Wednesday, January 1, 2025

NĂM 2024 KHÉP LẠI VỚI NHỮNG THẢM HỌA HÀNG KHÔNG (Minh Phương / RFI)

 



Năm 2024 khép lại với những thảm họa hàng không

Minh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 31/12/2024 - 11:56  -  Sửa đổi ngày: 31/12/2024 - 15:07

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20241231-n%C4%83m-2024-kh%C3%A9p-l%E1%BA%A1i-v%E1%BB%9Bi-nh%E1%BB%AFng-th%E1%BA%A3m-h%E1%BB%8Da-h%C3%A0ng-kh%C3%B4ng

 

Đâu là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn máy bay thảm khốc ở Hàn Quốc? Chính trường Pháp “thảm hại” trong năm 2024 có phải chỉ do lỗi của tổng thống Macron? Có thể chờ đợi gì vào kế hoạch tái thiết quần đảo Mayotte của thủ tướng Pháp Bayrou sau trận bão lịch sử? Và Jimmy Carter, cựu tổng thống Hoa Kỳ vừa từ trần, rốt cuộc đáng khen hay đáng chê? Đây là những câu hỏi chính được các tờ báo Pháp số ra hôm nay, 31/12/2024, quan tâm

 

HÌNH :

Máy bay A350 của Japan Airlines bốc cháy tại sân bay Quốc tế Haneda ở Tokyo, Nhật Bản ngày 02/01/2024, đánh dấu sự cố hàng không đầu tiên của năm nay. REUTERS - Issei Kato

 

Nếu như 2023 được ghi nhận là năm an toàn nhất trong lịch sử vận tải hàng không, với chỉ một vụ tai nạn máy bay, khiến 72 người thiệt mạng, thì năm 2024 đã chứng kiến tổng cộng năm vụ thảm họa hàng không dân dụng, cướp đi sinh mạng của 302 người. 

 

Theo tổng hợp của tờ Les Echos, năm 2024 đã khởi đầu không mấy suôn sẻ với vụ va chạm giữa một chiếc Airbus A350 của Japan Airlines và một chiếc DHC-8 của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản tại sân bay Tokyo-Haneda ngay ngày 02/01, khiến hai nhân viên bảo vệ bờ biển thiệt mạng và cả hai máy bay bị phá hủy hoàn toàn. Chỉ ba ngày sau, vào ngày 05/01, chiếc Boeing 737 Max của Alaska Airlines đã bị rơi mất một cánh cửa. Sự việc này cũng đã đẩy Boeing vào một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử, sau khi cuộc điều tra cho thấy có lỗi trong cách lắp đặt cửa máy bay.

 

Sau đó, tới ngày 09/08, một thảm họa khủng khiếp đã xảy ra tại Brazil, khi một chiếc ATR 72-500 của hãng hàng không khu vực Voepass Linhas Aéreas gặp nạn ở ngoại ô Sao Paulo, làm 62 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Tuy nhiên, tính tới thời điểm đó, tổng số thiệt hại của năm 2024 vẫn giữ ở mức tương đương với năm 2023. Nhưng chỉ trong vòng 1 tuần cuối năm, hai vụ tai nạn của hãng Azerbaijan Airlines vào ngày 25/12 và của hãng Jeju Air vào ngày 29/12 đã làm số nạn nhân tăng vọt. Theo Les Echos, với 179 người thiệt mạng, vụ tai nạn của Jeju Air là thảm họa hàng không tồi tệ nhất kể từ sau vụ tai nạn của hãng hàng không Lion Air (Indonesia) vào năm 2018.

 

 

Hàn Quốc đối mặt với cú sốc từ vụ tai nạn máy bay thảm khốc

 

Trong khi đó, tờ Le Monde đi vào phân tích nguyên nhân của vụ tai nạn máy bay mới nhất này. Ngày 29/12, chiếc Boeing 737-8AS của hãng Jeju Air như thường lệ đang thực hiện chuyến bay từ Bangkokđến đảo Jeju, đã phải hạ cánh khẩn cấp ở sân bay Muan. Theo hình ảnh được ghi lại, hệ thống càng hạ cánh của máy bay dường như đã bị lỗi và không thể mở ra, phi công đã cho chiếc máy bay đáp xuống bằng bụng. Sau đó, chiếc máy bay đã va chạm với một bức tường ở cuối đường băng và bốc cháy, cướp đi sinh mạng của 179 hành khách và phi hành đoàn. 

 

Hai hộp đen đã được tìm thấy, nhưng một hộp bị hư hỏng một phần. Trong khi chờ giải mã, các chuyên gia đang dựa vào thông tin có sẵn để tìm hiểu nguyên nhân vụ tai nạn. Giả thuyết đầu tiên được đề cập tới là động cơ bên phải của máy bay bị hư hỏng do va chạm với chim. Ông Kim Kyu-wang, giám đốc trung tâm huấn luyện bay của Đại học Hanseo cho biết việc va chạm với chim có thể làm hỏng động cơ và ảnh hưởng đến hệ thống thủy lực điều khiển càng hạ cánh của máy bay. Tuy nhiên, theo ông sự cố chỉ với một động cơ không thể dẫn đến tai nạn nghiêm trọng như vậy, rất có thể hai động cơ còn lại của máy bay cũng đã bị hỏng. Cùng quan điểm, ông Kim In-gyu, giảng viên tại Đại học Hàng không Hàn Quốc, cho hay : "Rất hiếm khi cả ba hệ thống càng hạ cánh không hoạt động. Va chạm với chim có thể không phải là nguyên nhân duy nhất". 

 

 

Lỗi tại ai? 

 

Nhân tố đầu tiên được réo tên là hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới : Boeing. Thực tế thì đây không phải là lần đầu tiên loại máy bay 737 này của Boeing gặp sự cố. Trước đó, đã có hai vụ tai nạn liên quan tới loại máy bay này vào năm 2018 ở Indonesia và 2019 ở Ethiopia, làm tổng cộng 346 người thiệt mạng. Và ngay trong ngày hôm qua, chỉ một ngày sau tai nạn thảm khốc hôm 29/12, một chiếc Boeing 737 khác của Jeju Air cũng gặp sự cố liên quan đến càng hạ cánh máy bay, và phải quay lại sân bay Gimpo (phía tây bắc Seoul) ngay sau khi vừa cất cánh.

 

Ngoài ra, còn một số tranh cãi khác xung quanh sân bay quốc tế Muan. Khi hạ cánh khẩn cấp, các sân bay thường phun một lớp bọt chữa cháy lên đường băng. Tuy nhiên, sân bay này đã không làm vậy. Cũng có nhiều người đặt câu hỏi về hệ thống phòng ngừa nguy cơ va chạm với chim của sân bay, nhất là khi Muan vốn nổi tiếng là nơi tập trung của nhiều loài chim. Cuối cùng, ngày càng có nhiều chỉ trích nhắm vào kiến trúc của sân bay. Việc có một bức tường nằm ở cuối đường băng, nơi máy bay va chạm và phát nổ, khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu. Theo ông Kim Kwang-il, giáo sư khoa học hàng không tại Đại học Silla và là cựu phi công, thì “thông thường, không có chướng ngại vật như vậy ở cuối đường băng (…) Điều này vi phạm các tiêu chuẩn an toàn hàng không quốc tế".

 

 

Chính trường Pháp “thảm hại” trong năm 2024 có phải chỉ do lỗi của tổng thống Macron?

 

Trong lúc chờ đợi bài phát biểu cuối năm của tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào 20 giờ tối nay (giờ địa phương), nhiều tờ báo Pháp đã tổng kết lại một vài điểm nhấn trong các hoạt động chính trị của ông Macron trong năm 2024 này. Cả hai tờ Les Echos và Le Figaro đều gọi năm nay là “năm thảm hại” (annus horribilis) của chính trường Pháp, mà tác nhân chủ chốt gây ra sự hỗn loạn trên là quyết định giải tán Quốc Hội hồi tháng 6 của ông Macron. Nhật báo thiên hữu Le Figaro nhận định rằng quyết định này đã “khiến nền Cộng Hoà rơi vào tình trạng khủng hoảng chưa từng có” và đồng thời khiến mức độ tín nhiệm dành cho Emmanuel Macron rơi xuống mức thấp kỷ lục. Theo khảo sát của Elabe, tỷ lệ ủng hộ ông hiện chỉ còn 21%, có nghĩa là thấp hơn cả trong thời kỳ cuộc khủng hoảng "Áo Vàng" năm 2018, khi ông vẫn "duy trì" được ở mức 24%.  

 

Trong khi đó Les Echos thì dẫn lời nhà chính trị học Chloé Morin, cho rằng lỗi không hẳn nằm ở quyết định của tổng thống. Theo bà, việc giải tán Quốc Hội đã làm được việc tốt là giúp phản ánh chân thực sự phân chia xu hướng chính trị của đất nước trong những năm gần đây. Kết quả của cuộc bầu cử Quốc Hội cho thấy chính trường Pháp đang được chia thành 3 khối (gồm cánh tả, cánh trung và cực hữu), đại diện cho 3 tư tưởng chính trị chủ đạo hiện nay của người dân. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ các bên thiếu văn hóa thỏa hiệp. Thêm vào đó là triển vọng cuộc bầu cử tổng thống năm 2027, khiến nhiều nhân vật chính trị hiện nay tìm cách chặn đứng các quyết định ngay từ bây giờ để giành lợi thế cho các “cuộc chơi sau”.

 

Dù sao đi nữa, năm 2024 cũng đánh dấu nhiều "khoảnh khắc tốt đẹp" trong nhiệm kỳ của ông Macron như : tổ chức thành công Thế Vận Hội, lễ kỷ niệm 80 năm ngày đổ bộ Normandie hay việc tái mở cửa Nhà thờ Đức Bà Paris, v.v. Tuy nhiên, sang năm 2025 sẽ còn nhiều hồ sơ khó nhằn chờ đợi tổng thống Pháp. Một trong những mối đau đầu lớn nhất hiện nay là việc ngân sách chưa được thông qua và tình hình tài chính công đang có nhiều dấu hiệu xấu, cộng thêm nguy cơ tân chính phủ có thể tiếp tục bị lật đổ. Dù vậy, theo Les Echos, phần lớn người dân Pháp vẫn mong muốn có sự ổn định chính trị và trong bối cảnh đó, những chính trị gia có thể duy trì được sự tín nhiệm là những người hành động một cách công bằng và khách quan. Ngược lại, những người chỉ lo cho lợi ích cá nhân và phục vụ tham vọng chính trị của mình sẽ gây phản cảm mạnh mẽ.

 

Ngoài ra, Le Figaro dự đoán, các vấn đề đối ngoại, một “lĩnh vực đặc quyền của tổng thống”, sẽ chiếm ưu thế trong bài phát biểu trước thềm năm mới của ông Macron. Trong năm 2025, khả năng đàm phán kết thúc chiến tranh Ukraina rất có thể sẽ được tái khởi động với sự trở lại Nhà Trắng của Donald Trump vào ngày 20/01 tới. Bên cạnh đó còn có các hồ sơ Trung Đông, nơi Pháp đang cố gắng nâng cao tiếng nói ngoại giao. Những phát biểu của tổng thống Pháp sẽ đặt nền tảng cho hội nghị Đại sứ mà ông sẽ chủ trì tại Điện Élysée vào thứ Hai tới (06/01).

 

 

Có thể chờ đợi gì vào kế hoạch tái thiết quần đảo Mayotte sau trận bão lịch sử?

 

Cũng về tình hình nước Pháp, cả 4 tờ báo Le Figaro, La Croix, Libération và Les Echos đều dành bài viết để nói về chuyến thăm quần đảo Mayotte của tân thủ tướng François Bayrou, cùng nhiều bộ trưởng. Hai tuần sau khi cơn bão đi qua, ông Bayrou cuối cùng cũng đã tới Mayotte, mang theo 2,5 tấn hàng cứu trợ và dự án tái thiết vùng nghèo nhất của nước Pháp này trong vòng 2 năm, một thời hạn mà nhiều chuyên gia đánh giá là không thể đạt được. Tuy nhiên, theo Le Figaro, thủ tướng Pháp đã nhắc lại về công cuộc tái xây dựng Nhà thờ Đức Bà trong 5 năm mà ông Macron đưa ra, cũng từng bị nhiều người chỉ trích là điên rồ, nhưng cuối cùng vẫn thành công. Còn nhật báo Công giáo La Croix thì nhận định đây là một chuyến thăm “muộn màng và chẳng giúp xua tan đi lo lắng” của người dân. Nhiều người lo ngại rằng chính phủ mới sẽ “lặp lại những sai lầm cũ”, khiến hàng nghìn người có thể lại rơi vào cảnh sống trong các khu ổ chuột. Và nếu có một trận bão nữa, kịch bản kinh hoàng của ngày 14/12 sẽ tái diễn. 

 

Theo tổng hợp từ các tờ báo Pháp, có thể tóm tắt dự án tái thiết Mayotte qua những điểm chính sau. Đầu tiên về vấn đề cung cấp nước, sản lượng nước sạch sẽ được chuyển đổi từ 38.000 m³ (trước bão Chido) lên 40.000 m³; thêm một nhà máy khử muối và một hồ chứa nước sẽ được xây dựng. Mạng lưới điện thì dự kiến sẽ được khôi phục vào cuối tháng 1 tới. Về viễn thông, chính quyền sẽ cung cấp khẩn cấp mạng Starlink; triển khai mạng 5G trước cuối tháng 6. Còn về kinh tế, các hộ gia đình có thể vay với ân hạn 5 năm; còn các doanh nghiệp sẽ không phải đóng góp các khoản bảo hiểm xã hội cho đến ngày 31/03 và được bồi thường doanh thu lên đến 20.000 €. Các khu ổ chuột sẽ bị cấm tái xây dựng.

 

 

Jimmy Carter, cựu tổng thống Hoa Kỳ vừa từ trần, đáng khen hay đáng chê?

 

Tin tức cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter qua đời cũng chiếm nhiều sự quan tâm của các báo Pháp. Tờ La Croix ca ngợi những thành công của Carter trên bình diện ngoại giao. Vào năm 1978, ông đã đàm phán tại Camp David, giúp ký kết hiệp định hòa bình đầu tiên giữa Israel với một quốc gia Ả Rập là Ai Cập. Ông cũng ký hiệp định Salt II vào năm 1979 về việc giảm chạy đua vũ khí hạt nhân với Liên Xô và trở thành tổng thống đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

 

Sau khi rút lui khỏi chức vụ tổng thống, trong khi những người khác tận dụng danh tiếng của mình để tổ chức các hội nghị, mang về các khoản thu nhập khổng lồ, thì ông lại đấu tranh cho hòa bình và nhân quyền. Vào năm 1982, ông thành lập Carter Center tại Atlanta với khẩu hiệu: "Mang lại hòa bình, chống lại bệnh tật, xây dựng hy vọng." Ngoài ra, theo La Croix, với tài hoà giải, Carter đã khiến Bắc Triều Tiên cam kết đóng băng chương trình phát triển hạt nhân bí mật. Vào tháng 05/2002, ông thậm chí đã trở thành nguyên thủ đầu tiên của Mỹ tới thăm Cuba kể từ cuộc cách mạng của Castro. Những nỗ lực này đã giúp ông giành được giải Nobel Hòa bình vào năm đó.

 

Tuy nhiên, tờ Libération đưa thêm một góc nhìn khác, ngoài những điều tích cực mà cựu tổng thống Hoa Kỳ vẫn thường được ngợi khen. Đó là góc nhìn của nhà sử học Howard Zinn. Trong tác phẩm Lịch sử phổ quát của Hoa Kỳ, nhà sử học đặc biệt chỉ trích việc Carter được coi như một người kiến tạo hòa bình, vì theo ông, Carter vẫn duy trì các khoản tín dụng quân sự khổng lồ, không áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nam Phi trong thời kỳ apartheid, từ chối tài trợ cho việc tái thiết Việt Nam và không chỉ trích các chế độ độc tài đẫm máu ở Philippines hay Indonesia, khi quốc gia này tham gia vào cuộc diệt chủng tại Đông Timor.

 

 





No comments: