Thư ngỏ gửi Tổng Giám
đốc Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Thanh Lâm
Thư ngỏ
gửi Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Thanh
Lâm
(Về những sai sót và bất ổn của chương trình Vua Tiếng Việt)
Kính
gửi ông Nguyễn Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.
Tôi
là Hoàng Tuấn Công, người nghiên cứu ngôn ngữ và văn hoá dân gian, hiện sinh sống
và làm việc tại Thanh Hóa, số điện thoại:…, email…
Hôm
nay tôi buộc lòng phải viết thư này gửi đến ông, cũng bởi vạn bất đắc dĩ, vì biết
ông mới nhậm chức, hãy còn bận trăm công ngàn việc ở cương vị mới. Đó là câu
chuyện liên quan đến những sai sót kéo dài của chương trình truyền hình Vua Tiếng
Việt phát sóng từ năm 2021 đến nay trên VTV3.
Thưa
ông Nguyễn Thanh Lâm, thực ra bức thư ngỏ này tôi viết từ ngày 31/7/2024, vốn để
gửi đến người tiền nhiệm của ông là Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Lê
Ngọc Quang, nhưng cứ nấn ná chưa gửi bởi vẫn hy vọng và chờ đợi Vua Tiếng Việt
có sự đổi mới, rút kinh nghiệm, không còn để xảy ra sai sót nữa. Tuy nhiên, thật
đáng tiếc, trong suốt thời gian qua cho đến chương trình gần đây nhất, không kiểu
này thì kiểu kia, Vua Tiếng Việt vẫn tạo ra lỗi sai một cách cẩu thả, thô bạo,
rất khó chấp nhận. Bởi thế, hôm nay tôi không còn cách nào khác là gửi tới ông
bức thư ngỏ vốn được viết ra để gửi người tiền nhiệm của ông, như đã nói.
Thưa
ông, tôi là người làm công việc nghiên cứu phê bình tự do, đã xuất bản sách phản
biện về các công trình Việt ngữ (cuốn Từ điển của GS Nguyễn Lân – Phê bình và
khảo cứu – NXB Hội Nhà văn, 2017), cùng hàng trăm bài trao đổi, phê bình khảo cứu
về ngôn ngữ và từ điển, trong suốt gần ba mươi năm qua. Từ tháng 4 năm 2023,
tôi mới biết Đài Truyền hình Việt Nam có một chương trình mới có tên Vua Tiếng
Việt, “nhằm tìm hiểu và khám phá sự phong phú, giàu có và thâm thúy của tiếng
Việt qua các từ vựng, ngữ pháp, ca dao,… trong đời sống, đồng thời hướng đến
gìn giữ sự trong sáng vốn có của tiếng Việt…”. Tôi đã vui mừng, nhưng rồi dần
thất vọng, nỗi thất vọng ngày càng lớn, lí do là có quá nhiều sai sót về ngôn
ngữ và ngôn ngữ học trong chương trình này.
Từ
thời điểm ấy đến nay, tôi trở thành một khán giả bất đắc dĩ, hàng tuần kiên nhẫn
theo dõi Chương trình Vua Tiếng Việt (thường là phát lại qua các kênh YouTube),
vừa “nhặt sạn”, góp ý và “tư vấn miễn phí”, vừa hi vọng và chờ đợi về một sự cải
thiện chất lượng trong mỗi số phát sóng. Nhưng đã hơn một năm trôi qua, tình
hình không những không được khắc phục, mà đáng buồn thay, những lỗi sai mà
chính bản thân tôi và nhiều người đã giúp chỉ ra và góp ý một cách chân thành,
đầy trách nhiệm, đã không được ekip Chương trình tiếp thu và sửa chữa; ngược lại
vẫn phát sinh lỗi mới và lặp lại lỗi cũ.
Về
các lỗi sai của Vua Tiếng Việt, tôi đã công khai trên Blog cá nhân, Facebook cá
nhân, đăng trên báo và trả lời báo chí. Từ đây, những sai sót của Vua Tiếng Việt
cũng được đông đảo khán giả và những nhà chuyên môn lên tiếng, có những lúc đã
tràn ngập các bài viết trên mạng xã hội, hàng loạt tờ báo lớn cũng “vào cuộc”
phản ánh. Một số ví dụ:
– Vua
tiếng Việt bị chê nhiều sạn
– Cố
vấn chương trình Vua Tiếng Việt tôi cũng bất ngờ trước lỗi sai
– Vua
Tiếng Việt vừa trở lại đã bị bắt lỗi
– Vua Tiếng Việt là ai – Thái Hạo
Không
thể kể hết những bài báo và các bài viết trên mạng xã hội nói về những cái sai
của Vua Tiếng Việt.
Tôi
không rõ ông có nắm được, hay có được những người chịu trách nhiệm về Chương
trình báo cáo về sự việc trên đây hay không. Bởi vậy, sau đây tôi xin điểm qua
một số dạng lỗi và cố gắng kèm ví dụ minh họa nếu có thể (vì khó lòng mà liệt
kê đầy đủ các lỗi trong một bức thư ngắn), để ông nhanh chóng nắm được vấn đề.
1.
Vua Tiếng Việt sai chính tả rất nhiều lần, trong đó có cả những lỗi chính tả mà
hiếm ai có thể mắc phải. Ví dụ:
–
“Chậm trễ” viết thành “chậm chễ”; “xoay xở” viết thành “xoay sở”; “xe tơ” viết
thành “se tơ”,…
–
Hai từ khác nhau, nhưng Vua Tiếng Việt lại ngộ nhận từ này là sự cố chính tả của
từ kia, như: “bàng hoàng” và “bàn hoàn”; “loang lổ” và “lang lổ”,…
–
Hai từ đồng nghĩa, với hai dạng chính tả đều được chấp nhận, nhưng lại ngộ nhận
cho rằng một trong hai từ sai chính tả, ví dụ: dúm dó và rúm ró; trương lên và
chương lên; tròng trành và chòng chành,…
2. Vua Tiếng
Việt nhiều lần tự tạo ra lỗi văn bản để yêu cầu người chơi “viết lại cho đúng
chính tả”.
Ví
dụ: “trung chiâng” (chung chiêng); “ngyêm nghặt” (nghiêm ngặt); “qãng” (quãng);
“qăng qật” (quăng quật); “bâg khuâg” (bâng khuâng); “áo giách” (áo rách). Đây
thực chất đều là những lỗi văn bản, do đánh thiếu chữ hoặc nhảy chữ, chứ không
phải lỗi chính tả (lỗi kiểu này liên tục lặp đi lặp lại, kéo dài cho đến chương
trình gần đây nhất). Như vậy, Vua Tiếng Việt đã phạm vào lỗi rất sơ đẳng, đó là
không phân biệt được lỗi chính tả và lỗi văn bản khác nhau thế nào.
3. Vua Tiếng
Việt nhiều lần giải nghĩa các thành ngữ, tục ngữ sai, hoặc cung cấp cho người
chơi và khán giả các dị bản thành ngữ, tục ngữ ca dao sai lệch đến mức vô cùng
bi hài.
Ví
dụ các câu “Đá đưa đầu lưỡi”, “Lộng giả thành chân”, “Ông tha mà bà chẳng
tha,…”, “Cháy nhà ra mạch chuột”, “Mèo theo miếng thịt xôn xao…”; “Chơi dao có
ngày đứt tay”, “Cha già con cọc”,…Tôi không thể kèm theo nội dung phản biện ở
đây vì rất dài.
4. Vua Tiếng
Việt ra câu hỏi một đằng nhưng lại yêu cầu đáp án một nẻo. Đó là yêu cầu người
chơi sắp xếp các từ ngữ “thành câu có nghĩa” nhưng lại chỉ chấp nhận một đáp án
duy nhất đúng, đó là những câu thơ hay câu văn cụ thể của ai đó.
Ví
dụ “bữa/điếc/xóm/Hàng/một/tai/phải” đáp án là “Hàng xóm một bữa phải điếc tai”
(phương án “Hàng xóm phải điếc tai một bữa” dù hoàn toàn “có nghĩa” nhưng không
được Chương trình chấp nhận); “bát/ba/cơm/Ăn/những, đáp án” = đáp án là “Ăn cơm
những ba bát” (phương án “Ăn những ba bát cơm” dù hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu
đề ra, đó là “có nghĩa”, nhưng cũng không được chấp nhận).
5. Vua Tiếng
Việt tổ chức cho người chơi giải nghĩa từ ngữ một cách tùy tiện và không chính
xác về mặt ngữ nghĩa học (những
lỗi này không thể kể hết).
6. Nguồn
tài liệu tham khảo của Vua Tiếng Việt không chỉ quá ít ỏi, lạc hậu, mà kĩ năng
tra cứu từ điển, lựa chọn từ điển cũng bộc lộ nhiều hạn chế, nếu không nói là
chưa biết tra từ điển.
Ví
dụ ở Tập 26 (2023), Chương trình yêu cầu người chơi tìm ra một từ mà nghĩa của
nó chỉ “tình cảm gắn bó thuỷ chung, giữa hai con người,… giữa hai vợ chồng”.
Người chơi trả lời là “sắt son” (rất chính xác), nhưng lại không được chấp nhận,
vì đáp án của chương trình là “son sắt”. Điều này hoàn toàn sai, vì hai từ này
đồng nghĩa. Theo đây, nếu Vua Tiếng Việt sử dụng “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng
Phê chủ biên, bản của Vietlex) thì ngay trong mục từ “son sắt”, soạn giả đã có
chú thông tin từ đồng nghĩa với nó là “sắt son”; ngược lại ở mục từ “sắt son”
được chú là “như son sắt”; trong khi từ điển Hoàng Phê (bản cũ của Viện Ngôn ngữ)
mà Vua Tiếng Việt đang sử dụng làm bảo bối, lại không có phần chú thông tin cho
từ đồng nghĩa, do vậy người làm kịch bản đã không kết nối được hai từ “son sắt”
và “sắt son”. Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp mà Vua Tiếng Việt dù ôm
khư khư từ điển trong tay nhưng lại để xảy ra những sai sót thật bi hài. Lỗi
này còn xuất phát ngay từ khâu xây dựng kịch bản, tiếp đến là lỗi của cố vấn và
người dẫn chương trình. Họ đã không tính trước được những gì có thể phát sinh
ngoài kịch bản, và cũng không xử lí được tình huống nóng trên sân chơi.
Thưa
ông Nguyễn Thanh Lâm, hẳn ông đã biết, VTV3 cũng như Vua Tiếng Việt thuộc đài
truyền hình quốc gia nên có hàng triệu khán giả theo dõi mỗi ngày, kể cả kiều
bào và người nước ngoài rất yêu tiếng Việt và đang học. Trong số những khán giả
ấy có không ít người hạn chế về năng lực tiếng Việt và tri thức tiếng Việt, và
đặc biệt có rất nhiều giáo viên, học sinh. Mà tâm lý chung của người dân là
“tivi nói là chuẩn rồi”, thành ra với việc mắc phải và “sản xuất” ra các lỗi
sai ngày càng nhiều như đã nói, Vua Tiếng Việt đang truyền bá sâu rộng những
sai lầm, làm méo mó tiếng mẹ đẻ.
Thưa
ông Nguyễn Thanh Lâm, như đã nói ở đầu thư, suốt hơn một năm qua tôi đã viết
hàng chục bài, liên tục chỉ ra những lỗi, từ sơ đẳng đến phức tạp về ngôn ngữ
trên Chương trình Vua Tiếng Việt. Bên cạnh đó, rất nhiều đóng góp của độc giả bốn
phương và báo chí nhà nước, trong đó không ít những người có chuyên môn sâu về
ngôn ngữ học. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi, những người yêu tiếng Việt và lo lắng
cho tiếng Việt nhận được chỉ là một sự im lặng khó hiểu. Cho đến nay, chưa một
lần những người có trách nhiệm của Chương trình Vua Tiếng Việt (như người chỉ đạo
sản xuất Tạ Bích Loan hay đạo diễn Khuất Ly Na,…) lên tiếng xin lỗi, đính
chính. Ngược lại, họ vẫn tiếp tục “sản xuất” ra các lỗi sai cả cũ lẫn mới. Với
thái độ và ứng xử ấy, chúng tôi buộc lòng phải nghĩ rằng, ekip của Vua Tiếng Việt
thiếu trách nhiệm, không tôn trọng khán giả, thách thức dư luận và đang góp phần
phá hoại tiếng mẹ đẻ một cách công khai.
Với
mong muốn chương trình ngày càng tốt hơn, chúng tôi đã không tiếc công sức tra
cứu và viết nhiều bài, nêu và chỉ ra cách sửa chữa những lỗi sai mà Vua Tiếng
Việt đã mắc phải, nhưng đã không nhận được bất kỳ sự tiếp thu hay phản hồi nào
từ ekip Chương trình. Ý thức sâu sắc về ảnh hưởng to lớn của Chương trình đối với
việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, tôi buộc lòng phải viết thư này gửi
đến ông với những đề nghị sau đây:
1.
Chỉ đạo những người chịu trách nhiệm của Vua Tiếng Việt khắc phục triệt để các
lỗi sai đã được khán giả chỉ ra và không tiếp tục lặp lại cũng như làm phát
sinh các lỗi mới.
2.
Nên tạm dừng phát sóng nếu vẫn chưa có được một ekip và đội ngũ cố vấn đủ năng
lực và trách nhiệm để đảm đương Chương trình.
3.
Yêu cầu người chịu trách nhiệm chính của Vua Tiếng Việt phải lên tiếng công
khai xin lỗi khán giả và người dân nói chung (vì tiếng Việt là một di sản văn
hóa của toàn dân).
4.
Cuối cùng, yêu cầu Vua Tiếng Việt đính chính lại tất cả những sai sót của
Chương trình (từ Mùa 1 cho đến Mùa 3), trả lại sự chính xác và trong sáng vốn
có của tiếng Việt.
Chân
thành cảm ơn và chờ đợi phản hồi từ ông.
Thanh
Hóa, ngày 31.7.2024 – 1.11.2024 (*)
_____
Ghi
chú: (*) Bức thư ngỏ này được viết lại từ ngày 1/11/2024, để gửi tới Tổng Giám
đốc mới của Đài Truyền hình Việt Nam, nhưng một lần nữa, người viết lại nấn ná
chưa gửi. Và cũng chính trong khoảng thời gian này, chương trình Vua Tiếng Việt
lại tiếp tục sản xuất ra các lỗi mới, rất khó chấp nhận.
https://www.facebook.com/photo/?fbid=3958662024364487&set=a.1558808777683169
“Trậm trễ”
hay “chậm chễ”
.
No comments:
Post a Comment