Vài khuôn mặt
trong nội các chính phủ Trump: Đáng lo!
Hiếu Chân/Người Việt
November
15, 2024 : 11:02 PM
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/vai-khuon-mat-trong-noi-cac-chinh-phu-trump-dang-lo/
Chỉ
10 ngày sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử ngày 5 Tháng Mười Một, Tổng
Thống Đắc Cử Donald Trump đã cấp tốc thành lập nội các chính phủ, chuẩn bị điều
hành đất nước từ ngày 20 Tháng Giêng, 2025. Đến Thứ Sáu, 15 Tháng Mười Một, những
chiếc ghế quan trọng nhất trong nội các tương lai đã có chủ, tuy một số bộ trưởng
còn phải chờ được Thượng Viện phê chuẩn. Về căn bản người dân Mỹ đã có thể nhìn
thấy chân dung chính phủ mới, còn thế giới bên ngoài thì “sốc” nặng!
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/11/A1-Khuon-mat-noi-cac-Trump-1536x871.jpg
Ba
khuôn mặt trong nội các chính phủ Trump: Dân Biểu Matt Gaetz (Florida)
vào ghế bộ trưởng Tư Pháp, cựu Dân Biểu Tulsi Gabbard (Hawaii) vào ghế
giám đốc Tình Báo Quốc Gia, người dẫn chương trình truyền hình Pete Hegseth
làm bộ trưởng Quốc Phòng. (Hình: Andrew Harnik & Steven Ferdman & Brett
Carlsen/Getty Images)
Ngay
từ đầu, các nhà phân tích chính trị đã dự đoán ông Trump sẽ đưa vào chính phủ
các nhân vật “hồng” hơn “chuyên.” “Hồng” ở đây không phải là cộng sản mà là người
trung thành tuyệt đối với ông Trump, sẵn sàng thực thi mọi mệnh lệnh của ông mà
không thắc mắc hay phản đối kể cả khi những mệnh lệnh đó không phù hợp với Hiến
Pháp và pháp luật. Tiêu chuẩn “hồng hơn chuyên” đã được ông Donald Trump Jr. –
con trưởng của tổng thống đắc cử và cũng là người có tiếng nói quyết định trong
việc chọn người vào các chức vụ trong chính phủ – tuyên bố rõ ràng tại câu lạc
bộ Mar-a-Lago ngay sau khi có kết quả bầu cử.
Trong
nhiệm kỳ thứ nhất (2017-2021) Tổng Thống Donald Trump mới chân ướt chân ráo bước
vào chính trường; nội các chính phủ 45 mà ông lập ra khi ấy có lẽ là nội các có
nhiều quan chức bị sa thải hoặc thôi việc nhất trong lịch sử. Nhiều người trong
số họ, sau khi rời Tòa Bạch Ốc, đã viết sách hoặc lên truyền hình tiết lộ nhiều
chuyện động trời, xấu xí về ông Trump và hậu trường chính phủ. Tiêu biểu trong
các nhân vật này là ông John Bolton, cựu cố vấn An Ninh Quốc Gia (2018-2019), với
cuốn sách “The Room Where It Happened” hay người tiền nhiệm của ông là Đại Tướng
H.R. McMaster, cố vấn An Ninh Quốc Gia (2017-2018), với cuốn sách “At War with
Ourselves – My Tour of Duty in the Trump White House.” Lần này, đã có tám năm
kinh nghiệm chính trị nên ông Trump quyết chỉ chọn những người tin cẩn cho dù họ
có những khiếm khuyết về trình độ hay tư cách.
Biết
vậy, nhưng người quan sát thời cuộc không khỏi ngỡ ngàng khi ông Trump giới thiệu
Dân Biểu Matt Gaetz (Florida) vào ghế bộ trưởng Tư Pháp, cựu Dân Biểu Tulsi
Gabbard (Hawaii) vào ghế giám đốc Tình Báo Quốc Gia, người dẫn chương trình
truyền hình Pete Hegseth làm bộ trưởng Quốc Phòng, Thống Đốc South
Dakota Kristi Noem làm bộ trưởng Nội An, và ông Robert Kennedy Jr.
làm bộ trưởng Y Tế và Dịch Vụ Nhân Sinh. Còn một số nhân vật khác nữa, nhưng
đây là những khuôn mặt gây tranh cãi nhiều nhất mà do khuôn khổ bài báo chúng
tôi chỉ có thể trình bày ba trường hợp. Điểm chung của các nhân vật này, theo
các nhà bình luận chính trị, là năng lực có hạn, tư cách lem nhem, không nên có
mặt trong bộ máy chính phủ nếu không nói là đặt ra những nguy cơ tiềm ẩn cho quốc
gia.
Tại sao
ông Trump lại “chọn mặt gửi vàng” vào những cá nhân bất xứng như vậy? Ở đây ngoài lòng
trung thành tuyệt đối còn có một yếu tố đáng chú ý: khao khát trả thù của cá
nhân ông Trump với những thế lực mà ông cho là đã hãm hại ông suốt mấy năm qua.
Mà ông Trump thì có nhiều kẻ thù, cả kẻ thù cá nhân lẫn tổ chức.
***
Trước
tiên là Bộ Tư Pháp. Theo thông lệ Bộ Tư Pháp thuộc chính phủ nhưng có mức độ độc
lập nhất định trong việc thực thi pháp luật, không phải lúc nào cũng tuân theo
chỉ thị của Tòa Bạch Ốc. Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đã không thể can thiệp
để Bộ Tư Pháp dừng truy tố con trai ông là Hunter Biden hay bỏ tù cựu Thượng
Nghị Sĩ Bob Menendez, nhân vật cao cấp của đảng Dân Chủ. Nhưng dưới mắt ông
Trump, Bộ Tư Pháp đã bị chính quyền Biden biến thành vũ khí để truy bức ông
trong cái gọi là “cuộc săn phù thủy” mang động cơ chính trị. “Ít có vấn đề nào ở
Mỹ quan trọng hơn là chấm dứt việc vũ khí hóa hệ thống tư pháp của chúng ta,”
ông Trump tuyên bố.
Hàng
triệu cử tri ủng hộ ông Trump tin vào lập luận của ông rằng những rắc rối pháp
lý, những vụ truy tố và kết tội ông ở toà án không phải là hậu quả hành vi sai
trái của chính ông Trump mà là do ông là nạn nhân của guồng máy tư pháp bị “vũ
khí hóa,” trong đó “đầu têu” là ông Bộ Trưởng Merrick Garland, Công Tố Viên Đặc
Biệt Jack Smith, Bộ Trưởng Tư Pháp tiểu bang New York Letitia James và Chánh Biện
Lý Fulton County Fani Willis ở Georgia.
Chiến
thắng trong bầu cử không chỉ giúp ông Trump vượt qua các rắc rối pháp lý đó mà
còn cho phép ông cải tổ tận gốc Bộ Tư Pháp, sử dụng “vũ khí” pháp lý để truy tố
những người đã hãm hại ông, từ những phụ nữ tố cáo ông xâm hại tình dục, đến
các đối thủ chính trị như Biden, Harris, Liz Cheney… và cả những người từng làm
việc dưới quyền ông nhưng về sau “quay xe” bôi xấu ông trước công luận. Để làm
được cuộc báo thù vĩ đại đó, ông cần một bộ trưởng Tư Pháp tận tụy, vâng lời vô
điều kiện, sẵn sàng bẻ cong các ranh giới pháp luật và đạo đức. Matt Gaetz là
nhân vật như vậy dù viên luật sư 42 tuổi này chưa bao giờ làm việc tại Bộ Tư
Pháp hoặc làm công tố viên.
Tại
Hạ Viện, Matt Gaetz là người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho phát ngôn của ông Trump rằng
cuộc bầu cử 2020 “bị đánh cắp,” gọi những kẻ bạo loạn xông vào tòa nhà Quốc Hội
hôm 6 Tháng Giêng, 2021, là những “khách du lịch ái quốc,” yêu cầu giải tác các
cơ quan thực thi pháp luật như Bộ Tư Pháp, Cơ Quan Điều Tra Liên Bang (FBI) nếu
các cơ quan này không nghe lệnh của tổng thống.
Hơn
thế nữa, ông Trump nhìn thấy ở ông Matt Gaetz một “bản sao” của chính ông: từng
bị Bộ Tư Pháp điều tra về hành vi tình dục, bị Ủy Ban Đạo Đức Hạ Viện điều tra
vì “có hành vi sai trái về tình dục và sử dụng ma túy bất hợp pháp…” Với một “bản
sao” như ông Gaetz ông Trump có thể yên tâm là ông và gia đình ông được bảo vệ
và các đối thủ của ông phải trả giá.
***
Cộng
đồng tình báo Mỹ đã “gây thù chuốc oán” với ông Trump ngay từ ngày đầu tiên ông
nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ trước khi họ điều tra mối quan hệ bí mật giữa ban
vận động tranh cử của ông với tình báo Nga dẫn tới cuộc điều tra kéo dài của
Công Tố Viên Đặc Biệt Robert Mueller năm 2017-2019. Cuộc điều tra không truy tố
ông Trump vì Bộ Tư Pháp có luật bất thành văn không truy tố tổng thống đương
nhiệm nhưng một số cộng sự cao cấp của ông Trump như Tướng Michael Flynn, Paul
Manafort, Rick Gates… đã phải vô tù gỡ lịch. Quan hệ giữa ông Trump với cộng đồng
tình báo Mỹ xuống thấp tới mức ông Trump nói với ông Vladimir Putin, tổng thống
Nga, rằng ông tin lời ông Putin hơn là báo cáo của tình báo Mỹ. Và đã đến lúc
ông trả mối thù.
Bây
giờ thì ông Trump đưa bà cựu Dân Biểu Tulsi Gabbard lên lãnh đạo cộng đồng 18
cơ quan tình báo quốc gia. Bà Gabbard, 43 tuổi, từng là ứng cử viên tổng thống
của đảng Dân Chủ năm 2020 rồi bỏ đảng năm 2022 để theo ông Trump, chẳng những
là người không có kinh nghiệm trong công tác tình báo mà còn gây nghi ngờ vì
quan điểm thân thiết với Nga và Syria. Bà là một cựu chiến binh tham chiến tại
Iraq năm 2005-2005, hiện là trung tá trong Lực Lượng Dự Bị của quân đội Mỹ,
nhưng mang những quan điểm trái ngược với chính sách đối ngoại của Mỹ.
Về
cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đang diễn ra, bà Gabbard cho rằng Mỹ đã không quan
tâm đầy đủ tới mối lo ngại an ninh của Nga khi mở rộng NATO về hướng Đông, do
đó ông Putin có lý do chính đáng để tấn công Ukraine, quốc gia có tệ nạn tham
nhũng tràn lan. Bà phản đối Mỹ can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria chống chế độ
chuyên chế của Tổng Thống Bashar al-Assad được Moscow hậu thuẫn nhưng bị
Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao năm 2012 sau khi al-Assad dùng vũ khí hoá
học tấn công quân nổi dậy. Thậm chí bà Gabbard đã đi gặp ông al-Assad năm 2017
và tuyên bố rằng “ông ta không phải là kẻ thù của nước Mỹ.” Những quan điểm và
phát ngôn của bà Gabbard càng ngày càng giống với tuyên truyền của Nga, nhất là
khi bà lên tiếng tố cáo quân đội Mỹ có cơ sở sản xuất vũ khí hóa học ở Ukraine
khiến Thượng Nghị Sĩ Mitt Romney (Cộng Hòa-Utah) cảnh báo “những lời dối trá độc
địa của bà ta có thể làm nhiều người mất mạng.”
Bà
Gabbard có quyền có quan điểm cá nhân nhưng người ta lo sợ trong cương vị phụ
trách tình báo quốc gia, bà sẽ tư vấn cho Tổng Thống Trump cách nhìn méo mó về
các vấn đề chính trị thế giới chỉ để làm hài lòng ông Trump mà có hại cho đất
nước. Một hệ quả là các nước đồng minh sẽ ngần ngại khi chia sẻ với Mỹ các
thông tin tối mật, thậm chí không hợp tác với Mỹ, vì lo sợ chúng có thể bị trao
cho kẻ thù ở Nga, Iran hoặc Trung Quốc.
***
Từng
tránh bị động viên tham chiến ở Việt Nam khi còn trẻ, ông Trump có một phức cảm
với quân đội. Không ít lần ông tỏ ý khinh rẻ những người lính tử trận, bị bắt
làm tù binh hoặc bị thương tật. Trong nhiệm kỳ thứ nhất, ông gặp khó khăn với Bộ
Quốc Phòng vì các tướng lãnh không tuân phục những mệnh lệnh phi lý của ông như
điều động quân đội giải tán các cuộc biểu tình Black Lives Matter ở các đô thị
hoặc tổ chức diễu binh phô trương lực lượng. Ông ao ước mình có được những tướng
lãnh trung thành như Quốc Trưởng Adolf Hitler ngày xưa. Đã vậy, các tướng lãnh
về vườn sau thời gian làm việc cùng ông còn lên án ông “ngu dốt,” “phát xít tận
xương tủy” làm cho ông hết sức tức giận và sẽ trả thù.
Lần
này, ông Trump quyết tâm “thay máu” Bộ Quốc Phòng – cơ quan có ngân sách hằng
năm hơn $800 tỷ và quản lý gần 3 triệu binh sĩ cả hiện dịch và trừ bị – bằng
cách đưa vào ghế bộ trưởng một người dẫn chương trình truyền hình 44 tuổi tên
Pete Hegseth. Ông Trump thường xuất hiện trong chương trình “Fox & Friends
Weekend” do ông Hegseth dẫn và từ đó hai người trở nên thân thiết. Ngồi bên ông
Trump trước máy thu hình, ông Hegseth đôi khi đưa ra những bình luận gây tranh
cãi, chẳng hạn như ông nói thiên chức của phụ nữ là sinh con đẻ cái chứ không
phải tham gia chiến đấu trong quân đội; viên tướng hàng đầu của Mỹ được đề bạt
chỉ vì màu da [đen] của ông ta; ông Hegseth cũng từng vận động ông Trump ân xá
cho các binh sĩ bị tòa án quân sự kết tội vì giết người bừa bãi v.v.
Dù
đã phục vụ trong Vệ Binh Quốc Gia từ 2002 đến 2022, tham chiến ở Iraq năm 2005
và Afghanistan năm 2011, cấp bậc trung đội trưởng, đại úy và được nhiều huy
chương nhưng ông Hegseth không có kinh nghiệm chỉ huy quân đội ở cấp chiến lược.
Nếu được phê chuẩn, tân bộ trưởng sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, từ
việc lập quan hệ công tác với các tướng lãnh chỉ huy các binh chủng cho đến giải
quyết xung đột ở các điểm nóng trên toàn cầu như chiến tranh Nga-Ukraine, chiến
tranh giữa Israel và các tổ chức quân sự được Iran ủy nhiệm. Nguy cơ chiến
tranh lan rộng ở Trung Đông, bùng phát xung đột quân sự ở Đài Loan, ở Biển Đông
Việt Nam và bán đảo Triều Tiên cũng như cuộc cạnh tranh ai thắng ai thua với đội
quân khổng lồ đang được canh tân nhanh chóng của Trung Quốc luôn đè nặng lên
tâm trí những người chỉ huy quân đội Mỹ, chưa biết anh chàng đại úy này sẽ ứng
phó thế nào.
***
Còn
nhiều khuôn mặt đáng lo trong hàng ngũ nội các thứ 47 nhưng chỉ với ba nhân vật
kém tài vô đức được đề cử lãnh đạo ba mảng tư pháp, quốc phòng và tình báo đã đủ
gây lo ngại cho bất cứ ai quan tâm tới thời cuộc. Vị thế của quốc gia, bình an
cho cuộc sống của mỗi người dân phụ thuộc rất nhiều vào những chính sách và quyết
định ở các lĩnh vực quan trọng này.
Vẫn
còn hy vọng là ông Trump sẽ thay đổi ý kiến vào phút cuối sau khi gặp phản ứng
không thuận ngay từ các quan chức cao cấp của đảng Cộng Hòa, hoặc Thượng Viện
hiện do đảng Cộng Hòa chiếm đa số 53-47 sẽ không phê chuẩn những trường hợp bất
xứng. Nhưng hy vọng là rất mong manh, vì ông Trump thường nghĩ ông luôn luôn
đúng, còn đảng Cộng Hòa sẽ không có can đảm hoặc ý chí để làm trái với lựa chọn
của ông Trump – một “hoàng đế đã trở lại!” (The returning King) như lời tôn
xưng của Dân Biểu Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana), chủ tịch Hạ Viện. (Hiếu
Chân) [qd]
No comments:
Post a Comment