Xung
quanh chuyện báo chí Mỹ ‘không ủng hộ ứng cử viên nào’
Hiếu Chân | Saigon Nhỏ
1
tháng 11, 2024-
https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/xung-quanh-chuyen-bao-chi-my-khong-ung-ho-ung-cu-vien-nao/
Sự
kiện chấn động giới truyền thông là Thứ Sáu tuần trước nhật báo The Washington
Post (WP) tuyên bố không ủng hộ ứng cử viên nào trong cuộc bầu cử tổng thống
vào tuần sau, chấm dứt một thông lệ đã có từ năm 1976 của một tờ báo lớn. Tuyên
bố không ủng hộ ứng cử viên nào được cho là quyết định của tỷ phú Jeff Bezos,
ông chủ của tờ báo, đồng thời là ông chủ của tập đoàn Amazon và nhiều tập đoàn
kinh doanh lớn khác như công ty hàng không vũ trụ Blue Origin.
Quyết
định của ông Jeff Bezos được loan báo chỉ vài ngày sau một sự kiện tương tự: nhật
báo Los Angeles Times cũng tuyên bố không ủng hộ ứng cử viên nào, cũng được cho
là theo quyết định của tỷ phú Patrick Soon-Shiong, ông chủ tờ nhật báo lớn nhất
tiểu bang California.
Quyết
định của hai ông chủ báo tỷ phú, chỉ hơn 10 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống,
đã gây bất ngờ cả trong giới cầm bút lẫn trong độc giả, đồng thời đặt vấn đề về
tính độc lập của báo chí và lòng tin của độc giả.
Tại
WP, hàng loạt ký giả cự phách đã lập tức từ chức, trong đó có hai thành viên
ban biên tập Molly Roberts và David Hoffman – người vừa nhận giải Pulitzer tuần
trước. Trong thư từ chức, ông Hoffman viết: “Tôi tin rằng chúng ta đang đối mặt
với mối đe dọa rất thật của chế độ chuyên chế trong việc ứng cử của Donald
Trump. Tôi thấy thật vô lương tâm và không thể biện hộ được cho việc chúng ta
đánh mất tiếng nói của mình vào thời điểm nguy khốn này.” Còn nhà chính luận
Molly Roberts nói bà từ chức bởi vì “ủng hộ Kamala Harris vượt qua Donald Trump
là một mệnh lệnh đạo đức rõ ràng.” Trước đó, cây bút bình luận Michele Norris,
gọi quyết định không ủng hộ là “một sai lầm khủng khiếp… một sự sỉ nhục” trong
một cuộc bầu cử mà những nguyên tắc dân chủ cốt lõi bị đe dọa.
Hai
nhà báo “huyền thoại” của WP là Bob Woodward và Carl Bernstein hôm Thứ Hai đã
lên tiếng phản đối quyết định của WP. Đây là hai nhà báo đã điều tra và phơi
bày trước công luận Mỹ vụ tai tiếng Watergate khiến Richard Nixon phải từ chức
tổng thống năm 1974 để tránh bị luận tội. Trong một tuyên bố chung, hai nhà báo
lão thành nói họ không đồng ý với ông chủ báo và cho rằng quyết định không ủng
hộ được “đưa ra chỉ 12 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống 2024 đã không đếm xỉa
tới vô số bằng chứng mà chính báo WP đã phơi bày về mối đe dọa mà Donald Trump
đặt ra cho nền dân chủ.”
Về
phía các nhà quản lý, ông William Lewis, chủ nhiệm kiêm tổng giám đốc WP, cho rằng
quyết định không ủng hộ ứng cử viên nào chỉ là động tác quay lại với gốc rễ của
tờ báo. Trong 100 năm từ khi thành lập năm 1877, WP đã không chính thức ủng hộ
bất kỳ ứng cử viên tổng thống nào, và việc ủng hộ chỉ bắt đầu năm 1976 với ứng
cử viên đầu tiên được tờ báo ủng là ông Jimmy Carter của đảng Dân Chủ.
Một
nguồn tin nội bộ của WP tiết lộ, hồi cuối Tháng Chín, ông Will Lewis đã bay tới
Miami, Florida, để họp với ông chủ Jeff Bezos, khi ấy ông đã mang theo bản thảo
tuyên bố của ban biên tập WP ủng hộ Phó Tổng Thống Kamala Harris nhưng không
làm thay đổi được quyết định của ông chủ báo tỷ phú.
Trong
một bài bình luận dài đăng trên WP, tỷ phú Jeff Bezos thanh minh rằng việc ủng
hộ một ứng cử viên tổng thống nào đó không có tác dụng đối với lựa chọn của cử
tri mà chỉ làm cho người đọc có cảm nhận tờ báo thiên vị, không độc lập, từ đó
làm xói mòn lòng tin của công chúng vào báo chí. Và ông cho rằng, chấm dứt việc
ủng hộ một ứng cử viên tổng thống là một quyết định có tính nguyên tắc.
Về
phía bạn đọc đã dấy lên một cuộc vận động tẩy chay tờ WP. Đến Thứ Ba, 29 tháng
Mười, đã có 250,000 độc giả hủy bỏ hợp đồng, chiếm khoảng 10% trong tổng số 2.5
triệu người đặt mua dài hạn báo WP, cả bản in và bản điện tử trên mạng. Nhiều
người cho rằng, việc hủy bỏ hợp đồng mua báo WP sẽ chẳng có tác dụng đáng kể, kể
cả về mặt tài chính, đối với ông Jeff Bezos, người có tài sản tới $194 tỷ, xếp
thứ ba trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Thêm nữa, nhiều người lo
ngại việc độc giả hủy hợp đồng đặt báo dài hạn sẽ làm cho tờ báo giảm doanh
thu, giảm thuê mướn các cây bút giỏi và điều đó có hại cho hoạt động báo chí phẩm
chất cao trong hoàn cảnh báo chí chính thống đang bị sức ép sinh tử từ các mạng
truyền thông xã hội đang phát triển mạnh mẽ.
***
Đến
hôm nay, giới truyền thông vẫn bàn tán sôi nổi về động lực nào đã khiến ông
Jeff Bezos không ủng hộ ứng cử viên Kamala Harris của đảng Dân Chủ như ý định
ban đầu của ban biên tập WP và đưa ra một quyết định rõ ràng là có lợi cho ông
Donald Trump của đảng Cộng Hòa. Trong bài xã luận nói trên, ông Bezos nói ông
không bị ai can thiệp, không chịu một sức ép nào khi đưa ra quyết định đó.
Nhưng
quan sát diễn tiến của cuộc bầu cử tổng thống năm nay, người ta có thể hiểu được
phần nào lựa chọn của ông Bezos. Ứng cử viên Kamala Harris không giấu giếm ý định
sẽ tăng thuế lên các tập đoàn lớn, lên những tỷ phú, triệu phú có thu nhập hằng
năm trên $400,000 để giảm thâm hụt ngân sách và tài trợ các chương trình phúc lợi
xã hội. Chính sách đó làm cho các ông chủ tư bản lo ngại và không muốn ủng hộ
bà.
Trong
khi đó, ứng cử viên đảng Cộng Hòa Donald Trump nhiều lần tỏ ra thân thiện với
các nhà tư bản cầm đầu các ngành dầu khí, dược phẩm, công nghệ điện toán… Ông hứa
sẽ bãi bỏ các quy định kiểm soát việc khoan dầu, đàm phán để giảm giá dược phẩm
cung cấp cho chương trình Medicare và nới lỏng việc chính quyền giám sát các tập
đoàn công nghệ. Sự kiện tỷ phú Elon Musk đứng vào hàng ngũ ông Trump và nỗ lực
vận động cho ông Trump là một ví dụ về sự liên kết giữa chiến dịch tranh cử của
ông Trump với các đại gia công nghệ và tài chính Mỹ.
Thêm
nữa, nhiều nguồn tin cho biết ông Trump đe dọa sẽ trả đũa những tỷ phú nào phản
đối ông, đặc biệt là những người đã lên tiếng mạnh mẽ sau vụ bạo loạn ngày 6
Tháng Giêng, 2021. Người ta lo ngại nếu đắc cử, ông Trump sẽ dùng quyền lực vô
đối của tổng thống Hoa Kỳ để chống lại những người mà ông gọi là “kẻ thù bên
trong,” kể cả các nhà quản trị doanh nghiệp. Với nỗi lo ngại đó, trong mấy
tháng gần đây, người ta thấy nhiều vị tổng giám đốc cố gắng tiếp xúc với ban vận
động tranh cử của ông Trump để tìm cách lấy lòng người mà họ nghĩ rằng có thể sẽ
là tổng thống trong một thời gian ngắn nữa.
Không chỉ
ông Elon Musk, ông chủ của Tesla và SpaceX, mà người ta thấy các ông Tim Cook của
Apple, Mark Zuckerberg của Meta (Facebook), Andy Jassy của Amazon, Sundar
Pichai của Google v.v. đều đã tìm cách dàn hòa với ông Trump, nhất là sau vụ
ông ta bị ám sát hụt ở Butler, Pennsylvania, hồi Tháng Bảy.
Ông
Jeff Bezos và ông Trump đã có thời gian dài cơm không lành canh không ngọt.
Trong nhiệm kỳ tổng thống 2017-2020, ông Trump đã không ít lần lên án công ty
Amazon đã không đóng đủ phần tiền thuế mà tập đoàn phải đóng. Năm 2019, Ngũ
Giác Đài trao hợp đồng xây dựng hệ thống điện toán trên mây (cloud computing)
cho đối thủ cạnh tranh Microsoft và Amazon đã kiện chính quyền ông Trump ra
tòa, làm cho hợp đồng phải bị ngừng lại. Nhưng mới đây ông Trump cho biết ông
Bezos đã gọi điện thoại cho ông, ca ngợi sự kiên cường và dũng cảm của ông sau
sự kiện ám sát hụt.
Là
nhà kinh doanh, ông Bezos rất thực dụng. Các công ty của ông đang có nhiều mối
làm ăn với chính phủ liên bang như hợp đồng $10 tỷ về mạng điện toán với Ngũ
Giác Đài, hợp đồng $3.5 tỷ chế tạo tàu đổ bộ mặt trăng với NASA, và ông cũng
không muốn chính quyền can thiệp quá sâu vào đế chế kinh doanh của ông nên chuyện
ông dàn hòa với ông Donald Trump, không ủng hộ bà Kamala Harris xem ra cũng
không lạ. Ở đây, lợi ích kinh tế dường như đã lấn lướt trách nhiệm công dân của
nhà báo.
***
Nhiều
tổ chức báo chí lớn của Mỹ là sở hữu của các tỷ phú hoặc các tập đoàn tư bản
nhưng có một thông lệ bất thành văn là những ông chủ không trực tiếp can thiệp
nội dung và công việc của các ban biên tập; nghĩa là các nhà báo hoàn toàn được
tự do khi thực hiện chức trách của mình: thông tin kịp thời, đầy đủ và chính
xác đến người đọc, đưa ra quan điểm, dựa trên những dữ kiện thu thập được để rồi
trên căn bản những thông tin ấy người đọc lựa chọn và quyết định cách suy nghĩ,
hành động. Nếu bị can thiệp từ một thế lực bên ngoài hay từ guồng máy kiểm duyệt
của chính quyền, báo chí sẽ mất tính độc lập và niềm tin của người đọc sẽ giảm
sút.
Một
hiện tượng đáng buồn là xã hội Mỹ ngày càng bị chia rẽ sâu sắc và báo chí cũng
bị phân cực như vậy giữa bảo thủ và cấp tiến, làm cho người đọc ngày càng mất
niềm tin. Một cuộc khảo sát dư luận từ ngày 3 đến ngày 10 Tháng Chín của Viện
Gallup về lòng tin của người Mỹ vào truyền thông báo chí cho biết: chỉ có 31%
những người được hỏi ý kiến nói rằng họ tin rằng báo chí đưa tin “đầy đủ, chính
xác và công bằng” trong khi có 36% không có chút lòng tin nào và 33% không tin
tưởng nhiều ở truyền thông. Những con số này gần như không thay đổi từ 2016 đến
nay và số người tin vào truyền thông đã giảm mạnh từ mức 72% trong cuộc khảo
sát năm 1976. Báo chí Mỹ đang thoái trào và điều đó có phần do tự do báo chí bị
vi phạm, nhà báo không hoàn toàn được tự do hành nghề theo lương tâm và chức
trách.
Trở
lại với vụ lùm xùm của báo WP, bỉnh bút Dana Milbank, một cây bút bình luận
sáng giá của tờ báo này viết rằng, ông hoan hô các đồng nghiệp đã từ chức để phản
đối quyết định của ông chủ Jeff Bezos, ông cũng hoan hô các đồng nghiệp còn ở lại
làm việc và làm ra những tác phẩm báo chí củng cố niềm tin của bạn đọc vào tính
độc lập của báo chí. Nhưng nếu sự can thiệp đi xa hơn “quyết định không ủng hộ”
mà lan vào các lĩnh vực khác của tờ báo, vi phạm tính độc lập và liêm chính,
thì chính ông sẽ tổ chức một chiến dịch kêu gọi độc giả tẩy chay và đồng nghiệp
bỏ việc.
No comments:
Post a Comment