Wednesday, November 13, 2024

DƯỚI BÓNG NƯỚC NGA : BA NƯỚC BALTIC CHỜ TUYẾN ĐƯỜNG SẮT CHIẾN LƯỢC CHÂU ÂU (Lisa Louis / BBC News)

 



Dưới bóng nước Nga: ba nước Baltic chờ tuyến đường sắt chiến lược Châu Âu

Lisa Louis

BBC News đưa tin từ Tallinn (Estonia) và Riga (Latvia)

11 tháng 11 2024

 https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c4gvwylk7v9o  

 

Nhiều năm về trước, ba quốc gia Baltic đã lên ý tưởng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài 870 km xuyên qua Estonia, Latvia và Lithuania.

 

Thoạt tiên là một dự án lớn, Rail Baltica hiện đã trở thành một ưu tiên chiến lược: từ khi Nga xâm lược toàn diện Ukraine, ba quốc gia Baltic ngày càng coi quốc gia Nga láng giềng là một mối đe dọa hiện hữu.

 

Hiện không có liên kết trực tiếp nào xuyên qua ba nước Baltic và kết nối với Ba Lan.

Rail Baltica sẽ hiện thực hóa điều đó, giúp cắt giảm thời gian di chuyển và mang lại những lợi ích về kinh tế và môi trường, nhưng kế hoạch đầy tham vọng này cần khoản kinh phí khổng lồ.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/09e9/live/b9ee33c0-9f5f-11ef-8538-e1655f5a8342.png.webp

Dự án đường sắt xuyên ba nước Baltic đã tiêu tốn hàng tỷ euro, nhưng phải mất nhiều năm nữa mới hoàn thành

 

Trong khi đó, ba nước Baltic và các đồng minh trong NATO của họ cần tuyến đường sắt này được hoàn thành sớm.

 

Ông Vladimir Svet, Bộ trưởng Hạ tầng Cơ sở Estonia, cho biết liên kết đường sắt này rất quan trọng trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine.

 

“Lịch sử đang lặp lại,” ông nói.

 

“Cái chế độ hung hăng của Putin đang tìm cách tái tạo một mưu đồ đế quốc trên lãnh thổ của Liên Xô cũ.”

 

Ký ức về hàng thập kỷ bị Liên Xô chiếm đóng vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí người dân ba nước Baltic.

 

Moscow đã đày hằng trăm ngàn người trong khu vực tới Siberia.

 

Estonia và Latvia có chung đường biên trên bộ với Nga, trong khi Lithuania tiếp giáp với vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga, và Belarus, một đồng minh thân thiết của Nga. Kaliningrad cũng chia sẻ đường biên giới với Ba Lan.

 

Tuyến đướng sắt xuyên qua ba nước Baltic

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/a387/live/d497c380-9f5f-11ef-9260-19e6a950e830.png.webp

 

Khoảng 10.000 binh lính NATO đang đóng quân tại các nước Baltics cùng với quân đội địa phương. Trong trường hợp xấu nhất, tổng số binh lính có thể lên tới 200.000 người.

 

Rail Baltica sẽ giúp tăng cường khả năng cơ động của quân đội và giúp các chuyến tàu di chuyển thẳng từ Hà Lan tới Tallinn (thủ đô của Estonia),” Chỉ huy Peter Nielsen thuộc Đơn vị Tích hợp Lực lượng của NATO cho biết.

 

Đối với Bộ trưởng Vladimir Svet, tuyến đường sắt này là “mối liên kết không thể bị phá vỡ với mạng lưới của châu Âu”.

 

Cách thủ đô Tallinn không xa, tại một đầu của tuyến đường sắt, hàng chục công nhân đang xây dựng ga hành khách Ülemiste, người thì hàn, người thì gõ búa.

 

“Đây sẽ là điểm cực bắc của mạng lưới, điểm bắt đầu của 215 km đường ray ở Estonia và 870 km qua ba quốc gia Baltic,” ông Anvar Salomets, Giám đốc điều hành của Rail Baltica Estonia, nói trong khi thận trọng bước qua khu vực sân ga chưa hoàn thiện.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/7dbb/live/ec538220-9f5f-11ef-9260-19e6a950e830.png.webp

Điểm cực bắc của tuyến đường sắt nằm ở Estonia

 

Cho tới hiện tại, ba nước Baltics đang sử dụng khổ đường ray giống của Nga vì hệ thống đường sắt ở đây được xây dựng từ thời Liên Xô.

 

Hành khách sẽ phải đổi tàu để đi vào hệ thống đường sắt châu Âu khi tới biên giới Ba Lan.

Hệ thống đường sắt mới sẽ sử dụng khổ đường ray của châu Âu, giúp kết nối liền mạch với các tuyến đường sắt ở khắp châu Âu.

 

“Tàu sẽ chạy với tốc độ lên tới 250 km/giờ, so với tốc độ 80 hoặc 120 km/giờ hiện tại,” ông Salomets nói thêm.

 

Điều này đồng nghĩa với việc thời gian di chuyển từ Tallinn tới thủ đô Vilnius của Lithuania sẽ giảm đáng kể, từ ít nhất 12 tiếng như hiện nay xuống còn chưa tới 4 tiếng.

 

“Đó sẽ là một bước đột phá, giúp giảm tác hại tới môi trường của cả ngành giao thông vận tải của chúng tôi,” ông Salomets nói, dự báo về những lợi ích kinh tế to lớn.

 

Những phân tích gần đây ước tính liên danh Rail Baltica sẽ mang lại tổng mức tăng trưởng kinh tế là 6,6 tỷ euro.

 

"Đa số các nghiên cứu về các hệ thống đường sắt cao tốc hiện hữu đều cho thấy tác động kinh tế tích cực," ông Adam Cohen từ Đại học California tại Berkeley cho biết.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/b33b/live/1df4bd30-9f60-11ef-9260-19e6a950e830.png.webp

Latvia và Estonia đã bị chỉ trích vì xây dựng nhà ga trước khi có tuyến đường sắt

 

Nhưng những lợi ích đó sẽ không lập tức xuất hiện và ngày càng có nhiều lo ngại về chi phí tăng vọt.

 

Mức kinh phí ước tính của các nhà thầu xây dựng đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 2017 và hiện đang ở mức 24 tỷ euro.

 

Tính tới nay, Liên minh châu Âu (EU) đã tài trợ cho 85% dự án và vừa công bố thêm khoản tài trợ trị giá 1,1 tỷ euro.

 

Estonia và Latvia đã phải hứng chịu chỉ trích vì việc tập trung xây dựng các nhà ga trước khi xây dựng tuyến đường sắt chính.

 

Kỹ sư người Pháp Emilien Dang thuộc công ty RB Rail, đơn vị giám sát dự án Rail Baltica, cho rằng nguyên nhân khiến kinh phí tăng vọt là do các cuộc khủng hoảng toàn cầu:

 

“Dự toán ban đầu của chúng tôi không xét tới đại dịch Covid và lạm phát cao – và tình hình ở Ukraine đã khiến chi phí nguyên vật liệu tăng lên rất nhiều.”

 

Trong lúc đi bộ xuyên qua một nhà ga lớn mới xây ở thủ đô Riga của Latvia, ông cũng nêu các vấn đề về văn hóa.

 

“Góc nhìn từ nước Pháp, thật sai lầm, là các nước Baltic là một thể thống nhất. Nhưng đây là ba quốc gia khác nhau, với các quy định khác nhau.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/c425/live/39416ac0-9f60-11ef-82c3-45a801b7330b.png.webp

Kỹ sư người Pháp Emilien Dang cho biết dự án này phải giải quyết vấn đề với ba quốc gia riêng biệt với các quy định khác nhau.

 

 

Các nước Baltic đã quyết định chia dự án thành hai giai đoạn.

 

Giai đoạn đầu tiên, tốn khoảng 15 tỷ euro, sẽ xây dựng xong một tuyến đường ray đơn, thay vì hai tuyến cho hai chiều, vào năm 2030 và tập trung vào các ga tàu quan trọng nhất.

 

Tuyến đường ray thứ hai và các ga tàu bổ sung sẽ được xây dựng trong giai đoạn thứ hai và hiện chưa có ngày hoàn thành cụ thể.

 

Chi phí tăng vọt đã khiến các quốc gia phải thu hẹp một số tham vọng của họ.

 

"Chúng tôi có thể tiếp tục thu hẹp quy mô của giai đoạn một, ví dụ bằng cách dời việc kết nối với sân bay Riga sang giai đoạn sau," ông Andris Kulbergs, người đứng đầu một ủy ban thuộc Quốc hội Latvia có nhiệm vụ thẩm tra dự án, cho biết.

 

Khi mà hàng tỷ euro vốn cho giai đoạn đầu tiên vẫn chưa được đảm bảo, điều đó có thể là cần thiết.

 

Kiểm toán trưởng quốc gia Estonia Janar Holm tin rằng dự án có thể sẽ bị trì hoãn thêm vài năm nữa:

 

“Chúng tôi phải tìm được nguồn vốn để xây dựng tuyến đường sắt này ngay bây giờ nếu không chi phí sẽ còn trở nên đắt hơn nữa.”

 

Bộ trưởng Hạ tầng Cơ sở Vladimir Svet khẳng định "chúng tôi đang cắt giảm ngân sách một cách tối đa, chúng tôi đã tinh giản quá trình đấu thầu công và, nếu cần thiết, chúng tôi sẽ vay vốn."

 

“Nếu chúng tôi muốn bảo tồn văn hóa và đảm bảo về nền tự do [của Estonia], không còn cách nào khác ngoài việc tham gia vào một cộng đồng quốc tế mạnh, một EU và NATO mạnh, ủng hộ luật pháp quốc tế,” ông nói thêm.

 

Rail Baltica sẽ trở thành tuyến đường huyết mạch của ba quốc gia Baltic vốn đã tách ra khỏi Liên Xô để gia nhập EU và NATO – nếu mọi chuyện đi đúng hướng.

 

 






No comments: