Thursday, June 13, 2024

VIDEO VỀ SƯ MINH TUỆ, NHẬT TỪ BỊ CHO LÀ CẮT GHÉP và VẤN ĐỀ PHÁP LÝ (RFA)

 



 

Video về sư Minh Tuệ, Nhật Từ bị cho cắt ghép và vấn đề pháp lý

RFA
2024.06.12

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/videos-about-monks-minh-tue-and-nhat-tu-were-allegedly-cut-and-edited-and-caused-legal-problems-06122024131847.html

 

Hôm 8/6/2024, Đài Truyền hình VTV của Việt Nam có phóng sự trích dẫn một phỏng vấn ngắn với sư Thích Minh Tuệ, nội dung chủ yếu cho rằng vị khất sĩ này “tự nguyện” dừng đi khất thực. Tuy nhiên dân mạng ngay sau đó đã phát hiện nhiều nghi ngờ về đoạn video này.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/videos-about-monks-minh-tue-and-nhat-tu-were-allegedly-cut-and-edited-and-caused-legal-problems-06122024131847.html/@@images/a3623b41-ac20-4977-a29e-a200d2c3671c.jpeg

Sư Thích Minh Tuệ trong video phỏng vấn của đài VTV phát hôm 9/6/2024

 VTV24

 

Vào ngày 12/6/2024, báo chí nhà nước đưa tin Thượng tọa Thích Nhật Từ, Trụ trì Chùa Giác Ngộ, cho biết sẽ nhờ các cơ quan chức năng vào cuộc đối với những thông tin về ông đang lan truyền trên mạng xã hội, mà ông cho là sai sự thật. Cụ thể, những ngày qua, mạng xã hội đăng tải một clip về việc một cô gái lên tiếng tố cáo bị nhà sư nào đó quấy rối khi đi chùa. Ông Từ cho rằng một YouTuber đã cố tình ghép hình ảnh và tên ông Thích Nhật Từ vào clip.

 

Cũng trong ngày 12/6/2024, Báo Công an Nhân dân đã đăng bài cho rằng, người nhà Sư Thích Minh Tuệ đã gửi đơn đề nghị Công an xử lý các trường hợp YouTuber lợi dụng hình ảnh, livestream của Nhà sư này.

 

Theo luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ nước Đức hôm 12/6 cho biết, người nhà sư Thích Minh Tuệ không có quyền khiếu kiện như lời Báo Công an Nhân dân:

 

“Đối với hình ảnh của Tu sĩ Thích Minh Tuệ, thì ông Thích Minh Tuệ đã trên 18 tuổi, cho nên là hình ảnh cá nhân của ông ấy. Theo luật, tất cả những người khác nếu không được ủy quyền, thì không có quyền để mà khiếu nại về hình ảnh của ông ấy, khi các YouTuber hay Facebooker sử dụng trên kên truyền thông của họ. Chỉ khi nào đích thân ông Tu sĩ Thích Minh Tuệ khiếu nại yêu cầu không được sử dụng hình ảnh cá nhân, thì mới có giá trị, chứ người nhà thì không có quyền để đưa ra yêu cầu đó.”

 

Liên quan việc này, ông Trần Anh Quân - một người trẻ hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 12/6/2024 khi trao đổi với RFA thì cho rằng:

 

“Chuyện này cho thấy gia đình ông Thích Minh Tuệ đang bị công an gây áp lực rất lớn. Trong khi ông Minh Tuệ không có ý kiến gì về vấn đề hình ảnh, và gia đình ông Minh Tuệ cũng ủng hộ việc tu tập của ông. Chuyện này cũng thường xuyên xảy ra với những người bất đồng chính kiến, gia đình của các nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam thường xuyên bị công an gây áp lực và tra tấn tinh thần như vậy. Đối với ông Minh Tuệ, việc ông không tu theo giáo hội PGVN cũng được xem là hình thức bất đồng chính kiến, ảnh hưởng tới việc kiểm soát tôn giáo và tín ngưỡng của cộng sản VN.”

 

Theo ông Quân, Đảng Cộng sản đang lo sợ việc người dân tụ tập về quanh nhà ông Minh Tuệ vô hình trung có thể dẫn tới thành lập một giáo phái mới nên họ mới dùng nhiều thủ đoạn để giải tán đám đông như vậy.

 

Một Nhà quan sát chính trị ở Việt Nam, Bác sĩ Đinh Đức Long, hôm 12/6 nhận định với RFA về trường hợp Thượng tọa Thích Nhật Từ có yêu cầu về video clip mà ông này cho là cắt ghép:

 

“Nếu như ông Thích Nhật Từ có bằng chứng thì cứ khởi kiện ra công an. Luật An ninh mạng đã có những điều khoản chi tiết về vấn đề này. Luật dân sự cũng có khoảng bảo vệ quyền từ riêng tư. Nếu đúng như ông Thích Nhật Từ nói thì chỉ việc viết đơn tố cáo là công an xác định được ngay, theo tôi nghĩ cứ làm đúng quy trình.”

 

Theo bác sĩ Đinh Đức Long, luật đã quy định tùy vi phạm mức nào, đơn giản nhất là phạt hành chính, nếu có dấu hiệu hình sự thì khởi tố vụ án, điều tra thêm mục đích phía sau. Còn thông thường phạt hành chính là hay gặp nhất, còn nếu lập đi lập lại nhiều lần thì có thể bị khởi tố hình sự. Ông Long cho biết còn tùy theo người bị xúc phạm là ai? Nếu người bị xúc phạm, bị cắt ghép mà là lãnh đạo chẳng hạn, thì có tội rất nặng, con người dân thường thì chỉ phạt hành chính. Với cách xử lý của cơ quan chức năng liên quan vi phạm này thời gian qua, liệu có đủ tính răng đe. Ông Long nói:

 

“Nó còn tùy từng trường hợp, người thường thì phạt hành chính là đã sợ. Còn những người có chủ ý rõ ràng, thì phạt hành chính khoảng 7,5 triệu rưỡi (đồng), thì đối với người có mục đích, có ý đồ chính trị, hay doanh nghiệp… thì số tiền phạt đấy không là gì.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/videos-about-monks-minh-tue-and-nhat-tu-were-allegedly-cut-and-edited-and-caused-legal-problems-06122024131847.html/5c979b06-7034-44c8-85f3-056eafeed5c3.jpg/@@images/18fadfc8-d96b-4ab3-9fd5-d3deaacabf18.jpeg

Sư Thích Minh Tuệ ngày còn được tự do tu tập (trái) và bị công an lăn tay trong ngày 03/6. Thịnh Nguyễn/PLTPHCM RFA edited.

 

Đối với tình trạng cắt ghép video như vừa nêu, cựu trung tá quân đội Vũ Minh Trí hôm 12/6 cho RFA biết ý kiến:

 

“Chuyện cắt ghép video là chuyện rất hay gặp trong cuộc sống bình thường... Nhưng cũng có người cắt ghép với mục đích tuyên truyền, nói xấu, tô hồng hoặc bôi đen những đối tượng khác… Tôi nghĩ pháp luật đã có những quy định cụ thể về việc này, cho nên ông Thích Nhật Từ nếu có đủ chứng cứ về việc bị người ta cắt ghép với dụng ý xấu, thì ông ta hoàn toàn có quyền tố cáo với cơ quan chức năng với công an.”

 

Tuy nhiên, theo ông Vũ Minh Trí, bản thân người dân khi xem những video hoặc những thứ trên mạng của cá nhân cũng như tổ chức và của cả Nhà nước… thì phải có con mắt tỉnh táo để không bị lừa mị, bị cung cấp thông tin sai lệch… để có nhìn nhận chính xác. Ông Trí nêu ví dụ:

 

“Ví dụ như gần đây trên mạng có cảnh quay có phóng viên VTV vào tận trong Gia Lai để trực tiếp phỏng vấn Tu sĩ Thích Minh Tuệ, thì ta cũng thấy rõ có sự cắt ghép… khi trong một khung hình có cây, nhưng cái khác không có cây, đó là một sự cắt ghéo rất thô thiển.”

 

Theo ông Trí, để đảm bảo tính tôn nghiêm của pháp luật, Nhà nước phải phát hiện và xử lý tất cả những tổ chức, cá nhân cắt ghép video với dụng ý xấu, để đưa thông tin sai lệch ra công chúng, ví dụ như trường hợp của phóng viên VTV phỏng vấn sư Thích Minh Tuệ.

 

Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài giải thích thêm về vấn đề này:

 

“Từ xưa đến nay, mặc dù rất nhiều người ở các vụ dân oan hay cưỡng chế đất đai, thì Nhà nước cũng đã chỉnh sửa cắt ghép video khi phỏng vấn họ rồi, chứ không phải riêng vụ của ông Thích Nhật Từ hay Tu sĩ Thích Minh Tuệ. Nhưng chưa bao giờ các đài truyền hình, các cơ quan báo chí Việt Nam xin lỗi đính chính thông tin đó. Đây là điều rất bất công đối với người dân, trong Luật báo chí đã quy định thông tin phải chính xác, chứ không thể để cho dân tiếp cận thông tin sai lệch như VTV và một số cơ quan báo chí từng đưa tin, điều này là không công bằng và đã vi phạm pháp luật.”

 

Ông Trần Anh Quân, thì cho rằng:

 

“Lực lượng an ninh mạng Việt Nam rất hùng hậu, hình giả hình ghép hay video vu khống gì thì họ cũng tìm ra được. Nhưng họ không xử lý nghiêm nên những người xấu mới có thể lợi dụng kẻ hở được. Hiện nay chuyện cắt ghép video hay hình ảnh xảy ra thường xuyên, ai cũng có thể trở thành nạn nhân. Nhưng trớ trêu nhất là thủ phạm cắt ghép đôi khi lại chính là cơ quan nhà nước và bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng sản. Thậm chí VTV là truyền hình Việt Nam mà còn thường xuyên bị phát hiện làm clip giả, cắt ghép, dàn dựng để bôi nhọ người dân.’

 

Ông Trần Anh Quân đưa ra dẫn chứng về việc chính cơ quan chức năng cũng cắt ghép video:

 

“Điển hình như những vụ biểu tình phản đối Formosa hồi 2016, phản đối luật đặc khu năm 2018. Chính các cơ quan công an và tuyên giáo đã cắt ghép video, hoặc dàn dựng những video giả để vu khống người dân nhận tiền khủng bố để đi biểu tình. Họ cũng dùng ảnh thật nhưng tuyên tuyền giả dối để người dân hiểu sai vấn đề, chụp mũ, vu khống các nhà hoạt động yêu nước. Nhà nước còn làm sai làm bậy thì sao bảo đảm được xã hội trung thực được. Cho nên nếu muốn xử thì phải xử những người làm trong cơ quan nhà nước trước để làm gương.”

 

-------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

·        Sư Thích Minh Tuệ tự nguyện hay bị ép dừng bộ hành?

·        Đoàn theo Sư Minh Tuệ còn được tự do bao lâu?

·        Vì sao báo chí Nhà nước tránh nhắc về “hiện tượng” sư Thích Minh Tuệ?

 

 

 



No comments: