Wednesday, November 13, 2024

TRUMP SẼ ĐÁNH TRUNG QUỐC NHƯ THẾ NÀO? (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Trump sẽ đánh Trung Quốc như thế nào?

Hiếu Chân/Người Việt

November 12, 2024 : 7:07 PM

 https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/trump-se-danh-trung-quoc-nhu-the-nao/

 

Chiến thắng của ông Donald Trump đã thổi một luồng gió phấn khích vào công luận ở Việt Nam. Người ta vui mừng với hy vọng tổng thống Mỹ thứ 47 sẽ “đập Trung Cộng te tua” và nhờ đó Việt Nam có cơ may thoát vòng kim cô để trở thành một quốc gia dân chủ và thịnh vượng.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/11/Binh-Luan-Trump-Danh-Tau-1536x1024.jpg

Dân chúng Việt Nam chào đón Tổng Thống Trump ngày 28 Tháng Hai, 2019, khi ông tới Hà Nội họp thượng đỉnh với Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un. (Hình: Carl Court/Getty Images)

 

Thật vậy không? Chính sách đối với Trung Quốc của ông Trump trong nhiệm kỳ mới sẽ như thế nào?

 

Ai cũng biết chống Trung Quốc là đường lối nhất quán của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, cho dù ai lên làm tổng thống thì đường lối đó cũng sẽ không thay đổi nhiều.

 

Tổng Thống thứ 44 Barack Obama khởi xướng chiến lược “pivot” (chuyển hướng sang Châu Á) với ý đồ kiềm chế Trung Quốc nhưng nửa chừng bỏ cuộc vì chiến tranh leo thang ở Afghanistan, Iraq và Trung Đông.

 

Tổng Thống thứ 45 Donald Trump khởi xướng chiến lược “Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương Tự Do và Rộng Mở” (FOIP), làm hồi sinh Bộ Tứ QUAD (Mỹ+Nhật+Úc+Ấn) và đặc biệt khởi động một cuộc thương chiến, đánh thuế 25% lên hàng hoá nhập cảng từ Trung Quốc.

 

Tổng Thống thứ 46 Joe Biden tiếp tục cuộc thương chiến, tăng thuế lên các mặt hàng công nghệ của Trung Quốc, bổ sung bằng việc cấm xuất cảng sang Trung Quốc các công nghệ cao, công nghệ bán dẫn, đồng thời củng cố quan hệ an ninh quốc phòng với Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines, tạo thành một vành đai đồng minh và đối tác ngăn chặn sự bành trướng ảnh hưởng của Bắc Kinh.

 

Chính vì thế, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 đang diễn ra, một giáo sư Trung Quốc đã nhận định chua chát rằng, Kamala Harris và Donald Trump là “hai chén thuốc độc,” ai thắng thì Trung Quốc cũng khó.

 

Bây giờ thì ông Donald Trump đã thắng lớn; ông không chỉ trở lại Tòa Bạch Ốc mà còn trở lại với uy thế mạnh hơn nhiều khi đảng Cộng Hòa của ông nắm được quyền lãnh đạo cả hai viện Quốc Hội. Đầu tuần này, ông Trump công bố dự tính bổ nhiệm các chức vụ quan trọng trong nội các có liên quan tới chính sách đối xử với Trung Quốc: Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) sẽ là ngoại trưởng, Dân Biểu Mike Waltz (Cộng Hòa-Florida) giữ vai trò cố vấn an ninh quốc gia và có tin đồn trong giới thân cận của ông Trump rằng cựu đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer được mời quay lại đảm nhiệm chức vụ mà ông ta đã giữ trong nhiệm kỳ đầu, hoặc giữ chức bộ trưởng Thương Mại.

 

“Nhân sự là chính sách” – với những khuôn mặt “diều hâu” như vậy trong nội các chính phủ Trump, Bắc Kinh quả có nhiều điều để lo lắng.

 

Nếu được bổ nhiệm như dự tính, ông Marco Rubio sẽ là người cứng rắn nhất trong các ngoại trưởng Mỹ. Nhiều năm qua, ông chủ trương một chính sách ngoại giao dựa trên sức mạnh khi đối đầu với các đối thủ địa chính trị như Trung Quốc, Iran và Cuba.

 

Gần đây, ông Rubio đã “mềm” hơn cho phù hợp với quan điểm của ông Trump – người chủ trương một chính sách đối ngoại kiềm chế và tránh lôi kéo nước Mỹ vào những cuộc chiến tranh tốn kém ở nước ngoài. Ông Rubio là một trong 15 thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu chống lại gói viện trợ quân sự cho Ukraine trị giá $95 tỷ mà Quốc Hội Mỹ thông qua hồi Tháng Tư, 2024.

 

Dân Biểu Mike Waltz là cựu giám đốc chính sách quốc phòng của các cựu bộ trưởng Quốc Phòng Donald Rumsfeld và Robert Gates trước khi được bầu vào Hạ Viện năm 2018. Ông hiện giữ vai trò trưởng Tiểu Ban Quân Vụ, thành viên Tiểu Ban Tình Báo, và thành viên Tiểu Ban Đặc Biệt về đảng Cộng Sản Trung Quốc của Hạ Viện.

 

Từng tham chiến ở Iraq, Afghanistan và Syria, ông Waltz đặc biệt lo ngại về nguy cơ chiến tranh và cho rằng quân đội Hoa Kỳ chưa chuẩn bị sẵn sàng nếu xung đột nổ ra ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

 

Trong cuốn sách xuất bản đầu năm nay “Hard Truths: Think and Lead Like a Green Beret,” ông Waltz đưa ra một chiến lược năm bước để ngăn ngừa chiến tranh với Trung Quốc, trong đó có cung cấp vũ khí cho Đài Loan nhanh hơn nữa, trấn an các đồng minh và hiện đại hóa Không Quân và Hải Quân Mỹ. Để thực hiện chiến lược năm bước, ông yêu cầu đánh giá lại các mục tiêu của Mỹ tại Ukraine, dù trước đây ông yêu cầu chính quyền Biden phải cung cấp nhiều vũ khí hơn nữa để giúp Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga.

 

“Xét về lợi ích của nước Mỹ, lúc này chúng ta có nên phí phạm thời gian, tiền bạc và nguồn lực mà chúng ta đang rất cần cho khu vực Thái Bình Dương hay không?,” ông Waltz đặt câu hỏi.

 

Robert Lighthizer là một luật sư ở Ohio, không phải kinh tế gia; nhưng ông đã thiết kế chương trình đánh thuế lên hàng hóa Trung Quốc nhập cảng trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump và được chính quyền Biden tiếp tục thực hiện. Trái với quan niệm của giới học giả rằng thuế nhập cảng (tariff) gây thiệt hại cho nền kinh tế, người tiêu dùng phải gánh chịu các khoản thuế đó, làm gia tăng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trái với truyền thống thương mại tự do của Mỹ, ông Lighthizer và các đồng sự cho rằng đánh thuế cao là cần thiết để làm giảm thâm hụt thương mại, kích thích sản xuất ở trong nước. Nếu được trở lại chức vụ cũ, đại diện thương mại, hoặc bộ trưởng Thương Mại, ông Lighthizer sẽ vận động Quốc Hội đưa chương trình đánh thuế này vào luật để áp dụng lâu dài. Trong cuộc vận động tranh cử ông Trump đã nhiều lần công khai các đề nghị của Lighthizer như đánh mức thuế phổ quát (universal tariff) 20% lên tất cả hàng hóa nhập cảng, 60% lên hàng hoá Trung Quốc kể cả hàng hóa của các công ty Mỹ sản xuất ở Trung Quốc và khoản thu thuế nhập cảng này sẽ giúp bù đắp chương trình giảm thuế lợi tức doanh nghiệp từ 21% hiện nay xuống còn 15% mà ông Trump hứa hẹn.

 

                                                     ***

 

Tuy chưa chính thức bắt tay vào việc, ê-kíp kể trên của ông Trump đã gây rúng động ở Bắc Kinh. Thực ra, Trung Quốc đã chuẩn bị nhiều cách đối phó với chính quyền Trump và họ tin sẽ giành được thế thượng phong.

 

Việc ông Trump áp thuế 60% lên hàng hóa Trung Quốc chắc chắn gây khó cho Bắc Kinh vào lúc kinh tế Trung Quốc đang yếu đi đáng kể, nhưng Trung Quốc vẫn có thể trả đũa bằng những biện pháp của họ: cấm xuất cảng sang Mỹ các mặt hàng chiến lược như các khoáng sản hiếm cần thiết cho ngành công nghệ cao, tăng thuế hoặc hạn chế nhập cảng nông sản Mỹ và gây khó cho các công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc. Bắc Kinh đã bắt đầu thực hiện những biện pháp này và chắc chắn sẽ gia tăng cường độ nếu ông Trump giữ nguyên lời đe dọa đánh thuế. Thêm nữa, đánh thuế phổ quát lên hàng hóa nhập cảng – một hình thức đóng cửa thị trường – là cách nhanh nhất để đẩy các đối tác và đồng minh xa rời ảnh hưởng của Mỹ. Vấn đề của Trung Quốc là cố khai thác được nhiều mối lợi nhất, tránh được nhiều xung đột nhất trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.

 

Mối lo trong tâm khảm của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình là thôn tính Đài Loan mà ông dự định hoàn tất trước năm 2027. Nếu Mỹ dồn lực vào Đông Á thì ông Tập sẽ khó đạt được mục tiêu đó.

 

Ở đây cả ông Trump và ông Marco Rubio, ngoại trưởng tương lai, đều chưa rõ ràng trong vấn đề Đài Loan. Ông Trump không nói rõ như ông Biden là Mỹ có sẽ hỗ trợ nếu Đài Loan bị Trung Quốc tấn công hay không. Ông Trump đề nghị Đài Loan phải tăng chi tiêu quân sự lên gấp bốn lần, tương đương 10% GDP, yêu cầu Đài Loan trả tiền để được Mỹ bảo vệ, đồng thời lên án Đài Loan “thâu tóm ngành công nghiệp sản xuất chíp điện tử của Mỹ.”

 

Những tuyên bố như vậy của người sẽ là tổng thống Mỹ làm cho 23 triệu dân Đài Loan mất tinh thần và mở ra một cơ hội vàng để Bắc Kinh đẩy mạnh tuyên truyền rằng Đài Loan sắp bị Mỹ bỏ rơi.

 

Tỷ phú Elon Musk, nhân vật mới nhất thân cận và có ảnh hưởng lớn đến ông Trump, cũng là doanh nhân có mối làm ăn lớn ở Trung Quốc, nhiều lần khẳng định rằng Đài Loan là phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc, và lệnh cho công ty SpaceX mà ông ta sở hữu chuyển các hoạt động sản xuất ra khỏi Đài Loan cứ như hòn đảo dân chủ này sắp bị tấn công hủy diệt.

 

Trong quá khứ, ông Musk từng nhận lời của Tổng Thống Nga Vladimir Putin, không cung cấp dịch vụ vệ tinh viễn thông Starlink của SpaceX tại khu vực Đài Loan “để làm vui lòng ông Tập Cận Bình”! Hành động của Musk đang góp phần thúc đẩy tuyên truyền của Bắc Kinh về Đài Loan và có thể Musk đang sắm vai trung gian hòa giải giữa ông Trump và ông Tập trong các vấn đề địa chính trị.

 

Ukraine là một ẩn số khác. Nếu Mỹ chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine và thuyết phục Kiev chấp nhận một thỏa thuận đình chiến với Nga theo những điều kiện có lợi cho Moscow (như kế hoạch của Phó Tổng Thống tân cử JD Vance) thì đó là phần thưởng từ trên trời rơi xuống cho giới lãnh đạo Trung Quốc.

 

Cả ông Trump, ông Vance, ông Rubio và ông Waltz đều không muốn tiếp tục viện trợ Ukraine mà chuyển sang ủng hộ Nga để tìm cách chia rẽ mối liên kết Nga-Trung Quốc, theo chính sách mà giới phân tích chính trị gọi là “reverse Nixon,” đảo ngược chính sách của cố Tổng Thống Richard Nixon bắt tay với Trung Quốc để cô lập và triệt hạ Liên Xô đầu thập niên 1970. Nếu Washington bỏ rơi Kiev thì Trung Quốc sẽ có cơ hội vàng để phá hủy các liên minh quốc tế của Mỹ ở cả Châu Âu và Châu Á, chỉ ra cho thế giới thấy Mỹ là một đối tác không đáng tin cậy, những cam kết của Mỹ chẳng có chút giá trị nào và đã đến lúc phải rũ bỏ cái trật tự thế giới do Mỹ đặt ra và lãnh đạo mấy chục năm nay.

 

Trong “hai chén thuốc độc,” Trung Quốc đã tránh được chén thuốc độc hơn. Trong nhiệm kỳ mới của ông Trump chắc chắn Bắc Kinh gặp nhiều khó khăn nhưng xem ra lợi nhiều hơn hại.

 

Nghĩ rằng, “ông Trump sẽ đánh Trung Quốc te tua” là một ý nghĩ hời hợt, xuất phát từ mong ước chống Trung Quốc hơn là thực tế chính trị cường quốc. Việt Nam có được tự do và thịnh vượng hay không, có “thoát Trung” được hay không là do nỗ lực của người Việt trong và ngoài nước chứ không thể trông cậy vào một thế lực bên ngoài, dù đó là Tổng Thống Tân Cử Donald Trump hay nước Mỹ hùng cường nhất thế giới. [kn]

 

 

 

 

 

 



No comments: