Friday, October 4, 2024

LÀM SAO CÓ THỂ BẢO VỆ QUYỀN RIÊNG TƯ NGÀY NAY? (Đoàn Bảo Châu | Boxit VN)

 



Làm sao có thể bảo vệ quyền riêng tư ngày nay? (*)

Đoàn Bảo Châu

Posted on 04/10/2024 by Boxit VN

https://boxitvn.online/?p=91415

 

Video dưới đây cho thấy mức độ xâm phạm quyền riêng tư nghiêm trọng mà công nghệ có thể gây ra. Ở châu Âu, việc sử dụng các công nghệ như vậy có thể vi phạm pháp luật, nhưng tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác, có thể không có quy định kiểm soát chặt chẽ.

https://www.facebook.com/watch/?v=8324341994348368&__tn__=F

 

Chỉ cần đeo kính thông minh và đi ngang qua ai đó, người dùng có thể chụp ảnh và gửi thông tin vào điện thoại. Chỉ với một cái liếc mắt, họ có thể biết tên, địa chỉ và số điện thoại của người khác. Quyền riêng tư – một quyền cơ bản – đang bị biến thành một loại dịch vụ có thể bị thương mại hóa dưới hình thức đăng ký hàng tháng. Điều này không chỉ là một viễn cảnh bi quan mà còn là khả năng có thể xảy ra trong thế giới số hóa hiện nay.

 

Đây là vấn đề mà xã hội cần quan tâm và lên tiếng. Đây chính là điểm mà xã hội dân sự đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về những tác động tiêu cực của công nghệ đến quyền con người. Chúng ta cần đề xuất những chính sách pháp lý cần thiết để quản lý và kiểm soát công nghệ, cũng như các biện pháp giáo dục công chúng về quyền riêng tư trong thời đại kỹ thuật số.

 

Ở những quốc gia mà quyền con người không được quan tâm nhiều, chính quyền thậm chí có thể lợi dụng công nghệ này để giám sát, theo dõi và truy lùng những người bất đồng chính kiến, làm tăng thêm sự đe dọa đối với quyền tự do cá nhân.

 

Chúng ta cần kêu gọi cấm phát triển loại công nghệ này, vì đây là một hình thức xâm phạm quyền riêng tư và không gian cá nhân một cách nghiêm trọng. Khi thế giới kỹ thuật số và thực tại ngày càng gắn kết, việc duy trì sự cân bằng giữa tiến bộ công nghệ và bảo vệ quyền cá nhân càng trở nên thách thức.

 

Trước cửa nhà tôi, mấy năm qua có camera luôn chĩa vào cổng. Có một hàng xóm nào đó rất không thích điều này và đã ăn trộm mấy lần. Theo các bạn, cái camera ấy có xâm phạm quyền riêng tư của công dân không?

 

Khi người dân không hiểu về quyền của mình, quyền ấy sẽ bị xâm phạm mà họ không hề hay biết, đặc biệt là trước sự phát triển công nghệ không được kiểm soát.

 

Mấy gợi ý mà xã hội dân sự có thể làm, tiếc rằng trong mấy năm qua rất nhiều xã hội dân sự ở Việt Nam trong tình trạng ngắc ngoải: 

 

– Cần có các chương trình giáo dục về quyền riêng tư và quyền con người trong trường học và cộng đồng để nâng cao nhận thức.

 

– Thúc đẩy sự tham gia của xã hội dân sự: Khuyến khích các tổ chức phi chính phủ và nhóm cộng đồng tham gia vào việc giám sát và phản biện các chính sách công nghệ.

 

– Thúc đẩy quy định pháp luật: Hỗ trợ việc xây dựng và thực thi các quy định về quyền riêng tư, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng.

 

– Khuyến khích đối thoại: Tổ chức các buổi hội thảo và diễn đàn công cộng để thảo luận về tác động của công nghệ đến quyền riêng tư và quyền con người.

 

– Sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm: Khuyến khích mọi người sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm, bảo vệ thông tin cá nhân và quyền riêng tư của họ.

 

Đ.B.C.

 

(*) Tựa do BVN đặt 

 

Nguồn: FB Chau Doan

 

 




No comments: