Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [4]
Huỳnh Ngọc Tuấn
Đăng ngày 20-2-2009
http://danchimviet.com/articles/878/1/Hi-c-v-nha-tu-cng-sn-Vit-Nam-4/Page1.html
Không hiểu sao chúng tôi cảm thấy vui, nét mặt ai cũng rạng rỡ, dù sao cũng được một chuyến rong chơi cho dù trước đó có những đồn đoán về sự khắc nghiệt ghê gớm ở những trại tù miền Bắc.
Xe bắt đầu lăn bánh chạy vun vút giữa rừng cây, tôi nhìn cảnh vật bên đường lướt nhanh, những mái nhà đơn sơ, khoảng sân nhỏ, vườn cây chật hẹp. Tôi biết người nông dân bây giờ thiếu đất canh tác vì đất là của nhà nước của Đảng, nó như là “hương hoả ”của Đảng, dùng để bán dần theo kế hoạch. Những người dân lầm lũi đi ven đưòng bên những con bò gầy trơ xương. Đã hai năm tù, mọi thứ vẫn vậy.
Xe đến ngã 3 Phú Thạnh. Chúng tôi hồi hộp tuy đã chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi này và biết chắc mười mươi là sẽ ra Bắc nhưng trong lòng vẫn nôn nao. Biết đâu lại vào Nam, ánh nắng phương Nam ấm áp làm chúng tôi mơ ước. Xe rẽ trái, chiếc đầu tiên rẽ trái, chiếc tôi đang ngồi rẽ trái, chiếc thứ ba rẽ trái. Chú Trần Văn Nhi nói với sự trầm tĩnh vốn có:
- Đi Bắc rồi -giọng chú kéo dài.
Như vậy là đã rõ, tôi thấy lòng thư thái, nhìn ra bên đường gió thổi lồng lộng, trời nắng nhẹ, một chút nắng mùa đông yếu ớt của miền Nam trung bộ.
Anh em vẫn bình thản nói cười. Tôi thầm nghĩ với những con người đã trải qua rất nhiều gian khổ và hiểm nguy, thì ở đâu, đi đâu cũng vậy thôi. Trong lòng mọi người ai cũng muốn được đi khắp các nhà tù của chế độ để chứng kiến sự dã man tàn bạo của cái thiên đường ảo tưởng này, để một ngày nào đó, nếu may mắn được quay về, họ sẽ là chứng nhân lịch sử. Chứng nhân và nạn nhân của một guồng máy bạo quyền nhân danh chân lý "giải phóng loài người".
Khi còn ở bên ngoài, ở đâu tôi cũng thấy cũng nghe từ báo chí sách vở đài phát thanh và rất nhiều ở những diễn văn của các nhà lãnh đạo CS nói về sự “giải phóng loài người” ra khỏi sự kìm kẹp của phong kiến, đế quốc-thực dân, nhưng khi ai đó đã vào đến đây rồi: Sau cánh cổng sắt, sau những hàng rào kẽm gai dày đặt, trong một góc biệt giam tối tăm, rồi thì mọi việc đều sáng tỏ. Ở đây mọi kịch bản đều vứt bỏ, mọi chiếc mặt nạ bị lấy ra, mọi khẩu hiệu đều kéo xuống, chỉ còn một sự thật trần trụi, lạnh lùng bày ra trước mắt: Sự đoạ đầy, tra tấn, bệnh hoạn và chết chóc. Trong địa ngục, con ác quỷ đã hiện nguyên hình. Ở đây chúng tha hồ tác yêu tác quái, những thủ đoạn tàn độc nhất được thực thi mà không cần phải che dấu hay đóng kịch. Chính trong nhà tù, bản chất chế độ đã được phơi bày.
Xe đi qua nhiều vùng đất mà tôi không biết rõ tên, chỉ thấy đất nước này thật đẹp thật nên thơ, mơn mởn như một cô gái xuân nhưng bây giờ lại nằm trong tay một đám người thô lỗ, hung bạo để chịu sự dày vò, đáng tiếc và đáng buồn biết bao.
Xe chạy qua Sa huỳnh, tôi nhoài người nhìn ra khoang cửa bên kia, loáng thoáng biển xanh mênh mông, một vài chiếc thuyền đánh cá làm tôi nhớ đến bờ biển quê tôi. Biển quê tôi không đẹp như Sa Huỳnh, chỉ có bờ cát trằng và trong kia là rừng dương xen lẫn với rất nhiều những cây dứa gai. Mùa hạ đến, mùi dứa gai thơm man mát, xao xuyến lòng những đôi tình nhân nếp mình vào nhau mê đắm. Tôi nhớ đến Trang- vợ tôi với những đêm trăng cầm tay nhau đi trong một khoảng trời cát trắng với mùi hoa dứa nồng nàn. Tôi nhớ đến các con tôi những chiều các cháu cùng tôi đi dạo, những đôi chân trần bé tí, những mái tóc mềm như tơ bị gió thổi tung, những vỏ sò vỏ ốc trên đôi tay mũm mỉm, những nụ cười trẻ thơ trong trẻo, hồn nhiên. Khi mỏi chân, cha con chúng tôi ghé vào một quán nước nghèo nàn, uống một chai nước khoáng và mấy cái cái bánh đậu xanh Bảo Hương nổi tiếng của Tam Kỳ. Lúc đó là những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, ở quê tôi như vậy là sang lắm rồi. Các con bây giờ như thế nào đây khi không có ba ở nhà. Ai đưa đón các con tôi đi học, ai đưa các con đi chơi, ai nghe các con kể chuyện.. các con làm nũng với ai? Nước mắt tôi chảy thành dòng, tôi không phải che giấu, không cần giải thích.
Ai đã cướp mất của các con tôi những ngày tháng hạnh phúc bình thường đó? Đây là một tội ác trong vô vàn những tội ác mà CS đã gieo rắc trên đất nước tôi nhân danh một chủ nghĩa ưu việt.
Nước mắt tôi khô dần trên má, xe đi qua Quảng Ngãi, xe chạy chậm lại vì đường quá hẹp, tôi được nhìn rõ những cảnh tượng quen thuộc, những người bán hàng rong ven đường ngước mắt nhìn chúng tôi lạ lẫm. Họ bán đủ thứ, bánh mì chả, bánh ú, vé số và nhiều nhất là những lon mạch nha và đường phổi. Xe dừng lại cho mấy tay cán bộ mua quà về cho gia đình ngoài Bắc. Chúng tôi không có tiền để mua, chỉ nhìn những lon mạch nha và những bánh đường phổi để mà thèm thôi. Có một vài cô gái muốn leo lên xe để rao hàng nhưng bị công an đuổi xuống với thái độ rất thô bạo. Có một người trong bọn họ giải thích khi dân chúng tò mò nhìn chúng tôi.
-Đây là xe giải bọn tội phạm nguy hiểm, chúng là bọn cướp của giết người..bà con phải tránh xa ra.
Những người dân đi đường nghe nói vậy họ càng hiếu kỳ kéo đến xem ngày một đông. Có người nhận xét.
-Cướp gì toàn mấy ông già và mấy người hiền khô trói gà không chặc vậy! Mấy ổng nói sao chứ!
Không biết trong anh em chúng tôi có ai đó giải thích cho họ. Họ nói với nhau:
-Tù chính trị bà con ơi..ra coi tù chính trị này.
Như vậy là cả một dãy phố gần đó và những người đi đường đứng lại vây quanh xe chúng tôi. Tôi và mọi người giơ cánh tay bị cùm vẫy chào bà con với nụ cười thân mật, tự hào..trong lòng dâng lên một niềm vui khôn tả nỗi.
Mấy tay công an vất vả xua đuổi họ.
-Chính chị chính em cái gì..giải tán hết.
Mặc cho sự xua đuổi thô bạo, bà con vẫn tiếp tục vây quanh mỗi lúc một đông. Thấy tình hình bất lợi, một cán bộ vào gặp lãnh đạo. Một lát sau xe chuyển bánh, bà con vẫy tay với theo lưu luyến.
Tôi bồi hồi nhìn những mảnh đất quen thuộc lướt nhanh qua khung cửa, đây là sông Trà Khúc, núi Ấn đây rồi, tôi nhìn lên núi Ấn, núi xanh và u uẩn như mang tâm sự gì.
Đây là một dãy phố nghèo nàn chật hẹp, những người nông dân gánh những buồng chuối màu vàng, màu xanh đi bán dạo.
Hai bên đường những mảnh ruộng nhỏ như bàn tay, lúa đang lên rất xanh,chuẩn bị trổ bông, những rừng bạch đàn trên đồi cao lao xao trong nắng và gió. Xe vượt lên mấy ngọn dốc nhỏ, tôi biết đã gần đến Chu Lai, quê của anh Trần Nam Phuơng và anh Hoàng Xuân Chinh.
Chu Lai là vùng đất đẹp tuyệt vời. Tôi đã đến đây rất nhiều lần. Phía Tây tiếp giáp với Trường Sơn, là những ngọn núi không cao lắm. Ở đó người dân đốt rừng làm rẫy. Những buổi mai và buổi chiều, trời trong và gió nhẹ nhìn lên từng cột khói trắng đang rướn mình vào khoảng không gian rồi tan loãng ở đó. Trong thời kỳ gọi là “bao cấp” và hợp tác xã nông nghiệp. Người nông dân không sống nỗi với chế độ “lúa điểm”, họ vào rừng lên núi để khai hoang..Vậy là rừng bị tàn phá.
Vào trong rừng sâu sống đơn độc một vài gia đình, mọi liên lạc với cuộc sống bên ngoài rất hạn chế.
Không có gì cả, chỉ có núi rừng bao bọc, ban đêm nằm nghe tiếng nai, tiếng man rất gần. Người ta không đi chợ vì không có chợ.
Cuộc sống hoàn toàn khác, cá dưới suối, dưới sông, chim thú trên rừng, lúa ngô tự làm ra, nhà tự cất lấy.
Cuộc sống như người tiền sử, nhưng được cái tự do, không bị gọi đi họp mỗi đêm. Ít khi tiếp xúc với công an-chính quyền để khỏi nhìn thấy những khuôn mặt đê tiện-hung bạo-hống hách hay những khuôn mặt lạnh lùng như nặn bằng sáp-không tình người không sinh khí. Chỉ là những cổ máy, những công cụ.
Tôi đã từng đi tìm vàng, len lỏi vào tận rừng sâu, dựng lều bên dòng suối để đãi vàng, đêm vào tá túc nơi nhà những người nông dân. Nhà rất hẹp nhưng tấm lòng thì rộng vô cùng, là khách phương xa được đối xử chân tình thân mật. Tôi mang cho họ vài tấm lưới, một vài cái bẫy chồn, bẫy nhím..như vậy là cả tháng trời họ cho mình ăn ngủ không mất tiền.
Lúc đó đãi vàng cũng chẳng được bao nhiêu, ngặt nỗi chẳng có việc gì làm nên phải cầu may ở số mệnh.
Phía đông Chu Lai giáp biển, không biết sao, một dẫy núi lạc loài lại nhô lên ven biển, ông trời mang đến cho Chu Lai một cảng biển nhỏ nhưng tuyệt đẹp, tàu thuyền ra vào tấp nập. Ở đây rất nhiều cá, những con cá mà khi viết những dòng này chỉ còn ước mơ chứ khó mà được thưởng thức.
Cá mú, cá chim, cá hồng, cá thu và rất nhiều mực, mực nang, mực ống..mùa hè đến Chu Lai vô cửa Kỳ Hà, từ xa chúng ta nghe xông lên mùi cá khô, cá mắm.
Bản đồ Chu Lai - Tam Kỳ. Nguồn: talkingproud.us
http://danchimviet.com/javascript/1x1.gif
Xe chạy ngang qua Chu Lai, anh Phương nhờ tôi ném xuống một lá thư ngắn. Sau này mới biết lá thư ngắn này đến được tay của chị Tuyết vợ anh Phương. Tôi cũng chuẩn bị một tờ giấy nhỏ viết mấy dòng..
“Kính nhờ bà con nào nhặt được chuyển đến số nhà ..giúp tôi.
Ba cùng với anh em tù chính trị ở Xuân Phước đã chuyển ra Bắc”.
Không may cho tôi, tờ giấy của tôi bị xe công an áp tải phía sau trông thấy. Họ dừng xe nhặt miếng giấy lên. Khi đi ngang qua Tam Kỳ, tôi cầu mong trời Phật cho tôi thấy được các con tôi vô tình đi qua ..Tôi căng mắt nhìn xuống phố.
Cái thị xã nhỏ bé này thật quen thuộc quá. Từ ngày ra đi, cách đây 2 năm. Tam Kỳ vẫn vậy: nhỏ bé đơn sơ. Hàng cây xà cừ xanh hơn một chút. Xe chạy rất nhanh, tiếng còi của xe mô tô công an chạy trước mở đường. Đoàn xe tù chính trị chúng tôi mỗi khi đi qua một thị xã một thành phố nào cùng có công an địa phương hộ tống mở đường nhưng khi qua Tam Kỳ tôi cảm thấy xe chạy nhanh hơn.
Cái giây phút được nhìn lại quê hương đi qua nhanh quá chưa kịp cho cái cảm giác khao khát vơi đi một chút.
Xe chạy đến đoạn đường cuối của thị xã Tam Kỳ, cái mong ước được nhìn thấy các con như vậy là hết (tôi biết điều này sẽ không xảy ra nhưng vẫn hy vọng). Khi xe ra ngoại ô thị xã, bất ngờ dừng lại trên một cánh đồng. Tôi nhận ra nơi này lúc còn đi học, những buổi chiều chủ nhật chúng tôi đạp xe rong chơi, chúng tôi ngồi bên vệ đường (ngày đó rất ít xe qua lại) ăn ổi chấm muối ớt mà các cô đã chuẩn bị sẳn ở nhà ..vừa ăn ổi vừa kể chuyện cười. Tôi nhận ra chỗ chúng tôi vẫn hay ngồi và hình dung cả những người bạn của tôi..ở chỗ đó là Hà, gần bên kia là Hương, Ấn và Trinh lúc nào cũng đi cặp. Chung quanh là cánh đồng có khi ươm vàng mùa hạ và ngập nước mùa đông, chơ vơ gốc rạ mùa thu và mơn mởn khi xuân sắp về.
Tay thiếu tá công an của Bộ nội vụ là Tiếp hùng hổ bước lên xe, hắn ta mặc thường phục, khoác chiếc áo jean mặt hằm hằm quát mắng mấy người công an trên xe.”
-Chúng mày ở đây làm gì để cho chúng nó vứt tài liệu xuống, rồi quay qua chúng tôi hỏi: Ai là Huỳnh Ngọc Tuấn.
Tôi giơ cánh tay không cùm lên, linh cảm lá thư đã bị bắt được, lần đi Bắc này chắc bị cùm rồi.
Hắn ta không nói gì nhưng đôi mắt đó, khuôn mặt đó thật hung dữ, rồi ra lệnh cho mấy người công an áp giải
-Cùm hết hai tay chúng nó lại
Họ lôi ra một lô còng tay, tôi và tất cả mọi người ngồi bên cửa sổ đều bị treo tay lên trần xe. Tên công an phụ trách văn hoá của trại Xuân Phước tên là Nhuận mà anh em gọi là “con rắn độc” vì nhìn bề ngoài hắn rất đẹp trai, nhưng lại có những hành vi tàn bạo thâm độc với mọi người. Hắn bóp còng vào tay tôi thật chặt. Tôi nói với hắn:
-Chặt quá, cán bộ nới còng ra một chút để máu lưu thông, nếu không thì bỏng tay tôi mất.
Hắn không thèm trả lời, chỉ nhìn tôi hằn học như muốn ăn tươi nuốt sống. Cái nhìn này giống hệt cái nhìn tôi đã từng thấy từ tên Trung tá công an Hồ Quỳnh- Trưởng CA thị xã Tam Kỳ..khi tôi bị bắt. Đó là đôi mắt của dã thú, đó là đôi mắt của con rắn hổ mang nhìn mồi khi bị khiêu khích.
Tạo hóa cho loài người đôi mắt không chỉ để nhìn ngắm mà còn để chuyển tải một tấm lòng một tình cảm, qua đôi mắt chúng ta thấy được nội tâm của người đối diện. Có những đôi mắt nai vàng, đôi mắt thơ ngây của trẻ con, đôi mắt đa tình của cô gái, đôi mắt từ ái của cha mẹ, đôi mắt bao dung của các vị linh mục, sư sãi, đôi mắt thân tình của bạn bè..nhưng cũng đáng buồn cho những đôi mắt đầy lòng hận thù, hừng hực lửa hung bạo và sát khí. Họ căm thù những con người lương thiện, tay không tấc sắt nhưng không làm vừa lòng họ, không để họ đè đầu cưỡi cổ, không để họ tự do vơ vét, tự do chém giết. Họ căm thù những con người có dũng khí đã dám nói lên cái bí mật lớn nhất của họ đó là sự ngu dốt, não trạng hoang đường, phiêu lưu, hiếu sát, tham lam vô độ. Tôi không còn cách nào khác, chỉ còn cách xoay cánh tay để mạch máu không bị chận, nếu không bàn tay bị chết mất vì thiếu máu nhưng những ngón tay vẫn bị tê dại.
Xe ra đến chân đèo Hải Vân thì trời đã tối hẳn, chúng tôi vượt qua đèo Hải Vân trong bóng đêm dày đặc, chung quanh tối như mực, trời lại mưa lất phất.
Tôi liên tục co duỗi mấy ngón tay cho máu lưu thông, trong lòng sẵn sàn chấp nhận bỏ một bàn tay. Trong chế độ cộng sản này những người dám đứng lên phản kháng chế độ độc tài, phải chuẩn bị cho mình một khả năng là sẵn sàng buông bỏ tất cả, cho dù đó là tính mạng của mình. Nếu không chuẩn bị trước điều này thì sẽ vô cùng sợ hãi khi đối diện với gian nguy và cái chết luôn luôn gần kề.
Xe lên đến đỉnh đèo thì dừng lại, chúng tôi được ăn tối ở đây, mỗi người một dĩa cơm và một khúc cá kho, một ít rau tươi. Tôi vui mừng vô cùng vì dù sao cũng được tháo còng một lúc. Tôi co duỗi mấy ngón tay đã tê cứng, bàn tay phải như mất cảm giác khi chạm vào dĩa cơm. Tôi cố gắng để không làm rơi cả dĩa.
15 phút họ cho nghỉ ngơi và kiểm tra xe trước khi xuống dốc. Xe lại nổ máy nhẹ nhẹ chuẩn bị lên đường.
Người cán bộ còn rất trẻ đến còng tay tôi, tôi nói với anh ta.
- Cán bộ Nhuận còng tay tôi chặt quá, nếu cần thì chặt tay tôi chứ đừng còng như vậy. Tôi sẽ la lên cho mọi người biết.
Anh ta còng vừa phải. Tên Nhuận từ dưới bước lên xe đến chỗ tôi, hắn kiểm tra còng tay rồi hắn bóp chặt vào. Tôi phản đối dữ dội, tôi la lớn:
- Cán bộ muốn giết tôi à, còng tay như thế này thì chặt đi cho xong!
Mọi người quay lại nghe tôi nói. Anh em ai cũng lên tiếng phản đối. Chú Sáu Bàng lên tiếng quyết liệt nhất. Chú nói với nó:
- Nếu tử hình cũng phải có án, chặt tay cũng phải có quyết định. Cán bộ không thể hành động tuỳ tiện như vậy được.
Thấy mọi người phản đối hành động bất nhân của hắn, tên Nhuận đồng ý nới còng ra. Còng vẫn còn chặt nhưng như thế này thì bàn tay tôi sẽ không sao.
Hắn cẩn thận dùng khoá để khoá còng tay lại.
Tôi nhớ mãi khuôn mặt trắng trẻo được chăm sóc một cách cẩn thận và đôi mắt vô hồn vô cảm của hắn.
Nhuận là một điển hình của bọn công an cộng sản VN, bên ngoài lịch sự, bảnh bao vì được đầu tư từ nguồn ngân sách khổng lồ của ngành CA, ngân sách này là tiền của dân, tiền từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên quốc gia được chi dùng để bảo vệ chế độ, mặc cho dân sống khốn khổ trong nghèo nàn tăm tối, mặc cho giáo dục ý tế lạc hậu suy đồi. Nhưng bên trong là một trái tim hoang dã, tâm địa thâm độc, dối trá hung bạo.
Những cơn gió lạnh lùa vào khung cửa, những giọt mưa lất phất bay, bóng đêm dày đặc, xa xa có một vài ánh đèn lẻ loi, yếu ớt..đây là những hình ảnh mà chúng tôi nhìn thấy trên đường ra Bắc cũng là hình ảnh của đất nước và dân tộc ngày nay. Tôi vẫn khắc khoải trong lòng một câu hỏi lớn: Bao giờ trời sáng, bao giờ thì bóng đêm tan- còn bao lâu nữa, không thể biết chính xác. Sau khi Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, nhân dân VN hy vọng sẽ có những thay đổi lớn ở VN. CSVN sau một thời gian khủng hoảng đã tìm được chỗ dựa mới cho dù phải hy sinh quyền lợi quốc gia dân tộc..chỗ dựa đó là Trung Cộng. Trước đây CSVN coi Liên Xô và khối cộng sản Đông Âu là “hòn đá tảng”. Bây giờ "hòn đá tảng" không còn CSVN phải bám víu vào Trung Cộng để duy trì quyền lực, đối với họ Trung cộng bây giờ là “bùa hộ mệnh” đúng hơn là ông “thần hộ mệnh”.
(còn tiếp)
© 2009 Đàn Chim Việt
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [1]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [2]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [3]
No comments:
Post a Comment