Trúc Phương/Người Việt
January
2, 2025 : 7:32 PM
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/tam-biet-ong-joe-biden/
Những
ngày cuối cùng của ông Joe Biden, tổng thống sắp mãn nhiệm, trôi qua trong lặng
lẽ. Tất cả những gì liên quan ông Biden từ sau ngày bầu cử chỉ là những bài viết
chỉ trích gay gắt từ chính những người từng ủng hộ ông. Trong khi đó ông Donald
Trump, tổng thống đắc cử, hoàn toàn chiếm toàn bộ “ánh đèn sân khấu.” Ông Biden
có khi gần như biến mất hẳn.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/01/A1-Tam-biet-Joe-Biden-1536x1038.jpg
Ông
Joe Biden, tổng thống thứ 46 của Mỹ. (Hình: Kevin Dietsch/Getty Images)
Tổng
Thống Joe Biden rời chính trường sau sự nghiệp kéo dài nhiều thập niên, và ông
rời Tòa Bạch Ốc ở mức tỷ lệ ủng hộ thấp kỷ lục.
Hoàng
hôn ở Tòa Bạch Ốc
Chính
trị gia lão làng Biden được bầu vào Thượng Viện cách đây hơn 50 năm (năm 1972)
sẽ vĩnh viễn rời khỏi chính trường vào ngày 20 Tháng Giêng, 2025. Người dân Mỹ
đang chứng kiến giai đoạn hoàng hôn trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden, những
ngày cuối cùng của chương cuối cùng trong hành trình chính trị kéo dài nửa thế
kỷ với nhiều khúc quanh, ngã rẽ và vô số thăng trầm.
Khi
rời Tòa Bạch Ốc năm 2021, ông Donald Trump nhận được tỷ lệ ủng hộ thấp nhất
trong gần 30 năm lịch sử tổng thống Hoa Kỳ, với 43%. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ
Biden những ngày cuối cùng là vỏn vẹn 37% – theo thăm dò của Trung Tâm Đánh Giá
Chức Trách Tổng Thống (Presidential Job Approval Center) của Viện Gallup. Có lẽ
Biden sẽ trở thành tổng thống được ghi nhận có tỷ lệ ủng hộ thấp nhất lịch sử Mỹ
vào thời điểm rời Tòa Bạch Ốc và chỉ nhỉnh hơn một chút so với 31% của Tổng Thống
Jimmy Carter.
Tuổi
tác và áp lực kinh khủng trong chính trường đã bào mòn rõ rệt ông Biden. Mỗi
ngày trôi qua, ông trông già hơn, chậm chạp hơn, kém tinh anh hơn. Người Mỹ lẫn
thế giới đã thấy tất cả dấu hiệu thời gian tàn phá ông Biden như thế nào trong
buổi tranh luận với ứng cử viên Donald Trump ngày 27 Tháng Sáu, 2024.
Trong
thực tế, không phải đợi đến ngày 20 Tháng Giêng, 2025 ông Biden mới ra đi. Ông
đã “ra đi” một cách bán chính thức vào ngày 21 Tháng Bảy, 2024, khi ông rút lui
khỏi đường đua tổng thống trước sức ép của hàng chục nghị sĩ Dân Chủ cũng như
báo chí và dư luận.
Biden
và thế giới
Chính
sách đối ngoại với việc xây dựng đồng minh là thành công không thể phủ nhận của
ông Biden. Ông đã thực hiện một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn trong một thế giới hỗn
loạn “hậu Trump” (sau nhiệm kỳ đầu của ông Trump): Chuyển nền tảng chính sách đối
ngoại vào việc xây dựng đồng minh; giành lại được lòng tin quốc tế; thể chế hóa
sự hiện diện mạnh mẽ ở Á Châu, khôi phục vai trò Washington trong các tổ chức
và thỏa thuận đa phương thiết yếu…
Trong
một nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc và phân cực, bốn năm là quá ít để thiết lập một
học thuyết chính sách đối ngoại. Phần lớn những gì ông Biden đạt được có thể
nhanh chóng bị người kế nhiệm xóa bỏ; dù vậy, di sản Biden vẫn cho thấy những
nét đặc trưng của cách tiếp cận mới gần như khác hẳn với nội các tiền nhiệm, thậm
chí mang lại hình ảnh nước Mỹ đang lột xác.
Phản
ứng cứng rắn và hiệu quả trước cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine năm
2022 là điểm son đáng nhớ nhất của nhiệm kỳ Biden. Ông cũng nhanh chóng hành động
để khẳng định cam kết của Washington đối với nhiều thỏa thuận cũng như các thiết
chế quốc tế, đặc biệt NATO.
Sau
hơn ba năm kể từ ngày ông Biden ngồi ghế tổng thống, số thành viên NATO đạt mục
tiêu chi xài ít nhất 2% GDP cho quốc phòng đã tăng từ chín lên 23 nước. Hai quốc
gia có quân đội mạnh – Thụy Điển và Phần Lan – đã chấp nhận từ bỏ hàng chục năm
trung lập để gia nhập NATO.
Việc
kiềm chế sức mạnh Trung Quốc là một thành tựu nữa của chính quyền Biden, khi
Washington dành nhiều nỗ lực xây dựng hệ thống kết nối khắp Á Châu, khôn ngoan
cài cắm lợi ích địa chính trị với kinh tế. Quan hệ đối tác Đối Thoại An Ninh Tứ
Giác (Quad – gồm Úc, Ấn Độ, Nhật và Mỹ) được nâng từ diễn đàn dành cho các ngoại
trưởng lên diễn đàn dành cho nguyên thủ quốc gia.
Ông
Biden cũng giúp hình thành AUKUS, một thỏa thuận an ninh mới với việc liên kết
Mỹ với Úc và Anh. Ông cũng lập ra các hội nghị thượng đỉnh ba bên về an ninh
khu vực (Mỹ-Nhật-Philippines; Mỹ-Nam Hàn-Nhật); và lần đầu tiên, hội nghị thượng
đỉnh Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) được tổ chức tại Washington DC…
Các thỏa thuận song phương mới cũng cho phép Mỹ mở rộng quyền tiếp cận quân sự
tại Úc, Nhật, Papua New Guinea và Philippines.
Cần
nhắc lại, trong hơn hai thập niên, giới lãnh đạo Washington thường chỉ nói
suông về vị thế trung tâm của Mỹ ở Á Châu trong thế kỷ 21 và sự cần thiết phải
có sự thay đổi tương xứng trong chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, chẳng ai làm
gì cả. Chính quyền George W. Bush đã bị chệch hướng do cuộc chiến chống khủng bố
toàn cầu; trong khi đó, dù nhận ra tầm quan trọng sự hiện diện chiến lược mạnh
mẽ hơn ở Á Châu nhưng gần như Tổng Thống Barack Obama đánh trống bỏ dùi.
Phần
Trump 1.0, sự khinh rẻ các đồng minh truyền thống đã làm suy yếu mối quan hệ của
Mỹ trên khắp khu vực. Chỉ ông Biden mới thật sự thực hiện sự thay đổi rõ rệt
trong chính sách “cắm trục.” Nếu không tính hồ sơ Trung Đông với những diễn biến
hoàn toàn bất ngờ và bất lợi cho Mỹ, có thể nói hồ sơ đối ngoại của ông Biden gặt
hái nhiều thành công hơn thất bại.
Biden
và nước Mỹ
Trong
nước, ông Biden đã không đạt được mục tiêu đầy tham vọng nhất: Chiến thắng
trong “cuộc chiến giành lại linh hồn cho quốc gia.” Nhậm chức với trọng tâm xây
dựng lại tầng lớp trung lưu và xóa bỏ sự chia rẽ đảng phái, ông Biden đã không
thể thực hiện được điều này.
Tuy
nhiên, dù đảng Dân Chủ chiếm tỷ lệ đa số mỏng manh nhất lịch sử Quốc Hội, ông
Biden đã thực hiện được Kế Hoạch Cứu Trợ Hoa Kỳ (American Rescue Plan) trị giá
$1,900 tỷ giúp giảm thiểu hậu quả do COVID-19; tiến hành Đạo Luật Việc Làm Đầu
Tư và Cơ Sở Hạ Tầng (Infrastructure and Investment Jobs Act) trị giá $1,000 tỷ;
đầu tư mạnh vào băng thông rộng vào các khu vực nông thôn; ký Đạo Luật CHIPS
(viết tắt từ “Creating Helpful Incentives to Produce Semiconductors” for
America Act”) giúp giảm phụ thuộc chip bán dẫn nước ngoài; và đặc biệt, thông
qua hai trong những dự luật an toàn súng có tính toàn diện nhất trong gần ba thập
niên.
Khi
dự luật Tái Thiết Tốt Hơn (Build Back Better) trị giá $2,000 tỷ bị bác bỏ, ông
Biden đã hồi sinh nó thành Đạo Luật Giảm Lạm Phát (Inflation Reduction Act) trị
giá $800 tỷ, được thông qua vào Tháng Tám, 2022. Tất cả đạo luật trên đã được
ban hành, bất chấp rào cản từ phe Cộng Hòa.
Những
thành tựu đó đã giúp ông Biden “trở thành tổng thống lập pháp quan trọng nhất kể
từ Lyndon B. Johnson” – nhận định viết trên báo TIME của ông Mark K. Updegrove,
chủ tịch kiêm tổng giám đốc (tổ chức) LBJ Foundation; tác giả quyển “Make Your
Mark: Lessons in Character from Seven Presidents” (dự kiến phát hành giữa Tháng
Tư, 2025).
Ông
Biden được các công đoàn ca ngợi là tổng thống ủng hộ công đoàn mạnh nhất trong
lịch sử Hoa Kỳ. Ông cũng xóa nợ cho hàng triệu sinh viên. Trong những tuần cuối
cùng tại nhiệm, ông nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas và giải
thoát khoảng 100 con tin (trong đó có người Israel và Mỹ) mà Hamas giam giữ ở
Gaza.
Ngoài
ra, ông Biden đàm phán thành công việc thả hơn 70 người Mỹ bị các chính phủ nước
ngoài bắt làm con tin, trong đó có cầu thủ bóng rổ Brittney Griner và nhà báo
Evan Gershkovich (cả hai bị Nga bắt giữ).
Ông
Biden cũng chấm dứt cuộc chiến kéo dài 20 năm của Mỹ tại Afghanistan – cuộc chiến
dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, theo một thỏa thuận do chính quyền Trump đàm
phán trước đó. Chỉ có điều, việc rút quân bất ngờ đã gây sốc và tạo ra làn sóng
chỉ trích dữ dội.
Goodbye,
Mr. President!
Bốn
năm là thời gian rất ngắn. Việc xây dựng lại tầng lớp trung lưu và hàn gắn một
nước Mỹ chia rẽ phải mất ít nhất vài thế hệ. Các cơ sở hạ tầng mới phải mất nhiều
năm mới có thể hoàn thành; nhiều nhà máy sản xuất mới vẫn đang trong quá trình
xây dựng; người lao động cần thời gian để được đào tạo lại. Việc suy nghĩ cũng
như cách giải quyết những thách thức như vậy chỉ mới bắt đầu thực hiện.
Nhìn
chung, hầu hết tổng thống Mỹ đều luôn trở thành… “bao cát” để thiên hạ đấm đập
tùy thích. Một cuộc khảo sát năm 2023 với sự tham dự của 154 nhà khoa học chính
trị và các chuyên gia nghiên cứu về tổng thống Hoa Kỳ đã xếp hạng Abraham
Lincoln, Franklin Roosevelt và George Washington – theo thứ tự – là ba vị tổng
thống vĩ đại nhất. Ông Biden được xếp hạng 14. Ông Trump nằm ở vị trí 45 – “đội
sổ” trong danh sách.
Theo
bất kỳ thước đo nào, có thể nói những thành tựu của ông Biden đều làm lu mờ những
thành quả của ông Trump trong nhiệm kỳ hỗn loạn của ông. Trong khi đó, ông
Trump luôn mô tả méo mó về ông Biden. Ông Trump nói ông Biden là một ông già lẩm
cẩm, không có khả năng lãnh đạo đất nước, “không thể ghép hai câu lại với
nhau.” Ông Trump mắng ông Biden là “vô năng và ngu ngốc;” rằng ông Biden có
“trí tuệ, ý tưởng và chỉ số IQ của một học sinh lớp Một.”
Những
chỉ trích ông Biden gợi nhớ đến các cuộc xỉa xói thấp kém từng tấn công những tổng
thống vĩ đại nhất của nước Mỹ. Tổng Thống George Washington từng đối mặt việc
kêu gọi (bị) đàn hặc. Những người chỉ trích nói rằng chính quyền George
Washington đã gây ra “những điều xấu xa tởm lợm và không thể sửa chữa nổi,” và
đặt câu hỏi rằng George Washington có phải là “kẻ bạo chúa thay vì vị cứu tinh
của đất nước chúng ta?” Cháu trai của ông Benjamin Franklin khẳng định ông
George Washington “chắc chắn không phải là một kẻ vĩ đại.”
Với
Tổng Thống Abraham Lincoln, tờ New York World đã đăng lại bài xã luận của một tờ
báo khác, gọi ông Lincoln là “con đười ươi gớm ghiếc của Illinois” (“obscene
ape of Illinois”). Một tờ báo ở Illinois nói rằng ông Lincoln “không có khả
năng trở thành một chính khách, thậm chí là một chính khách ôn hòa; cũng như
con lừa kêu be be thì không thể trở thành
con sư tử cao quý.”
Tổng
Thống Franklin Roosevelt thường bị những người chỉ trích gọi là kẻ tôn sùng chủ
nghĩa xã hội, đi theo Cộng Sản; bám đít chủ nghĩa phát xít và “chắc chắn” là một
kẻ độc tài. Có 28 tờ báo lớn của tập đoàn báo chí khổng lồ William Randolph
Hearst từng đánh giá chương trình tái thiết “New Deal” của ông Roosevelt là “Thỏa
thuận thô thiển” (the Raw Deal)…
Tất
cả cho thấy cơn bão chỉ trích ông Biden chẳng phải chuyện lạ.
Ông Joe
Biden – chính khách từng trải qua 36 năm trong Thượng Viện, tám năm ngồi ghế
phó tổng thống và bốn năm tổng thống – đã dành 50 năm cuộc đời để phục vụ quốc
gia và công chúng. Bất luận thế nào, “người Mỹ vẫn luôn nợ ông lời cám ơn và
lòng biết ơn vì tất cả những gì ông đã làm cho chúng ta và cho đất nước chúng
ta” – cây bút bình luận Donna Brazile viết trên tờ The Hill.
Bất
luận thế nào, ông Biden vẫn luôn là một trong những chính trị gia đáng kính trọng
nhất lịch sử chính trị Hoa Kỳ. Những thống kê chỉ đánh giá khả năng cũng như
góc nhìn về sự thành bại trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Nó không nói lên được
toàn bộ sự nghiệp chính trị nửa thế kỷ của ông Biden. Lịch sử Mỹ sẽ là nơi ghi
chép chính xác hơn những gì mà ông Biden đã dành trọn cuộc đời cống hiến cho quốc
gia.
Bất
luận thế nào, dù thành công hay thất bại trên cương vị tổng thống, ông Joe
Biden chưa bao giờ khiến nước Mỹ phải nhục nhã và xấu hổ bởi tư cách chính trị
gia lẫn đạo đức cá nhân của ông. Ông Biden chưa bao giờ được xem là “nỗi nhục
quốc thể” (“national disgrace”) – cách nói mà ông Colin Powell, cố ngoại trưởng
(Cộng Hòa), dành cho ông Donald Trump.
Tạm
biệt ông, Joe Biden. Nước Mỹ và nhiều người Mỹ sẽ không quên ông. [qd]
No comments:
Post a Comment