TIN TỔNG HỢP NGÀY 29/03/2025
*****
Hải quân Mỹ, Nhật và Philippines tổ chức tập trận chung ở
Biển Đông
Minh Phương - RFI
Đăng
ngày: 29/03/2025 - 11:33Sửa đổi ngày: 29/03/2025 - 15:18
Hôm qua, 28/03/2025,
hải quân Hoa Kỳ, Nhật Bản và Philippines đã tổ chức các cuộc tập trận chung gần
bãi cạn Scarborough ở Biển Đông, trong dịp bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Pete Hegseth
tới thăm Philippines, điểm dừng chân đầu tiên trong vòng công du châu Á của
ông. Washington tái khẳng định cam kết với hiệp ước phòng thủ giữa hai nước
và cung cấp các bảo đảm cho Manila để đối phó với mọi mối đe dọa, bao gồm cả
các “cuộc tấn công” từ Trung Quốc.
HÌNH
Tàu của Hải quân Mỹ
USS Shoup (DDG86) (T) và tàu khu trục JS Noshiro của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật
Bản trong cuộc tập trận chung với Philippines, ngày 28/02/2025, tại vùng Biển
Đông mà Phillipines đang có tranh chấp với Trung quốc. AP - Aaron Favila
Theo hãng tin AP, cuộc
tập trận giữa ba nước nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng đối phó với khủng hoảng.
Tàu khu trục của Philippines, Hoa Kỳ và tàu hộ tống đa nhiệm của Nhật Bản đã di
chuyển theo đội hình và liên lạc qua sóng radio. Trong khi cuộc tập trận diễn
ra, có một tàu quân sự Trung Quốc dõi theo từ xa. Tàu Trung
Quốc đã cố gắng tiếp cận gần hơn vùng biển nơi các tàu chiến và máy bay của ba
nước Hoa Kỳ, Nhật Bản và Philippinesđang tập trận, nhưng đã bị tàu của
Philippines cảnh báo qua sóng radio.
Một phát ngôn viên của
Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam, thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc,
hôm nay tố cáo Philippines thường xuyên yêu cầu các nước khác tổ chức các “cuộc
tuần tra chung” và “đưa ra các yêu sách bất hợp pháp”,
gây mất ổn định trong khu vực.
Theo hình ảnh vệ tinh
do hãng tin Reuters thu thập được, Trung Quốc đã triển khai 2 máy bay ném bom tầm
xa H-6 xung quanh bãi cạn Scarborough, ngay trước chuyến thăm của bộ trưởng Quốc
Phòng Mỹ Pete Hegseth đến Philippines. Việc triển khai oanh tạc cơ đã không được
phía Trung Quốc công khai.
--------------------------
Các nội dung liên
quan
PHILIPPINES - TRUNG
QUỐC - BIỂN ĐÔNG
Philippines và đồng minh sẵn sàng chống Trung Quốc hạn chế
không phận ở Biển Đông
PHILIPPINES - MỸ -
TRUNG QUỐC - TÊN LỬA
Philippines tuyên bố sẽ trả tên lửa Typhon cho Mỹ nếu
Trung Quốc ngừng gây hấn ở Biển Đông
PHÁP - PHILIPPINES -
TẬP TRẬN - BIỂN ĐÔNG
Đội tàu sân bay Pháp tập trận với quân đội Philippines ở
Biển Đông
===============
Khẩu hiệu MAGA mới của Groenland : « Làm cho
người Mỹ cuốn gói »
Thùy Dương - RFI
Đăng
ngày: 29/03/2025 - 07:37
Bất chấp sự phản đối
của cả chính quyền và cư dân hòn đảo tự trị của Đan Mạch, phó tổng thống Mỹ JD
Vance hôm thứ Sáu 28/03/2025 cùng phu nhân Usha Vance và bộ trưởng Năng lượng Mỹ
Chris Wright vẫn đến Groenland. Tuy nhiên, do bị lên án là « can thiệp »,
« gây áp lực không thể chấp nhận » cho Groenland, những « vị
khách không mời mà đến » này cuối cùng đã phải rút gọn tối đa chuyến đi.
HÌNH :
(Ảnh minh họa) - Người
Groenland biểu tình trước lãnh sự quán Mỹ tại Nuuk, với khẩu hiệu « Groenland
thuộc về người dân Groenland », ngày 15/03/2025. © CHRISTIAN KLINDT
SOELBECK / AFP
Phái đoàn Mỹ chỉ đến
căn cứ quân sự Pituffik của Mỹ, nằm trên bờ biển phía tây bắc của Groenland, mà
theo chính quyền Trump, là để « được báo cáo về các chủ đề có liên
quan đến an ninh ở Bắc Cực » và gặp gỡ đội quân của Mỹ. Trên thực
tế, căn cứ Pituffik của Mỹ là tiền đồn phòng thủ tên lửa của Washington, đặc biệt
là để chống lại Nga, vì quỹ đạo ngắn nhất của tên lửa từ Nga tới Hoa Kỳ là bay
qua Groenland.
Hôm thứ Năm 27/03,
theo AFP, bộ trưởng Năng Lượng Mỹ Chris Wright phát biểu trên Fox
News : « Ở đó có hệ thống radar rất quan trọng để phát hiện
các hoạt động. Nếu các vũ khí hạt nhân đe dọa Hoa Kỳ được phóng đi, chúng sẽ
không bay qua Đại Tây Dương hay Thái Bình Dương, mà sẽ bay qua vùng cực ».
Tuy nhiên, chuyến
đi « tự ý » của phái đoàn Mỹ diễn ra trong bối cảnh
tổng thống Mỹ đòi « mua » Groenland, thậm chí để ngỏ
khả năng dùng vũ lực, khiến công luận vùng tự trị Groenland nói riêng và chính
quyền trung ương Đan Mạch, bức xúc, thậm chí làm dấy lên làn sóng bài Mỹ.
Trên đài RFI Pháp ngữ
ngày 27/03, nhà tư vấn Damien Degeorges, chuyên gia về Bắc Cực, giải
thích :
« Đây không còn
là giai đoạn mà mọi người tỏ ra khoan dung, độ lượng. Mới đây người dân
Groenland đã biểu tình tại thủ đô Nuuk, nói rằng họ không thể chịu đựng được nữa.
MAGA, chữ viết tắt của « Make America Great Again » (Làm cho nước Mỹ
vĩ đại trở lại), thậm chí giờ đây còn được chế thành khẩu hiệu mới « Make
America Go Away » (Làm cho Mỹ cút đi).
Căng thẳng đã lên đến
mức một dân biểu Đan Mạch, cũng là chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng của Quốc Hội, đã
đòi đóng cửa lãnh sự quán của Mỹ tại Nuuk, càng sớm càng tốt. Căng thẳng
như hiện nay là chưa từng có ».
Chiến thuật đàm phán
kiểu « được đằng chân lân đằng đầu » của Nga
Liên quan đến chiến
tranh Ukraina, vào tuần qua, tại cuộc họp thượng đỉnh hôm 27/03, ở Paris, các
nước đồng minh châu Âu của Ukraina đều dứt khoát chống lại việc bãi bỏ các lệnh
trừng phạt nhắm vào Nga. Thủ tướng Anh Keith Starmer thậm chí cho biết liên
minh các nước tình nguyện hỗ trợ Ukraina bảo đảm an ninh đã thảo luận về cách
tăng cường các lệnh trừng phạt Nga.
Tuyên bố được đưa ra
trong bối cảnh Washington hôm 25/03 loan báo Nga và Ukraina đã chấp nhận một lệnh
ngừng bắn ở Hắc Hải và chính quyền Donald Trump sẵn sàng hỗ trợ Nga xuất khẩu
nông sản, phân bón ra các thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn như thường
lệ, Nga cho thấy kiểu hành xử « được đằng chân, lân đằng đầu ».
Trả lời phỏng vấn đài
RFI Pháp ngữ ngày 25/03, nhà nghiên cứu Cyrille Bret của Viện Montaigne nhấn mạnh
rằng Nga đặt ra các điều kiện mới cho việc thi hành thỏa thuận và không đưa ra
bất kỳ cam kết cụ thể nào :
« Nhóm công tác
đã thảo luận về quyền tự do hàng hải ở Biển Đen, và Nga diễn giải điều này như
là quyền tự do thương mại cho tất cả các công ty của Nga trong lĩnh vực công
nghiệp nông nghiệp, tức là xem đây là một cuộc thương lượng về các lệnh trừng
phạt. Điều này có nghĩa là Nga đang phá hoại các cuộc đàm phán (được dự kiến
ban đầu). Các cuộc đàm phán (được lên kế hoạch ban đầu) không phải là để bàn về
việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt (Nga). Các cuộc đàm phán lẽ ra phải tập trung vào lệnh
ngừng bắn giới hạn theo địa lý và về quân sự.
Nga đã thêm lệnh ngừng
bắn ở Hắc Hải vào lệnh ngừng bắn nói trên, với rất nhiều điều kiện liên quan đến
lĩnh vực nông nghiệp -thực phẩm, xuất khẩu, tài chính trong lĩnh vực này, và cả
việc kết nối các ngân hàng nông nghiệp của Nga với hệ thống thanh toán quốc tế.
Trên thực tế, các điều
kiện do Nga đặt ra cho thấy rõ ràng rằng, thật đáng tiếc là chuyện này có rất
ít cơ hội được thực hiện lâu dài ».
Estonia cải tổ Hiến
Pháp để thắt chặt kiểm soát người Nga và Belarus
Tại vùng Baltic,
không chỉ tích cực tăng cường khả năng quốc phòng để đối phó với nguy cơ xâm lược
quân sự từ Nga, chính quyền Estonia còn thông qua dự luật sửa đổi khẩn cấp Hiến
Pháp, không cho những người đến từ các nước ngoài Liên Âu và NATO tham gia các
kỳ bầu cử tại Estonia. Biện pháp này được cho là chủ yếu nhằm thắt chặt kiểm
soát người Nga và Belarus sống tại Estonia.
Từ Vilnius, thông tín
viên RFI Marielle Vitureau trong vùng Baltic ngày 26/03 cho biết
thêm :
« Đối với 61 dân
biểu Estonia khởi xướng đề xuất sửa đổi Hiến Pháp, đây là vấn đề an ninh. Quyền
bỏ phiếu chỉ để dành cho những công dân chia sẻ các giá trị dân chủ với Nhà nước
Estonia. Quyết định này như vậy sẽ liên quan đến 80.000 công dân Nga đang cư
trú tại Estonia. Số lượng công dân Nga sinh sống tại Estonia đã giảm nhẹ trong
những năm gần đây.
Nhìn chung, quyền của
các công dân Nga và Belarus, khoảng 200.000 người trong một khu vực có dân số 6
triệu người, đang ngày càng bị hạn chế. Ở Estonia, họ không còn được giữ giấy
phép sử dụng súng. Tại Litva, công dân Nga bị cấm mua bất động sản trừ khi họ
là thường trú nhân. Một dự luật dự kiến cho phép chính quyền thu hồi giấy phép
cư trú của những người này nếu họ đến Nga hoặc Belarus nhiều hơn một lần trong
mỗi quý.
Để tránh nguy cơ công
dân nước mình bị các cơ quan tình báo Nga tuyển dụng, chính quyền các nước
Baltic muốn làm mọi cách có thể để giảm thiểu sự hiện diện của những người
không trung thành với đất nước, có kết nối với Matxcơva. Đó là những người bị
xem là mối đe dọa chính tại khu vực ».
Thuế quan ô tô :
Ai là nạn nhân mới của TT Mỹ Donald Trump ?
Về thương mại, tổng
thống Mỹ Donald Trump vẫn trung thành với loại « vũ khí thuế quan ».
« Đấu trường » mới lần này là lĩnh vực sản xuất ô tô trên quy mô toàn
cầu.
Mức thuế quan 25% của
Donald Trump không chỉ nhắm đến xe ô tô thành phẩm mà còn áp vào các linh kiện,
phụ tùng xe hơi, trong khi ngành chế tạo phụ tùng ô tô phụ thuộc vào chuỗi cung
ứng toàn cầu.
Theo AFP, Nhà Trắng
nhấn mạnh rằng trong số 16 triệu xe mới được bán tại Hoa Kỳ vào năm 2024, một nửa
được lắp ráp trong nước nhưng chỉ có 40-50% linh kiện được sản xuất trên lãnh
thổ Mỹ. Theo chính quyền Mỹ, thâm hụt thương mại đối với phụ tùng ô tô đã lên tới
93,5 tỷ đô la.
Mức thuế 25% của
Donald Trump đối với ô tô được cho là nhằm thúc đẩy ngành sản xuất của Mỹ, thế
nhưng nhiều hãng xe Mỹ tỏ ra khá lo lắng. Ngay cả Elon Musk, chủ nhân của hãng
xe điện Tesla, một người thân cận với chủ nhân Nhà Trắng, cũng thừa nhận trên mạng
X là thuế quan sẽ tác động nhiều đến chi phí sản xuất của Tesla, do Tesla
phải nhập khẩu nhiều linh kiện sản xuất từ nước ngoài.
Trên thực tế, ai là người chịu nhiều
thiệt hại nhất từ lệnh thuế quan mới của Donald Trump ? Trên đài RFI Pháp ngữ ngày 27/03, kinh tế gia Flavien
Neuvy, giám đốc Đài quan sát ô tô Cetelem phân tích :
« Đó là người
tiêu dùng Mỹ, những người Mỹ đi xe ô tô, bởi vì theo một cách nào đó thuế nhập
khẩu này sẽ được tính vào giá xe, như vậy là chính họ sau này sẽ là những người
phải gánh chịu phần thuế hải quan đó.
Và tất nhiên là mọi
nhà sản xuất ô tô và xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Mọi người nói nhiều đến thiệt hại đối
với các nhà sản xuất ô tô của châu Âu, nhất là các hãng xe của Đức, bởi vì Đức
xuất khẩu rất nhiều xe sang Hoa Kỳ, đặc biệt là dòng xe cao cấp. Nhưng các nhà
sản xuất xe của châu Á cũng bị tác động : rất nhiều hãng xe của Nhật Bản,
hay của Hàn Quốc.
Như vậy, dĩ nhiên là
có thể nói rằng toàn bộ ngành công nghiệp ô tô bị ảnh hưởng do quyết định này,
một quyết định đã được mọi người dự đoán từ trước, nhưng dẫu sao thì vẫn rất
thô bạo.
Chúng ta cần hiểu là
ngành công nghiệp ô tô là một ngành công nghiệp mà chuỗi sản xuất tạo giá trị,
tức là mọi bên liên quan tham gia vào dây chuyền chế tạo ô tô, được toàn cầu
hóa rất mạnh. Điều này có nghĩa là các nhà sản xuất của Hoa Kỳ nhập khẩu rất
nhiều linh kiện được sản xuất từ khắp nơi trên thế giới. Chính vì thế mà họ
cũng sẽ gián tiếp chịu tác động từ các khoản thuế nhập khẩu này và chắc chắn
các hãng xe Mỹ cũng sẽ phải tăng giá ô tô.
Như vậy đây thực sự
không phải là một tin tốt đẹp cho bất kỳ ai ».
Iran công bố
thêm một căn cứ tên lửa ngầm trong lòng đất
Nhìn sang Iran, trong
bối cảnh căng thẳng giữa Teheran với Mỹ vẫn chưa dịu lại, một hôm sau khi tuyên
bố để ngỏ khả năng « đối thoại » với Washington, lực lượng Vệ Binh
Cách Mạng hôm 25/03 công bố một căn cứ tên lửa ngầm trong lòng đất, với các tên
lửa có thể phóng sang tận Israel và các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực.
Từ Teheran, thông tín viên Siavosh
Ghazi cho biết thêm :
« Đây chắc hẳn
là một trong những căn cứ tên lửa ngầm lớn nhất được Iran tiết lộ trong những
năm gần đây. Trong những hình ảnh được truyền hình nhà nước phát đi, mọi người
có thể nhìn thấy các đường hầm lớn tới mức hai xe tải có thể chạy cùng lúc, với
hàng trăm tên lửa sẵn sàng được phóng đi. Theo các bình luận, đây là những tên
lửa có độ chính xác cao và có khả năng bắn tới tận Israel hoặc các căn cứ của
Hoa Kỳ trong khu vực.
Trong những tháng gần
đây, một số căn cứ khác cũng đã được Teheran công bố để thể hiện năng lực quân
sự của Iran.
Vụ công bố lần này diễn
ra khi tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Teheran hạn chế chương trình hạt nhân
và tên lửa đạn đạo. Teheran không phản hồi bức thư mà tổng thống Mỹ gửi cho họ,
nhưng ngoại trưởng Iran đã nhiều lần tuyên bố rằng Teheran từ chối mọi cuộc đàm
phán nếu bị đe dọa ».
Các nội dung liên
quan
ĐAN MẠCH - HOA KỲ
Ngoại trưởng Đan Mạch : Groenland không thuộc về Donald
Trump
MỸ- TRUNG QUỐC- NGA
Kềm tỏa Trung Quốc và Nga, mục tiêu của Mỹ trong kế hoạc
THEO DÒNG THỜI SỰ
Kiểm soát Groenland : Nước cờ của Donald Trump
======================
Áp thêm 25% thuế nhập khẩu ô tô, TT Mỹ mưu tính điều gì?
Đăng
ngày: 28/03/2025 - 14:31
Ai được hưởng lợi sau
đòn thuế quan của tổng thống Mỹ? Liệu quyết định này có thực sự là một tính
toán sai lầm như nhiều kinh tế gia vẫn nhận định? Châu Âu liệu có thể tự bảo đảm
an ninh cho Ukraina mà không cần có Hoa Kỳ? Nợ công tiếp tục đạt mức kỷ lục,
Pháp có thể tái vũ trang? Đây là các câu hỏi lớn được báo chí Pháp số ra hôm
nay 28/03/2025, quan tâm.
HÌNH :
Bãi xe tại nhà máy
Ford Hermosillo, tại Hermosillo, Sonora, Mêhicô, ngày 26/03/2025. REUTERS
- Santiago Fontes
Nhật báo kinh tế Les
Echos có bài giải thích chi tiết về quyết định tăng thuế xe hơi thêm 25% của
ông Trump. Trong bài viết mang tên “Bảy câu hỏi về cơn địa chấn trong lĩnh vực
xe hơi toàn cầu”, Les Echos phân tích rằng những đồng minh thân cận của Hoa
Kỳ sẽ là những nước bị tổn thương nghiêm trọng nhất bởi đòn thuế quan. Nếu mức
thuế 25% được duy trì lâu dài, ngành công nghiệp ô tô của các quốc gia láng giềng
lớn phía bắc và phía nam sẽ bị tàn phá.
Vậy ngược lại, ai sẽ
là bên thắng cuộc trước đòn thuế quan này? Tờ báo nhận định Tesla sẽ được hưởng
lợi nhiều nhất vì họ sản xuất các kiểu xe ngay trên đất Mỹ. Đứng trước câu hỏi
rằng liệu quyết định này có phải để giúp hãng xe của Elon Musk cạnh tranh tốt
hơn, tổng thống Trump đã giải thích khi công bố biện pháp gây sốc vào tối thứ
Tư rằng Musk “chưa bao giờ yêu cầu tôi bất kỳ đặc quyền nào cho các hoạt
động của mình”. Tuy nhiên hai tuần trước, Donald Trump đã “long trọng”
mua một chiếc Tesla để hỗ trợ giá cổ phiếu của nhà sản xuất này.
Ngoài ra, tập đoàn
Ford cũng có thể hưởng lợi từ quyết định này. Họ sản xuất 80% các mẫu xe của
mình tại Mỹ, bao gồm cả mẫu xe bán tải nổi bật F-150. Cuối cùng, một số thương
hiệu xa xỉ sẽ có thể đối mặt với cú sốc này tốt hơn những thương hiệu khác nhờ
vào tính đàn hồi mạnh mẽ của giá cả. Ferrari đã thông báo vào thứ Năm rằng họ sẽ
tăng giá tới 10% đối với một số kiểu xe của mình bán tại thị trường Mỹ.
Đứng trước tình hình
hiện nay, liệu các tập đoàn xe hơi có nên tính đến việc chuyển dịch sản xuất
sang đất Mỹ? Đó là một trong những mục tiêu mà Donald Trump đã công khai: thuế
quan phải đóng góp vào việc tái công nghiệp hóa Hoa Kỳ. Tuy nhiên, để đạt được
điều đó, các biện pháp thuế quan này cần phải được áp dụng trong dài hạn, kể cả
sau khi đã hết nhiệm kỳ bốn năm của tổng thống Trump. Đầu tư vào một nhà máy mới,
hoặc thậm chí chỉ đơn giản là thêm hoặc điều chỉnh một dây chuyền lắp ráp ô tô,
đều cần có thời gian. Do vậy việc các doanh nghiệp xe hơi chịu đầu tư vào Mỹ
chưa chắc đã có thể thành hiện thực trong một sớm một chiều.
Tăng thuế quan, có chắc
là tính toán sai lầm của tổng thống Mỹ ?
Hơn nữa các biện pháp
thuế quan này của tổng thống còn có thể khiến lạm phát tăng cao, bòn rút hầu
bao của dân Mỹ. Vậy phải chăng đây là một tính toán sai lầm của Donald Trump? Tờ
Libération dẫn phân tích của ông Pascal Lamy, cựu tổng giám đốc Tổ chức Thương
mại Thế giới (WTO), cho rằng để tìm ra động cơ thật sự đằng sau các quyết định
thuế quan của Trump, cần phải tự hỏi liệu ông có một chương trình nghị sự nhằm
thống trị thương mại, tài chính (với các loại tiền ảo), và địa chính trị hay
không. Ông Lamy nhận định Hoa Kỳ vẫn là cường quốc số một thế giới về kinh tế,
công nghệ, và chiến lược, nhưng để duy trì vị trí này, quyền truy cập vào các
nguồn tài nguyên của nền kinh tế tương lai là rất quan trọng, bao gồm nước,
khoáng sản và đất hiếm.
Trái ngược với điện,
nước có thể lưu trữ được, nhưng việc vận chuyển lại rất khó khăn, điều này đòi
hỏi phải kiểm soát nguồn tài nguyên, và đây là lý do tại sao câu chuyện về
Canada cần được xem xét nghiêm túc. Tương tự, Groenland có tiềm năng tài nguyên
phong phú còn Ukraina sở hữu nguồn đất hiếm dồi dào. Tóm lại, những biện pháp mạnh
của tổng thống Mỹ có thể nhằm giúp Washington chiếm lợi thế trong các cuộc
thương thảo về nhiều vấn đề khác. Cựu tổng giám đốc WTO kết luận ông Trump có
nhiều cộng sự và họ hẳn đã suy tính về quyết định này từ lâu.
Trước tình hình đó,
châu Âu nên làm gì? Ông Lamy cho rằng Liên Âu (EU) nên để cho Mỹ thấy bản
thân sẵn sàng đàm phán với một “con dao” trong tay. Vì khác với Canada,
Mêhicô hay Vương quốc Anh, châu Âu có đủ sức mạnh kinh tế để đáp trả các đòn
thuế quan của Trump một cách hiệu quả. Thêm vào đó, thâm hụt thương mại của Mỹ
với châu Âu thấp hơn nhiều so với những gì mà người đứng đầu Nhà Trắng đã nói:
thực tế, số đó chỉ là 50 tỷ đô la nếu tính cả dịch vụ, thay vì 300 tỷ đô la như
ông đã đề cập.
Châu Âu và Ukraina
tay trong tay
Về thời sự châu Âu,
La Croix chạy tựa “Châu Âu muốn tăng ảnh hưởng trong các cuộc đàm phán về
Ukraina”. Nhật báo Công giáo cho biết 31 quốc gia, bao gồm các nước thuộc
Liên Hiệp Châu Âu cùng với Anh, Canada, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ và Úc, đã tề tựu hôm
thứ Năm, 27/03 tại Paris, và quyết định thành lập một “liên minh vì hòa bình
vững chắc ở Ukraina”. Không được mời đến tham dự các cuộc đàm phán do Mỹ dẫn
dắt ở Ả Rập Xê Út, châu Âu đang cân nhắc việc triển khai một lực lượng đến
Ukraina mà không cần sự đồng thuận của Matxcơva cũng như sự hỗ trợ từ
Washington.
Tuy nhiên, theo tờ Le
Figaro trong bài “Dẫn đầu bởi cặp đôi ỳ, châu Âu và Ukraina vẫn đang cố
gắng để thuyết phục nguyên thủ Mỹ. Tờ báo nhận định cuộc họp mới của “liên
minh tình nguyện vì Ukraina” là một cách để châu Âu chứng Pháp-Anh, các
quốc gia châu Âu đang tìm kiếm một giải pháp thay thế cho nền "hòa
bình" mà Trump muốn áp đặt ở Ukraina”, dù họp bàn mà không có Hoa K tỏ
cho Mỹ thấy sự nghiêm t úc và quyết tâm chính trị mới của mình, khi cuối cùng
EU cũng quyết định tự đảm nhận trách nhiệm an ninh của mình. Châu Âu, dù đã mất
niềm tin vào đồng minh cũ, nhưng vẫn cố gắng thuyết phục Donald Trump duy trì “mạng
lưới an ninh” ở Ukraina cho tới khi quân đội châu Âu được củng cố. Về phần
Ukraina, Kiev cũng cố gắng giữ vai trò “học sinh ngoan” và chấp nhận các
đề xuất ngừng bắn của Mỹ, để chứng minh với Donald Trump rằng chính Vladimir
Putin, chứ không phải Volodymyr Zelensky, là người từ chối hòa bình.
Pháp : Tái vũ
trang trong bối cảnh nợ công tăng vọt
Về thời sự nước Pháp,
nhật báo Le Monde, Les Echos và Le Figaro đều có bài viết về tình trạng nợ công
tăng cao. Trong bài “Pháp và những kỷ lục mới về nợ công”,
Le Monde thống kê trong suốt bốn thập niên qua, nợ công của Pháp đã tăng từ 100
tỷ euro vào năm 1981, vượt mốc 1.000 tỷ vào năm 2003, và rồi đạt 3.000 tỷ vào
năm 2023. Và mới đây nhất, theo số do Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc
gia (Insee) công bố hôm qua, thì mức nợ công của Pháp đã tăng thêm 203 tỷ euro
chỉ trong năm 2024, nâng tổng số nợ lên thành 3.305 tỷ euro. Đây là mức tăng nợ
kỷ lục khi mà Pháp thậm chí còn đang không trong thời đại dịch hay chiến
tranh.
Theo Le Monde, nguyên
nhân dẫn đến những kỷ lục này có thể gói gọn trong một từ : thâm hụt. Vào năm
2024, chênh lệch thu chi ngân sách công của Pháp đã tăng lên 5,8% GDP, trong
khi dự báo ban đầu là sẽ giảm xuống còn 4,4%. Đây là một sự sai lệch đáng kể,
khiến Nhà nước phải vay thêm nợ. Tờ Les Echos giải thích thêm rằng phần lớn chi
tiêu của chính phủ là dành cho phúc lợi xã hội, chiếm 60%, trong đó riêng quỹ
lương hưu đã chiếm tới 40%. Trong khi đó, Le Figaro dẫn lời các dân biểu, cho
thấy đây là dịp để các bên chỉ trích lẫn nhau. Chủ tịch Ủy ban Tài chính
Eric Coquerel, thuộc đảng Nước Pháp Bất Khuất thì đổ lỗi cho “sự đui mù của
chính phủ” khi đã trao “những món quà thuế suất cho giới siêu giàu”.
Trong khi đó dân biểu Mathieu Lefèvre theo phe Macon, thì cho rằng đây là “sai
sót nghiêm trọng” của các cơ quan trong bộ Tài Chính, chứ chẳng liên quan
gì đến chính trị.
Đứng trước các kỷ lục
không ngừng bị đạp đổ, Le Monde đặt câu hỏi : Liệu việc tái vũ trang châu Âu sẽ
có tác động thế nào đến tình hình nợ công của Pháp ? Trước mối đe dọa từ Nga và
sự bỏ rơi của Mỹ, ngân sách quốc phòng của Pháp sẽ cần tăng từ 2% lên 3-4, hoặc
thậm chí là 5% GDP, như tổng thống Emmanuel Macron đã từng đề cập. Do đó, việc
giảm thâm hụt của Nhà nước và giảm nợ công sẽ trở nên khó khăn hơn. Hơn nữa, việc
các quốc gia châu Âu tái vũ trang cũng khiến lãi suất cho vay tăng đột ngột. Nếu
như trong những năm 2010, lãi suất chỉ từ 0% đến 1%, thì hiện nay
chúng dao động quanh mức 3,5%. Và rồi theo dự báo, tới năm 2029, ngân sách mà
Pháp dành để chi trả cho lãi suất vay sẽ có thể lên tới 112 tỷ euro, vượt xa
ngân sách dành cho giáo dục.
Tuyệt vọng, người dân
Gaza biểu tình chống Hamas
Về tình hình Trung Cận
Đông, nhật báo Le Monde chạy tựa về phong trào bài Hamas ở Gaza. Trong bài “Khởi
đầu phong trào chống Hamas ở Gaza”, Le Monde cho biết cuộc biểu tình bắt đầu
một cách tự phát tại một trung tâm tiếp nhận người di cư vào chiều ngày 25/03, ở
miền bắc Gaza, trong bối cảnh quân đội Israel tiếp tục ra lệnh di tản. Người
dân hô vang khẩu hiệu kêu gọi chấm dứt các cuộc tàn sát và chiến tranh. Dần dần,
những tiếng hô này chuyển sang kêu gọi chống lại Hamas: “Hamas cút đi !”
hay “Hamas là kẻ khủng bố!”.
Phía Israel cũng
nhanh chóng tranh thủ dịp này. Trong đoạn video phát đi hôm thứ Tư, bộ trưởng
Quốc Phòng Israel, ông Israel Katz đã khuyên người dân ở Gaza “nên
yêu cầu Hamas rút lui và thả ngay lập tức tất cả các con tin Israel” đồng
thời đe dọa sẽ tiến hành các chiến dịch quân sự mới.
Ông Khalil Shaheen,
giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược
Palestine, nhận định rằng “sau một năm rưỡi chịu cảnh diệt chủng, việc người
dân giận dữ cũng là điều dễ hiểu”. Trong dải đất chật hẹp, nỗi tuyệt
vọng đã bao trùm. Các quốc gia châu Âu thì giữ im lặng, Israel ngày càng tung
hoành khi được Mỹ ủng hộ hoàn toàn trong việc tiến hành trục xuất ngườiPalestine
ra khỏi lãnh thổ của họ.
Trong khi đó tờ Le
Figaro thì quan tâm đến tình hình ở Syria, sau khi chính phủ mới được thành lập.
Trong bài “Các nghị sĩ kêu gọi thận trọng trong việc viện trợ cho Syria”,
tờ báo nhận định những cuộc tàn sát người Alaouite ba tháng sau sự sụp đổ của
Bachar al-Assad, đã gây ra cú sốc cho Bruxelles và khiến giới lập pháp châu Âu
phải cảnh giác. Nếu như trước đó, nhiều nước phương Tây đồng loạt chúc mừng
Syria “bước sang trang sử mới” sau khi chế độ độc tài Assad sụp đổ, thì
giờ họ bắt đầu ngần ngại khi thấy một số cộng đồng ở Syria vẫn chìm trong bạo lực
và buộc phải di cư, đặc biệt là nhóm người Alaouite, những người theo dòng Hồi
Giáo Shia, khác với hệ phái Sunni của chính quyền mới. Hơn nữa, Bachar Al Assad
xuất thân từ sắc tộc này nên người Alaouite bị xem là “cận vệ” của chế độ cũ.
Các tổ chức phi chính phủ đã lên án gần 1.500 người chết ở khu vực phía Tây của
đất nước, trong đó phần lớn là dân thường.
Trước đó, hôm 17/03,
châu Âu đã cam kết khoản tài trợ dành cho Syria có thể lên tới 5,8 tỷ euro,
trong đó có 4,2 tỷ euro dưới dạng viện trợ và 1,6 tỷ euro dưới dạng cho vay.
Tuy nhiên, Bruxelles cũng cho biết sẽ có các “điều kiện kèm theo” và đảm
bảo kiểm chứng việc thực hiện các điều kiện đó.
---------------------------
Các nội dung liên
quan
MỸ - THUẾ QUAN - Ô TÔ
Mỹ tăng thuế ô tô : Ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu
hoảng loạn, Trung Quốc lại bình yên
==================
Chính giới, truyền thông Ukraina : "Không thể chấp
nhận" dự thảo thỏa thuận khoáng sản mới của Mỹ
Trọng Thành|Minh Phương - RFI
Đăng
ngày: 29/03/2025 - 11:42 - Sửa đổi ngày: 29/03/2025 - 15:17
Hôm qua, 28/05/2025,
tổng thống Volodymyr Zelensky thông báo đã nhận được phiên bản mới của dự án thỏa
thuận khai thác khoáng sản tại Ukraina từ chính quyền Mỹ. Theo AFP, dự thảo thỏa
thuận chưa được chính thức công bố, nhưng đông đảo giới chính trị, truyền thông
Ukraina coi dự thảo này là « không chấp nhận được ». Theo hãng tin Mỹ
Bloomberg, hôm 27/05, với dự thảo này, chính quyền Trump muốn độc quyền kiểm
soát việc khai thác tài nguyên và các cơ sở hạ tầng tại Ukraina, gạt châu Âu ra
ngoài.
HÌNH :
(Ảnh minh họa) - Tổng
thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky tại phòng Bầu Dục
ở Nhà Trắng, ngày 28/02/2025. AFP - SAUL LOEB
Hãng tin Pháp AFP dẫn
lại nhật báo Ukraina, Ukrainska Pravda, theo đó, « chính quyền
Trump đã từ bỏ mọi thỏa hiệp đã được hai bên chấp thuận hồi tháng trước », và
dự thảo mới « đã vượt qua hầu hết các lằn ranh đỏ » của
Ukraina, « tước đoạt một phần chủ quyền của Ukraina », buộc
Ukraina phải « bồi hoàn toàn bộ các viện trợ » nhận
được từ Mỹ kể từ đầu cuộc kháng chiến chống xâm lược Nga. Vẫn theo Ukrainska
Pravda, thỏa thuận không nêu lên bất cứ bảo đảm an ninh nào của Mỹ đối với
Ukraina, điều mà Kiev liên tục nhấn mạnh.
Theo nhật báo Pháp Le
Monde, tổng thống Zelensky đã phản ứng rất thận trọng. Lãnh đạo Ukraina chỉ cứng
rắn duy nhất về một điểm, khi khẳng định các khoản viện trợ của chính quyền tiền
nhiệm Mỹ không thể coi là các khoản cho vay, mà là các khoản « cho
tặng ». Tổng thống Ukraina gián tiếp chỉ trích dự thảo này khi
cho biết « nhiều nội dung được nêu ra đã không được thảo luận, và
một số nội dung đã được hai bên gạt bỏ trước đó ».
Theo dự thảo thỏa thuận
mà Bloomberg News có được, chính quyền Trump muốn giành quyền phủ quyết
đối với bất cứ dự án khai thác khoáng sản và đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại
Ukraina, gạt bỏ cơ hội hợp tác của Ukraina với các đồng minh châu Âu, và « cản
trở nỗ lực gia nhập Liên Hiệp Châu Âu » của Ukraina.
Theo nhà
báo Sergueï Sidorenko, trên nhật báo Evropeïskaïa Pravda, rất ít khả
năng tổng thống Ukraina ký vào văn bản này, và chắc chắn dự thảo thỏa thuận « tai
họa » và « ô nhục » này sẽ không được
Quốc Hội Ukraina phê chuẩn.
Ngoại trưởng Mỹ thừa
nhận chưa thể ấn định thời hạn đàm phán hòa bình cho Ukraina
Trả lời báo chí, trên
đường bay tới Miami, Florida hôm 27/03/2025, ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã thừa
nhận Washington chưa thể ấn định được thời hạn đàm phán về hòa bình cho Ukraina
vì điều này không phụ thuộc vào Mỹ mà vào Nga, Ukraina và cả các nước châu Âu.
Khi được hỏi liệu có
phải Nga đang « câu giờ » hay không, ngoại trưởng Rubio
trả lời : « Cuộc chiến này rất phức tạp (...), và nó đã kéo dài gần
ba năm rồi. Tôi chưa bao giờ nói rằng sẽ dễ dàng. Còn rất nhiều công việc cần
làm với cả hai bên, đặc biệt là với phía Nga, nhất là khi mà chúng tôi đã không
nói chuyện trong vài năm ». Ông cũng cho biết rằng còn quá sớm để hy vọng
vào các cuộc đàm phán cấp cao giữa Nga và Mỹ.
Về phía tổng thống Mỹ
Donald Trump, nhắc lại cuộc phỏng vấn hôm thứ Ba trên kênh Newsmax, báo Pháp Le
Monde cho biết ông Trump đã phải thừa nhận rằng kế hoạch kết thúc chiến
tranh « trong vòng 24 giờ », mà ông vẫn thường nhắc tới khi tranh cử,
không còn khả thi. Ông Trump nói : « Tôi nghĩ rằng Nga muốn chấm dứt
[chiến tranh], nhưng có thể họ đang cố gắng trì hoãn.»
Zelensky: Putin
câu giờ khi tung ra ý tưởng « chính quyền chuyển tiếp »
Về tuyên bố của tổng
thống Nga Vladimir Putin, lập một « chính quyền chuyển tiếp » tại
Ukraina dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc trong thời gian tổ chức bầu cử tổng
thống mới, tổng thống Zelensky, trong cuộc họp báo hôm qua, nhấn mạnh : « Tất
cả những điều ông ta làm là để trì hoãn mọi khả năng đàm phán để hướng đến chấm
dứt chiến tranh ».
Liên Hiệp Quốc kêu gọi
Nga chấm dứt tấn công dân thường tại Ukraina
Về tình hình chiến
tranh, theo AFP, trong đêm hôm qua, drone của Nga đã giết hại ít nhất 4 người
và làm bị thương 21 người khác tại thành phố Dnipro, miền trung-đông Ukraina.
Chính quyền địa phương cho biết, tàn phá diễn ra trên quy mô lớn, « một
tổ hợp khách sạn và nhà hàng, 11 nhà ở, một trạm xăng và nhiều nhà đậu
xe » bị phá hủy.
Cao ủy Nhân quyền
Liên Hiệp Quốc Volker Turk hôm qua kêu gọi Nga chấm dứt các cuộc tấn công vào
dân thường tại Ukraina, vốn dĩ đã và đang gây ra « những nỗi đau
kinh hoàng ». Theo Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, « số
nạn nhân trong 3 tháng đầu năm nay tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái ».
-------------------------------
Các nội dung liên
quan
NGA - LHQ - BẦU CỬ TỔNG
THỔNG UKRAINA
Tổng thống Nga gợi ý tưởng lập « chính quyền
chuyển tiếp » tại Ukraina dưới sự bảo trợ của LHQ
CHIẾN TRANH UKRAINA
Mỹ thông báo Nga và Ukraina đồng ý ngừng bắn ở Hắc Hải
ĐIỂM BÁO
Zelensky : Còn Putin thì chiến tranh chưa thể kết thúc
========================
Động đất chưa từng có từ nhiều thập niên tại Miến Điện: Tập
đoàn quân sự kêu gọi quốc tế cứu trợ
Minh Phương - RFI
Đăng
ngày: 29/03/2025 - 13:20 - Sửa đổi ngày: 29/03/2025 - 18:32
Theo thông báo hôm
nay 29/03/2025 của chính quyền quân sự Miến Điện, trận động đất hôm 28/03 đã
khiến ít nhất 1.000 người thiệt mạng và hơn 2.300 người bị thương. Số người thiệt
mạng có thể sẽ còn tăng mạnh. Trước tình hình đó, lãnh đạo chế độ quân sự Miến
Điện, tướng Min Aung Hlaing, trong một động thái hiếm có, đã kêu gọi “mọi quốc
gia, mọi tổ chức” viện trợ Miến Điện.
HÌNH :
Một khu nhà đổ nát sau
trận động đất tại Mandalay, Miến Điện, ngày 28/03/2025. AFP - STR
Các nhà địa chất học
của Mỹ cho biết chưa bao giờ một trận động đất có cường độ mạnh như vậy xảy ra ở
Miến Điện tính từ nhiều thập kỷ trở lại đây. Tại Mandalay, khu vực bị ảnh hưởng
nặng nề nhất, có hơn 90 người được cho là mắc kẹt trong đống đổ nát của một tòa
nhà cao 12 tầng. Những cơn rung chấn mạnh đến mức khiến hàng triệu người dân ở
Bangkok, Thái Lan, cách tâm chấn 1.000 km, cũng rơi vào cảnh hoảng loạn.
Chính quyền quân sự
Miến Điện đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại sáu khu vực chịu ảnh hưởng nặng
nề nhất, đồng thời kêu gọi quốc tế giúp đỡ. Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc,
Malaysia đã cho triển khai lực lượng cứu trợ đến Miến Điện. Hiệp hội Các quốc
gia Đông Nam Á (ASEAN) khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ để viện trợ nhân đạo và
giúp nước này phục hồi sau thảm họa. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã hứa
Washington sẽ giúp đỡ người dân Miến Điện.
Tuy nhiên, vấn đề đặt
ra hiện nay là nguy cơ chính quyền quân sự sẽ chỉ phân phát viện trợ ở những
khu vực mà họ kiểm soát. Trả lời RFI Pháp ngữ, bà Johanna Chardonnieras, thuộc
tổ chức phi chính phủ “Info Birmanie” nhận định :
“Đáng buồn là chế độ
quân sự ở Miến Điện đã nhiều lần lợi dụng các thảm họa tự nhiên. Do vậy, các quốc
gia và tổ chức quốc tế sẵn sàng giúp đỡ người dân Miến Điện sau trận động đất
này thực sự phải chú ý để đảm bảo rằng viện trợ không chỉ do các cơ quan của chế
độ quân sự quản lý. Quốc tế có thể viện trợ Miến Điện thông qua nhiều cơ quan
khác như các tổ chức phi chính phủ hay các nhóm vũ trang sắc tộc tham gia công
tác nhân đạo trên quy mô toàn quốc.
Mọi người từng chứng
kiến chế độ quân sự phân phát viện trợ nhân đạo quốc tế chỉ ở các khu vực dưới
sự kiểm soát của họ, nhưng lại ngăn chặn cấp phát viện trợ ở các khu vực không
thuộc quyền kiểm soát của quân đội. Tập đoàn quân sự yêu cầu người dân cung cấp
giấy tờ để được nhận viện trợ nhân đạo, điều này cho phép họ kiểm soát và xác định
người nhận. Chính quyền quân sự rất hay làm như vậy, họ chặn dòng viện trợ
trong nhiều tháng, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu như thực phẩm và thuốc
men ở các khu vực mà họ không kiểm soát được.
Với thảm họa thiên
nhiên lần này viện trợ cần phải được phân phối đến tất cả các khu vực.”
--------------------------------
Các nội dung liên
quan
MIẾN ĐIỆN - ĐỘNG ĐẤT
Động đất mạnh tại Miến Điện, dư chấn đến Thái Lan và
Trung Quốc
===================
Sống chết vì sự thật tại Gaza: Những phóng viên trong tầm
ngắm của quân đội Israel
Trọng Thành - RFI
Đăng
ngày: 29/03/2025 - 18:16 - Sửa đổi ngày: 29/03/2025 - 18:25
Gaza không chỉ là chiến
trường giữa quân đội Israel và lực lượng Hamas, với nạn nhân chủ yếu là thường
dân Palestine. Đây cũng là nơi mà cái chết rình rập mỗi bước chân của các nhà
báo. Hơn 200 người làm nghề truyền thông bỏ mình từ đầu chiến tranh. Cuộc điều
tra Gaza Project, do mạng lưới nhà báo quốc tế Forbidden Stories chủ trì, với sự
tham gia của RFI cùng hơn 10 hãng truyền thông quốc tế, đưa công chúng đến với
các nhà báo dùng drone, tuyến đầu của cuộc chiến vì sự thật.
HÌNH :
Nhà báo Mahmoud
Isleem al-Basos qua đời trong một cuộc oanh kích của Israel ngày 15/03/2024, ít
ngày sau khi dùng drone quay cảnh Gaza bị tàn phá. © Avec l'aimable
autorisation de Shadi al-Tabatiby
Shadi al-Tabatiby là
một trong số họ. Trước chiến tranh, người thanh niên trạc 30 tuổi này thường
xuyên đưa lên mạng xã hội những hình ảnh một xứ sở đầy sức sống, vốn thường được
biết đến như một khu vực bị phong tỏa ngặt nghèo. Cảnh mặt trời lặn thanh bình
trên thành phố, xe cộ nườm nượp, thuyền câu trên biển biếc giờ không còn nữa…
Biển vẫn trong xanh đến vô tình, nhưng mảnh đất hơn 40 km² giờ đã thành đống
hoang tàn đổ nát.
Điều tra của Forbidden Stories, được công bố cuối
tháng 5/2025, đưa công chúng đến với các nhà báo dùng drone, những người đã hy
sinh, những người đang còn sống, các sản phẩm mà họ để lại, cuộc sống giữa hai
làn đạn của họ cùng các hành xử của phía Israel đối với các nhà báo tác nghiệp
bằng drone tại mảnh đất Gaza trong chiến tranh.
Shadi từng làm việc
cho Reuters, AP, AFP, hay hãng tin Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu. Nhà báo này đã tận tụy
đưa công chúng đến với các hình ảnh về Gaza bị tàn phá trong những tuần đầu chiến
tranh, bùng lên sau khi Israel mở chiến dịch quân sự tấn công Gaza để trả đũa vụ
khủng bố tàn khốc khiến hơn 1.200 người chết và hơn 200 người bị bắt làm con
tin, ngày 07/10/2023. Tháng Giêng 2024, người phóng viên dùng drone quyết định
ngừng công việc do lo sợ cho tính mạng của vợ và đứa con sơ sinh. Tháng 5/2025,
Shadi trốn khỏi Gaza. Nhưng nhiều phóng viên khác vẫn tiếp tục tác nghiệp bằng
drone.
Tác nghiệp dưới họng
súng
Moustafa Thuraya, bạn
của Shadi, là nhà báo Palestine đầu tiên bị giết, kể từ ngày 07/10/2023 trong
lúc đang tác nghiệp với drone. Ngày 24/02/2024, Abdallah al-Hajj bị trọng
thương, mất hai chân, đúng vào lúc anh thu dọn đồ nghề. Hai nhà báo Ibrahim và
Ayman al-Gharbaoui bị giết ngày 26/04/2024, ngay trong lần đầu tiên dùng drone.
Làm nhà báo tại Gaza
là đối mặt với cái chết. Là nhà báo dùng drone còn mạo hiểm gấp bội phần. Đại
tá Eran Shamir Borer, từng đứng đầu bộ phận pháp lý của quân đội Israel, và hiện
lãnh đạo Trung tâm vì An ninh và Dân chủ thuộc Viện Israel vì Dân chủ, ngạc
nhiên về việc các nhà báo dùng drone tác nghiệp trong chiến tranh, và đặc biệt
là tại Gaza. Tại mảnh đất bằng phẳng này, Hamas cũng dùng drone, và nhiều người
thuộc lực lượng này giả dạng thường dân. Dù sao, theo vị đại tá này, nếu quân đội
Israel biết được các nhà báo dùng drone, họ sẽ « thận trọng hơn ».
Drone và những hình ảnh
chân thật
Trên thực tế, dường
như trong quân đội Israel không hề có quy định nào liên quan đến ứng xử với
drone của giới truyền thông. Điều tra của Forbidden Stories thu thập được những
lời chứng của cựu quân nhân Michael Ofer-Ziv, từng tham chiến những ngày đầu
chiến tranh. Theo người lính này, không khí chung trong quân đội là coi tất cả
các drone và người sử dụng (không thuộc phía Israel) là đối tượng triệt hạ.
Mạo hiểm sự sống đến
tận cùng với drone tại địa ngục trần gian của dải Gaza, những người phóng viên
hy vọng đem lại điều gì ? Nhân dịp công bố kết quả cuộc điều tra,
Forbidden Stories giới thiệu với công chúng một số cảnh tượng về một khu vực tại
Gaza bị tàn phá, được nhà báo Shati và đồng nghiệp Jabalia phục dựng với hình ảnh
3 chiều (3D) rõ ràng đến từng chi tiết. Hình ảnh có được dựa trên những gì mà
nhà báo Mahmoud Isleem al-Basos để lại. Ngày 15/03/2024, nhà báo dùng drone, từng
làm việc cho Reuters và hãng tin Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, bị giết cùng với ít nhất 6
người khác, trong một cuộc oanh kích của Israel.
Địa ngục trần gian và
những chiến binh vì sự thật
Đối với quân đội
Israel, Mahmoud Isleem al-Basos là « một phần tử khủng bố của
Hamas hoạt động dưới vỏ bọc nhà báo ». Theo điều tra của
Forbidden Stories, người là quân đội Israel mô tả là quân khủng bố giả danh nhà
báo đã không bị chết trong vụ oanh kích này, và hoàn toàn không có liên hệ trực
tiếp nào với al-Basos. Quân đội Israel cũng từ chối yêu cầu của Forbidden
Stories, đề nghị cung cấp các bằng chứng cho thấy al-Basos là phần tử khủng bố.
Tại địa ngục trần
gian Gaza, nơi hơn 50.000 người chết, đa số là trẻ em và phụ nữ, 70% cơ sở hạ tầng,
65% nhà cửa, 60% đường xá bị phá hủy, mạng người rất rẻ. Nhưng hàng nghìn nhân
viên Liên Hiệp Quốc vẫn ở lại đây, nhiều nhà báo vẫn tiếp tục tác nghiệp. Cuộc
điều tra của Forbidden Stories cho thấy tinh thần sống chết vì sự thật của những
người làm truyền thông trong bối cảnh như vậy, đặc biệt là các nhà báo dùng
drone. Nước Địa Trung Hải vẫn trong, xanh, dù lòng người đau thương, tan nát!
---------------------------
Các nội dung liên
quan
GAZA - TÁI THIẾT
Tổ chức các nước Hồi Giáo ủng hộ kế hoạch của khối Ả Rập
về Gaza nhằm chống lại dự án của Trump
ISRAEL - GAZA - OANH
KÍCH
Israel oanh kích trở lại vào Gaza làm hơn 400 người chết
ISRAEL - HAMAS - GAZA
Israel « bỏ đói », đe dọa di dời người dân Gaza
để đặt điều kiện mới với Hamas
===================
Lực lượng « trấn an » ở Ukraina : Nhiều
câu hỏi chưa có lời giải đáp tại thượng đỉnh Paris
Thanh Phương|Nguyễn Giang
- RFI
Đăng
ngày: 28/03/2025 - 11:55 - Sửa đổi ngày: 28/03/2025 - 13:10
Tại
cuộc họp thượng đỉnh hôm qua, 27/03/2025, ở Paris của Pháp, các nước đồng minh
châu Âu của Ukraina đều dứt khoát chống lại việc bãi bỏ các trừng phạt đối với
Nga. Nhưng về bảo đảm an ninh cho Kiev, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải
đáp.
HÌNH
:
Tổng
thống Ukraina Volodymyr Zelenskyy (P), nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron (G) và
thủ tướng Anh Keir Starmer tham dự thượng đỉnh tại Paris, Pháp, ngày
27/03/2025. AP - Ludovic Marin
Trong
cuộc họp quy tụ khoảng 30 nước châu Âu, Anh và Pháp vẫn khẳng định vai trò hàng
đầu trong việc triển khai một lực lượng « trấn an » ở Ukraina trong
trường hợp đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga. Tuy nhiên, tổng thống Pháp
Emmanuel Macron nhìn nhận là đề xuất của Anh và Pháp, được thảo luận từ nhiều
tuần qua, đã không được các đối tác châu Âu nhất trí tán đồng.
Trong
cuộc họp báo, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cho biết « còn nhiều
câu hỏi » và « có ít lời giải đáp » về nhiệm vụ, các trách nhiệm
và thành phần của lực lượng « trấn an ». Về phần mình, tổng thống
Macron nhắc lại, lực lượng « trấn an » không phải là lực lượng duy
trì hòa bình, không có mặt dọc theo các chiến tuyến, không thay thế quân đội
Ukraina. Lực lượng « trấn an » sẽ chỉ được triển khai ở « một số
vị trí chiến lược được xác định cùng với phía Ukraina » nhằm răn đe.
Theo
hãng tin AFP, tổng thống Macron hôm qua thông báo, một phái đoàn Anh-Pháp sẽ đến
Ukraina « trong những ngày tới », chủ yếu để chuẩn bị cho một mô hình
tương lai của quân đội Ukraina, mà theo ông sẽ là bảo đảm an ninh cho nước này.
Về
mặt kinh tế, các nước châu Âu yểm trợ cho Ukraina đều dứt khoát không chấp nhận
bãi bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Nga, một khả năng mà Hoa Kỳ đang dự
trù.
Thủ
tướng Anh Keith Starmer nhấn mạnh: « Có một sự đồng thuận rằng đây không
phải là thời điểm để dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Ngược lại, chúng tôi đã thảo luận về
cách tăng cường các trừng phạt đó ». Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng cho rằng
việc dỡ bỏ trừng phạt sẽ là « một sai lầm nghiêm trọng ». Lãnh đạo
các nước tham gia thượng đỉnh Paris rất nghi ngờ thực tâm của Matxcơva muốn chấm
dứt xung đột.
Dưới
áp lực của Mỹ, Ukraina đã chấp nhận lệnh ngừng bắn trong 30 ngày. Sau các cuộc
đàm phán tại Ả Rập Xê Út qua trung gian Hoa Kỳ, hôm thứ Ba 25/03, một thỏa thuận
về ngừng bắn ở Hắc Hải đã được công bố, nhưng Nga đã đặt ra rất nhiều điều kiện
thực thi thỏa thuận, trong đó có việc dỡ bỏ các hạn chế đối với xuất khẩu nông
sản của Nga, một yêu cầu được Nhà Trắng ủng hộ.
Cam
kết của Anh và Pháp đảm bảo an ninh cho Ukraina có thành hiện thực nếu
thiếu Hoa Kỳ?
Sau
cuộc họp thượng đỉnh Paris hôm qua, câu hỏi được đặt ra là Anh và châu Âu có thể
đạt được mục tiêu đưa quân vào « bảo đảm hòa bình» cho Ukraina
không có sự tham gia của Hoa Kỳ?
Thông tín
viên Nguyễn Giang tường thuật từ Luân Đôn:
Từ
đêm 27/03, đài báo Anh liên tục chạy tin về hội nghị Paris, với điểm nhấn là cuộc
trả lời phỏng vấn truyền hình của thủ tướng Anh Keir Starmer, đứng cạnh tổng thống
Zelensky, cam kết Anh và châu Âu không bỏ cấm vận Nga và kiên quyết gìn giữ an
ninh cho Ukraina.
Thủ
tướng Anh còn nói ông đã cử các cấp chỉ huy quân đội Anh sang Ukraina tới đây để
thảo luận về việc đội quân châu Âu sẽ bảo vệ các cơ sở chiến lược của Ukraina
ra sao, dù họ không ra tuyến đầu đối mặt với quân Nga, một khi cuộc ngưng bắn
do Hoa Kỳ dàn xếp có hiệu lực. Nhưng theo nhà báo Jeremy Bowen thì liên minh
các nước châu Âu gồm Anh « sẽ chật vật để đảm bảo an ninh được
cho Ukraina ».
Vướng
mắc chính vẫn là chuyện Hoa Kỳ không nhìn nhận kế hoạch an ninh riêng cho
Ukraina do Anh, Pháp và châu Âu thiết kế. Đặc sứ Mỹ, tỷ phú bất động sản Steve
Witkoff đã công khai chê bai sáng kiến này và còn bóng gió chỉ trích thủ tướng
Anh, cho rằng « bắt
chước vẻ cứng rắn như Winston Churchill » thời Thế Chiến 2 “« là
“ước muốn quá đơn giản » (a symplistic desire). Câu nói của đó
hẳn làm đau lòng ông Starmer, người bỏ nhiều công sức để đóng vai trò nhà lãnh
đạo thời chiến của châu Âu.
Công
bằng mà nói, ý tưởng của Anh và châu Âu muốn tách khỏi Hoa Kỳ về an ninh và quốc
phòng không có gì sai trái, theo các báo Anh, vì nước Mỹ thời Trump trở
thành « một
đồng minh hết đáng tin cậy ». Nhưng các nước này cần thời gian, từ
3 đến 5 năm để tự chủ về quốc phòng, như chính như chính lời ông Zelensky đánh
giá. Còn thực tế trước mắt thì rất phũ phàng. Khoảng thời gian họ muốn đảm bảo
an ninh cho Ukraina một cách có hiệu quả đang được tính bằng tuần và tháng. Một
cuộc ngưng bắn, nếu được Nga chấp thuận vào dịp lễ Phục Sinh sắp tới, sẽ chỉ có
được nếu Nga thỏa thuận xong với Hoa Kỳ vì quyền lợi hai bên, như bỏ cấm vận
các ngân hàng Nga, cho họ quay lại hệ thống thanh toán tiền tệ quốc tế (Swift),
chứ không phải vì Nga sợ châu Âu.
----------------------------
Các
nội dung liên quan
PHÂN
TÍCH
Thỏa
thuận ngũ cốc, « lối thoát » cho đàm phán Mỹ - Nga về đình chiến ở Ukraina ?
PHÁP
- UKRAINA - VIỆN TRỢ
Liên
minh các quốc gia tình nguyện bảo đảm an ninh cho Ukraina họp tại Paris
PHÂN
TÍCH
Thỏa
thuận ngừng bắn với Ukraina ở Hắc Hải: Nga vẫn chơi trò "câu giờ"
=============
5 khẩu pháo thần kỳ Bắc Hàn tan tành.
Pháp giúp Ukraine 2 tỷ. TT Trump bị áp lực cách chức Hegseth
Mar
28, 2025
https://www.youtube.com/watch?v=xkS6u011Gck
15,241
views Mar 28, 2025
00:00:00 Đài Hiệu
00:00:20 Giới thiệu chương trình
00:00:35 Ukraine tấn công hệ thống pháo thứ
năm của Bắc Hàn trong một tháng 00:04:14 Tổng thống Zelenskiy nói Hoa Kỳ không
được để Putin thoát khỏi sự cô lập toàn cầu
00:07:08 Tờ The Atlantic công bố ảnh chụp màn
hình về thời gian, vũ khí được sử dụng trong kế hoạch chiến tranh Yemen. Quốc Hội
kêu gọi Tổng thống Trump cách chức Bộ trưởng Quốc phòng.
00:13:04 Tổng thống Zelenskiy nói Nga gửi 'Tín
hiệu rõ ràng' sau bước đột phá của Tổng thống Trump
00:17:32 Pháp công bố gói viện trợ quân sự 2 tỷ
đô la cho Ukraine
00:19:41 Tổng thống Trump nói Nga có thể đang
“trì hoãn” trong vấn đề hòa bình ở Ukraine
00:23:50 Khi Macron nói về việc xây dựng hệ thống
phòng thủ của Âu Châu, Ukraine đang chờ đợi kết quả thực tế
00:25:42 Nỗ lực của Macron hướng tới một Âu
Châu độc lập
00:27:53 Thỏa thuận của Tổng thống Trump với
Putin phải đối mặt với sự kiểm tra thực tế của Âu Châu
00:35:30 Kết thúc
00:35:59 Closing Credits
No comments:
Post a Comment