Friday, November 15, 2024

QUAN CHỨC VIỆT NAM LẠM DỤNG TÌNH DỤC PHỤ NỮ : LẨY KIỂU có làm nguôi nỗi NHỤC QUỐC THỂ ?   (Trong Thanh / Facebook)

 



QUAN CHỨC VIỆT NAM LẠM DỤNG TÌNH DỤC PHỤ NỮ : LẨY KIỂU có làm nguôi nỗi NHỤC QUỐC THỂ ?   

Trong Thanh

14-11-2024  lúc 10:26  

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0Ddc6MvPXVpVc1ATz5MvHUkoqP8jXnL9LM4SfrXrLVmG9vFJ86p8fqAWdd8WnHYVEl&id=100009197912801

 

(cảm nghĩ quanh vụ một quan chức người Việt bị cáo buộc quấy rối tình dục ở nước ngoài)

 

Những ngày gần đây rộ lên chuyện một quan chức Việt Nam bị cáo buộc quấy rối tình dục tại nước ngoài trong chuyến đi của nguyên thủ quốc gia (1), chuyện nhà cầm quyền đang bưng bít thông tin về vụ việc, chuyện quốc gia sở tại Chile làm rõ mặt thật và trừng phạt đích đáng, công khai,… … Rồi chuyện nhà văn lẩy Kiều nhân việc này…

 

Rất nhiều điều xoắn lại ở đây. Mình xin được có lời về chuyện lẩy Kiều trước…

 

Trước hết cần khẳng định, lẩy Kiều không phải là độc quyền của một nhà văn.

 

                                                             ***

 

HAI CÁCH LẨY KIỀU

 

Có nhiều cách lẩy Kiều! Lẩy Kiều, dùng câu “Nghĩ mình phương diện quốc gia, Quan trên nhắm xuống người ta trông vào. Phải tuồng trăng gió hay sao, Sự này biết tính thế nào được đây ?...” để biện minh khéo léo cho hành xử của các Quan lớn (dùng thủ đoạn để lấp liếm tội lỗi), và gọi đó là giữ được “quốc thể”, là một cách.

 

Lẩy Kiều để phơi bày, tố cáo sự đê hèn của giới nhà quan là một chuyện hoàn toàn khác. Nếu có mục tiêu như thế, thì có thể nhắc đến tâm trạng tuyệt vọng của nàng Kiều sau khi bị Hồ Tôn Hiến đẩy vào đường cùng : “Thân sao thân đến thế này ? Còn ngày nào cũng dư ngày ấy thôi ! Đã không biết sống là vui, Tấm thân nào biết thiệt thòi là thương !...”

 

Nhiều người dường như đã chọn cách lẩy Kiều thứ nhất để bênh Quan, dưới danh nghĩa bênh vực Quốc thể (chú thích 2 – bài “Phương diện quốc gia”, của nhà văn Trần Thanh Cảnh).

 

Đáng tiếc là một thái độ mập mờ như vậy đã dường như không được mấy người hiểu ra, hoặc có người hiểu ra nhưng không vạch ra.

 

Nếu đúng là có một sự bao che (hoặc thờ ơ) phổ biến chung toàn xã hội như vậy, thì đấy phải chăng mới là điều đáng sợ gấp bội phần so với việc một giới cầm quyền cụ thể bao che cho một tội phạm cụ thể vào một thời điểm cụ thể ?

 

Nếu chỉ là của riêng giới cầm quyền, và vào một thời điểm cụ thể, thì may còn hy vọng sửa được. Còn nếu là của đại đa số người dân trong một xã hội thì khác hẳn. Bởi hệ quả chắc chắn sẽ là Dân nào Chính quyền ấy, như có người đã nói.

 

                                                              ***

 

“NHỤC QUỐC THẾ” : CÓ NHỤC THỰC SỰ KHÔNG và ĐIỀU THỰC SỰ ĐÁNG NHỤC LÀ GÌ ?

 

Chuyện quan chức bị cáo buộc quấy rối tình dục tại nước ngoài trong chuyến đi của nguyên thủ quốc gia rõ ràng là vấn đề Nhục Quốc Thể. Với bất cứ nước nào chứ không cứ Việt Nam. Việc quan chức không thấy được nỗi nhục này, rõ ràng là vấn đề cần báo động (3).

 

Tuy nhiên, vấn đề Nhục Quốc Thể không dừng ở đó. Không chỉ dừng ở bộ mặt của các quan chức trong chuyến công du của một nguyên thủ, hay hành xử của người Việt ở nước ngoài.

Nhục Quốc Thể là câu chuyện lớn hơn rất nhiều.

 

Về những ồn ào xung quanh vụ này, nhà văn Phan Thuý Hà thốt lên một cảm nhận, có thể được nhiều người chia sẻ: “Các anh nói nhục, mà em nghe không tin. Chuyện đó nếu xảy ra với một cô gái ở trong nước các anh sẽ cười mỉa, coi là chuyện thường ngày. Cô ấy bị cho là vu khống, bị đuổi, bị trù dập, thậm chí phải xin lỗi cái người kia, các anh chẳng thấy nhục gì cả phải không. Một cô gái ở VN và một cô gái ở nước ngoài thì giá trị khác phải không các anh. Cái khác đó có gốc gác gì với hot trend điểm nghẽn không.” (4)

 

                                                       ***

 

BAO CHE và THỜ Ơ PHỔ BIẾN TRƯỚC NẠN LẠM DỤNG TÌNH DỤC ở VIỆT NAM ?

 

Cũng nhân vụ này, nhà giáo Thái Hạo chia sẻ một hồi ức về một thực tế có thể đã diễn ra phổ biến khắp Việt Nam từ hàng chục năm nay: “… ở một cuộc hội nghị (?) do tỉnh tổ chức, vinh danh trí thức trẻ xuất sắc... Được nhận cái kỷ niệm chương và ít tiền thưởng… Mọi người dẫn nhau vào một quán Karaoke… hiệu trưởng trường tôi chọn một cô, chắc cỡ 17, 18 tuổi (hoặc ít hơn), mặt búng ra sữa, chỉ đáng tuổi con tuổi cháu ông. Tay ông trong ngực cô gái, còn cô thì tỏ động tác không đồng tình, nhưng mọi việc vẫn diễn ra. Tôi ngồi được mấy phút thì đứng dậy xin cáo, ra về. Đó là lần đầu tiên và cũng là duy nhất, tôi vào một quán hát có “gái”… Không lâu sau, cũng trong năm ấy, tôi nghỉ việc, về làm nông dân. Những chuyện tồi tệ khác tôi không muốn nhắc, vì không có người làm chứng, nhưng nó ê chề và nhục nhã hơn nhiều. Tôi thương các cô giáo trẻ là đồng nghiệp tôi. Chẳng liên quan tới mình, nhưng cứ thấy đau đớn mãi, dù có thể họ chẳng cảm thấy như tôi…” (5)

 

Truyền thông nhà nước ở Việt Nam đã không hề che giấu chuyện này. “Khi đã bước chân vào làm đào, ranh giới giữa làm dịch vụ giải trí đơn thuần và gái bán dâm mỏng tang như sợi chỉ. Theo tiết lộ, 90% gái ngồi bàn từng hoặc sẽ “đi” khách” là thông điệp chính của một bài viết trên trang mạng Pháp Luật Việt Nam của bộ Tư Pháp (6).

 

Tình trạng phụ nữ bị lạm dụng tình dục, bị quấy rối, bị tấn công tình dục hay bạo hành tình dục ở Việt Nam đang ở mức độ nào ? Theo Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, được báo chí trong nước trích dẫn : “Cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (gần 63%) từng chịu 1 hoặc hơn 1 hình thức bạo lực, trong đó có bạo lực thể chất, kinh tế, tinh thần, kiểm soát hành vi và bạo lực tình dục. Tuy nhiên, hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng/bạn tình gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền, và một nửa trong số đó chưa từng kể với ai về tình trạng bị bạo lực của mình. 4,4% phụ nữ cho biết họ đã bị lạm dụng tình dục trước 15 tuổi. Đáng chú ý, trong số trẻ bị xâm hại tình dục có tới 21,3% bị chính người thân trong gia đình xâm hại.” (7)

 

                                                          ***

 

“VỤ CHILE” CHỈ LÀ PHẦN NỔI CỦA TẢNG BĂNG ?

 

Tuy nhiên dường như đã chưa có điều tra nào đi sâu vào chủ đề nạn lạm dụng tình dục của giới quan chức Việt Nam, đặc biệt đối với giới bán dâm, hay người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ giải trí.

 

Theo nhiều người, vụ việc quan chức chính phủ bị cáo buộc tấn công tình dục tại Chile mới đây không nên thổi phồng, mà chỉ nên coi đó là phần nổi của tảng băng chìm đáng sợ về tình trạng phụ nữ bị bạo lực tình dục tại Việt Nam.

 

Có hai cách nhìn rất tương phản về vụ quan chức Việt Nam bị cáo buộc tấn công tình dục. Một bên cho rằng, đây là một hành xử hoàn toàn mang tính cá nhân (với các bình luận như kiểu : Ông bà ta nói chớ sai: “Sướng con cu mù con mắt”. Đằng này con cu chưa kịp sướng đã bị cảnh sát còng tay rồi…).

 

                                                        ***

 

CHO PHÉP GIỚI CẦM QUYỀN ĐỨNG TRÊN LUẬT PHÁP : TẬP QUÁN LÂU ĐỜI CỦA NGƯỜI VIỆT ?

 

Ngược lại, một số vị lưu ý : Đây là câu chuyện công lý. Hành xử tồi tệ của một quan chức, hay của những kẻ có đặc quyền sẽ tiếp tục kéo dài, chừng nào mà “công lý bị khinh bỉ và pháp luật bị coi thường” trong xã hội Việt Nam, “từ tầng lớp lao động bình dân cho đến quan chức cao cấp lẫn cả những người có học” (chú thích 8 - Bài Tai tiếng và Tập quán của nhà giáo Phượng Nguyễn).

 

Theo cách hiểu này, việc vạch trần hành động phạm pháp của một quan chức hay một bê bối, hoàn toàn không có gì là Nhục Quốc Thể, mà ngược lại là cơ hội cho việc pháp luật được thực thi nghiêm minh, điều kiện để bảo đảm cuộc sống của con người an toàn hơn, tử tế hơn.

 

Và để làm được điều đó, người Việt cần thay đổi rất nhiều tập quán sinh hoạt và suy nghĩ (9). Lẩy Kiều có giúp được gì vào việc này ?

 

 ---------------------

Ghi chú

 

1/ Hiện tại vụ việc ngày 10/11/2024 chưa được báo chí ở Việt Nam loan tải. Thông tin được loan truyền trước hết trên báo tiếng Tây Ban Nha và Anh ngữ, và tiếp theo đó là báo tiếng Việt ở hải ngoại.

 

“… Las Ultimas Noticias tường thuật rằng sự việc xảy ra tối Chủ Nhật, 10 Tháng Mười, tại khách sạn Sheraton, nơi phái đoàn ông Lương Cường cư ngụ, trong chuyến thăm Chile từ ngày 9 đến ngày 12 Tháng Mười Một, trước khi đến Lima, Peru, dự hội nghị thượng đỉnh APEC…. Nữ nhân viên khách sạn khai rằng ông Tuấn yêu cầu cô mang thức uống lên phòng. Khi cô bước vào phòng, ông Tuấn, lúc đó mặc đồ lót, đóng cửa lại và yêu cầu cô đấm bóp (massage). Cô này báo cảnh sát, và ông Tuấn bị bắt ngay đêm đó. … theo AP tiếng Tây Ban Nha, ông Tuấn được thả theo một số điều kiện, bao gồm phải rời Chile trong vài giờ đồng hồ, không được tiếp xúc với nạn nhân, và không được tái nhập cảnh Chile trong ít nhất hai năm…. Ông Alberto van Klaveren, bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Chile, cũng xác nhận có vụ này và nói rất lấy làm tiếc. Ông cũng cho biết có nói chuyện với ông Bùi Thanh Sơn, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam. Ông Sơn xin lỗi và hứa “sẽ hoàn toàn hợp tác để giải quyết vấn đề”.

 

Bài “Cận vệ của Chủ tịch Lương Cường bị Chile trục xuất vì cáo buộc lạm dụng tình dục”, Người Việt: https://www.nguoi-viet.com/.../can-ve-luong-cuong-o.../

 

2/ Bài PHƯƠNG DIỆN QUỐC GIA (của nhà văn Trần Thanh Cảnh) : https://www.facebook.com/share/p/XpJgC19rYi6qbpt5/

 

3/ Bài NHỤC QUỐC THỂ (nhà văn Lưu Trọng Văn) : https://www.facebook.com/share/p/R3dkjkYf5QZK4JVp/

 

4/ Tút không đề của nhà văn Phan Thuý Hà : https://www.facebook.com/share/p/iReS6HdQXa7Y1icr/

 

5/ Bài không đề (của nhà giáo Thái Hạo) : https://www.facebook.com/share/p/ArFL1whFgNCcqw4Q/

 

6/ “Bí mật đào hát: Phải "đĩ đĩ một tí" mới có tiền”. Theo https://baophapluat.vn/bi-mat-dao-hat-phai-di-di-mot-ti...

 

7/ “Gần 63% phụ nữ Việt Nam từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực” https://thanhnien.vn/gan-63-phu-nu-viet-nam-tung-chiu-it...

 

"Nữ quái" tổ chức bán trên 100 phụ nữ ra nước ngoài lấy chồng. Theo https://cand.com.vn/.../nu-quai-to-chuc-ban-tren-100-phu.../

 

Hàng chục ngàn cô dâu miền Tây khốn đốn sau làn sóng lấy chồng ngoại. https://cand.com.vn/.../Hang-chuc-ngan-co-dau-mien-Tay.../

 

8/ Bài TAI TIẾNG và TẬP QUÁN (của nhà giáo Phượng Nguyễn) : https://www.facebook.com/share/p/TG7eWWmhiiyZS4Uz/

 

9/ Nhà giáo Phượng Nguyễn đặt vấn đề thay đổi tập quán suy nghĩ ở người Việt về những chuyện liên quan đến công lý, thực thi pháp luật nghiêm minh. Đây là một vấn đề sâu, cần đến các thảo luận nghiêm túc.

 

Trong bài “Phương diện quốc gia” đã dẫn, với cái tít đầy vẻ nghiêm túc, tác giả Trần Thanh Cảnh kết luận : “lối cứ xổng nhà ra là tung váy lên trời thì...bố mày thua”, đi kèm hình ảnh một phụ nữ tốc váy chổng chân lên trời, dường như ngụ ý nhắc gợi đến vụ một phụ nữ người Việt trưng ảnh tập yoga trong một tư thế tương tự sát một cung điện xứ Hàn.

 

Tâm lý đùa cợt, châm biếm xung quanh vấn đề lạm dụng tình dục, lạm dụng phụ nữ, đánh đồng các biểu hiện hở hang của phụ nữ với hành động tấn công tình dục, có nguy cơ biện minh, bình thường hoá các hành vi phạm tội tình dục, ắt không mang lại môi trường thuận lợi cho việc thúc đẩy thay đổi tập quán, để giúp xây dựng một nền pháp lý nghiêm minh tại Việt Nam.

 

----------------

 

Ảnh trên (https://www.facebook.com/photo/?fbid=3770342836615610&set=pcb.3770347106615183

Tạp chí Xây dựng Đảng

https://www.xaydungdang.org.vn/.../hang-loat-quan-chuc...

 

 

Ảnh dưới

 

Phải :

(https://www.facebook.com/photo?fbid=3770342993282261&set=pcb.3770347106615183)

Một quán karaoke ở Việt Nam

https://baophapluat.vn/bi-mat-dao-hat-phai-di-di-mot-ti...

 

Giữa :

(https://www.facebook.com/photo?fbid=3770343109948916&set=pcb.3770347106615183)

Biểu tình của phụ nữ tại một quảng trường ở Paris vì nữ quyền : https://www.challenges.fr/.../femen-des-militantes...

 

Trái : (https://www.facebook.com/photo?fbid=3770343276615566&set=pcb.3770347106615183)

Hình tượng mô phỏng phụ nữ tốc váy, chuẩn bị động tác chân ngược lên đỉnh.

 

------------

Các bài lưu

 

PHƯƠNG DIỆN QUỐC GIA (nhà văn Trần Thanh Cảnh)

 

Không đề - Nhân vụ một quan chức Việt Nam bị cáo buộc tấn công tình dục ở Chile (nhà giáo Thái Hạo)

 

TAI TIẾNG và TẬP QUÁN (nhà giáo Phượng Nguyễn)

 

NHỤC QUỐC THỂ (nhà văn Lưu Trọng Văn)

 

29 BÌNH LUẬN  

 

 





No comments: