Monday, October 14, 2024

GIẢI NOBEL KINH TẾ ĐƯỢC TRAO CHO NGHIÊN CỨU VỀ TÁC ĐỘNG CỦA THỂ CHẾ ĐẾN TÌNH TRẠNG GIÀU NGHÈO CỦA CÁC NƯỚC (Chi Phương / RFI)

 



Giải Nobel Kinh Tế được trao cho nghiên cứu về tác động của thể chế đến tình trạng giàu nghèo của các nước

Chi Phương  -  RFI

Đăng ngày: 14/10/2024 - 16:06

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20241014-gi%E1%BA%A3i-nobel-kinh-t%E1%BA%BF-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-trao-cho-nghi%C3%AAn-c%E1%BB%A9u-v%E1%BB%81-t%C3%A1c-%C4%91%E1%BB%99ng-c%E1%BB%A7a-th%E1%BB%83-ch%E1%BA%BF-%C4%91%E1%BA%BFn-t%C3%ACnh-tr%E1%BA%A1ng-gi%C3%A0u-ngh%C3%A8o-c%E1%BB%A7a-c%C3%A1c-n%C6%B0%E1%BB%9Bc

 

Ba nhà nghiên cứu Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson, hoạt động tại các trường đại học ở Mỹ đã được trao giải Nobel Kinh Tế danh giá vào hôm nay, 14/10/2024. Theo ủy ban giải khoa học kinh tế, thuộc ủy ban Nobel, các nghiên cứu của ba nhà khoa học này đã chỉ ra « cách thức các thể chế được hình thành và ảnh hưởng đến sự thịnh vượng ra sao », đưa ra lý giải « tại sao một số nước thì giàu, một số khác lại nghèo ».

 

HÌNH :

Lễ trao giải thưởng Nobel kinh tế học cho Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A Robinson, Stockholm, Thụy Điển, ngày 14/10/2024. via REUTERS - Christine Olsson/TT

 

Trong thông cáo, ủy ban khoa học kinh tế cho biết, « bằng việc nghiên cứu về các hệ thống chính trị và kinh tế khác nhau, do thực dân châu Âu đưa vào, Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson đã có thể chứng minh mối quan hệ giữa các thể chế và sự thịnh vượng »Họ cũng đã phát triển các công cụ lý thuyết có thể giải thích tại sao sự khác biệt trong các thể chế vẫn tồn tại và cách thức khiến các thể chế có thể thay đổi. 

 

 Jakob Svensson, chủ tịch ủy ban khoa học kinh tế thuộc ủy ban Nobel, khẳng định rằng « những người thắng giải năm nay đã đi tiên phong trong những cách tiếp cận mới, cả thực nghiệm lẫn lý thuyết, giúp nâng cao đáng kể sự hiểu biết của chúng ta về sự bất bình đẳng toàn cầu… », bởi vì « giảm sự cách biệt to lớn về thu nhập là một trong những thách thức lớn nhất của thời đại và cả ba nhà nghiên cứu đã chỉ ra các thể chế là yếu tố quan trọng để đạt được điều này ».

 

Daron Acemoglu (57 tuổi) và Simon Johnson (61 tuổi) là giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), trong khi James A. Robinson, 64 tuổi, là giáo sư tại Đại học Chicago của Hoa Kỳ. Cả ba sẽ cùng chia sẻ phần thưởng trị giá khoảng 11 triệu Krona Thụy Điển (gần 1 triệu đô la).

 

 

====================================================

 

Ba nhà kinh tế học Mỹ đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2024 vì nghiên cứu liên quan đến độc tài và tham nhũng

RFA

2024.10.14

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/economics-nobel-prize-2024-3-american-corruption-10142024084223.html

 

Ba nhà kinh tế học người Mỹ vừa đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2024 theo công bố của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển vào ngày 14/10.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/economics-nobel-prize-2024-3-american-corruption-10142024084223.html/@@images/d61bfe9d-73ab-417c-aa7d-4804d8779a00.jpeg

Các thành viên của Ủy ban Giải thưởng Nobel thông báo giải Nobel Kinh tế 2024 cho ba nhà khoa học Mỹ Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A Robinson tại Thụy Điển hôm 14/10/2024    (Reuters)

 

Ba nhà khoa học này là Daron Acemoglu (57 tuổi), Simon Johnson (61 tuổi) và James A. Robinson (64 tuổi). Họ được trao giải Nobel Kinh tế nhờ nghiên cứu về sự khác biệt trong thịnh vượng giữa các quốc gia, đặc biệt là ở những nước tránh được nạn tham nhũng và độc tài.

 

Nhà khoa học James A. Robinson hiện làm việc tại Đại học Chicago, trong khi hai nhà khoa học kia là Daron Acamoglu và Simon Johnson đang công tác tại Học viện Công nghệ Massachusetts.

 

Ông Jakob Svensson – Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Nobel Kinh tế phát biểu về các nghiên cứu của các khôi nguyên giải năm nay rằng: “việc giảm những sự khác biệt lớn về thu nhập giữa các quốc gia là một trong các thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta. Nhờ các nghiên cứu đột phá của các khoa học gia Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson, chúng ta đã có sự hiểu biết sâu hơn về nguyên nhân gốc rễ vì sao các nước thất bại hay thành công.”

 

Trang mạng xã hội X (Twitter) của Giải Nobel Prize viết rằng, “20% các nước giầu nhất thế giới hiện giàu gấp khoảng 30 lần so với 20% các nước nghèo nhất. Khoảng cách thu nhập giữa các nước giàu nhất và nghèo nhất luôn không thay đổi; mặc dù các nước nghèo nhất đã giàu lên nhưng họ vẫn không thể bắt kịp với các nước thịnh vượng nhất.”

 

Các nhà khoa học nhận giải năm nay được trao huy chương và nhận 11 triệu kronor (Thụy Điển), tương đương khoảng một triệu đô la.







No comments: