Tại
sao các ngành khác được làm thêm mà giáo viên lại không được dạy thêm!
Rất
nhiều người, kể cả các nhà quản lý hay đại biểu, vẫn cứ lặp đi lặp lại mãi cái
lý lẽ rằng, tại sao các ngành khác được làm thêm mà giáo viên lại không được dạy
thêm!
Trả
lời:
Vì nó xung đột lợi ích. Không ai làm quản lý mà lại được quyền không biết đến
nguyên tắc tối thiểu này. Xung đột lợi ích là gì? Là khi học trò anh đi thi
trong một cuộc tranh tài với học sinh các trường khác mà anh lại là thành viên
ban giám khảo; là khi anh làm giám đốc một doanh nghiệp nhà nước nhưng lại mua
vật tư từ một công ty do vợ anh làm chủ… Trong những tình huống như thế anh dễ
ra một quyết định có lợi cho bản thân, thay vì đảm bảo tính công bằng hoặc đảm
bảo lợi ích chung.
Không
ai đề nghị cấm giáo viên làm thêm hay dạy thêm cả, vấn đề làm gì, làm với ai và
ở đâu. Anh là một giáo viên Văn dạy giỏi, ngoài thời gian ở trường, anh đi dạy
viết cho một đội ngũ làm marketing của một công ty, thì ai dở hơi mà đòi cấm
anh! Còn khi anh dạy thêm chính học sinh mà anh đang dạy trên lớp, anh có muôn
vàn cách lùa các em về nhà mình để dạy thêm mà không một bộ máy quản lý nào có
thể giám sát nổi: bớt kiến thức, dạy qua loa trên lớp, trù dập, thiên vị, phân
biệt đối xử v.v..
Về
định nghĩa, tôi đọc và lược lại cho mọi người vài nét chính, ai muốn đọc kỹ hơn
thì tìm sách hoặc search Google. Xung đột lợi ích (Conflict of Interest) là sự
đối lập, mâu thuẫn, thậm chí là loại trừ lẫn nhau trong các mối quan hệ có liên
quan đến lợi ích. Xung đột lợi ích xảy ra khi một người hoặc tổ chức trở nên
không đáng tin cậy do xung đột giữa lợi ích cá nhân và nhiệm vụ hoặc trách nhiệm
nghề nghiệp, làm nảy sinh nghi vấn liệu hành động, phán đoán hoặc việc ra quyết
định của họ có công bằng hay không. Xung đột lợi ích và hành vi tham nhũng có mối
quan hệ chặt chẽ với nhau. Có thể nói xung đột lợi ích là một trong những
nguyên nhân khởi nguồn của hành vi tham nhũng. Nếu xung đột lợi ích không được
kiểm soát thì dễ dẫn đến hành vi tham nhũng.
Trong
các hoạt động công vụ (dạy học là một hoạt động như thế), để tránh xung đột lợi
ích thì nguyên tắc về công bằng, vô tư, phải được đặt lên hàng đầu. Mà muốn thế,
phải ngăn ngừa các tình huống xung đột lợi ích, không cho chúng tồn tại.
Giáo
viên vừa dạy học sinh của mình trên lớp (chính khóa) nhưng lại vừa được phép dạy
thêm chính những học sinh ấy ở nhà, thì đó là một dạng xung đột lợi ích điển
hình. Vì lợi ích của mình (điểm số, thành tích, tiền bạc…), giáo viên ấy có thể
ra những quyết định hoặc có những hành động thiếu công bằng, không vô tư và
không trong sáng. Nhất là trong trường hợp này, nó sẽ là đặc biệt nghiêm trọng
bởi vì học sinh là những người yếu thế và phụ thuộc hoàn toàn.
Xung
đột lợi ích là một tình huống chứ không phải là hành vi, tuy nhiên đa số các
tình huống xung đột lợi ích đều có nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật, vì nó ảnh
hưởng mạnh mẽ và trực tiếp tới việc ra quyết định của chủ thể, do lợi ích cá
nhân của họ chi phối. Bởi thế, do tính chất của nó, việc “phòng bệnh” phải được
đặt lên hàng đầu. Không một tổ chức hay phương pháp quản lý nào khi nhìn thấy
những tình huống xung đột lợi ích mà lại để nó tồn tại và đợi sau này đi giải
quyết hậu quả, trừ trường hợp là ngu ngốc hoặc có động cơ xấu.
Các
ngành nghề và những mối quan hệ khác nhau sẽ có tính chất khác nhau, do đó việc
được làm thêm hoặc thực hiện các hành động nào đó phải được xem xét cụ thể xem
có xung đột lợi ích hay không, chứ không phải đưa ra cái lý lẽ hết sức vu vơ rằng
tại sao ngành nọ được mà ngành kia lại không. Ví dụ, một kế toán của một doanh
nghiệp điện lực nhà nước hoàn toàn có thể làm thêm cho một cửa hàng bán bánh kẹo
nào đó mỗi tuần 1 giờ chẳng hạn, nhưng anh ta không được làm thêm cho một công
ty đang cung cấp vật tư điện cho chính công ty của mình.
Giáo
viên mà dạy thêm thu tiền học sinh của chính mình thì khác gì vừa làm huấn luyện
viên, vừa làm cầu thủ, kiêm luôn trọng tài! Không ai quản lý được “đạo đức nghề
nghiệp” của hàng triệu giáo viên khi để họ ở trong một tình huống xung đột lợi
ích hiển nhiên như thế. Bởi, chỉ một ánh mắt, một giọng nói, một lời nhận xét
“bất thường” thôi, cũng đủ khiến học sinh phải vác sách tới nhà cô để học thêm.
Ai quản lý được ánh mắt giáo viên, thưa Bộ trưởng?
Giáo
viên dạy thêm sẽ là không sao cả, nếu họ không dính dáng gì tới việc ra quyết định
về điểm số (lợi ích – kết quả học tập ở trường) của học sinh mà họ dạy. Như thế,
sẽ không có xung đột lợi ích nếu họ không có chân trong hệ thống giáo dục, mà
thay vào đó, tự thành lập công ty/trung tâm để dạy theo hình thức tư nhân.
Trong trường hợp ít tốt hơn, đó là khi họ không dạy học sinh lớp mình, trường
mình (mà chỉ dạy học sinh ở trường khác). Tuy nhiên, dù điều này tạm ổn nhưng vẫn
có nhiều vấn đề cần bàn sâu, như về trách nhiệm đảm bảo chất lượng thực hiện
chương trình quốc gia của bộ chủ quản, về việc dạy trước chương trình, về việc
tạo ra sự chồng chéo trong công tác giáo dục, v.v.. Bảo đảm chất lượng của việc
thực hiện chương trình giáo dục quốc gia là trách nhiệm đương nhiên của ngành
giáo dục, còn nếu học sinh muốn học thêm cái gì khác thì ra ngoài – tìm đến những
chỗ tư nhân không có liên quan gì đến nhà trường và giáo viên chính khóa cả.
Hậu
quả của việc để xung đột lợi ích tồn tại, hay tệ hơn nữa là tạo ra các tình huống
xung đột lợi ích (như việc cho phép nhà trường và giáo viên dạy thêm chính học
sinh của mình) là vô cùng to lớn và không thể lường hết được. Một quyết định
như thế phải bị bãi bỏ ngay từ đầu, chứ không phải tìm mọi cách biện minh cho bằng
được, như cái cách mà ông Bộ trưởng và Bộ Giáo dục đang cố nói lấy được.
https://diendantheky.net/wp-content/uploads/2024/11/Hinh-1-bai-Thai-Hao.jpg
“Bộ
trưởng Giáo dục và Đào tạo nói chủ trương không cấm giáo viên dạy thêm, chỉ cấm
nếu họ vi phạm đạo đức nghề nghiệp.”, Báo
VnExpress.
Tóm
lại, như đã nói, đối với xung đột lợi ích thì giải pháp đầu tiên và kiên quyết
là phải loại trừ, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”; thứ hai là cần có các chính sách
phúc lợi minh bạch và đủ tốt; thứ ba, trong những trường hợp cụ thể, phải xem
có sự chi phối của nhóm lợi ích hoặc các động cơ bất minh nào đó hay không mà cứ
khăng khăng “bảo tồn” một tình huống xung đột lợi ích hiển nhiên, như trong việc
dạy thêm này.
***
Một
môn học phải học 4 lần, trong đó 3 lần là học thêm*
Một
môn 2 thầy! Đó là chuyện cách đây đã vài năm, khi tôi tình cờ gặp con của một
người bạn, ngoài học chính khóa, cũng chỉ môn đó, cháu phải đi học thêm 2 thầy.
Hỏi vì sao phải học lắm thế, thì được biết rằng, học ở nhà với thầy giáo chủ
nhiệm là học để “đủ nghĩa vụ” – nếu không sợ sẽ bị đì, còn thầy giáo bên ngoài
là học để có kiến thức.
Chưa
hết, ngoài 2 “trận học” như trên, nhà trường còn tổ chức dạy thêm, cũng môn đó,
và gắn cho nó những cái tên trá hình như “phụ đạo”, “tăng cường”, “bồi dưỡng”,
“câu lạc bộ”…
Một
môn học thôi mà phải học 4 lần, trong đó 3 lần là học thêm. Nhà trường tổ chức
vì hiệu trưởng cũng muốn kiếm tí phần trăm; giáo viên kéo học sinh về nhà vì “ở
trường chẳng được bao nhiêu”; còn học sinh, muốn có kiến thức thì sau khi hoàn
thành tất cả những “nghĩa vụ thiêng liêng” là nuôi bộ máy quản lý nhà trường và
“cải thiện đời sống” cho giáo viên, lúc đó mới được phép lo đến phần mình, là
đi “tầm sư học đạo” bên ngoài.
Một môn đã
thế, 3 – 4 môn thì học sinh sống làm sao đây? Nghĩ đi, thế sinh ra một chương
trình giáo dục với đội ngũ nhà giáo ăn lương để làm gì mà sau khi học xong, các
em, ít thì 1 lần, nhiều thì 3 – 4 lần, phải đi học lại môn đó? Học lại, hoặc học
trước, đúng vậy, cần gọi đúng tên, không phải “học thêm”.
Hỏi,
sao không bỏ học thêm ở trường và ở nhà thầy cô đi, chỉ đi học thêm bên ngoài
thôi? “Nguyện vọng” đấy, “nhu cầu chính đáng” đấy, “tự nguyện” đấy! Thử xem
không có “nguyện vọng, nhu cầu và tự nguyện” kiểu ấy xem, có yên ổn được không?
Chỉ một thiểu số, rất ít, cha mẹ có bản lĩnh mới đủ dũng khí đứng mé mé ra khỏi
cái guồng quay tàn khốc ấy, tất nhiên bao giờ cũng phải trả giá; còn lại, đa số,
không thể cưỡng lại. Trẻ con chứ đâu phải bò sữa đâu mà vắt đến cùng kiệt như
thế? Ác độc, để nuôi sống mình, thậm chí là làm giàu, người lớn đã ăn hết tuổi
thơ, sức khỏe, và linh hồn những đứa trẻ.
Các vị điều
hành và quản lý nền giáo dục mà quan liêu không bút mực nào tả được. Bao nhiêu
những nào là liên kết, kỹ năng sống, câu lạc bộ…do các công ty bên ngoài vào
móc nối với nhà trường để bào tiền phụ huynh học sinh, chèn cả vào chương trình
chính khóa; bao nhiêu những cái đơn in sẵn chỉ cần phải ghi chữ “tự nguyện”
vào, bao nhiêu những cắt xén, mượn danh, trù dập diễn ra khắp nơi, báo chí và
người dân rầm rộ phản ánh không ngớt từ năm này qua năm khác, nhưng các vị dường
như không thấy, không nghe, không biết. Các vị để mặc học sinh khổ, phụ huynh
khổ, cả xã hội rối ren. Các em đi học đến tối tăm mặt mũi, học đến đờ đẫn ngu
ngơ, học đến sức cùng lực kiệt. Sao ác thế?
Một
cách đơn giản thôi, tôi cũng như bao nhiêu người đã hét vào tai các vị hàng
trăm lần rồi, là chỉ cần đưa việc học thêm dạy thêm ra ngoài, cấm tuyệt đối
trong nhà trường và với giáo viên chính khóa, để cho tư nhân hoặc những người
không hoạt động trọng hệ thống giáo dục nhà nước thực hiện, là xong. Chỉ lúc đó
những chữ như tự nguyện, như nhu cầu chính đáng mới mang ý nghĩa thật của nó;
chỉ lúc đó môi trường giáo dục mới trở nên trong sáng, sạch sẽ. Một việc dễ nhất
trên đời như thế, nhưng các vị quyết không làm, vẫn một mực bao biện quanh co,
cãi chày cãi cối đến cùng. Là vì làm sao vậy? Càng lúc, tôi càng không tài nào
hiểu được cái suy nghĩ và động cơ của các vị.
Đừng
hiểu lầm, tôi lên tiếng không phải vì con tôi đang phải trực tiếp gánh chịu cái
khổ nạn này. Con tôi lớp 7 và chưa từng đi học thêm 1 ngày nào. Và chắc chắn rồi,
nếu cháu không thích thì cho đến hết phổ thông cháu cũng sẽ không phải đi học
thêm ngày nào cả. Không ai ép buộc được hay trù dập được. Tôi sẽ bảo vệ con tôi
đến cùng. Vấn đề là không phải cha mẹ nào cũng dám làm như thế, nên hàng triệu
đứa trẻ vẫn đang bị người lớn bào ra ăn mỗi ngày. Từ cái đám cỗ tập thể này,
nhân cách của tất cả cứ suy dần đi: thầy cô méo mó, trẻ em khốn đốn, nền giáo dục
trở thành chợ đen… Còn tiếp tục đến bao giờ nữa đây?
*Tựa
do DĐTK đặt.
No comments:
Post a Comment