Wednesday, January 1, 2025

'ĐÓ LÀ ĐỊNH MỆNH' : JIMMY CARTER ĐÓN NHẬN TRUNG QUỐC, THAY ĐỔI LỊCH SỬ (Tessa Wong / BBC News)

 



 

'Đó là định mệnh': Jimmy Carter đón nhận Trung Quốc, thay đổi lịch sử

Tessa Wong

Phóng viên Kỹ thuật số châu Á, BBC News

31 tháng 12 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cx2vxgl35qpo

 

Một buổi sáng trong lành vào tháng 1/1979, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter tiếp một vị khách đặc biệt tại Washington: Đặng Tiểu Bình, nhân vật đã cởi trói nền kinh tế Trung Quốc.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/fd67/live/0a2af200-c75c-11ef-94cb-5f844ceb9e30.jpg.webp

Đặng Tiểu Bình vồn vã chào đón Jimmy Carter vào năm 1987 ở Bắc Kinh

 

Họ Đặng, lãnh đạo Trung Quốc Cộng sản đầu tiên tới thăm Mỹ, đã đến từ tối hôm trước, giữa lúc tuyết rơi nhẹ và được phó tổng thống, ngoại trưởng và phu nhân của họ đón tiếp.

 

Đây là khởi đầu của một mối quan hệ ngoại giao sẽ thay đổi thế giới vĩnh viễn, mở đường cho sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc, và về sau là thế kèn cựa của quốc gia châu Á đối với Mỹ.

 

Trong một nhiệm kỳ tổng thống sóng gió, việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc là một trong số những di sản đáng chú ý của ông Carter.

 

Sinh vào ngày 1/10, trùng ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, "[nên] ông ấy thích nói rằng số phận đã đưa mình và Trung Quốc lại với nhau," ông Lưu Á Vĩ, bạn thân ông Carter, nói.

 

Ngay cả sau khi đã rời nhiệm sở, ông Carter vẫn cần mẫn chăm chút một mối quan hệ gắn bó với người dân Trung Quốc – nhưng điều đó đã bị ảnh hưởng khi quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh trở nên lạnh nhạt.

 

Dầu vậy, ông vẫn thuộc số ít lãnh đạo Mỹ mà Bắc Kinh trân trọng do đã giúp đưa Trung Quốc Cộng sản ra khỏi vòng cô lập vào thập niên 70.

 

Khi ông Carter qua đời, Bắc Kinh đã gửi lời chia buồn, nói rằng ông là "động lực chính" của thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 1979.

 

Cộng đồng mạng Trung Quốc còn hơn vậy. Họ gọi ông Carter là "Meirenzong" (Mỹ nhân tông), hay "người Mỹ nhân đức", một danh xưng vốn từng dành riêng cho các bậc đế vương.

 

Ve vãn Bắc Kinh

 

Ông Carter lần đầu tiếp xúc với Trung Quốc vào năm 1949, khi quốc gia này đang trải qua những biến động cuối cùng của cuộc nội chiến đẫm máu đã kéo dài hàng thập kỷ.

 

Khi ấy, ông Carter là một sĩ quan hải quân Mỹ trẻ tuổi.

 

Đơn vị tàu ngầm của ông đã được điều động tới thành phố Thanh Đảo ở miền đông Trung Quốc, với nhiệm vụ hỗ trợ quân đội Quốc Dân Đảng chống lại cuộc vây hãm của Cộng quân Mao Trạch Đông.

 

Chỉ cách chiến tuyến vài cây số là vị chỉ huy Trung Quốc tên Đặng Tiểu Bình.

 

Tới lúc trực tiếp chạm mặt nhau vài thập kỷ sau đó, hai người đã là lãnh đạo quốc gia.

 

Chính tổng thống Mỹ tiền nhiệm, ông Richard Nixon, và Ngoại trưởng Henry Kissinger đã đặt nền móng cho việc gạ gẫm Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông.

 

Chứng kiến thế kèn cựa giữa Bắc Kinh và Moscow, hai người họ đã nhìn ra cơ hội để lôi kéo một đồng minh của Liên Xô.

 

Tuy nhiên, những nỗ lực này chỉ thực sự được đẩy mạnh dưới thời Carter và Đặng. Họ đã thúc đẩy một mối quan hệ sâu sắc hơn.

 

Trong suốt nhiều tháng, vị tổng thống Mỹ đã cử các nhà đàm phán tin cẩn đến Bắc Kinh để tiến hành các cuộc thảo luận mật.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/8996/live/11d67240-c75c-11ef-87df-d575b9a434a4.jpg.webp

Đặng Tiểu Bình (Trái) và Jimmy Carter ký một thỏa thuận khi ông Đặng tới thăm Mỹ vào tháng 1/1979, sau khi quan hệ chính thức giữa hai nước đã được thiết lập

 

Bước đột phá đã xuất hiện vào năm 1978.

 

Vào giữa tháng 12/1978, Mỹ và Trung Quốc đã thông báo sẽ "công nhận lẫn nhau và thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 1/1/1979".

 

Thế giới ngỡ ngàng, Bắc Kinh hân hoan, còn hòn đảo Đài Loan, vốn từ lâu đã dựa vào sự ủng hộ của Mỹ để chống lại yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, bị sốc.

 

Tới tận bây giờ, ông Carter vẫn là một nhân vật gây tranh cãi ở Đài Loan.

 

Trước đó, Mỹ chỉ công nhận chính phủ Đài Loan – hòn đảo mà Trung Quốc coi là một tỉnh phản loạn.

 

Trong nhiều năm, sự ủng hộ Mỹ dành cho Đài Loan là vật cản trong các cuộc đàm phán.

 

Việc quay sang công nhận Bắc Kinh đồng nghĩa với việc Mỹ rốt cuộc đã chấp nhận lập trường của Trung Quốc – rằng chỉ có một chính phủ Trung Quốc và chính phủ ấy ở Bắc Kinh.

 

Đây là chính sách Một Trung Quốc, hiện vẫn là nền tảng của quan hệ Mỹ-Trung.

 

Bước ngoặt này dấy lên câu hỏi tất yếu về cam kết của Mỹ với các đồng minh.

 

Không hài lòng với quyết định của ông Carter, Quốc hội Mỹ cuối cùng đã thông qua một đạo luật cho phép Mỹ cung cấp vũ khí phòng thủ cho Đài Loan, từ đó tạo ra một mâu thuẫn dai dẳng trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

 

Dù vậy, các sử gia đồng ý rằng nhiều bước đi ngoạn mục đã được thực hiện vào năm 1979, khiến cục diện quyền lực toàn cầu thay đổi: không chỉ khiến Mỹ và Trung Quốc đồng lòng chống lại Liên Xô, mà còn mở đường cho hòa bình và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở Đông Á.

 

Tình bạn 'độc nhất vô nhị'

 

Carter có lẽ đã không thể làm được những điều nói trên nếu không có mối quan hệ đặc biệt với Đặng Tiểu Bình.

 

"Thương lượng với ông ấy là một điều vui thú," ông Carter viết trong nhật ký của mình sau khi dành một ngày với ông Đặng khi vị lãnh đạo Trung Quốc tới Washington vào tháng 1/1979, theo ông Ezra Vogel, người viết tiểu sử ông Đặng.

 

"Hai người đều tuân theo lẽ thường, thực ra tính cách thẳng thắn của họ rất tương đồng," ông Dương Đại Lợi, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chicago (Mỹ), đánh giá.

 

"Có một điều gì đó rất độc đáo trong cách hai người đàn ông này đặt niềm tin vào nhau."

 

Đặng Tiểu Bình đã sống sót qua ba cuộc thanh trừng chính trị dưới thời Mao Trạch Đông, rồi vươn lên trở thành một trong những nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng nhất Trung Quốc.

 

Các nhà sử học cho rằng tầm nhìn, sự tự tin, tính cách thẳng thắn và trí tuệ sắc bén của Đặng đã góp một phần không nhỏ cho thành tựu ngoại giao nói trên.

 

Đặng nhận thấy cơ hội Carter mang lại, Vogel viết – để vừa ngăn chặn thế lực Liên Xô và khởi động quá trình hiện đại hóa đã diễn ra trước đó ở Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc. Ông ta biết rằng Trung Quốc sẽ thất bại nếu không có sự giúp sức của Mỹ.

 

Chuyến đi tới Mỹ của Đặng mở đầu với một cuộc gặp nồng ấm đầu tiên tại Nhà Trắng. Ở đó, ông ta đã khúc khích cười khi tiết lộ mối dây liên hệ của mình với Carter ở Thanh Đảo, theo tin tức Trung Quốc.

 

Ở Vườn Hồng, Đặng phấn khởi khi nắm tay Carter. Ông ta nói trước ống kính máy quay: "Giờ đây, người dân hai nước chúng ta đang bắt tay."

 

Trong vài ngày sau đó, Đặng đã thực hiện một chiến dịch quyến rũ dân Mỹ nồng nhiệt khi đi thăm một số bang cùng Carter.

 

Trong một bức ảnh nổi tiếng chụp tại một lễ hội rodeo (một trò biểu diễn cưỡi ngựa) ở Texas, Đặng cười rất tươi, trên đầu đội một chiếc mũ cao bồi.

 

"Đặng né chính trị, đúng kiểu Texas," một tờ báo địa phương giật tít.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/0eef/live/15da2030-c75c-11ef-9fd6-0be88a764111.jpg.webp

Đặng Tiểu Bình vui vẻ đội thử một chiếc mũ cao bồi tại một lễ hội rodeo ở Texas

 

Ông Carter mô tả ông Đặng là người "thông minh, cứng rắn, trí tuệ, thẳng thắn, dũng cảm, dễ mến, tự tin, thân thiện," theo Vogel.

 

Sau này, Carter đã viết trong nhật ký rằng chuyến đi là "một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất của tôi trên cương vị tổng thống… đối với tôi, mọi thứ đều suôn sẻ, và vị lãnh đạo Trung Quốc có vẻ cũng hài lòng không kém."

 

"Carter thực sự là một chất xúc tác cho thứ còn hơn cả một sự giảng hòa ngoại giao - đó là một thời khắc mang tính biểu tượng đáng chú ý," ông Orville Schell, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ - Trung thuộc Hội châu Á, nhận định. Ông Schell từng là phóng viên tường thuật chuyến thăm của Đặng năm 1979.

 

"Ông ấy [Carter] giới thiệu Đặng với nước Mỹ và thực chất là với cả thế giới. Điều đó biến một mối quan hệ vốn căng thẳng trở nên rất gần gũi. Cách Carter và Đặng tương tác là chỉ dấu nói rằng hai dân tộc có thể gác quá khứ sang một bên và gây dựng một mối quan hệ mới."

 

Dưới thời Carter, Trung Quốc được cấp quy chế "tối huệ quốc", giúp thúc đẩy kinh tế và tạo việc làm. Trong vòng một năm, thương mại song phương Mỹ-Trung đã tăng gấp đôi.

 

Trong suốt thập kỷ tiếp theo, Trung Quốc trở thành một đối tác thương mại quan trọng không chỉ đối với Mỹ mà còn với cả thế giới, điều "tối quan trọng" cho sự tăng trưởng của Trung Quốc, Giáo sư Dương nêu.

 

Gắn kết trọn đời

 

Mối dây liên hệ giữa Carter với Trung Quốc vẫn tồn tại rất lâu sau khi ông rời nhiệm sở.

 

Vào thập niên 90, tổ chức phi lợi nhuận của ông, Trung tâm Carter, đóng vai trò quan trọng trong nền dân chủ cơ sở mới nổi ở Trung Quốc.

 

Tổ chức này, theo lời mời của chính phủ Trung Quốc, quan sát các cuộc bầu cử cấp xã, đồng thời thực hiện công tác đào tạo cán bộ và giáo dục cử tri.

 

Khác với nhiều cựu tổng thống Mỹ khác, Carter đã có nhiều chuyến thăm cá nhân tới Trung Quốc. Trong một chuyến đi, ông và phu nhân Rosalynn đã giúp xây dựng chỗ ở tạm cho những người bị ảnh hưởng trong trận động đất Tứ Xuyên năm 2008.

 

Lòng tận tụy dành cho công tác nhân đạo, xuất thân khiêm tốn - con trai của một nông dân trồng đậu phộng - và "phong cách dân dã" trái ngược với hình ảnh công chúng trang trọng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã giúp Carter được nhiều người Trung Quốc yêu mến, theo Giáo sư Dương.

 

"Ông ấy sẽ được coi như hình mẫu cho một nhà lãnh đạo tận tụy, không chỉ qua lời nói mà còn bằng hành động."

 

"Tất cả những nơi ông ấy đã tới ở Trung Quốc, người dân đều bày tỏ tình cảm nồng ấm… Người Trung Quốc thực sự rất thích ông ấy vì lòng dũng cảm và sự trung thực của ông," Tiến sĩ Lưu, cố vấn cấp cao ở Trung tâm Carter, nói.

 

Ông Lưu từng đồng hành với ông Carter trong nhiều chuyến đi, bao gồm cả chuyến công tác năm 2014, khi ông được quan chức địa phương và lãnh đạo các trường đại học đón tiếp nồng nhiệt.

 

Thanh Đảo từng tổ chức màn bắn pháo hoa bất ngờ vào dịp sinh nhật lần thứ 90 của ông Carter.

 

Ở Bắc Kinh, con gái ông Đặng đã chủ trì một bữa tiệc và tặng Carter món quà là bản sao trang nhất tờ Nhân dân Nhật báo về Thông cáo chung Mỹ-Trung 1979.

 

"Cả hai đều xúc động đến rơi nước mắt," ông Lưu nói.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/ac7e/live/18d9cba0-c75c-11ef-94cb-5f844ceb9e30.jpg.webp

Gia đình ông Carter ở tỉnh Tứ Xuyên. Họ đã giúp xây dựng chỗ ở tạm cho những người bị ảnh hưởng trong trận động đất Tứ Xuyên năm 2008.

 

Đó là chuyến thăm Trung Quốc cuối cùng của Carter.

 

Khi quan hệ Mỹ-Trung trở nên căng thẳng hơn, quan hệ giữa Carter với giới lãnh đạo Trung Quốc cũng vậy, đặc biệt là sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền.

 

Vào đêm trước chuyến thăm năm 2014, quan chức chính phủ cấp cao Trung Quốc đã chỉ đạo các trường đại học không đài thọ cho các sự kiện của ông, khiến việc đổi địa điểm phải diễn ra gấp rút vào phút chót, theo chia sẻ của Carter.

 

Một bữa tối cấp nhà nước được tổ chức cho Carter tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh đã có rất ít người tham dự, ông Schell nhớ lại.

 

Đáng chú ý, người chủ trì là Lý Nguyên Triều, khi đó là phó chủ tịch nước, còn ông Tập Cận Bình được cho là đang tiếp đón một vị khách quý khác ở nơi khác cũng trong khu nhà này.

 

"Ông ta [Tập] thậm chí còn không tới chào Carter. Điều đó thực sự cho thấy tình trạng của mối quan hệ," ông Schell nói.

 

"Carter thực sự rất tức giận. Hai phụ tá của ông ấy nói với tôi rằng ông ấy thậm chí còn muốn về sớm vì cảm thấy bị xúc phạm."

 

Các hoạt động của Trung tâm Carter ở Trung Quốc rốt cuộc đã bị hạn chế. Một trang web họ duy trì để ghi chép các cuộc bầu cử cấp xã đã dừng hoạt động.

 

Không có lời giải thích rõ ràng nào được đưa ra vào thời điểm đó, nhưng Tiến sĩ Lưu cho rằng điều này là do Trung Quốc ngày càng nghi ngờ những tổ chức nước ngoài sau khi Mùa xuân Ả Rập nổ ra vào năm 2010.

 

Mặc dù Carter ít khi nói về sự coi thường nói trên một cách công khai, nhưng nó cũng không giúp xoa dịu nỗi đau, xét tới những nỗ lực bền bỉ mà ông đã bỏ ra để thúc đẩy sự gắn kết giữa hai quốc gia.

 

Điều này cũng đặt ra câu hỏi liệu cách tiếp cận của Carter về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc - ông mô tả là "kiên nhẫn" nhưng những người khác chỉ trích nó mềm yếu – cuối cùng có được nhìn nhận là hợp lý không.

 

Carter thường "cố gắng hết sức ... để không chọc giận Trung Quốc về vấn đề nhân quyền," ông Schell nói.

 

"Ông ấy vẫn tiết chế bản thân ngay cả khi đã rời khỏi nhiệm sở, vì Trung tâm Carter có thể gặp khó khăn ở Trung Quốc."

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/6209/live/1d6e9600-c75c-11ef-87df-d575b9a434a4.jpg.webp

Thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử Dương nâng ly với cựu Tổng thống Jimmy Carter và cựu Đệ nhất phu nhân Rosalynn tại Bắc Kinh năm 1987

 

Một số người cho rằng quyết định của ông trong việc thiết lập quan hệ với Trung Quốc Cộng sản xuất phát từ sự chân thành của người Mỹ thời ấy.

 

Sau những hỗn loạn bạo lực của Cách mạng Văn hóa, "nhiều người Mỹ bàng hoàng - làm sao người Trung Quốc có thể sống trong sự cô lập đầy phẫn nộ như vậy?" Giáo sư Dương nêu.

 

"Một số nhà lãnh đạo Mỹ thực tâm muốn giúp."

 

Một số người khác cho rằng khi nỗ lực quy tụ sự ủng hộ nhằm chống lại Liên Xô, Mỹ đã vạch đường cho sự trỗi dậy của Trung Quốc và rốt cuộc đã tạo nên một trong những đối thủ lớn nhất cho bản thân.

 

Nhưng những hành động này cũng mang lại lợi ích cho hàng triệu người Trung Quốc, giúp họ thoát khỏi đói nghèo và - trong một khoảng thời gian – gia tăng tự do chính trị ở cấp địa phương.

 

"Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta từ thế hệ đó đều là tác phẩm của sự gắn kết," ông Schell nói.

 

"Chúng tôi đã hy vọng Carter sẽ tìm ra một phương thức mà sẽ dần dần đưa Trung Quốc vào một mối quan hệ thoải mái với Mỹ và phần còn lại của thế giới."

 

Vào cuối đời, Carter ngày càng lo ngại về sự ngờ vực mà Mỹ và Trung Quốc dành cho nhau, và thường xuyên cảnh báo khả năng diễn ra một cuộc "Chiến tranh Lạnh thời hiện đại".

 

"Năm 1979, ông Đặng Tiểu Bình và tôi biết rằng chúng tôi đang thúc đẩy lý tưởng hòa bình. Dù các lãnh đạo ngày nay phải đối mặt với một thế giới khác, thì lý tưởng hòa bình vẫn giữ nguyên tầm quan trọng," Carter viết nhân kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ.

 

"[Các nhà lãnh đạo] phải đón nhận niềm tin của chúng tôi rằng Mỹ và Trung Quốc cần xây dựng tương lai cùng nhau, vì lợi ích của hai nước nói riêng và của nhân loại nói chung."

 

------------------

Tin liên quan

·         

Jimmy Carter: Từ nông dân trồng đậu đến tổng thống Mỹ và Nobel Hòa bình

30 tháng 12 năm 2024

·         

Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter: Cuộc đời qua ảnh

30 tháng 12 năm 2024

·         

Tổng thống Jimmy Carter: Đại ân nhân của thuyền nhân vượt biển

30 tháng 12 năm 2024

·         

Tòa Thái Lan tuyên 'trả tự do', Y Quynh Bđăp vẫn ngồi tù và đối mặt nguy cơ dẫn độ

28 tháng 12 năm 2024

·         

Công nghiệp quốc phòng Việt Nam: mức độ tự chủ và tiềm năng xuất khẩu

31 tháng 12 năm 2024

·         

Vì sao chính quyền Việt Nam bỏ tù chín nhà sư và phật tử Khmer?

27 tháng 12 năm 2024

 

 

 

 


No comments: