực hay không của người phê phán Ma Chiến Hữu

Kẻ mạnh có quyền phán xét. Đó là một quy luật mà lãnh tụ cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông nói rõ quan điểm của mình'' lẽ phải nằm trong họng súng''.

Các nhà chính trị Trung Quốc hiện nay không bỏ qua một bài báo của Huy Đức, họ gây sức ép để dỡ bỏ khỏi trang điện tử ngay lập tức. Lẽ nào họ để cho Việt Nam xuất bản một cuốn sách của tác giả nước họ, phê phán cuộc chiến tranh 1979 là phi nghĩa là đáng lên án. Người Trung Quốc ngây thơ và dễ dãi thế sao.?

Nếu dễ thế thì các nấm mồ liệt sĩ Việt Nam không phải mập mờ ở câu Bảo vệ tổ quốc.

Ma Chiến Hữu đúng ca ngợi chủ nghĩa anh hùng thật như bìa sách nói. Miêu tả các trận đánh của Tiền Anh Hào và đồng đội làm người đọc cảm giác họ đang chiến đấu ở phía Nam Trung Quốc, chứ không phải trên đất nước người khác. Chiến đấu để bảo vệ tổ quốc họ chứ không phải sang xâm chiếm giết dân lành, phá nhà cửa. Với miêu tả lập lờ thế này người đọc Trung Quốc làm sao mà lên án chiến tranh 1979 đó là phi nghĩa. Khi cuốn sách không hề ghi địa danh, thậm chí trận đánh ác liệt xảy ra trên một cái đồi sách ghi là Không tên.

Sách in đẹp, chất lượng, bìa tốt. Gần 200 trang. Nào các nhà sách ,trừ Phương Nam ra. Có nhà sách nào dám cho ra cuốn sách như thế với giá bìa 23 nghìn chăng ? Có lẽ nhà sách Phương Nam in sách bán tại Việt Nam như nhà xuất bản Cầu Vồng khi xưa, lãi không quan trọng. Vì đã có bà chủ vốn là vợ của Liên Khui Thìn trước kia lo lắng cho rồi.

Tôi không là nhà văn, không là tri thức. Tôi chỉ là một người lính cách đây gần 20 năm. Lứa tân binh nhập ngũ tập trung ở xã Thương Thanh, Thượng Cát- Gia Lâm năm đó. Đã có thằng chết khi đi lấy chặt nứa, do mìn của Trung Quốc cài lại.

Các nhà tri thức, yêu văn chương đúng nghĩa của nó cứ tự nhiên mà nhìn theo cái nhìn của mình. Luôn thể hãy nhìn '' Hậu Đình Hoa'' dưới cái nhìn nghệ thuật nhé. Đừng cho nó là một khúc hát dẫn đến vong quốc.



No comments: