Thursday, November 7, 2024

'BLACK MYTH : WUKONG' VÀ SỨC MẠNH MỀM CỦA TRUNG QUỐC (Lại Thị Thảo / Nghiên Cứu Chiến Lược)

 



‘Black Myth: Wukong’ và sức mạnh mềm của Trung Quốc

Tác giả: Lại Thị Thảo

06/09/2024 at 10:08

https://nghiencuuquocte.org/forums/topic/black-myth-wukong-va-suc-manh-mem-cua-trung-quoc/     

 

Sự trỗi dậy mạnh mẽ, vươn mình trở thành siêu cường đã khiến Trung Quốc khát khao phát triển sức mạnh mềm nâng cao vị thế quốc gia, gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu, cạnh tranh với sức ảnh hưởng của Mỹ. Sở hữu cho mình bề dày lịch sử văn hóa cùng nguồn lực sẵn có, quốc gia tỷ dân đã đạt được những bước tiến vượt bậc thông qua hoạt động quảng bá văn hóa trong ngành giải trí, công nghệ kỹ thuật số. Đặc biệt gần đây là sự trỗi dậy của ngành công nghiệp Game với những sản phẩm chất lượng đủ sức chinh phục thế giới chỉ sau một đêm.

 

https://images2.thanhnien.vn/528068263637045248/2024/6/7/black-myth-wukong-hd-scaled-1717771562622-1717771563466395313139.jpg

Black Myth: Wukong

 

“Black Myth: Wukong” chinh phục thế giới chỉ sau 1 đêm – những yếu tố tạo nên siêu phẩm.

 

Vào ngày 20/8/2024, trò chơi được nhiều người mong đợi “Black Myth: Wukong” do Trung Quốc phát triển trong 4 năm cuối cùng đã ra mắt, ngay lập tức gây chấn động lớn trên thị trường game toàn cầu. Trò chơi này không chỉ chinh phục được đại đa số người chơi nhờ nền tảng văn hóa sâu sắc và thiết kế hình ảnh tinh tế mà còn gây ra những cuộc thảo luận rộng rãi và sôi nổi trên khắp thế giới. Hiện tượng này đánh dấu sự trỗi dậy của ngành công nghiệp game Trung Quốc trên thị trường game toàn cầu và sự lan rộng ra quốc tế của văn hóa truyền thống Trung Quốc thông qua các hình thức giải trí kỹ thuật số.

 

Black Myth: Wukong hay “Hắc Huyền thoại: Ngộ Không” là sự kết hợp hoàn hảo giữa văn hóa và trò chơi. Đây là một game nhập vai hành động độc lập được phát triển bởi Công ty Khoa học Trò chơi Trung Quốc có trụ sở ở Thâm Quyến (Thung lũng silicon của Trung Quốc). Cốt truyện dựa trên Tây Du Ký, một trong “tứ đại danh tác” văn học của Trung Hoa, và mở ra dưới góc nhìn của Tôn Ngộ Không. Trò chơi không chỉ trung thành với câu chuyện gốc về mặt cốt truyện mà còn kết hợp các yếu tố kinh điển từ Tây Du Ký trong hệ thống chiến đấu và thiết lập nhân vật. Cách kết hợp văn hóa truyền thống với thiết kế trò chơi hiện đại này cho phép người chơi vừa có thể giải trí vừa được trải nghiệm văn hóa.

 

Đúng với tên gọi “Hắc huyền thoại”, điểm quan trọng để Black Myth: Wukong trở thành hiện tượng game là nó đã thu hút cả những đối tượng vốn không phải là game thủ. Vì sở hữu phần cốt truyện được chế tác mở rộng đưa mọi thứ đến góc nhìn có phần huyền bí hơn với chất chứa nhiều hàm ý thâm sâu dựa trên giáo lý thiền học, phật pháp, nhưng vẫn bám sát câu chuyện về những kiếp nạn có thật trong nguyên tác.

 

Điều đáng chú ý hơn nữa là để tạo ra một thế giới trò chơi chân thực và mang tính nghệ thuật, đội ngũ thiết kế nghệ thuật của “Black Myth: Wukong” đã đến thăm các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử trên khắp Trung Quốc và thành lập thư viện ảo đầu tiên trên thế giới về các tòa nhà cổ của nền văn minh Trung Hoa. Nhiều cảnh trong trò chơi, chẳng hạn như Đền Ngọc Hoàng ở Tấn Thành, chùa Vạn Phật ở tỉnh Tây Sơn đều được phục dựng lại.

 

Với phong cách làm việc chuyên nghiệp, đầy chân thành, tỉ mỉ của đội ngũ sản xuất khiến “Black Myth: Wukong” không chỉ là một trò chơi mà còn là một màn trình diễn văn hóa Trung Hoa sống động.

 

 

Thành công đến sớm trước cả khi ra mắt.

 

Ngay cả trước khi Black Myth: Ngộ Không chính thức ra mắt, doanh thu bán trước của bộ game này đã vượt quá 400 triệu nhân dân tệ, một con số cực kỳ hiếm trên thế giới. Ngay trong ngày ra mắt, trò chơi đã nhanh chóng chiếm lĩnh danh sách tìm kiếm hot trên các nền tảng xã hội lớn. Đặc biệt ở Trung Quốc, Hashtag “Black Myth Wukong” từng đứng đầu danh sách tìm kiếm nóng, điều này cho thấy mức độ phổ biến của nó. Ở thị trường quốc tế, “Hắc Huyền thoại: Ngộ Không” cũng đạt thành tích tốt. Nó trở thành trò chơi được mong muốn nhiều nhất trên Steam kể từ tháng 5/2024 [1]. Vào đầu tháng 8, trò chơi đã đứng đầu bảng xếp hạng bán chạy nhất của Steam [2]. Trong ngày ra mắt, số lượng người chơi trực tuyến đồng thời trên toàn cầu trên nền tảng Steam đã vượt quá 2,4 triệu. Con số này không chỉ thu hút sự quan tâm rộng rãi của các tay chơi nước ngoài mà còn khiến nhiều người trong ngành ngạc nhiên. Trước đây, hiếm khi một game chơi đơn có hơn 1 triệu người trực tuyến cùng lúc nhưng “Black Myth: Wukong” đã dễ dàng phá vỡ kỷ lục này, chứng tỏ sức hút toàn cầu của nó. Sự công nhận toàn cầu về chất lượng trò chơi trước khi ra mắt “Black Myth: Wukong”, 54 phương tiện truyền thông nổi tiếng nước ngoài bao gồm IGN và GameSpot đã cho điểm trung bình là 82 điểm (thang điểm 100 điểm). Hệ thống chiến đấu, đồ họa và các đoạn cắt cảnh của trò chơi đã được người chơi và giới truyền thông đánh giá cao. Sau khi trải nghiệm trò chơi, nhiều người chơi nước ngoài không chỉ bị thu hút bởi đồ họa đẹp mắt và cốt truyện nhỏ gọn mà còn phát triển mối quan tâm sâu sắc đến văn hóa truyền thống Trung Quốc. Sự công nhận toàn cầu này không chỉ là sự khẳng định cho nỗ lực của nhóm khoa học trò chơi trong nhiều năm qua mà còn là dấu hiệu cho thấy quá trình quốc tế hóa ngành công nghiệp trò chơi của Trung Quốc đang tăng tốc. “Hắc Huyền thoại: Ngộ Không” là trò chơi AAA đầu tiên của Trung Quốc, đã phá vỡ thành công định kiến cố hữu của thị trường game quốc tế đối với game trong nước và chứng tỏ sức mạnh mạnh mẽ của Trung Quốc trong lĩnh vực phát triển trò chơi.

 

Sự gia tăng sức mạnh mềm thông qua ngành công nghiệp Game của Trung Quốc.

 

Từ sử dụng, tận dụng văn hóa đến xuất khẩu văn hóa thành công của “Hắc Huyền thoại: Ngộ Không” không chỉ là thắng lợi về mặt thương mại mà còn là sự truyền bá quan trọng của văn hóa Trung Quốc trên quy mô toàn cầu. Thông qua trò chơi này, nhiều người chơi nước ngoài lần đầu tiên được tiếp xúc sâu sắc với tác phẩm văn học kinh điển Trung Quốc “Tây Du Ký” và trải nghiệm hình ảnh Tôn Ngộ Không, một nhân vật huyền thoại trong văn hóa Trung Hoa trong game. Điều thú vị là, để hiểu rõ hơn về câu chuyện và nhân vật trong game, nhiều người chơi nước ngoài đã tự nhiên bắt đầu say sưa tìm xem và đọc “Tây Du Ký”. Một số người chơi thậm chí còn chuyển sang xem phim truyền hình “Tây Du Ký” phiên bản 1986.

 

Hiện tượng này cho thấy “Black Myth: Wukong” không chỉ là một trò chơi mà còn là cầu nối kết nối văn hóa Trung Quốc và thế giới. Với sự phổ biến của trò chơi, ngày càng có nhiều người chơi nước ngoài bắt đầu chú ý đến văn hóa Trung Quốc. Đây chắc chắn là một bước quan trọng để văn hóa Trung Quốc vươn ra toàn cầu. “Black Myth: Wukong” đã truyền bá thành công các yếu tố văn hóa Trung Quốc đến mọi nơi trên thế giới thông qua trải nghiệm trò chơi đầy thú vị, thay đổi cách hiểu của nhiều người nước ngoài về văn hóa truyền thống Trung Quốc. Hình thức xuất khẩu văn hóa này không chỉ độc đáo, hiệu quả như một loại quyền lực mềm mà còn thể hiện sức hấp dẫn của văn hóa Trung Hoa trong thời đại mới.

 

 

Sự trỗi dậy và thách thức của game Trung Quốc.

 

Từ trước đến nay game bom tấn AAA vốn bị coi là rủi ro về mặt thương mại trong thị trường trò chơi điện tử của Trung Quốc. Quốc gia này chỉ có vị thế lớn trong mảng Game Mobile.

Ngay cả chính nhà sản xuất của Black Myth: Wukong cũng từng nếm trải thất bại trong việc sản xuất ra trò chơi nhập vai trực tuyến. Cha đẻ Hắc Thần Thoại: Ngộ Không là Feng Ji và Yang Qi là 2 cựu nhân viên từng làm việc dưới trướng ông lớn ngành công nghệ số Trung Quốc – công ty Tencent.

 

Đặc biệt vào khoảng những năm 2015, với sự bùng nổ mạnh mẽ của ngành công nghiệp game trên đi động smartphone, giấc mơ tạo ra một trò chơi “bom tấn” trên PC và Console càng trở nên viễn tưởng. Chính Yang Qi sau này chia sẻ, anh chọn rời Tencent là vì cảm thấy lĩnh vực mà mình từng tập trung tâm huyết đang suy giảm.

 

Không chấp nhận điều đó, vào năm 2018 họ quay lại sứ mệnh ban đầu của mình là tạo ra một trò chơi đơn chất lượng cao trên PC. Từ đây Black Myth: Wukong được lên ý tưởng với mức kinh phí khủng 50 triệu USD với sự hậu thuẫn của công ty Game Science[3]

 

Và sự thành công vượt bậc của Hắc thần thoại: Ngộ Không giờ đây đã đưa Trung Quốc trỗi dậy trên thị trường giải trí trực tuyến.

 

Trong những năm gần đây Chính phủ Trung Quốc đã chi nhiều tỷ đô la để phát triển ngành công nghiệp phim ảnh, trò chơi điện tử mang đậm bản sắc văn hóa Trung Hoa vươn ra toàn thế giới nhằm gia tăng sức mạnh mềm cho quốc gia này. Đặc biệt với giới trẻ, những người tiếp cận sớm, thích nghi nhanh với thời đại 4.0 và là đối tượng chính của sự ảnh hưởng.

 

Trung Quốc đã trở thành địa điểm tổ chức những giải đấu game lớn nhất trên thế giới, quy mô và chỉn chu, thu hút sự quan tâm của hàng chục triệu game thủ trên toàn thế giới. Kênh game số một Trung Quốc là Betta TV cũng được ước tính có giá trị thị trường lên đến 1 tỷ USD với lượng khán giả hàng tháng là 450 triệu [4]

 

Thành công của “Black Myth: Wukong” đã mang lại niềm tin rất lớn cho ngành công nghiệp game Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc ngành công nghiệp game của quốc gia tỉ dân sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Khi thị trường quốc tế chú ý nhiều hơn đến game Trung Quốc, sự cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt hơn trong tương lai. Làm cách nào để duy trì hoạt động sản xuất trò chơi chất lượng cao, cách quảng bá văn hóa Trung Quốc trên quy mô toàn cầu và cách đáp ứng nhu cầu thị trường của các quốc gia và khu vực khác nhau đều là những vấn đề mà ngành công nghiệp trò chơi Trung Quốc cần phải suy nghĩ trong tương lai. Đồng thời, sự thành công của “Black Myth: Wukong” cũng đã đặt ra chuẩn mực mới cho các game nội địa khác. Ngày càng có nhiều nhà phát triển trò chơi Trung Quốc coi đây là mục tiêu của họ và cố gắng cải thiện chất lượng cũng như ý nghĩa văn hóa trong trò chơi của họ. Sự nổi tiếng toàn cầu của “Black Myth: Wukong” đánh dấu sự trỗi dậy của ngành công nghiệp trò chơi Trung Quốc và sản phẩm văn hóa thành công thông qua giải trí kỹ thuật số. Hiện tượng này không chỉ là thắng lợi của ngành game Trung Quốc mà còn là bước đi quan trọng để văn hóa Trung Quốc vươn ra toàn cầu.

 

 

Kinh nghiệm dành cho Việt Nam trong việc phát triển sức mạnh mềm.

 

Một sản phẩm văn hóa đại chúng thành công như Black Myth: Wukong thậm chí còn thúc đẩy cả nền kinh tế Trung Quốc. Không chỉ đạt được lợi nhuận bán game khổng lồ, theo số liệu thống kê, Black Myth: Wukong đã bán được hơn 3 triệu bản trên Steam và tổng cộng hơn 4,5 triệu bản trên các nền tảng khác, mang lại tổng doanh thu hơn 1,5 tỷ nhân dân tệ. Sở Văn hóa Du lịch tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) nơi có hầu hết những địa điểm và bối cảnh ở trong trò chơi đã trở thành một điểm đến tham quan được yêu thích những ngày gần đây với lượng khách du lịch tăng đột biến do sự phổ biến của game trên các nền tảng mạng xã hội. Cùng với đó là nhiều nhãn hàng tiêu dùng đều muốn kết hợp với thương hiệu game đình đám này để ra mắt những sản phẩm được in ấn hình ảnh những nhân vật trong game Black Myth: Wukong nhằm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

 

Với kết quả tích cực mà một game bom tấn mang lại cho Trung Quốc như trên, Việt Nam có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất game cũng như những chính sách khuyến khích ngành công nghiệp này phát triển.

 

Vào những năm 2010, Việt Nam cũng đã có một vài tựa game quảng bá lịch sử văn hóa. Ví dụ như game 7554 là trò chơi điện tử thể loại bắn súng có đồ hoạ đẹp đầu tiên của Việt Nam, do công ty Hiker Games thực hiện, lấy bối cảnh lịch sử thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tên trò chơi được lấy từ ngày kỷ niệm 07/05/1954 ngày mà quân đội thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ đầu hàng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Thời điểm phát hành, game này được nhà sản xuất bán ra với giá 12$, đây là mức giá khiêm tốn trên thị trường game quốc tế.

 

7554 là một game hành động góc nhìn thứ nhất (FPS) thuộc thế hệ tiên phong do Việt Nam phát triển, thể hiện tinh thần yêu nước, dám nghĩ dám làm đáng trân trọng của đội ngũ sản xuất. Tuy vậy, dư luận quốc tế đánh giá trò chơi này vẫn chưa đạt được tầm vóc như mong đợi do đồ họa còn khá sơ sài, thiếu sự hào hùng của trận đánh mang tính lịch sử vang dội năm châu chấn động địa cầu. Âm thanh của các loại vũ khí trong trò chơi khi chiến đấu không có nhiều khác biệt [5]. Từ đó cho thấy, ngành sản xuất game còn những hạn chế về nguồn lực và chất lượng của sản phẩm, cần phải nỗ lực cải thiện nếu muốn vươn tầm quốc tế.

 

Để biến tiềm năng trở thành những thành công thực tế, những câu chuyện được lồng ghép vào các sản phẩm game phải thực sự được đầu tư chỉn chu, có nội dung sâu sắc. Lồng ghép bối cảnh là các di tích lịch sử, thắng cảnh nổi danh cần vừa đảm bảo có sự chân thực, vừa đảm bảo mức độ sáng tạo cao, khiến người chơi thực sự thích thú, khơi gợi sự tìm hiểu về nhân vật, sự kiện, địa danh.

 

Các nhà đầu tư và nhà làm game không nên sản xuất ồ ạt, mà nên tập trung vào một sản phẩm thực sự trau chuốt về hình ảnh, âm thanh, tính năng. Các nhà làm game phải thực sự sáng tạo, được đào tạo chuyên nghiệp và có kinh nghiệm để phát triển kỹ thuật cho game, mang đến sự trải nghiệm toàn diện các giác quan cho người dùng.

 

Khâu tiền kỳ cũng phải được chú trọng, tăng cường quảng bá trên các nền tảng, tăng độ nhận diện cho sản phẩm cũng như kích thích được sự mong ngóng của công chúng.

 

Chính sách khuyến khích đầu tư vào mảng giải trí kỹ thuật số cũng cần được nhà nước quan tâm thúc đẩy mạnh hơn nữa, có thể tính tới các giải pháp khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường game Việt Nam.

 

Trong kho tàng văn hóa và lịch sử Việt Nam có rất nhiều giai thoại, câu chuyện đặc sắc có thể khai thác làm nội dung cho ngành công nghiệp trò chơi điện tử, nhưng thực tế vẫn chưa được quan tâm, đầu tư đúng mực. Điều đó khiến việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm, bản sắc Việt Nam đến giới trẻ trên toàn cầu còn hạn chế.

 

Game Black Myth: Wukong do Trung Quốc sản xuất đang thành công vang dội trên toàn thế giới, cùng với đó là sự gia tăng sức mạnh mềm của Trung Hoa ra toàn cầu. Điều này cho Việt Nam bài học kinh nghiệm sâu sắc trong việc cải thiện ngành công nghiệp trò chơi điện tử tại Việt Nam. Nơi mà những nhà sản xuất game vẫn đang gặp phải những khó khăn, thách thức không chỉ về tài chính, nguồn lực, công nghệ, cạnh tranh thị trường. Cốt lõi nhất vẫn là chất lượng sản phẩm. Các công ty phát triển game cần nghiêm túc đầu tư chất xám hơn nữa cho trải nghiệm của người dùng, nâng cao chất lượng âm thanh, hình ảnh. Cùng với đó là cần những chính sách ưu tiên, sự đầu tư, triển khai nhất quán của nhà nước cho sự phát triển ngành giải trí kỹ thuật số.

 

Trong tương lai, có thể kỳ vọng rằng Việt Nam sẽ đủ khả năng sản xuất ra những trò chơi điện tử chất lượng cao với nội dung mang đặc trưng văn hóa sâu sắc. Những trò chơi điện tử lồng ghép câu chuyện về lịch sử, văn hóa Việt Nam sẽ không chỉ thành công ở trong nước mà còn là cầu nối quảng bá Việt Nam vươn ra thế giới, tác động sâu sắc trên quy mô toàn cầu./.

 

Bài viết được đăng lần đầu trên Nghiên cứu Chiến lược.

————–

Tài liệu tham khảo:

 

[1] Game Rant, Shirey, J. Brodie (2024), Black Myth: Wukong Has Gone Gold, https://gamerant.com/black-myth-wukong-gone-gold/

 

[2] PlayStation Universe, Carcasole, David (2024), Black Myth: Wukong’s Final Trailer Stuns Ahead Of Release While It Shoots Up Towards The Top Of The Sales List On Steam And PS, https://www.psu.com/news/black-myth-wukongs-final-gameplay-ps5-trailer-release-shoots-towards-top-of-the-sales-charts/

 

[3] Báo Mới, Anh Tuấn, (ngày 28 tháng 08 năm 2024) Thất bại đầu tay của người làm ra Black Myth: Wukong https://baomoi.com/that-bai-dau-tay-cua-nguoi-lam-ra-black-myth-wukong-c50016026.epi

 

[4] Mai Anh (2017), Trò chơi điện tử – quyền lực ‘mềm’ của Trung Quốc, Vnexpress, https://vnexpress.net/tro-choi-dien-tu-quyen-luc-mem-cua-trung-quoc-3591686.html

 

[5] Critic Reviews, https://www.metacritic.com/game/7554/critic-reviews/

 

 





No comments: