Wednesday, June 26, 2024

VIỆT NAM, HOA KỲ LẦN ĐẦU TỔ CHỨC ĐỐI THOẠI KINH TẾ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN (VOA Tiếng Việt)

 



Việt Nam, Mỹ lần đầu tổ chức đối thoại kinh tế Đối tác Chiến lược Toàn diện

VOA Tiếng Việt

26/06/2024

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-my-lan-dau-to-chuc-doi-thoai-kinh-te-doi-tac-chien-luoc-toan-dien/7670057.html

 

Hôm 25/6, Hoa Kỳ và Việt Nam tổ chức cuộc đối thoại đầu tiên về kinh tế gắn với Đối tác Chiến lược Toàn diện, bao gồm bàn thảo về an ninh kinh tế, chất bán dẫn, môi trường đầu tư, kinh tế kỹ thuật số, năng lượng và các khoáng sản quan trọng, theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-4ab1-08dc5f9ea8af_w1023_r1_s.png

Ông Jose Fernandez, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách Tăng trưởng Kinh tế, Năng lượng và Môi trường.

 

Tại cuộc Đối thoại Kinh tế Đối tác Chiến lược Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam (CSPED) diễn ra ở thủ đô Washington, hai bên cũng trao đổi cách thức quản lý rủi ro an ninh trong thương mại và tài chính quốc tế, tăng cường an ninh mạng và cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông quan trọng, đồng thời hợp tác để đảm bảo rằng môi trường pháp lý của Việt Nam sẽ thu hút đầu tư chất lượng cao và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 25/6.

 

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Jose Fernandez, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách Tăng trưởng Kinh tế, Năng lượng và Môi trường, phát biểu trong phiên khai mạc rằng thương mại song phương Mỹ-Việt hiện trị giá 124 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành đối tác lớn thứ 9 của Mỹ về thương mại hàng hóa.

 

Ông nói: “Chúng tôi tin rằng mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ bền chặt chưa từng có”.

 

Phát biểu với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng, ông Fernandez chia sẻ rằng doanh nghiệp Hoa Kỳ “rất vui mừng” về thành quả của Việt Nam nhưng nói thêm:

 

“Chúng tôi phải lưu ý rằng mặc dù các nhà đầu tư đang lạc quan về Việt Nam nhưng chúng tôi muốn đảm bảo rằng họ có được môi trường pháp lý và ra quyết định mà họ cần có để tiếp tục mở rộng hoạt động ở quốc gia của quý vị”.

 

Khi công du Việt Nam hồi tháng 1/2024, ông Fernandez nói rằng 15 công ty Hoa Kỳ, bao gồm cả các công ty bán dẫn, đã bày tỏ sự quan tâm đến việc đầu tư 8 tỷ USD vào Việt Nam trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng năng lượng sạch, tùy thuộc vào tiến bộ của đất nước về các quy định về năng lượng tái tạo.

 

Theo truyền thông trong nước, trước khi đến thủ đô Washington của Mỹ, Bộ trưởng Dũng đã thăm các công ty ARM, Marvell, Google tại bang California hôm 23/6. Ông bày tỏ mong muốn các công ty này sớm có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam, hợp tác với Việt Nam trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

 

Năm ngoái, Washington và Hà Nội đã nâng cấp quan hệ song phương lên tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện.

 

Hoa Kỳ sẽ quyết định trước ngày 26/7 về việc có nâng cấp để Việt Nam hưởng quy chế nền kinh tế thị trường hay không, điều này sẽ làm giảm thuế chống bán phá giá trừng phạt đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam do quy chế hiện tại của đất nước này là nền kinh tế phi thị trường do chịu sự chi phối mạnh mẽ của nhà nước.

 

Hà Nội từng cảnh báo rằng việc duy trì quy chế nền kinh tế phi thị trường sẽ rất có hại cho quan hệ song phương Việt-Mỹ.

 

 

================================================

Việt Nam vượt Trung Quốc thành nước xuất khẩu nhiều hàng may mặc nhất sang Mỹ

VOA Tiếng Việt

26/06/2024

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-vuot-trung-quoc-xuat-khau-nhieu-hang-may-mac-nhat-sang-my/7670095.html

 

Việt Nam vượt qua nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc và trở thành nước xuất khẩu nhiều sản phẩm may mặc nhất sang Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2024, số liệu của Bộ Công Thương Việt Nam cho biết, được báo chí trong nước dẫn lại.

 

https://gdb.voanews.com/56184072-1986-468D-BF4A-BFB3BB69B0B6_w1023_r1_s.jpg

Việt Nam nằm trong số vài nước có ngành xuất khẩu hàng dệt may mạnh hàng đầu thế giới.

 

Các trang tin tức Tuổi Trẻ, CafeF và Thương Hiệu & Pháp Luật trong các ngày 23-25/6 dẫn các con số của Bộ Công Thương đưa tin rằng trong 5 tháng đầu năm vừa qua, lượng hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam đi ra thế giới đạt gần 16 tỷ đô la, tăng 5% so cùng kỳ năm trước.

 

Trong đó một phần lớn, lên đến 6 tỷ đô la, được xuất sang riêng thị trường Mỹ, tương đương mức tăng 4% so với cùng kỳ hồi năm 2023, vẫn theo Tuổi Trẻ, CafeF và Thương Hiệu & Pháp Luật.

 

Với con số nêu trên, Việt Nam giữ vị trí số 1 về thị phần hàng dệt may xuất khẩu vào Mỹ, đứng trên Trung Quốc, các bản tin của Tuổi Trẻ, CafeF và Thương Hiệu & Pháp Luật viết.

Ba trang tin trong nước dẫn lời các chuyên gia không rõ danh tính nói khi đánh giá về cơ hội và triển vọng xuất khẩu từ nay đến cuối năm rằng ngành dệt may Việt Nam đang có những ưu thế so với các quốc gia cạnh tranh.

 

Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược sản xuất thông qua cải tiến quy trình, đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, ứng dụng tự động hoá các khâu sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, công suất sản xuất, linh hoạt đáp ứng các đơn hàng nhỏ, đa dạng sản phẩm.

 

Ngoài ra, vẫn các chuyên gia nhận xét rằng doanh nghiệp cũng phải chú trọng đến việc lựa chọn các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, có khả năng tái chế phù hợp với xu hướng kinh tế tuần hoàn.

 

Theo Tuổi Trẻ, CafeF và Thương Hiệu & Pháp Luật, trên bình diện rộng hơn, Bộ Công Thương đưa ra số liệu cho thấy trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đạt 44,4 tỷ đô la, tăng 22,3%, tương ứng tăng 8,11 tỷ đô la so với cùng kỳ năm trước.

 

Đây là mức tăng mạnh nhất trong số các thị trường xuất khẩu có tăng trưởng của Việt Nam trong 5 tháng qua. Cán cân thương mại của đất nước với Mỹ duy trì xuất siêu ở mức 38,1 tỷ đô la, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2023, các bản tin cho hay.






No comments: