Tôi đọc “Biển Đỏ Việt Nam” của Nguyễn Quang
Bài của Đòan Thanh Liêm.
Cơ sở Cội Nguồn từ San Jose, California vừa mới cho ấn hành một tác phẩm mới của một cựu tù nhân chính trị mà hiện còn sinh sống tại Việt nam, đó là ông Nguyễn Quang.
Tác giả nguyên là Chủ tịch sinh viên công giáo Cư xá Đắc Lộ, thuộc Dòng Tên Saigon (1974-75). Ông bị giam giữ suốt 17 năm (1979-96) tại nhiều trại giam khắc nghiệt, nhất là traị Xuân Phước, Tuy Hòa mà các tù nhân thường gọi là “Thung lũng Tử thần”, vì nơi đây đã có rất nhiều tù nhân chính trị bị giam cầm tàn bạo, nghiệt ngã quá đỗi, nên một số khá đông đã phải bỏ xác trong tù.
Đây có thể coi là một “Truyện ký” (recit) của một người tù nhân lương tâm dưới chế độ “vô sản chuyên chính” ở Việt nam sau năm 1975. Sách dài gần 400 trang, trình bày rất trang nhã, với khổ chữ vừa đủ lớn, in trên loại giấy trắng rất dễ đọc. Vì mới được viết gần đây, nên cuốn sách chứa đựng nhiều chi tiết khá mới mẻ, cập nhật với tình hình thực trạng ở trong nước, sau khi tác giả trở về với đời sống tự do thoải mái bình thường.
Sách gồm 2 phần rõ rệt :
Phần 1 ghi lại rất chi tiết về cuộc sống trong tù, dài trên 200 trang,
Phần 2 kể lại một số việc tác giả làm sau khi ra tù, đặc biệt ở Đà lat.
Trong Phần 1, tác giả lấy tên là Thiện Nam để tường thuật lại khá nhiều chi tiết rất sinh động về cảnh sống đầy đọa tàn ác trong nhà tù, về sự đàn áp, trả thù man rợ của cán bộ coi tù, và nhất là về tình trạng bi đát, thảm não của các bạn tù đồng cảnh với mình. Đây rõ rệt là một chứng từ rất trung thực của một người tù có lòng tự trọng, ngay thẳng, không tô vẽ thêm bớt do thành kiến hay thù hận đối với kẻ đã từng hành hạ tàn nhẫn ngay cả đối với chính bản thân mình.
Vì thuộc loại trọng án, Thiện Nam luôn luôn ở sát cạnh những bạn tù trong khu dành cho người bị án chung thân hay tử hình. Vì thế anh có nhiều dịp trao đổi tâm sự với họ; đặc biệt là với những người sắp bị đem ra trường bắn. Anh kể về những bị can vào loại này, nhiều khi còn rất trẻ, vào tuổi dưới ba mươi, nhất là các em quê gốc ở miền Trung và nằm trong hang ngũ Đảng Đại Việt ở địa phương. Họ rất khẳng khái, can trường, không hề tỏ ra khiếp sợ trước cái chết gần kề. Đọc qua mấy đọan này, tôi có thắc mắc không biết trong Đảng Đại Việt, có ai thâu thập hồ sơ về các đảng viên của mình mà bị sát hại trong nhà tù cộng sản như tác giả Nguyễn Quang đã mô tả trong cuốn sách này hay không?
Nhân tiện cũng cần biết thêm chi tiết về các cựu tù nhân chính trị ở trại Xuân Phước, thì các vị này có tổ chức thành một thứ Hội Ái hữu Tù nhân Xuân Phước như trường hợp của các bạn tại trại tù Bình Điền ở gần Huế chăng? Cần phải có tài liệu ghi lại các nạn nhân bị sát hại cũng như bị chết trong tù vì bị bỏ đói, bị tật bệnh hay bị biệt giam tàn ác. Hiện tại ở trong nước, thì chỉ mới có một tổ chức dám có can đảm, kiên trì đứng ra hoạt động, đó là” Hội Ái hữu Cựu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo” do Thượng tọa Thích Thiện Minh sáng lập cách nay vài năm. Thượng tọa Thiện Minh vừa được Mang Lưới Nhân Quyền Việt Nam tuyển chọn là một trong hai cá nhân được trao giải Nhân Quyền Việt nam năm 2008 này, trong một buổi lễ sẽ được tổ chức tại thành phố Westminster, California vào ngày 14 Tháng 12 năm 2008 sắp tới đây. Mong rằng Hội Ái Hữu này sẽ có đủ phương tiện tài chính, cũng như nhân lực để tiến hành việc thâu thập đầy đủ các tài liệu về các tù nhân chính trị ở Việt nam suốt trong vòng mấy chục năm gần đây.
Tác giả cũng ghi nhận khá chi tiết về những người bị mắc bệnh tâm thần thuộc đủ mọi dạng do tinh thần bị khủng hoảng tàn phá trầm trọng vì bị giam giữ, bị xiềng chân, bị đối xử quá ư là tàn bạo, dã man liên tục trong nhiều năm tháng ở trong các phòng biệt giam dơ dáy, hôi thối nhầy nhụa và rồi còn bị bỏ đói khát, rét buốt hay bị phơi nắng đến độ bị ngất xỉu ngoài trời. Sự tàn ác này đã vượt quá sức chịu đựng của con người, kể các các tu sĩ của nhiều tôn giáo khác nhau, thì cũng không thể giữ vững được thể xác cũng như tinh thần của mình trong những điều kiện sinh sống quá ngặt nghèo của trại giam như vậy. Tác giả mô tả khá nhiểu dạng bệnh rối lọan tâm thần, từ lọan cảm giác, xao xuyến bất an đến ảo tưởng, ảo giác, trầm cảm, rối lọan cảm xúc, rối lọan tư duy, hoang tưởng, lọan thần kinh, tâm thần phân liệt v.v…Nhiều trường hợp nạn nhân quẫn trí quá đến độ đã quyên sinh bằng nhiều hình thức kể cả nhảy xuống giếng sâu, hay nhảy vào ngọn lửa, vào chảo nước đang sôi sục.
Tác giả còn liệt kê cả tên tuổi của một số linh mục bị chết trong tù như các LM Nguyễn văn Vàng, Nguyễn huy Chương, Nguyễn Luân, Nguyễn văn Thuyên, Trần văn Long, Nguyễn văn Phong... Và riêng LM Trần học Hiệu thì bị án tử hình. Mà so sánh với các Nhà sư bên Phật giáo, thì số vị sư bị chết trong tù vẫn ít hơn nhiều, cho dù họ cũng bị giam giữ rất lâu ngày, cụ thể như Thầy Thiện Minh đã nói ở trên, thì thầy ấy bị giam giữ đến 26 năm và mới được thả ra vào năm 2005 mới đây thôi.
Về phần một số lãnh tụ các nhóm hoạt đông chính trị, thì tác giả cũng ghi lại một số khía cạnh hoang tưởng, ngây thơ đến ngộ nghĩnh của các vị này, mà phần đông sức chịu đựng đã bị”bào mòn” sau bao nhiêu đói khổ, đầy đọa áp bức hạ nhục cũng như bị chính các bạn đồng cảnh phản bội đi tố giác với cán bộ coi tù. Rõ ràng là sức đề kháng chịu đựng của con người chỉ có thể tới một giới hạn nào đó mà thôi. Cho nên ta phải thông cảm cho các sự “Yếu đuối rất người như thế”. Con người ta đâu có phải ai ai cũng có thể là “anh hùng xuất chúng “ cả được?
Tác giả còn khắc họa khá rõ nét về nhiều “cán bộ coi tù” mà hầu hết đều tàn ác, nham hiểm, đánh đập tù nhân không thương tiếc bằng những trận “đòn hội chợ”, hành hạ, bêu riếu, làm nhục bất kể tù nhân nào, vì họ đều coi tù nhân chính trị như kẻ thù cho nên đã thẳng tay “trả thù đến tận cùng sự độc ác “ mà họ có thể nghĩ ra đuợc. Với tác phong của cán bộ canh tù như vậy, ta không lạ gì mà kẻ thắng trận đã chẳng làm sao mà “cải tạo” được tâm hồn của người thua trận, và nhất là những thành phần đối lập chính trị ở miền Nam Việt nam.
Trường hợp của các tù nhân từ con tàu Việt nam Thương tín từ Mỹ trở về nước vào cuối năm 1975 lại còn thê thảm hơn, mà sao chưa thấy các cựu tù nhân này họp nhau lại để làm thành một hồ sơ chi tiết về mấy trăm con người bạn cùng đồng hành với mình trên chuyến tàu định mệnh đó nhỉ?
Trong Phần 2, tác giả ghi lại các nhận xét về tình hình xã hội trong nước kể từ năm 1996 sau khi được trả tự do cho đến những năm gần đây. Đăc biệt là cái chuyện giao dịch hợp tác với chính quyền ở Đalat để mở một trường Dậy nghề lấy tên là “Trường Công nghệ Yersin” để dậy về kỹ thuật hiện đại cho giới thanh thiếu niên tại địa phương. Dù được sự hỗ trợ của nhiều giới, đặc biệt là sự khích lệ và cố vấn tận tình của cặp vợ chồng Mười Anh/Bác sĩ Văn, mà nhà trường cũng chỉ hoạt đông được trong một thời gian ngắn, vì gặp phải sự chống đối của chính Sở Lao động, thay vì phải khuyến khích mở mang việc dậy nghề, thì lại đi hoạnh họe bắt lỗi đủ kiểu này nọ, khiến đưa đến việc rút giấy phép, đóng cửa trường dậy nghề này.
Thật là một nét trái nghịch, mâu thuẫn với khung cảnh của miền cao nguyên vốn rất thuận lợi cho việc đào tạo sinh viên học sinh để cung cấp kỹ năng chuyên môn cho công cuộc phát triển kinh tế tại địa phương.
Xét chung, thì đây là một chứng liệu rất có giá trị của một người trẻ tuổi đã có can đảm đứng lên tranh đấu cho nhân phẩm và nhân quyền của người dân Việt nam ngay từ hồi sau 1975. Và do đó mà bị đầy đọa, giam cấm nghiệt ngã ở trong nhà tù suốt 17 năm trong cái tuổi thanh xuân của mình. Tác giả không hề tỏ ra có sự oán hận, thù hằn gì với người cộng sản. Nhưng đã trung thực ghi chép lại những điều chính bản thân đã trải nghiệm, bằng tai nghe mắt thấy trong môi trường lao tù cực kỳ tàn tệ của chế độ cộng sản ở quê hương mình.Tuy lời văn mộc mạc, kỹ thuật trình bày cũng như bố cục tác phẩm chưa được điêu luyện, trau chuốt; nhưng bằng sự quan sát tinh tường, bình tĩnh và nhất là với tấm lòng nhân hậu, thông cảm sâu sắc đối với các bạn cùng là nạn nhân của bạo lực như mình, tác giả Nguyễn Quang đã cống hiến cho chúng ta một tài liệu chi tiết rất đáng tin cậy. Tác phẩm này xứng đáng được xếp vào loại “Chúng tích của một thời đại bạo ngược, man rợ” trên đất nước ta dưới chế độ độc tài chuyên chế cộng sản hiện nay.
Cái độc đáo của tác phẩm này không phải là nó đem cho người đọc một sự thỏa mãn với lời giải đáp đầy đủ cho sự thắc mắc về tình hình phức tạp của Việt nam, mà chính là ở chỗ nó tạo thêm cho chúng ta một nhu cầu tìm hiểu tường tận hơn về thân phận của những tù nhân chính trị đã bị hành quyết, hay đã bị hành hạ đầy đọa đến độ bị kiệt sức vì đói khát, bệnh hoạn khiến đã phải bỏ thây ở trong tù. Những trang lịch sử đen tối đó cần phải được viết ra với thật nhiều chi tiết và sự chính xác khoa học. Những cựu tù nhân còn sống sót như chúng ta thì cần phải sát cánh với nhau để thực hiện được việc này. Đó là cách tốt nhất để tưởng nhớ đến các chiến hữu đã hy sinh cho chính nghĩa Tự do, Dân chủ và Nhân quyền của dân tộc chúng ta vậy.
Xin có lời chúc mừng và cảm ơn đến tác giả và nhà xuất bản đã cống hiến cho chúng ta một cuốn sách có giá trị này./
California, Tháng Mười 2008
Đoàn Thanh Liêm
Cựu tù nhân chính trị
http://www.doi-thoai.com/baimoi1008_479.html
No comments:
Post a Comment