Wednesday, November 13, 2024

LIỆU NƯỚC MỸ CÓ XẢY RA 'LY DỊ' GIỮA CÁC TIỂU BANG? (Võ Ngọc Ánh / BBC News Tiếng Việt)

 



Liệu nước Mỹ có xảy ra ‘ly dị’ giữa các tiểu bang?  

Võ Ngọc Ánh

Gửi cho BBC từ TP Tacoma, bang Washington

11 tháng 11 2024, 15:31 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cjr40y3wexjo

 

Cứ sau mỗi cuộc bầu cử thì nước Mỹ lại rộ lên câu chuyện các tiểu bang muốn ly khai. Nhưng liệu điều này có thể xảy ra?

 

Ly khai chẳng phải là chủ đề cấm kỵ, không được bàn đến trong lòng nước Mỹ.

 

Đầu năm 2017, trong một lớp học tiếng Anh tại Trường Cao đẳng cộng đồng Tacoma, có bài đọc hiểu cho sinh viên về việc chia tách ba tiểu bang xanh (bầu cho Đảng Dân chủ) là California, Oregon và Washington thành một nước Mỹ khác. Bài tập cho sinh viên sau bài đọc là hãy xây dựng thể chế chính trị, các chính sách về đối ngoại, y tế, giáo dục, quốc phòng, môi trường, các phúc lợi xã hội cho người dân… của “nước Mỹ” mới này.

 

Lúc đó vừa đến Mỹ không lâu, tôi nghĩ nước Mỹ thật kỳ lạ, chưa gì đã gieo mầm ly khai cho những người mới nhập cư.

 

Ở Việt Nam, điều như thế này là đại kỵ, không được phép nói đến, bàn thảo trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ai bàn đến chắc chắn sẽ bị kết tội phản động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá chính quyền nhân dân theo các điều luật được quy định trong Bộ luật Hình sự.

 

Tháng 11/2016, cuộc bầu cử tổng thống diễn ra với chiến thắng tuyệt đối của Đảng Cộng hòa tại Nhà Trắng, Hạ viện và Thượng viện. Kết quả bầu cử năm 2024 này nhiều phần sẽ giống 8 năm trước.

 

Và cũng không ngạc nhiên khi chủ đề chia rẽ, ly khai lại được bàn đến nhiều hơn.

 

Nhật ký bầu cử: Sóng đỏ xô đổ tường xanh

8 tháng 11 năm 2024

Trump tái xuất, các công ty rút khỏi Trung Quốc, lợi và hại cho Việt Nam

11 tháng 11 năm 2024

Melania Trump: đệ nhất phu nhân bí ẩn đã đổi khác

10 tháng 11 năm 2024

 

 

Có phải nước Mỹ nuôi dưỡng cho ly khai?

 

Sự ly khai giữa các tiểu bang được bàn thảo một cách công khai, thậm chí có tổ chức hẳn hoi, bài bản để vận động cho ly khai. Và chính phủ từ cấp tiểu bang đến liên bang chưa xem đây là một mối đe dọa.

 

Phong trào Texas Nationalist Movement – vận động cho “nền độc lập hoàn toàn, toàn diện và không bị trói buộc về chính trị, văn hóa và kinh tế của Texas” – là một tổ chức như thế. Vừa qua, 10 người từng ký vào cam kết ủng hộ “Texas First Pledge”, trưng cầu dân ý về việc tiểu bang Texas ly khai khỏi Hoa Kỳ, đã giành chiến thắng trong cơ quan lập pháp của tiểu bang tại cuộc bầu cử vào ngày 5/11. Cả 10 người này đã giành chiến thắng với tư cách ứng viên thuộc Đảng Cộng hòa.

 

Trước đó, sau cuộc bầu cử năm 2020 với chiến thắng của Joe Biden và Đảng Dân chủ tại hai viện Quốc hội, nước Mỹ lại rộ lên thông tin nhiều tiểu bang đỏ muốn tách ra để trở thành một nước Mỹ khác.

 

Sự chia rẽ trong nước Mỹ không chỉ ở những công dân bình thường mà còn ở những con người có vai trò quan trọng ở cấp liên bang.

 

Dân biểu Marjorie Taylor Greene thuộc Đảng Cộng hòa, trong một bài đăng trên tài khoản Twitter của bà (nay là X) vào tháng 2/2023, đã đưa ra thông điệp “Chúng ta cần một cuộc ly dị quốc gia. Chúng ta cần tách các tiểu bang đỏ, tiểu bang xanh và thu nhỏ chính quyền liên bang”.

 

Ngay cả bà Nikki Haley, khi còn là chạy đua để trở thành ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa hồi đầu năm nay, đã nói rằng nếu tiểu bang Texas muốn ly khai, thì họ có quyền làm điều đó, nếu toàn bộ tiểu bang muốn.

 

HÌNH : https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/e64b/live/0e12e7f0-a007-11ef-82c3-45a801b7330b.jpg.webp

 

Cuộc nội chiến trong lòng nước Mỹ từ 1861 – 1965, giữa 11 bang thuộc phe Liên minh miền Nam với phần còn lại của nước Mỹ, được gọi là liên bang miền Bắc, có nguyên nhân chính là do các bang miền Nam muốn tiếp tục chế độ nô lệ trong khi các bang miền Bắc muốn xóa bỏ.

 

Cuộc chiến mà người Mỹ gọi là “Civil War” kết thúc với chiến thắng thuộc về Liên bang miền Bắc. Chế độ nô lệ bị xóa bỏ trên khắp nước Mỹ sau cuộc chiến này.

 

Nhưng cuộc chiến đã khiến hơn 620.000 người Mỹ chết. Rất may là những trận đòn thù, trừng phạt, tù đày đã không xảy ra giữa bên thắng cuộc với bên thua cuộc. Đây là sự nhân văn, mở ra kỷ nguyên cho sự phát triển vượt bậc của Hoa Kỳ sau đó.

 

Cuộc nội chiến này là phép thử được trả bằng máu và nước mắt trong lòng nước Mỹ. Một bài học đắt giá cho một tiểu bang, hay một nhóm các tiểu bang tập hợp lại chống chính quyền liên bang bằng phương tiện bạo lực.

 

Nếu có một nỗ lực ly khai kiểu này trong tương lai, chắc chắn sẽ nhanh chóng bị chính quyền liên bang xem là chống lại Hoa Kỳ và có lý do chính đáng để dập tắt.

 

Điều này được giải thích rõ hơn thông qua một phán quyết của Tối cao Pháp viện vào năm 1868, trong vụ kiện gọi là vụ kiện gọi là Texas v. White. Theo đó, các tiểu bang không được phép ly khai khỏi liên bang.

 

 

Lằn ranh bảo thủ và cấp tiến

 

Khác với nhiều quốc gia trên thế giới, nước Mỹ không bị chia rẽ, đòi tách ra bởi nguyên nhân do sắc tộc, văn hóa, hay tôn giáo. Sự chia rẽ bắt nguồn từ những khác biệt về chính sách thuế, nhập cư, chăm sóc sức khỏe, môi trường và biến đổi khí hậu, quyền sinh sản của người phụ nữ, thực thi pháp luật, cam kết quốc tế… giữa bảo thủ và cấp tiến.

 

Cuộc khảo sát do tờ Newsweek đặt hàng Redfield & Wilton Strategies hỏi 1.500 người đủ điều kiện đi bầu trên khắp nước Mỹ công bố cuối tháng 2 năm nay cho thấy: Có 27% số người được hỏi ủng hộ Texas tách khỏi nước Mỹ; số người phản đối việc chia tách là 36%.

 

Còn tại tiểu bang California, cuộc khảo sát này cũng cho thấy, có 27% người Mỹ ủng hộ tiểu bang giàu mạnh nhất nước Mỹ trở thành quốc gia độc lập, 37% phản đối.

 

Một cuộc thăm dò khác của Bright Line Watch và YouGov, sau cuộc bạo loạn tấn công vào Điện Capitol ngày 6/1/2021 và được công bố vào tháng 6/2021, cho thấy một con số còn đáng lo lắng hơn, 66% người ủng hộ đảng Cộng hòa thuộc các tiểu bang miền Nam ủng hộ việc rời khỏi Hoa Kỳ và trở thành một quốc gia mới. Ở phía bờ Tây có đến 47% số người ủng hộ Đảng Dân chủ đồng ý chia tách.

 

Sự chia rẽ này không chỉ có trong những người ủng hộ Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ mà còn rất cao ở những người được xem là các cử tri độc lập.

 

Khi một tổng thống Cộng hòa ngồi trong Nhà Trắng và lưỡng viện Quốc hội cũng do đảng này kiểm soát, các tiểu bang Dân chủ sẽ cảm thấy mình bị trói buộc, các chính sách do họ gầy dựng, chú trọng không được tôn trọng, đảm bảo. Và khi Đảng Dân chủ nắm quyền thì người Cộng hòa cũng cảm thấy tương tự, dù luật lệ của các tiểu bang có sự khác biệt và có tính độc lập cao với luật lệ liên bang.

 

VIDEO : Tại sao nước Mỹ trao cho ông Trump cơ hội thứ hai?

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cjr40y3wexjo

 

Sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ dường như không được giảm nhẹ, mà còn tăng nhiệt trong gần chục năm qua. Điều này đặc biệt thấy rõ qua ngôn ngữ các ứng viên tổng thống của hai đảng và những người ủng hộ hai bên trong cuộc bầu cử vừa rồi. Đã có quá nhiều thông tin không đúng sự thật, hoặc được đẩy lên một cách quá đà, gây nên một nỗi sợ không đáng có.

 

Nếu năm 2016, nước Mỹ chọn Trump có thể du di hiểu là chọn nhầm. Nhưng lần này thì không thể; 8 năm sau, dân Mỹ không thể gọi chưa hiểu Donald Trump, khi quá nhiều thông tin về ông đã được phơi bày trên các phương tiện truyền thông, qua cách ông làm việc, nói năng và chính sách…

 

Kết quả bầu cử vừa rồi thấy một nước Mỹ vẫn chưa đủ cởi mở để chấp nhận những điều được xem cấp tiến hơn, biến đổi khí hậu còn bị xem nhẹ, lối suy nghĩ cũ chưa thể chia tay. Một nước Mỹ đang muốn co cụm trong chính mình, thay vì mở ra như từng thể hiện trong suốt gần 80 năm qua.

 

Nước Mỹ trong bốn năm tới dưới quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ được hàn gắn, hay chia rẽ càng nới rộng thêm khoảng cách? Để trả lời câu hỏi này phụ thuộc rất lớn vào các chính sách và hành động của chính quyền mới.

 

Nhưng khi ông Donald Trump còn chưa ngồi vào Nhà Trắng, thống đốc các tiểu bang Dân chủ đã công khai tìm cách chống lại những chính sách của chính quyền liên bang của Donald Trump để bảo vệ tiểu bang của họ. Nổi bật nhất là quyền của người phụ nữ, theo đuổi luật lệ bảo vệ môi trường để làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ các gia đình có yếu tố nhập cư… Thậm chí các tiểu bang còn chuẩn bị nguồn lực để sẵn sàng kiện chính quyền liên bang trong tương lai.

 

-----------------------------

·        Tác giả Võ Ngọc Ánh đang sinh sống tại thành phố Tacoma, tiểu bang Washington.

 

 

 

 

 

 



No comments: