Friday, November 15, 2024

BÁO TUỔI TRẺ VÀ BÁO THANH NIÊN (Vĩnh Phúc Hoàng   |   Hà Nội Tri Thức)

 



 

BÁO TUỔI TRẺ VÀ BÁO THANH NIÊN

Vĩnh Phúc Hoàng   |   Hà Nội Tri Thức 

15-11-2024   06:31   

https://www.facebook.com/groups/373876840199844/posts/b%C3%A1o-tu%E1%BB%95i-tr%E1%BA%BB-v%C3%A0-b%C3%A1o-thanh-ni%C3%AAn%C4%91%C3%A2y-l%C3%A0-hai-t%E1%BB%9D-b%C3%A1o-c%C3%B3-tr%E1%BB%A5-s%E1%BB%9F-%E1%BB%9F-tp-hcm-%C4%91%C3%A3-tr%E1%BA%A3i-qua-m/1632023104385205/

 

BÁO TUỔI TRẺ VÀ BÁO THANH NIÊN

 

Đây là hai tờ báo có trụ sở ở TP. HCM, đã trải qua một chặng đường lịch sử đầy thăng trầm và biến cố, trong đó không ít vấn đề quan ngại đã khiến các tổ chức xuyên biên giới và truyền thông quốc tế phải lên tiếng. Dưới đây là những sự việc điển hình được đưa tin rộng rãi và có sức ảnh hưởng trong dư luận xuyên suốt khoảng thời gian hoạt động của ấn phẩm:

* Tuổi Trẻ là một nhật báo của Việt Nam hiện trực thuộc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh được ra đời vào ngày 2/9/1975, với tiền thân trước đó của báo là bản tin Hội Liên hiệp Thanh niên Học sinh Sinh viên Sài Gòn – Gia Định.

 

Bà Vũ Kim Hạnh là một trong những người có công đầu trong việc xây dựng báo Tuổi trẻ thành tờ báo hàng đầu Việt Nam. Đầu thập niên 1990, bà Hạnh chủ trương đẩy mạnh việc chống tiêu cực và đã thực hiện được một số vụ điều tra chấn động dư luận thời điểm đó. Loạt bài điều tra đầu tiên được ghi nhận là Xóm video đen. Và loạt bài điều tra thực thụ về vụ "Đường Sơn Quán" đã khiến số lượng phát hành của báo Tuổi trẻ tăng vọt từ vài chục ngàn bản mỗi kỳ lên hơn 100.000 bản mỗi kỳ rồi đứng vững ở mức số lượng đó.

 

Năm 1992, bà Vũ Kim Hạnh – Tổng Biên tập báo tại thời điểm đó đã bị cách chức ngay sau khi cho đăng loạt bài phóng sự mô tả về cuộc sống ở Triều Tiên trong giai đoạn nước này bị khủng hoảng kinh tế, và đặc biệt là xuất bản một số tư liệu chưa từng công bố liên quan đến danh tính của người phụ nữ được cho là vợ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi "tổng kết" về bà Kim Hạnh trong giai đoạn này, Thành đoàn đi đến một nhận định là bà "non kém chính trị" còn một số bạn hữu cho rằng bà đã quá nhiệt tình và quá tin vào công cuộc Đổi mới.

 

Năm 2002, Bộ Văn hóa và Thông tin ra quyết định treo thẻ hành nghề ký giả của ông Nuôi cùng hai phụ tá và không được gia hạn trong vòng một năm. Trước đó, Tuổi Trẻ dưới sự điều hành của Tổng biên tập tiếp theo là ông Lê Văn Nuôi đã khởi xướng một cuộc thăm dò dư luận, kết quả cuối cùng cho thấy giới trẻ Việt Nam ưa chuộng Bill Gates và Bill Clinton hơn cả ban lãnh đạo đương nhiệm quốc gia trong Bộ Chính trị. Cơ quan kiểm duyệt nhà nước ngay lập tức tiêu hủy 120.000 bản in giấy chỉ trong vòng vài giờ sau khi tạp chí xuất hiện trên các sạp báo.

 

Năm 2005, sau khi đăng tải một chuỗi gồm 19 bài điều tra về công ty dược phẩm Zuellig Pharma đang âm thầm thao túng làm lũng đoạn thị trường thuốc tây nhập khẩu vào Việt Nam, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố phóng viên viết bài về hành vi "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước", đồng thời cấm đối tượng ra khỏi khu vực cư trú, nguyên nhân xuất phát từ một mẩu tin chứa công văn của Bộ Y tế đăng trên Tuổi Trẻ số ra ngày 20 tháng 5 năm 2004.

 

Năm 2008, sau khi đưa tin về bê bối PMU18 liên quan đến giới viên chức của Bộ Giao thông Vận tải biển thủ hàng triệu Mỹ kim trong quỹ công để đặt cược vào các trận đấu bóng đá Châu Âu, xe hơi sang trọng, tình nhân và gái mại dâm, hai nhà báo Nguyễn Văn Hải của Tuổi Trẻ và Nguyễn Việt Chiến đến từ Thanh Niên đã bị bắt tạm giam với cáo buộc "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", cùng với hai nhân viên điều tra của ngành công an được xác định đã cung cấp thông tin vụ án cho họ với tội danh "cố ý làm lộ bí mật công tác".

 

Tiếp nối, đầu tháng 8 năm 2008, bốn thành viên thuộc ban lãnh đạo của Tuổi Trẻ và Thanh Niên bị tước thẻ hành nghề vì duyệt đăng "những thông tin sai sự thật nghiêm trọng", nhưng thực tế đây được cho là hậu quả của việc họ đã mạnh dạn viết bài bênh vực đồng nghiệp, cùng thời điểm, đài phát thanh NPR của Hoa Kỳ nhận định sự kiện này sẽ khiến giới phóng viên Việt Nam trở nên thận trọng và tự kiểm duyệt hơn trong tương lai. Hơn hai tháng sau, ông Hải bị tuyên 24 tháng cải tạo không giam giữ, còn ông Chiến thì phải chịu mức án hai năm tù giam vì đưa tin không chính xác và "lợi dụng quyền tự do dân chủ". Các công tố viên lập luận rằng báo cáo của hai nhà báo có sự sai sót, thiên vị và đã làm hoen ố hình ảnh của các quan chức, cán bộ chính phủ và đất nước trước kỳ Đại hội Đảng diễn ra vào năm 2006.

 

Vào năm 2012, một phóng viên khác của ấn phẩm tiếp tục vướng vào vòng xoáy lao lý. Sau khi xuất bản loạt bài phóng sự phanh phui về tình trạng tham nhũng trong ngành cảnh sát giao thông tại Việt Nam khiến dư luận bất bình, tác giả Hoàng Khương đã bị bắt tạm giam với cáo buộc "đưa hối lộ", Tuổi Trẻ ngay sau đó truyền thông bản kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra dùng để truy tố bị can "chưa đủ sức thuyết phục vì thiếu căn cứ pháp lý và thực tế". Để có bằng chứng tác nghiệp, vị ký giả này đã thông qua nhân vật trung gian trao số tiền 15 triệu đồng (710 USD) cho một viên cảnh sát nhằm lấy lại chiếc xe máy đang bị giam giữ, cơ quan tố tụng khẳng định hành động này của nhà báo "xuất phát từ lợi ích cá nhân" nên đã tuyên phạt ông mức án 4 năm tù giam.

 

Năm 2018, chỉ vài tuần sau khi các cuộc biểu tình phản đối Luật đặc khu kinh tế và An ninh mạng nổ ra trên khắp Việt Nam, báo điện tử Tuổi Trẻ Online đã bị Cục Báo chí yêu cầu phải cải chính, nộp phạt 220 triệu đồng, đồng thời đình bản ba tháng vì hành vi xuất bản "thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng" trong một bản tin loan báo Chủ tịch Trần Đại Quang tán thành ý tưởng về luật biểu tình, cùng với phần bình luận dưới bài viết hơn một năm trước về phát triển đường cao tốc đã làm "mất đoàn kết dân tộc".

 

* Báo Thanh Niên: Ngày 3 tháng 1 năm 1986, báo ra số đầu tiên với tên gọi Tuần tin Thanh Niên trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Công Khế sinh năm 1954 tại Quảng Nam, là nhà báo, đồng sáng lập báo Thanh Niên và Tổng Biên tập Báo Thanh Niên từ năm 1988 đến năm 2008. Trước 1975 ông hoạt động trong phong trào sinh viên, học sinh tại Đà Nẵng và Sài Gòn chống chính quyền miền Nam (cũ). Sau 1975 ông công tác tại Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, sau đó chuyển sang công tác tại báo Phụ nữ Việt Nam. Năm 1986 ông được Huỳnh Tấn Mẫm (người sáng lập báo Thanh Niên - diễn đàn của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam) xin chuyển về, giúp đỡ đến vai trò phó Tổng biên tập.

 

Nhà thơ - nhà báo Đỗ Trung Quân lại cảm ơn sự "hào hiệp" của ông Nguyễn Công Khế dành cho nhiều người gặp khó trong môi trường xã hội - chính trị nhiều khi bất trắc: "Nhiều năm qua, khi đã ở vị trí vững vàng, anh đã cứu giúp cưu mang khá nhiều người, những người của Sài Gòn sau 1975, khi ấy vì "chủ nghĩa lý lịch" đang phải lang thang nơi chợ trời thuốc Tây, đang mỗi ngày đạp xe đi bỏ từng ký cà phê trộn bắp rang và đủ thứ hoàn cảnh,công việc lam lũ, vất vả khác.", "Tính cách hào hiệp ấy trong anh là có thật. Anh có mặt trong đám tang giáo sư Nguyễn Ngọc Lan và hôm sau, khi không một tờ báo nào trong cả nước đưa tin về sự qua đời của giáo sư Lan, chính Thanh Niên là tờ báo duy nhất đăng những bài xúc động về sự nghiệp của một con người yêu nước, rồi trở thành tù nhân của cả hai chế độ."

Ngày 16/01/2024, bi can Nguyễn Công Khế, cùng với ông Nguyễn Quang Thông bị Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM khởi tố bị can, bắt tạm giam do "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí".

 

Huy Đức (sinh 1962) là bút danh một nhà báo có tên khai sinh là Trương Huy San. Ông đã nổi tiếng với blog bình luận chính trị - xã hội với cái tên Osin, hiện thời là trang Facebook Osin Huyduc. Ông bắt đầu làm việc ở báo Tuổi Trẻ, tiếp đó là các báo Thanh Niên, Diễn đàn doanh nghiệp, Nông thôn ngày nay, Sài Gòn tiếp thị. Các bài viết trên Blog của ông được nhiều người đọc, đặc biệt là các đồng nghiệp tham gia rất nhiều bàn về các vấn đề lớn của đất nước như biển Đông, bauxite Tây Nguyên, hàng Trung Quốc.

 

Bút danh Huy Đức bắt đầu được công chúng biết đến trên báo Tuổi trẻ khi nhà báo này là phóng viên điều tra phanh phui vụ Đường Sơn Quán, một địa điểm ăn chơi nổi tiếng của nhiều cán bộ cấp cao ở Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi sang làm việc tại Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, ông cũng có rất nhiều bài viết về các chính sách kinh tế của chính quyền, đặc biệt là loạt bài viết về các PMU và Bộ giao thông Vận tải mà kết cục đúng như phân tích, sau này sự kiện PMU 18 xảy ra.

 

Ngày 25/8/2009, ông đã phải chấp thuận thôi việc tại báo Sài Gòn Tiếp thị với lý do tổng biên tập đưa ra toà soạn không cùng quan điểm với bài viết Bức tường Berlin trên Blog của ông sau khi có nhiều bài viết mang tính chất thử thách giới hạn của tự do ngôn luận ở Việt Nam.

 

Qua 2 bài viết có tựa đề lần lượt là "Thanh hay Thăng" và "Tảng Băng Nổi," nhà báo Osin Huy Đức (Trương Huy San) cho là Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đứng đằng sau việc thất thoát hàng tỉ đô la không chỉ ở Tổng Công ty Xây Lắp Dầu Khí (PVC) mà còn cả Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam) nơi ông Thăng làm chủ tịch Hội Đồng Quản trị (HĐQT) từ 2006 đến 2011.

 

Cuốn sách “Bên thắng cuộc” do ông biên soạn và cho ra mắt cuối năm 2012 đã gây nhiều chú ý ở Việt Nam lẫn ở Mỹ vì soi xét vào những đề tài không được nhắc tới vì cho là "nhạy cảm chính trị". Ít nhất hai nhà xuất bản tại Việt Nam đã từ chối in tác phẩm này. Nhà văn Nguyễn Quang Lập ý kiến: “...có trí lực để viết những bài báo như Huy Đức cũng không ít người, cũng không ít người có thể viết hay hơn, nhưng có cái tâm sáng trưng như thằng Huy Đức để nói thẳng, nói to những điều tâm huyết như nó thì quả là hiếm....”

 

Ngày 7 tháng 6 năm 2024, công an Việt Nam bắt tạm giam Trương Huy San và luật sư Trần Đình Triển với cáo buộc "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" (theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015).

 

 

 





No comments: