Các
thuật toán đề xuất nội dung của mạng xã hội, trợ thủ đắc lực giúp Trump thắng cử
Chi Phương - RFI
Đăng
ngày: 07/11/2024 - 13:40 - Sửa đổi ngày: 07/11/2024 - 15:11
Trong
cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, mạng xã hội đã góp phần không nhỏ trong cuộc
vận động tranh cử, đặc biệt là đối với ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump, nhờ
sự giúp đỡ của ông chủ mạng X (Twitter cũ), Elon Musk. Tỷ phú Mỹ không chỉ dành
cuộc phỏng vấn riêng với Donald Trump trên X, mà còn thay đổi thuật toán đề xuất,
để thúc đẩy các nội dung ủng hộ ông Trump.
HÌNH
:
Chủ
nhân của mạng X Elon Musk và ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump tại một buổi
mít tinh ở Pennsylvania, Hoa Kỳ, ngày 5/11/2024 REUTERS - Brian Snyder
Nếu
như chiến dịch tranh cử của Obama được mô tả là « cuộc bầu cử đầu
tiên của thế kỷ 21 » khi đổi mới chiến lược truyền thông nhờ kỹ
thuật số, thì không thể phủ nhận rằng cuộc bầu cử năm 2016 được đánh dấu bởi
các bài đăng thường nhật, hàng giờ trên Twitter, tức mạng xã hội X hiện nay.
Cách
nay 8 năm, Donald Trump đã giành chiến thắng, bất chấp các kết quả dự đoán, dựa
trên chiến lược truyền thông được dàn dựng khéo léo trên mạng xã hội, tạo ra một
ứng viên ngoài « hệ thống », tiếp xúc trực tiếp với người dân. Trong
một cuộc phỏng vấn trên Fox News vào năm 2017, Donald Trump khẳng định: « Nếu
không có Twitter thì có lẽ tôi sẽ không đến được vị trí này. Tôi có gần 100 triệu
người đăng ký trên Facebook, Twitter và Instagram. Tôi có phương tiện truyền
thông của riêng mình, không cần phải dựa vào phương tiện truyền thông giả ».
Sau
vụ bạo động tại đồi Capitol vào năm 2021, tài khoản của Donald Trump trên
Twitter, Facebook, Youtube đã bị đóng vĩnh viễn, cho đến khi tỷ phú Mỹ Elon
Musk mua lại Twitter và cho mở lại tài khoản của ông Trump. Twitter cũng là nhà
mạng đưa ra nhiều lý do chính đáng để các mạng xã hội khác làm điều tương tự.
Trong
cuộc bầu cử tổng thống 2024, với chiến thắng thuộc về Donald Trump, không thể
không nhắc đến vai trò của mạng xã hội X và ông chủ của nền tảng này. Với khoảng
193 triệu người theo dõi trên X, Elon Musk nhiều lần khẳng định sự ủng hộ không
giới hạn của ông đối với ứng viên đảng Cộng Hòa, qua những bài đăng trên
Twitter thường xuyên, qua các thuật toán và trí tuệ nhân tạo, chưa kể hơn trăm
triệu đô la hỗ trợ cho chiến dịch bầu cử của Donald Trump.
Chính
Elon Musk đã thừa nhận đã thay đổi thuật toán đề xuất của mạng X, để khiến các
bài đăng của mình và Donald Trump nổi bật hơn, thu hút được nhiều lượt xem hơn.
Một cuộc điều tra của The Wall Street Journal thì chỉ ra rằng các thuật toán đề
xuất nội dung của X, cũng ưu tiên tất cả các bài đăng từ những người dùng mạng ủng
hộ Trump, gây bất lợi cho các bài đăng ủng hộ Harris.
Về
các thuật toán đề xuất mà các mạng xã hội sử dụng để thúc đẩy một số nội dung
nhằm tiếp cận nhiều người dùng hơn, đặc biệt là trong trường hợp của mạng xã hội
X. RFI Tiếng Việt đã phỏng vấn ông Jean-Lou Fourquet, đồng tác giả của cuốn
« La dictature des algorithmes » ( Sự độc tài của các thuật toán) để
tìm lời giải đáp.
Các
thuật toán « đề xuất » hoạt động trên các mạng xã hội được sử dụng
như thế nào ?
Trên
tất cả các mạng xã hội hiện nay, các thuật toán đề xuất được sử dụng để
« đề xuất » người dùng những nội dung nhằm tối đa hóa thời gian sử dụng
trên mạng xã hội đó. Về mặt chính trị, nếu người dùng có lập trường phái trung,
phái hữu hay tả, thích động vật, thì sẽ được đề xuất các nội dung theo sở thích
của mình.
Tuy
nhiên, có một tác động phụ cần phải nhắc đến, về tính « phân cực cảm
xúc » - Polarisation émotionnelle, nhất là khi dành nhiều thời gian trên mạng
xã hội và không có kiểm soát. Ví dụ, khi nhìn thấy các nội dung có lập trường
chính trị đối lập với tôi, và đó là những nội dung mang tính biếm họa nhất. Tại
Hoa Kỳ, phe Dân Chủ có hình ảnh biếm họa về những nhà hoạt động ủng hộ phe Cộng
Hòa, và ngược lại, phe Cộng Hòa có hình ảnh biếm họa về phe Dân Chủ. Do đó, những
người dùng mạng sẽ thấy những hình ảnh cực kỳ tệ hại về tư tưởng và lập trường
của phe đối lập, mà không hề thực sự quan tâm, hay tìm hiểu về phe đó.
Các
thuật toán này đã tác động đến bầu cử như thế nào ?
Khó
có thể biết được tác động chính xác của các thuật toán đề xuất đối với cuộc bầu
cử tổng thống Mỹ lần này. Nhưng mọi người có thể thấy là việc kiểm soát một mạng
xã hội như X đã tác động đến phiếu bầu, nhưng tôi hay các nhà nghiên cứu sẽ
không được mạng xã hội này cung cấp các dữ liệu cần thiết để kiểm chứng.
Cơ
chế hoạt động của các mạng xã hội, ngay cả LinkedIn là tương tự. Khi đưa ra một
phát biểu « giật gân », có thể làm « buzz », thì nội dung
đó sẽ được đề xuất nhiều hơn. Và nhờ điều này, ngay cả trước khi được Elon Musk
mua lại, thì Trump đã là một khách hàng lớn của Twitter. Bởi vì ông Trump là
người đăng nhiều bài thu hút được nhiều người xem, tức là khiến người dùng dành
thời gian trên mạng xã hội đó hơn. Các mạng xã hội không phải là nơi cho phép
người dùng có được các nội dung, làm sáng tỏ ý kiến, lập trường của mình, mà
thay vào đó lại thúc đẩy khía cạnh « mang tính bản năng », « cảm
xúc » và khiến mọi người có thể nhanh chóng phán xét. Các thuật toán đánh
vào cảm xúc, khiến mọi người phẫn nộ, thúc đẩy người dùng chia sẻ nội dung, để
lại bình luận nhanh chóng. Các mạng xã hội được thiết kế « để loại bỏ sự
sáng suốt của mọi người, của đám đông ». Đó là lý do tại sao các nền tảng
không được tạo ra và đó không phải là công cụ phù hợp để thực hiện và tạo ra cuộc
tranh luận dân chủ ».
Về
phần mình, David Chavalarias, nhà toán học và giám đốc Viện hệ thống phức hợp -
Institut des Systèmes Complexes de Paris Île-de-France giải thích trên báo La
Libre : « Mạng xã hội X định hình nhận thức của người dùng bằng
cách lọc thông tin xuất hiện từ nguồn cấp tin tức. Đây là một trong những mạng
xã hội có sự thay đổi giữa thông tin được xác định theo sở thích của người dùng
và thông tin nhận được là mạnh nhất. Chúng tôi có thể chứng minh rằng nguồn cấp
tin tức của người dùng đã được bổ sung thêm 50% với ‘nội dung độc hại’ kể từ
khi Elon Musk tiếp quản, điều này khiến nền tảng này giảm các cuộc tranh luận
công khai, tạo ra nhiều thù hận hơn. »
Khi
mua lại Twitter vào năm 2022, Elon Musk đã hứa hẹn sẽ biến nền tảng này thành một
không gian trung lập, dân chủ, đặc biệt là về chính trị. Thế nhưng, với nỗ lực ủng
hộ Trump, Elon Musk đã định hình lại Twitter, đổi tên thành X, và biến nền tảng
truyền thông xã hội hàng đầu thế giới về tin nhanh thành « ổ chứa
các thuyết âm mưu và thông tin sai lệch », theo nhận định của báo Mỹ
CNN.
Mặc
dù tự nhận mình là người ủng hộ tuyệt đối quyền tự do ngôn luận, Elon Musk trên
thực tế đã kiểm soát các nội dung gây tổn hại đến hình ảnh của Donald Trump. Ví
dụ, vào tháng 9, tài khoản X của nhà báo độc lập Ken Klippenstein đã tạm thời bị
khóa sau khi đăng tài hồ sơ điều tra về chiến dịch tranh cử của Trump trong quá
trình lựa chọn Vance đứng liên danh. Tài khoản của Klippenstein sau đó đã được
khôi phục và X đưa ra giải thích là bị tin tặc tấn công, nhưng đường dẫn đến hồ
sơ của nhà báo Mỹ không thể được truy cập từ X.
Trung
tâm chống thù hận qua mạng (Center for Countering Digital Hate – CCDH) đã công
bố báo cáo hồi tháng 8, ghi nhận hơn 50 bài đăng có nội dung sai lệch trên tài
khoản của ông chủ mạng X liên quan đến bầu cử. Các bài đăng của Elon Musk đã
thu hút được hơn 1,2 tỷ lượt xem.
-------------------------------
Các
nội dung liên quan
PHÂN
TÍCH
Bầu
cử TT Mỹ : Trump hay Harris, ai là « giải pháp đỡ tệ hại hơn »
cho Bắc Kinh ?
BẦU
CỬ TỔNG THỐNG MỸ 2016
Bầu
cử tổng thống Mỹ : Donald Trump suýt bị bắn?
BẦU
CỬ TỔNG THỐNG MỸ
Mỹ:
Obama chính thức vận động tranh cử
No comments:
Post a Comment