Nguyễn Thúy Hạnh
14/10/2024
https://baotiengdan.com/2024/10/14/toi-se-ve-noi-ay/
Cả
nhà yêu quý!
Tôi
viết những dòng cảm xúc này vào một đêm đen trong những phút lặng tạm thời giữa
những cơn stress kinh hoàng liên tiếp ập đến, nằm co ro trong manh chiếu lệch
trên sàn xi măng, giữa bốn bức tường lạnh lẽo của nhà tù. Nên cảm xúc của tôi
có phần tiêu cực. Mong mọi người đọc với sự cảm thông.
“Con
cò cõng nắng sang sông
Rủ
mây với gió trên đồng tìm tôi…”.
Tìm
tôi? Vâng, tìm tôi nhé, tôi ở đây, với nắng gió và bờ bãi sông Hồng, con sông
thắm đỏ phù sa bồi đắp và tưới tiêu cho cả vùng châu thổ trù phú. Con sông gắn
với buổi cạn năm của đời tôi.
Định
mệnh đã gọi tên tôi bằng căn bệnh ung thư quái ác. Tôi bình thản đón nhận,
không suy sụp, sợ hãi, không tuyệt vọng, không than thân trách phận. Sinh- lão-
bệnh- tử là quy luật của muôn đời, người ta ai rồi cũng phải trải qua. Tôi ra
đi ở tuổi này còn may mắn hơn nhiều người ra đi tuổi 20, 30, 40. Cha mẹ già đều
đã khuất núi, còn các con tôi thì đã trưởng thành. Và tôi đã chọn chỗ cho mình,
bờ bãi và sóng nước sông Hồng trước cửa nhà tôi.
Khi
bệnh nặng, tôi không muốn mọi người đến thăm nên sẽ không thông báo với ai. Bởi
tôi tham lam muốn đọng lại trong tâm trí mọi người một Nguyễn Thuý Hạnh tươi cười
rạng rỡ, chứ không phải một tôi héo hon tiều tuỵ trên giường bệnh. Càng không
muốn mọi người thấy một tôi cứng đờ xám xịt trong cái quan tài. Nên cũng sẽ
không có tang lễ nào cả. Những người ruột thịt sẽ lặng lẽ mang tro bụi của tôi
rắc trên sông Hồng cùng với những cánh hoa hồng trắng và đỏ. Tôi sẽ không lãng
phí một mét đất nào của người sống để làm mộ cho mình.
Khi
nào không thấy tôi xuất hiện trên Facebook, mọi người hãy hiểu rằng tôi đã về với
bờ bãi sóng nước sông Hồng.
Sông
Hồng đoạn chảy qua nhà tôi thì chia thành hai nhánh, ôm trọn bãi bồi rộng mênh
mông và bốn mùa xanh mướt rau, hoa, cây trái, gọi là Bãi Giữa. Cũng ở đoạn đó,
sông Hồng vặn mình tách một phần da thịt, tạo nên con sông Đuống chảy xuôi về
kinh bắc.
Nhánh
sông phía nhà tôi hầu như cạn. Tôi thường đạp xe len lỏi qua những luống rau, bụi
cây, những túp lều tạm của người trồng rau trông coi hoa màu, men theo rặng
xoan, để ra dòng chính của con sông mé bên kia bãi giữa.
Lội
xuống mép nước, tôi lắng nghe tiếng ca nô đều đều từ đằng xa vọng lại, như nhịp
đập con tim sông Hồng, và lặng nhìn những chiếc xà lan chậm rãi, khoan nhặt ra
vào cửa sông Đuống.
Những
trưa, tôi đạp xe theo triền đê, qua thung lũng hoa, ra bãi đá ven sông, ngồi ngắm
những cặp đôi chụp ảnh cưới, tâm hồn thấy vui lây.
Những
đêm vật vã với chứng mất ngủ, tôi lên sân thượng than thở cùng sông Hồng, đợi
sáng.
Chiều
chiều tôi đứng trên sân thượng nhìn ra sông và Bãi Giữa, lòng dạt dào cảm xúc.
Khi
vui:
Xôn
xao con sóng đỏ
Vỗ
dào dạt chân đê
Cánh
buồm nâu hớn hở
Thênh
thang chở nắng về
***
Gửi
về anh dòng sông hạ mến thương
Nước
thượng nguồn về dâng lên ngập bãi
Những
con thuyền chở đầy khoang miết mải
Gió
mênh mang dào dạt gọi sóng về.
Khi
buồn:
Sông
chảy về đâu sóng về đâu
Có
hay nước cạn dưới chân cầu
Có
nghe da diết hồi chuông thảm
Và
chiếc xe tang trắng một mầu
***
Sang
ngang lỡ một nhịp cầu
Ta
về với ngọn cỏ lau thầm thì
Cái
sầu là cái sầu chi
Giữ
thì không đặng cho đi không đành
***
Run
rẩy cành khô sóng u hoài
Quầng
mây buông mỏi chút sương phai
Thoảng
nghe trong gió chiều đông lạnh
Khúc
buồn năm cạn tháng Mười Hai.
Khi
nhớ nhung tha thiết:
“Gọi
đò chẳng thấy đò đâu
Đợi
người tím cả sông sâu những chiều”.
***
“Nếu
anh về nhớ ghé lại sông xưa
Cầu
đã xây đâu còn ai qua bến
Những
con đò nằm im nghe sóng đếm
Mái
chèo buông lặng lẽ đợi chờ anh”.
Khi
hanh hao hoài vọng:
“Miên
man con sóng hồng
Tiễn
thu về xa tắp
Giấc
mơ nào chìm khuất
Kỷ
niệm vào rêu phong”
***
“Dòng
sông tháng Mười chảy về miền xa tắp
Cánh
đồng quê xao xác ánh trăng ngà
Những
luống cày khoác lưng nhau vào ải
Lỗi
mùa rồi cải bật khóc thành hoa”.
Khi
trống vắng, chênh vênh:
“Ngày
mai tôi trở lại bến phà
Bán
mớ bòng bong ở chợ xa
Mơ
đến một ngày người ấy lại
Vương
cái tơ lòng đón tôi qua”.
***
“Nhạt
nắng bên cồn nhạt gió phiêu
Hỏi
sông đong nước được bao nhiêu
Mà
sao bờ bãi chơ vơ thế
Mà
sóng buồn tênh vỗ nhạt chiều”.
Khi
mơ mộng ngất ngây:
“Gió
ru con sóng xô bờ
Tôi
ru tôi trắng sững sờ hoạ mi”.
***
“Tìm
tôi con nắng vỡ đôi
Tiễn
tôi cái gió bời bời heo may”.
***
“Dừng
lại lát thôi cánh nhạn bay
Cho
ta gửi với chút mơ này
Về
nơi nao ấy không ngày tháng
Phiêu
lãng hồn ta với gió mây”.
…
Tôi
luôn mong muốn, khát khao được sống có ý nghĩa, sống có ích không chỉ cho cá
nhân mình, cho nồi cơm nhà mình. Suốt quãng đời lao động sung sức nhất tôi đã
luôn nhận phần thiệt về mình, bỏ cả tiền túi, từ chối nhận lương, bỏ cả việc
nhà để cháy hết mình, để xả thân hết mình cho việc công. Bởi công việc của tôi
liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài đang bên bờ vực phá sản ở Việt Nam, và đời
sống của những người nông dân nghèo miền núi. Thành công rực rỡ hôm nay của
doanh nghiệp cũng như của người nông dân nơi ấy, có phần đóng góp không nhỏ của
tôi, cũng đồng thời với căn bệnh stress và trầm cảm mà tôi phải mang đến tận
bây giờ, do suốt quãng thời gian dài làm việc quá căng thẳng, áp lực, phải đối
mặt với những thử thách khắc nghiệt.
Nhưng
ông Trời đã bù đắp cho tôi. Tôi kinh doanh tay ngang rất “a ma tơ”, mà lại luôn
thành công vượt cả mong đợi. Bởi vậy tôi không phải túng thiếu về tiền bạc.
Cả
đời tôi không đố kỵ, không thù ghét ai, càng không biết trả thù. Trái tim tôi lạ
lắm, cứ dào dạt thương quý tất cả mọi người, sẵn sàng giúp đỡ cả những người đã
làm hại tôi. Bạn tôi bảo đó cũng là một chứng bệnh của tim, và rằng như thế là
người không sâu sắc, không có chính kiến. Tôi đồng ý, nhưng không sửa được.
Tôi
sống lập dị, cho đi bao nhiêu cũng không tiếc, còn với bản thân thì lại dè sẻn.
Nhưng đổi lại, tôi thấy hạnh phúc khi mang được niềm vui đến cho ai đó.
Khiếm
khuyết lớn nhất của tôi là cả tin, cả nể, và dễ mủi lòng. Vì thế tôi không ít lần
bị lợi dụng, bị lừa gạt. Có người còn chiếm dụng của tôi số tiền trị giá bằng
vài căn nhà Hà Nội thời đó, và cho đến nay vẫn không trả cho tôi một đồng nào.
Tôi không muốn họ phải vào tù nên vẫn nương tay cho đến bây giờ.
Khiếm
khuyết nữa của tôi là không khôn khéo, nghĩ sao nói vậy, nghĩ sao làm vậy, nói
năng cẩu thả, nên nhiều khi tự làm mất cả lòng tốt của mình.
Từ
khi trở thành người bất đồng chính kiến tôi phải chịu mọi sự trừng phạt từ nhà
cầm quyền: Vu khống, bôi nhọ, đàn áp, đánh đập, khủng bố, giam lỏng, và tù đày.
Nhưng tôi không hối tiếc, tôi tự hào về những gì tôi và các bạn tôi đã làm.
So
sánh giữa “được” và “mất” thì đời tôi cái “được” vẫn nhiều hơn. Và điều mãn
nguyện nhất của tôi là được mọi người quý mến và tin cậy. Tôi biết ơn mọi người,
biết ơn cuộc đời nhiều lắm!
***
“Từ
sương khói mênh mang
Khúc
nhạc đời dìu dặt
Nghe
như trong lòng đất
Hạt
cựa mình xốn xang”.
Còn
một phần ngàn của tia hi vọng là còn tương lai, mà tôi thì còn nhiều tia hi vọng
lắm. Tôi tin rằng tôi sẽ khỏi bệnh. Nhưng nếu phải ra đi thì tôi sẽ về nơi ấy.
Và từ nơi ấy tôi sẽ hồi sinh, lại vẫn làm Nguyễn Thuý Hạnh, luôn tươi cười rạng
rỡ.
Trại
giam số 2, đêm 27/8/2024
No comments:
Post a Comment