Hội
nghị Khí hậu COP29 : ‘‘Ít nhất’’ 300 tỉ đô la/năm cho các nước đang phát triển
Trọng Thành - RFI
Đăng
ngày: 24/11/2024 - 14:35 - Sửa đổi ngày: 24/11/2024 - 18:30
Hội
nghị của Liên Hiệp Quốc về khí hậu COP29, tại Baku, đã phải kéo dài thêm 30 giờ.
COP29 có nguy cơ thất bại do bất đồng sâu sắc giữa các nước phát triển và các
nước đang phát triển, đặc biệt về số tiền tài trợ cho các nước nghèo trong việc
đối phó với biến đổi khí hậu. Thỏa thuận tài trợ « ít nhất 300 tỉ đô
la/năm », rút cuộc đạt được vào đêm hôm qua, rạng sáng nay,
24/11/2024, được nhiều nước hoan nghênh nhưng cũng bị nhiều nước khác chỉ trích
kịch liệt.
HÌNH
: Phiên bế mạc Hội nghị Khí hậu COP29, tại Baku, Azerbaidjan, đêm
23/11/2024. AFP - STRINGER
Theo
AFP, Liên Hiệp Châu Âu ca ngợi thỏa thuận này là « điểm khởi đầu của một
kỉ nguyên mới ». Tổng thống mãn nhiệm Mỹ Joe Biden ca ngợi thỏa thuận
là « một bước tiến quan trọng ». Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc
Antonio Gutteres nhấn mạnh thỏa thuận đặt ra « các nền tảng »
cho phép hướng đến mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá 1,5°C, với điều
kiện thỏa thuận được « thực thi toàn bộ và theo đúng lịch trình »,
và cộng đồng quốc tế « không được lơi lỏng » trong cuộc chiến
khí hậu.
« Thỏa
thuận » COP29 bị nhiều nước lên án
Trong
khi đó, đại diện của nhóm 45 nước nghèo nhất hành tinh, nạn nhân hàng đầu của
biến đổi khí hậu, lên án một thỏa thuận « không đủ tầm vóc ».
Bộ trưởng Chuyển đổi Sinh thái Pháp Agnès Pannier-Runacher cũng ghi nhận đây là
một thỏa thuận « gây thất vọng », bị nhiều nước phản đối. Đại
diện Ấn Độ tố cáo nước chủ nhà đã tước quyền phát biểu trước khi thỏa thuận được
thông qua, đồng thời chỉ trích số tiền tài trợ « thấp khủng khiếp »,
thỏa thuận nói trên « gây ảo tưởng », và nhấn mạnh New Delhi
« phản đối thỏa thuận này ».
Để
thỏa thuận rút cuộc được thông qua, vào phút cuối, các bên tham gia đàm phán đã
đưa thêm cụm từ« ít nhất » vào cam kết tài trợ 300 tỉ đô/năm.
Đặc phái viên Jeanne Richard từ Baku cho biết thêm về thỏa thuận vừa
đạt được:
« Việc
đưa thêm vào phút cuối cụm từ ‘‘ít nhất’’ 300 tỉ đô/năm đã làm thay
đổi tình hình. Đây không còn mức trần cần hướng đến, mà là mức tối thiểu có thể
vượt qua. Thậm chí có thể đạt được mục tiêu 1.300 tỉ đô la như đòi hỏi ban đầu.
Điều
quan trọng là các nước phát triển, các quốc gia chịu trách nhiệm lịch sử về
phát thải gây hiệu ứng nhà kính làm biến đổi khí hậu, sẽ là bên chủ yếu thực
thi cam kết này. Trung Quốc và các cường quốc trỗi dậy khác có thể tham gia tự
nguyện mà không chịu áp lực cụ thể nào.
Tiền
có thể đến từ nhiều nguồn, từ chính quyền, từ tư nhân, hay từ ngân hàng phát
triển. Nhưng điểm cuối cùng này cũng chính là điều khiến các nước phương Nam lo
ngại, bởi họ muốn tránh các khoản vay mới có nguy cơ khiến nợ nần thêm chồng chất.
Một
nhà thương thuyết châu Phi cho tôi biết, thỏa thuận này gây thất vọng với các
nước phương Nam, về số tiền tài trợ cũng như việc tư nhân đảm nhiệm một phần
quá lớn trong tài trợ, tuy nhiên có một chút an ủi, đó là các nước phương Nam
đã thành công trong việc đạt được một điều khoản cho phép xem xét lại thỏa thuận
này sau 5 năm, thay vì 10 năm như trước đó. Các nước phương Nam hy vọng là từ
đây đến đó, thế giới sẽ xem trọng hơn việc trả tiền để tránh các thảm họa ngày
càng trở nên hủy diệt hơn so với hiện tại. »
Nhân
nhượng vào phút chót với các nước nghèo nhất
Ngoài
việc bổ sung cụm từ « ít nhất », giới quan sát ghi nhận một lý
do khác khiến thỏa thuận không bị nhóm các nước nghèo nhất ngăn chặn. Theo AFP,
sau phản ứng cứng rắn không tham gia thương lượng trong những giờ cuối cùng của
hội nghị, nhóm 45 nước nghèo nhất (33 nước châu Phi, 8 nước châu Á, ba nước
châu Đại dương và một nước châu Mỹ), và nhóm khoảng 40 đảo quốc nhỏ rút cục đã
đạt được nhân nhượng từ phía các nước cam kết tài trợ. Theo đó, tài trợ trong
tương lai sẽ dành nhiều ưu tiên hơn cho hai nhóm nước này.
COP29
cũng dự kiến có một báo cáo tại COP30 ở Brazil, tháng 11/2025, về việc tăng cường
« tài chính khí hậu ». Đây là một cơ hội mới để nhóm các nước
nghèo nhất và dễ tổn thương nhất, có thể nhận được nhiều tiền hơn dưới hình thức
viện trợ không hoàn lại, trong lúc 69% tài trợ khí hậu hiện nay là dưới hình thức
tín dụng.
Le
Monde dẫn lại phát biểu của ông Augustine Njamnshi, đồng sáng lập của Liên minh
toàn châu Phi vì công lý khí hậu (PACJA), tập hợp 2.000 hiệp hội dân sự, cho thấy
thế tiến thoái lưỡng nan của các nước nghèo: « Thỏa thuận này không thực
sự có lợi cho chúng tôi, nhưng chỉ có thế hoặc không có gì. Các nước châu Âu đã
đặt chúng tôi trước tình thế phải lựa chọn, khi nhấn mạnh đến việc Donald Trump
lên cầm quyền tại Nhà Trắng hoặc các đảng cực hữu đang ngày càng mạnh lên ở
châu Âu, để thuyết phục chúng tôi là sẽ thiệt hại nhiều hơn nếu từ chối thỏa
thuận này. Một lần nữa châu Phi và các nước đang phát triển lại bị đẩy vào chân
tường ».
------------------------------------
COP29
kéo dài thêm một ngày: Nguy cơ thất bại do bất đồng về tiền tài trợ cho nước
đang phát triển
Trọng Thành
- RFI
Đăng
ngày: 23/11/2024 - 14:1 - Sửa đổi ngày: 23/11/2024 - 14:53
No comments:
Post a Comment